Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cây ô rô (đại kế): Vị thuốc cổ truyền có nhiều công dụng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cây ô rô thuộc họ Cúc Asteraceae và là một loại dược liệu lâu năm được tìm thấy ở nhiều nơi như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong Y học cổ truyền, cây ô rô được sử dụng rộng rãi là có tác dụng cầm máu. Trong nghiên cứu Y học hiện đại, chúng đã được chứng minh là có tác dụng bảo vệ gan, chống ung thư, chống đái tháo đường và chống oxy hóa,…

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cây ô rô.

Tên khác: Ô rô cạn, đại kế, thiết thích ngãi, thích kế, dã thích thái, hổ kế, thích khải tử, mã kế, sơn ngưu bàng, dã hồng hoa, hê hạng thảo, Chardon (Pháp), Thistle (Anh).

Tên khoa học: Cirsium, japonicum DC., Circus japonicus. (DC.) Maxim (Cnicus japonicum DC.). Thuộc họ Cúc Asteraceae.

Cây ô rô (đại kế): Vị thuốc cổ truyền có nhiều công dụng 1.png
Cây ô rô

Đặc điểm tự nhiên

Cây ô rô thuộc loại cây thảo nhỏ, sống lâu năm, cao 50 - 80cm. Rễ phân nhánh. Thân thẳng, màu lục, có rãnh dọc và nhiều lông. Lá mọc so le, hình mác không cuống, gốc ôm sát thân, mép uốn lượn, có răng cưa dạng gai sắc. Lá gốc và lá ở giữa thân chia thuỳ không đều, dài 20 - 40cm, rộng 5 - 10cm, lá ở ngọn và cành có hoa ít chia thuỳ hơn, mặt trên nhẵn, mặt dưới nhạt.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá và đầu cành thành đầu to. Lá bắc có lông, xếp thành 5 - 7 hàng, không đều, lá phía ngoài ngắn và sắc, lá phía trong mềm và gập xuống. Hoa rất nhiều, hoa lưỡng tính, màu tím đỏ, tràng có ống loe ra 5 cánh, 5 nhị có tai ở gốc, chỉ nhị có lông, bầu nhẵn.

Quả bế thuôn, hơi dẹt, nhẵn, dài 4mm, có 5 cạnh mở.

Cây ô rô (đại kế): Vị thuốc cổ truyền có nhiều công dụng 2.png
Hoa và lá của cây ô rô

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Cirsium Mill. là một chi lớn với tổng số khoảng 380 loài, phân bố ở vùng ôn đới và một số ít loài ở vùng cận nhiệt đới Bắc bán cầu. Ở Việt Nam, chi này có 4 loài, trong đó loài cây ô rô được coi là cây có vùng phân bố hạn chế nhất, thường chỉ thấy ở vùng núi cao trên 1500m như: Sa Pa (Lào Cai), Sìn Hồ (Lai Châu), Đồng Vân, Mèo Vạc, Quản Bạ (Hà Giang) và Mù Cang Chải (Yên Bái). Trên Thế Giới, cây ô rô có ở Trung Quốc, Nhật Bản và vùng Viễn Đông Nga.

Đại kế là cây ưa sáng, khi còn nhỏ hơi chịu bóng râm, thường mọc ở ven rừng, trên bãi cỏ, nương rẫy cũ của vùng núi đá vôi. Cây có thể chịu được hạn, nhờ hệ thống rễ chùm mọng nước (gọi là củ) cắm sâu xuống đất. Trong trường hợp bị đốt (đốt nương), phần dưới mặt đất vẫn còn khả năng tái sinh. Cây mọc từ hạt, xuất hiện vào tháng 4 - 5, đến cuối mùa thu ra hoa quả. Quả cây ô rô có tám ông, phát tán nhờ gió. Ở Việt Nam, cây ô rô thuộc loại cây thuốc quý hiếm, rất ít gặp trong tự nhiên.

Thu hái

Mùa hạ và mùa thu, đang lúc hoa nở thì hái toàn cây, phơi khô mà dùng. Hái vào mùa thu người ta cho là tốt hơn. Nếu dùng rễ, nên hái vào mùa thu, rễ sẽ to hơn.

Chế biến

  • Đại kế cắt đoạn: Đem bộ phận trên mặt đất cắt đoạn dài 3 - 5cm. Phơi khô.
  • Đại kế phiến: Rễ cây ô rỗ rửa sạch, ủ mềm. Thái phiến dầy 1 - 3mm, dài 5cm. Phơi khô.
  • Đại kế sao: Dùng lửa nhỏ, sao vị thuốc đến khi có màu vàng, có mùi thơm hoặc hơi vàng cháy.
  • Đại kế thán: Dùng nhiệt độ sao ở 220 độ C, đảo đều tay tới khi bề mặt phiến bị đen hoặc cháy đen (có mùi cháy) vẩy ít nước vào, đổ ra. Phơi âm can.
  • Đại kế chế giấm: Dùng 10kg đại kế, 3kg giấm. Đem giấm trộn đều với đại kế phiến, ủ đến hết mùi giấm. Sao tới lúc hơi cháy; hoặc sao đại kế phiến tới nóng già thì vẩy giấm vào, đảo đều tay, sao khô và cuối cùng là sao tới hơi cháy đen.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng được của cây ô rô là rễ và cả cây đã chế biến (có khi dùng tươi).

Thành phần hoá học

Toàn cây ô rô chứa tinh dầu. Lá có pectolinarin aplataxen. Trong loài Cirsium japonicum var ussuriense có flavonglucosid (hispidulin - 7 - alpha rhamnopyranosyl (1 - 2) - beta - D glucopyranosid. Phần trên mặt đất của cây chứa hai loại flavon glucosid là linarin và cirsimarin; các flavonoid: Hispidulin - 7 - neohesperidosid, circimaritin 4’ glucosid và acacetin 7 - rutinosid; các sterol: Acetat taraxasterol, acetat beta amyrin, dotriacontanol, stigmasterol và allantoin A, B, C và một số polyacetylen khác được chiết tách từ rễ cây.

Ngoài ra, cây ô rô còn chứa pectolinarin và 5,7-dihydroxy-6,4'-dimethoxyflavone là hai loại flavon có nhiều ứng dụng trong y học hiện nay.

Cây ô rô (đại kế): Vị thuốc cổ truyền có nhiều công dụng 3.png
Cây ô rô có nhiều thành phần hoá học được ứng dụng trong y học

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, cây ô rô có vị ngọt, đắng, tính mát, vào kinh Tâm và Can, có tác dụng lương huyết, cầm máu, tán ứ, tiêu sưng tấy.

Cây ô rô được dùng chữa các dạng xuất huyết, chảy máu cam, ho ra máu, lao, nôn ra máu, đái ra máu, xuất huyết tử cung, băng lậu. Còn chữa viêm gan, viêm vú, thông sữa, viêm phù chân, ung thũng, cao huyết áp.

Theo y học hiện đại

Bảo vệ gan

Năm 2016, Qin Ma và cộng sự đã nghiên cứu tác dụng bảo vệ của flavonoid từ cây ô rô chống lại tổn thương gan bằng cách sử dụng carbon tetrachloride (CCl4) gây tổn thương tế bào gan, với silymarin làm đối chứng dương. Silymarin là hỗn hợp các flavonoid từ Silybum marianum. Kết quả chỉ ra rằng flavonoid từ cây ô rô có thể đảo ngược đáng kể sự suy giảm khả năng sống sót của tế bào L02 do CCl4 gây ra tương tự như silymarin. Phân tích flavonoid của cây ô rô và silymarin cho thấy hai hỗn hợp này có thể chứa một thành phần chung, có thể là thành phần hoạt chất chính chịu trách nhiệm về tác dụng bảo vệ gan của chúng.

Cây ô rô (đại kế): Vị thuốc cổ truyền có nhiều công dụng 4.png
Cây ô rô có tác dụng bảo vệ gan

Chống ung thư

Cây ô rô được tách và tinh chế bằng một số kỹ thuật sắc ký và hai hợp chất flavon là pectolinarin và 5,7-dihydroxy-6,4′-dimethoxyflavone, được cô lập. Hàm lượng của hai hợp chất này trong dịch chiết metanol, etanol và dịch chiết nước lần lượt được xác định bằng HPLC như sau: Pectolinarin 1,87%, 1,65%, 1,27%; 5,7-dihydroxy-6,4′-dimethoxyflavone: 0,515%, 0,42%, 0,221%. Hơn nữa, tác dụng của hai flavon đối với hoạt động chống ung thư ở chuột S180 và H22 đã được nghiên cứu. Nghiên cứu của Sujun Liu và cộng sự (2007) cho thấy hai flavon này ức chế đáng kể sự phát triển của tế bào ung thư. Tỷ lệ ức chế ở chuột S180 là 55,77% với liều 50 mg/kg-1 và tỷ lệ kéo dài sự sống là 99,13% với liều 50 mg/kg-1 ở chuột H22.

Chống đái tháo đường

Zhiyong Liao và cộng sự (2010) phân lập hai flavon từ cây ô rô là pectolinarin và 5,7-dihydroxy-6,4'-dimethoxyflavone, và nghiên cứu tác dụng điều trị đái tháo đường của chúng ở chuột mắc bệnh đái tháo đường (được tạo ra bằng cách tiêm tĩnh mạch streptozotocin, sau đó cho ăn chế độ ăn nhiều carbohydrate/nhiều chất béo. Cả pectolinarin và 5,7-dihydroxy-6,4'-dimethoxyflavone đều cho thấy tác dụng trị đái tháo đường ở chuột mắc bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, hỗn hợp pectolinarin và 5,7-dihydroxy-6,4'-dimethoxyflavone, có hiệu quả hơn pectolinarin và 5,7-dihydroxy-6,4'-dimethoxyflavone đơn lẻ trong việc cải thiện nồng độ glucose, cholesterol và chất béo trung tính trong huyết tương ở mô hình chuột bệnh đái tháo đường. 

Hoạt động thay đổi của các enzyme liên quan đến chuyển hóa glucose ở chuột mắc bệnh đái tháo đường đã được đảo ngược hoàn toàn sau khi điều trị bằng flavon. Nồng độ adiponectin trong huyết tương tăng lên đáng kể ở chuột mắc bệnh đái tháo đường được điều trị bằng hỗn hợp pectolinarin và 5,7-dihydroxy-6,4'-dimethoxyflavone, trong khi không thấy tác dụng rõ ràng của flavon đối với mức độ insulin trong huyết tương bị điều hòa và biểu hiện của leptin và GLUT4. Flavon trong cây ô rô cải thiện biểu hiện adiponectin, kèm theo việc khôi phục các hoạt động bị điều hòa của các enzyme liên quan đến chuyển hóa glucose, cuối cùng dẫn đến cải thiện tốt cân bằng nội môi glucose và lipid.

Cây ô rô (đại kế): Vị thuốc cổ truyền có nhiều công dụng 5.png
Cây ô rô có tác dụng chống bệnh đái tháo đường

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng hằng ngày: Cây và rễ khô 40 - 60g, cây tươi 100 đến 180g. Có thể dùng 6 - 12g loại cây khô sắc uống cùng với các vị thuốc khác.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa lao, ho ra máu

Đại kế, tiểu kế, lá sen, trắc bá, rễ cỏ tranh, chi tử, đại hoàng, mẫu đơn bì, lượng bằng nhau, sao, nghiền thành bột, mỗi lần 10 - 15g, uống với dịch ép ngó sen hoặc cà rốt sau bữa ăn.

Cây ô rô (đại kế): Vị thuốc cổ truyền có nhiều công dụng 6.png
Cây ô rô giúp chữa ho ra máu theo Y học cổ truyền

Chữa ho ra máu, miệng khô

Lá hoặc rễ cây đại kế tươi, rửa sạch đất cát, giã nát, ép lấy nước uống, mỗi lần 30 - 50ml.

Chữa thổ huyết, chảy máu cam, đái ra máu

Đại kế, lá sen, trắc bá sao, thiên thảo, dành dành sao giòn, rễ cỏ tranh, mỗi vị 20g, sắc uống. Riêng chảy máu cam có thể dùng rễ đại kế 60g giã nhỏ, ép lấy nước uống với rượu hoặc rễ khô, tán bột, mỗi lần uống 10g với nước. Còn đái ra máu có thể dùng rễ đại kế tươi 60 - 90g, sắc trong 1 giờ, uống trước bữa ăn, ngày 3 lần.

Chữa băng huyết, kinh nguyệt quá nhiều

Đại kế 20g, bồ hoàng 8g, đại táo 10 quả. Sắc chia 3 lần uống trong ngày.

Hoặc đại kế, tiểu kế, bồ hoàng mỗi vị 10g, hạt trinh nữ, cỏ nhọ nồi mỗi vị 12g. Sắc uống.

Chữa ung thư gan, tràn dịch cổ trướng

Đại kế và hàm ếch mỗi vị 80 - 100g, sắc uống.

Chữa mụn nhọt, lở ngứa, vết thương đụng giập, sưng đau, viêm gan, viêm thận

Đại kế, kim ngân hoa, mộc thông, ngưu thất, sinh địa, mỗi vị 20g, sắc uống. Nếu là viêm gan thì thay đại kế thành tiểu kế. Trong trường hợp mụn nhọt, lở ngứa và vết thương, có thể lấy cây đại kế tươi, giã nát, vắt lấy nước uống và bôi ngoài.

Cây ô rô (đại kế): Vị thuốc cổ truyền có nhiều công dụng 7.png
Cây ô rô giúp chữa mụn nhọt, lở ngứa theo Y học cổ truyền

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cây ô rô:

  • Người thể hư hàn, không có ứ trên không uống vị thuốc này.
  • Cây tiểu kế (Cnicus segetum (Bunge) Maxim, cùng họ Cúc) có tính vị, công dụng như cây ô rô nhưng hiệu lực yếu hơn.
  • Trước khi sử dụng bất kỳ bài thuốc nào để chữa bệnh, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Y học cổ truyền để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
  • Bảo quản vị thuốc nơi khô ráo, thoáng mát.
Nguồn tham khảo
  1. Ma Q, Wang L-H, Jiang J-G. Hepatoprotective effect of flavonoids from Cirsium japonicum DC on hepatotoxicity in comparison with silymarin. Food & Function. 2016;7(5):2179-2184. doi:10.1039/C6FO00068A.
  2. Liu S, Zhang J, Li D, et al. Anticancer activity and quantitative analysis of flavone of Cirsium japonicum DC. Natural Product Research. 2007;21(10):915-922. doi:10.1080/14786410701494686.
  3. Liao Z, Chen X, Wu M. Antidiabetic effect of flavones from Cirsium japonicum DC in diabetic rats. Arch Pharm Res. 2010;33(3):353-62. doi:10.1007/s12272-010-0302-6.
  4. Đỗ Huy Bích; Đặng Quang Chung. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập I. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật. Hà Nội; 2006.
  5. Đỗ Tất Lợi. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Hà Nội; 2006.

Các sản phẩm có thành phần Ô Rô

  1. Hoàn cứng Tiêu Phong Nhuận Gan Ngọc Liên giúp thanh nhiệt, mát gan (10 gói x 4g)