Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Nhân sâm là một vị thuốc quý, có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng và hỗ trợ điều trị nhiều bệnh khác. Nhờ nhiều công dụng có ích, nhân sâm được trồng ngày càng nhiều để phục vụ nhu cầu nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng.
Tên khoa học: Panax ginseng C.A.Mey (P. schinseng Nees.)
Họ: Araliaceae (Ngũ gia bì)
Nhân sâm là cây sống lâu năm, cao khoảng 0,6 m và có phần rễ mọc thành củ to.
Lá cây là lá kép mọc thành vòng, có cuống dài, mỗi lá kép gồm nhiều lá chét mọc thành hình chân vịt. Các lá chét dạng hình trứng, mép lá có răng cưa sâu. Ở cây nhân sâm 1 năm (sau khi gieo được 2 năm), chỉ có 1 lá kép với 3 lá chét. Cây nhân sâm 2 năm có 1 lá kép và 5 lá chét, nhân sâm 3 năm mọc 2 lá kép, nhân sâm 4 năm mọc 3 lá kép. Với cây nhân sâm 5 năm trở lên sẽ có 4 – 5 lá kép, tất cả đều có 5 lá chét (trường hợp đặc biệt có thể có 6 lá chét).
Cây nhân sâm bắt đầu ra hoa, kết quả từ năm thứ 3 trở đi. Cây ra hoa vào mùa hạ, mọc theo cụm và có màu xanh nhạt. Mỗi hoa mang 5 cánh hoa, 5 nhị, bầu hạ có 2 núm. Cụm hoa hình tán mọc ở đầu cành.
Quả nhân sâm là quả mọng, hơi dẹt, cỡ hạt đậu xanh. Quả khi chín chuyển thành màu đỏ, bên trong có 2 hạt. Người ta thường bỏ hạt cây sâm năm thứ 3 do chất lượng chưa tốt. Đến khi cây được 4 – 5 năm mới để cây ra quả và thu lấy hạt tiếp tục làm giống.
Nhân sâm có 2 loại mọc hoang và được trồng. Nổi tiếng nhất là nhân sâm mọc hoang ở Trung Quốc, Triều Tiên. Sản lượng nhân sâm hằng năm tại các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm (thuộc đông bắc Trung Quốc) lên đến 750000 kg. Khai Thành (Triều Tiên) là nơi trồng nhiều nhân sâm nhất và có truyền thống lâu đời nhất với hơn 200 năm kinh nghiệm. Ngoài ra, loại dược liệu quý này còn được trồng tại nhiều nơi khác như Mỹ, Nhật Bản…
Việt Nam đã thử trồng nhân sâm bằng hạt và mầm lấy từ các nước Triều Tiên, Trung Quốc, Liên Xô cũ nhưng chưa thành công.
Ngày nay, công nghệ nuôi cấy mô phát triển tại nhiều nước, đáp ứng nhu cầu về nhân sâm ngày càng cao của người tiêu dùng.
Người ta chọn hạt giống từ những cây nhân sâm khỏe, đạt chất lượng, từ 4 – 5 năm tuổi. Hạt được thu hoạch vào tháng 8 và đem đi gieo vào khoảng cuối tháng 10 – 11. Nếu trồng bằng cây con, trồng ngay năm đầu sau khi cây con nảy mầm và trồng vào mùa thu (cuối tháng 10 – trung tuần tháng 11) hoặc tốt hơn là vào mùa xuân (đầu tháng 3 – đầu tháng 4).
Người ta tiến hành thu hoạch củ vào trung tuần tháng 9 và thượng tuần tháng 10 của năm thứ 6. Chú ý không làm rễ sâm đứt, không phơi nắng và gió để sâm không bị mất độ ẩm. Sau đó sâm được chia theo chất lượng, loại tốt để chế biến hồng sâm còn loại kém hơn dùng chế biến bạch sâm. Cách chế biến như sau:
Hồng sâm: Dùng củ sâm to, nặng ít nhất 37 g, rửa sạch đất bằng bàn chải nhỏ dưới vòi nước, giữ nguyên rễ (kể cả rễ nhỏ). Đem hấp ở áp suất 2 atm, nhiệt độ 80 – 90°C trong 80 – 90 phút. Sấy khô ở 60 – 70°C trong 6 – 7 giờ (hoặc ở 50 – 60°C trong 8 – 10 giờ). Sau đó, bứt bằng tay các rễ con (gọi là tu sâm) ra để riêng, sửa củ sâm cho giống hình người rồi phơi nắng 7 – 15 ngày tùy kích thước củ sâm. Hồng sâm được chia thành 2 cấp là cấp trời (màu và hình dáng đẹp) và cấp đất, đóng thành gói 600 g. Loại tốt nhất 15 củ/600 g, loại kém nhất 60 củ/600 g.
Bạch sâm: Cắt bỏ rễ con, cạo sạch vỏ bằng dao tre, sửa củ thành hình người rồi phơi khô dưới nắng khoảng 7 – 15 ngày, đóng gói như hồng sâm.
Thân rễ và rễ (thường gọi là củ).
Theo nhiều nghiên cứu, nhân sâm có chứa nhiều hoạt chất:
Saponin sterolic, hỗn hợp saponin có tên panaxozit (còn gọi là panaquilon hay panakilon).
Hỗn hợp glycoside panaxin gọi là gensenin.
Tinh dầu 0,055 – 0,25% chứa chủ yếu là panaxen (C15H24), khiến nhân sâm có mùi đặc trưng.
Vitamin B1, B2, các men diastase.
3 – 7% tro trong đó acid phosphoric chiếm 53%.
1,5% nhựa và acid béo hỗn hợp (acid palmitic, stearic, linoleic).
0,029% phytosterin, 4% đường, 16 – 23% pectin, 20% tinh bột.
Hàm lượng germanium cao.
Nhân sâm có vị ngọt, tính ôn, hơi đắng, quy vào 2 kinh phế và tỳ. Theo nhiều tài liệu, nhân sâm mang tác dụng đại bổ nguyên khí (bổ 5 tạng tâm, can, tỳ, phế, thận), ích huyết sinh tân, định thần, ích trí, sáng mắt, tăng tuổi thọ. Do đó, nhân sâm được dùng trong các trường hợp ho, suyễn, tiêu chảy, nôn mửa, bệnh lâu ngày dẫn đến khí hư, sợ hãi, tiêu khát…
Theo nhiều nghiên cứu từ xưa đến nay, nhân sâm có các tác dụng:
Trên hệ thần kinh: Tăng cường quá trình hưng phấn của vỏ não, làm giảm mệt mỏi, tăng hiệu suất công việc, tăng cường thể lực và trí lực, cải thiện giấc ngủ. Liều quá cao nhân sâm có thể gây trấn tĩnh.
Trên huyết áp và tim mạch: Có 2 hướng tác động của nhân sâm trên thần kinh thực vật. Ở liều thấp gây tác động như thần kinh giao cảm (tăng cường độ và số lần co bóp tim), liều cao gây tác dụng như thần kinh phế vị (hạ huyết áp, ức chế tim mạnh).
Trên hô hấp: Khi tiêm tĩnh mạch ở thỏ và mèo, liều nhỏ nhân sâm làm tăng hô hấp, liều cao gây tác dụng ngược lại.
Chuyển hóa: Nhân sâm có tác dụng hạ đường huyết, có thể dùng phối hợp với insulin ở bệnh nhân đái tháo đường.
Trên sự sinh trưởng và phát dục: In vivo, nhân sâm giúp tăng trọng lượng cơ thể động vật thử nghiệm và kéo dài thời gian giao phối.
Ngoài ra, thực nghiệm cho thấy nhân sâm giúp tăng sức đề kháng ở động vật.
Dùng 2 – 6 g/ngày như sau:
Thái mỏng miếng sâm, ngậm từ từ trong miệng, không nhả bã.
Thái mỏng miếng sâm, cho vào ấm hoặc chén sứ với một ít nước. Đậy nắp, đun cách thủy rồi uống. Tiếp tục thêm nước và đun cách thủy uống đến khi hết mùi vị.
Dùng dạng thuốc sắc 5 – 10%, 15 – 30 ml/lần x 3 lần/ngày hoặc dạng cồn nhân sâm liều 15 giọt/lần x 3 lần/ngày.
Độc sâm thang (dùng khi suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể do mất máu)
Sắc 40 g nhân sâm với 400 ml nước đến khi còn 200 ml. Uống từ từ từng chút và nằm yên nghỉ ngơi sau khi uống.
Sâm phụ thang (dùng khi lạnh chân tay, đổ mồ hôi, suy mạch)
Sắc các dược liệu theo liều lượng sau với 600 ml, sắc đến khi còn 200 ml, uống nhiều lần trong ngày: 40 g nhân sâm (hoặc 20 g), 20 g chế phụ tử (hoặc 10 g), 3 nhát sinh khương, 3 quả táo đen.
Chữa tỳ vị khí hư, da tái nhợt, đau mỏi chân tay, chán ăn, buồn nôn, nôn
Tán thành bột các dược liệu theo liều lượng sau: 10g nhân sâm, 9 g phục linh, 9 g bạch truật, 6 g cam thảo trích. Sắc 6 g bột với 200ml nước đến khi còn 150 ml rồi uống.
Chữa đái tháo đường:
Nghiền nhân sâm và rễ qua lâu (liều lượng bằng nhau) thành bột mịn rồi đem luyện với mật ong. Sau đó vo thành các viên hoàn cỡ hạt đậu, mỗi lần uống 20 viên với thang thuốc “Mạch môn đông”.
Chữa ợ chua, nôn, đau bụng, biếng ăn ở phụ nữ có thai
Nghiền nhân sâm (bỏ cuống) và can khương (liều lượng bằng nhau) thành bột. Sau đó dùng nước ép sinh địa tươi để nhào bột, vo thành viên hoàn cỡ hạt đậu. Uống 30 – 50 viên/lần với nước cháo trước bữa ăn.
Sâm tô ẩm (chữa cảm lạnh, sốt rét, đau đầu, nghẹt mũi, ho có đờm)
Tán nhỏ và trộn đều các dược liệu theo liều lượng sau: Nhân sâm, tô diệp, bán hạ, phục linh, cát căn, tiền hồ mỗi vị 22,5 g; trần bì, cát cánh, chỉ xác, cam thảo, mộc hương mỗi vị 15 g. Sắc uống 12 g hỗn hợp trên với 7 lát gừng, 1 quả táo và 150 ml nước. Uống ngay khi còn nóng.
Giúp định tâm, an thần, giảm sợ hãi, hoảng hốt, dễ nổi nóng
Nghiền thành bột theo liều lượng sau: 90 g nhân sâm, 90 g bạch phục linh, 60 g viên chí (bỏ tâm), 60 g xương bổ. Đem luyện với mật ong và vo thành viên hoàn cỡ hạt đậu, bao ngoài bằng chu sa. Dùng 7 viên/lần x 3 lần/ngày, ăn với cơm nóng rồi nằm nghỉ.
Không sử dụng cho người bệnh có thực tà.
Không dùng chung nhân sâm với lê lô, tạo giác, đậu đen.
Không dùng dụng cụ bằng sắt chế biến nhân sâm.
Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi)
https://tracuuduoclieu.vn/nhan-sam.html
https://thuocdantoc.vn/duoc-lieu/nhan-sam