Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sa nhân: Thảo dược tốt cho hệ tiêu hóa

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sa nhân (tím) có vị cay, tính ấm, tác dụng hành khí, tiêu thực, hành khí, tán phong hàn. Dược liệu này thường được sử dụng để chữa các bệnh về đường ruột, đau nhức răng và có tác dụng tốt với bệnh phong thấp,…

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Sa nhân.

Tên khác: Sa nhân tím, Mé tré bà, Co nẻnh (Thái), Mác nẻng (Tày); Sa ngần (Dao), Pa đoóc (K'Dong), La vê (Ba Na).

Tên khoa học: Amomum longiligulare T.L. Wu, thuộc họ Gừng Zingiberaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Sa nhân thuộc loài cây thảo, sống lâu năm, thường cao khoảng 1,5 – 2,5m. Thân rễ mảnh, mọc bò lan trên mặt đất. Lá dài 23 – 30cm, rộng 5 - 6cm, mọc so le thành hai dãy, phiến thon, hình mác, gốc hình nêm, đầu nhọn, mép nguyên, hai mặt nhẵn, không có lông, mặt trên bóng. Lưỡi bẹ dài 1,5 - 4,0cm, đầu nhọn, mỏng và không có lông (đây là đặc điểm quan trọng nhất để phân biệt với các loài Sa nhân khác, chỉ có lưỡi bẹ ngắn dưới 1cm).

Cụm hoa mọc từ gốc hay thân rễ, hoa ít, mỗi cây có từ 5 – 7 hoa màu trắng; mỗi hoa có 2 lá bắc nhỏ, lá bắc ngoài hình bầu dục, màu nâu, lá bắc trong dạng ống; đài dài 1,5cm, có 3 răng nhọn; tràng hình ống dài 1,3 – 1,5cm, chia 3 thùy, mặt ngoài có lông thưa.

Quả nang hình trứng hoặc gần hình cầu, đường kính 1,3 - 2cm, có gai nhỏ, chia 3 ô, quả màu tím nâu hay tím hồng, gần chín chuyển sang màu tím đen; hạt có áo, hình đa diện, đường kính 3 - 4 mm, màu nâu đen. 

Về hình thái thực vật của cây Sa nhân tím, nhìn bên ngoài tương đối giống với một số loài Sa nhân khác như Sa nhân thân cao (A. ovoideum), Sa nhân đỏ (A. villosum) và Sa nhân tía (A. xanthioides). Tuy nhiên, có 2 đặc điểm khác biệt chủ yếu để phân biệt với các loài cây khác là Sa nhân tím (A. longiligulare) có lưỡi bẹ nhọn, dài 1,5 – 4,0cm và mào của trung đới có 3 thùy tròn, trong khi đó lưỡi bẹ của các loài kia đầu tròn, dài dưới 1 cm và mào của trung đới chỉ xẻ hai thùy tròn.

Cây Sa nhân
Cây Sa nhân

Phân bố, thu hái, chế biến

Sa nhân tím phân bố từ đảo Hải Nam (Trung Quốc), đến vùng Trung Lào và Việt Nam. Lào, Thái Lan và Trung Quốc là 3 nước đang đi đầu trong việc trồng Sa nhân bán tự nhiên. 

Ở Việt Nam, Sa nhân tím phân bố tập trung nhất ở các tỉnh Tây Nguyên, chủ yếu tập trung nhiều ở huyện M’Đrắc (Đắc Lắk); An Khẽ và K’Bang (Gia Lai); ngoài ra, cây còn có ở Ba Tơ (Quảng Ngãi), Vĩnh Thạnh (Bình Định); Sông Hinh (Phú Yên). 

Dược liệu Sa nhân ở Việt Nam, từ trước cho tới nay, chủ yếu được khai thác từ các loài Sa nhân mọc tự nhiên. Ngoài việc cung cấp cho nhu cầu sử dụng làm thuốc ở trong nước, hàng năm, Sa nhân của Việt Nam vẫn được xuất khẩu, với giá trị kinh tế cao.

Mùa hoa quả: Mỗi năm có hai vụ, là vụ hè-thu: Hoa từ cuối tháng 4 - 6, quả già tháng 7 - 8, vụ này có nhiều hoa quả, nên còn gọi là vụ chính; còn lại là vụ thu - đông có ít hoa quả hơn nên gọi là vụ phụ, hoa tháng 7 - 8, quả già tháng 9 - 10.

Thời điểm thu hái tốt nhất là khi vỏ quả có màu tím đen nhưng còn rắn. Lúc này, hạt đã tách ra, màu vàng có chấm đen hoặc nâu, vị chua, cay nồng. Loại này được gọi là “Sa nhân hạt cau”. Nếu thu hoạch muộn, hạt dễ bị xốp và vị cay nồng đặc trưng sẽ biến mất. Loại này chứa ít tinh dầu, dễ bị mốc, mọt, khó bảo quản, có tên là “Sa nhân đường”. Nếu thu hoạch sớm, lúc quả còn non sẽ có hạt màu trắng hay hơi vàng, ít cay, không chua và đặc biệt là chất lượng kém.

Sơ chế sau thu hoạch: 

  • Loại bỏ tạp chất và làm sạch: Quả thu được đem về cần tiến hành ngay việc loại bỏ tạp chất, nhặt bỏ rác, lá mục bị lẫn vào khi thu hái, do mọc sát mặt đất nên nếu thấy bẩn phải đem rửa, loại bỏ hết đất cát. Bóc bỏ các lá vảy, lá bắc còn tồn tại trên chùm quả. 

  • Sau khi loại hết tạp chất và làm sạch, ngắt rời từng quả, bỏ cuống trước khi đem phơi sấy. Ngoài ra, có thể không cần ngắt rời quả mà vẫn để nguyên từng chùm, nhằm tạo thông thoáng khi phơi sấy. Đến khi gần khô mới tách quả ra, sau đó tiếp tục phơi sấy cho đến khô thật.

  • Phơi sấy: Sau khi đã loại bỏ hết tạp chất và làm sạch, quả Sa nhân tím phải được phơi hay sấy khô ngay, phơi nắng (nắng to) 4 - 5 ngày liên tục là khô kiệt, nếu sấy liên tục thì chỉ cần tối đa 2 ngày và 2 đêm.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng của Sa nhân là Quả.

Quả Sa nhân
Quả Sa nhân

Thành phần hoá học

Quả Sa nhân chứa tinh dầu - là những thành phần hóa học chủ yếu tạo nên công dụng chữa bệnh của Sa nhân, thành phần tinh dầu bao gồm camphor, bornyl acetat, α-pinen, β-pinen, myrcen, Iimonen, borneol,... Theo qui định trong Dược Điển Việt Nam (2009), dược liệu Sa nhân tím được coi là đạt tiêu chuẩn sử dụng phải có hàm lượng tinh dầu trong hạt trên 1,5% so với trọng lượng khô tuyệt đối.

Ngoài ra, cũng đã chiết xuất được từ quả Sa nhân tím 3 hợp chất sesquiterpen nootkaton, 6α-hydroxy-7-epi-α-cyperon, 7-epi-α-cyperon và 2 hợp chất steroid là sitostenon và 6β-hydroxystigmast-4-en-3-on.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo y học cổ truyền, quả Sa nhân tím có vị cay, tính ấm, mùi thơm. Quy kinh vào Tỳ, Vị, Thận. Tác dụng ôn trung, hành khí, chỉ thống, khai vị tiêu thực, an thai, được dùng để chữa các bệnh về đường ruột, đau nhức răng và có tác dụng tốt với bệnh phong thấp.

Ngoài ra, tinh dầu Sa nhân tím còn có tác dụng kháng khuẩn tương tự như Sa nhân trắng.

Theo y học hiện đại

Sa nhân có tác dụng chữa tiêu chảy hay ăn uống khó tiêu rất hiệu quả, còn có tác dụng kháng khuẩn giúp chống lại vi sinh vật có hại trong đường ruột.

Ngoài ra, còn có tác dụng ngăn ngừa các triệu chứng nôn khan, đầy hơi, ợ chưa,…

Liều dùng & cách dùng

Quả Sa nhân tím được dùng trong điều trị bụng trướng đau, đầy bụng, ăn không tiêu, lỵ và nôn mửa. 

Liều dùng 1 - 3g/ngày, cũng có thể dùng đến 4 - 6g/ngày. 

Trong dân gian, người ta còn dùng Sa nhân tím làm gia vị và chế rượu mùi.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa có thai bị lạnh bụng, đầy hơi, tiểu tiện không thông

Sa nhân tím và Hương phụ với liều lượng bằng nhau, đem phơi khô, tán bột. 

Cách dùng: Uống 3 - 4g x 3 lần/ngày. 

Hoặc theo Nam dược thần hiệu: Mỗi vị 8g sắc, chia làm nhiều lần uống trong ngày.

Chữa tiêu chảy

Sa nhân tím, Thần khúc, Trần bì, Thanh bì, Mạch nha, vỏ cây Vối, vỏ Rụt, mỗi vị liều lượng 2g. Tất cả đem tán thành bột mịn, có thể làm thành viên. 

Cách dùng: Mỗi lần uống 4g x 2 lần/ngày, với nước sắc tía tô (Hải Thượng Lãn Ông).

Chữa ăn không tiêu, nôn mửa, đau bụng, trẻ em cam tích

Sa nhân tím 4g, Bạch truật 4g, Mộc hương 6g, Chỉ thực 6g, đem tán thành bột, rây mịn. Dùng nước sắc Bạc hà nấu với gạo thành hồ rồi trộn với khối bột dược liệu trên thành viên 0,25g. 

Cách dùng: Mỗi lần uống 2 - 3 viên x 2 - 3 lần/ngày (Hương sa chỉ truật hoàn).

Chữa đau nhức răng

Hạt Sa nhân tím đem phơi khô rồi giã thành bột, chấm vào chỗ răng đau, hoặc ngâm rượu cho đặc rồi ngậm.

Chữa tê thấp

Thân rễ Sa nhân tím 10g, chặt nhỏ, ngâm với 100ml rượu trong khoảng 15 ngày, hằng ngày đem xoa bóp lên vùng cần trị liệu. Hoặc có thể phối hợp với lá Hồng bì dại (Dâm hôi), nấu kỹ với nước, dùng ngâm chân lúc nước còn ấm.

sa nhan 4
Hạt Sa nhân chữa đau nhức răng

Lưu ý

Người âm hư nội nhiệt không nên sử dụng loại dược liệu này.

Cần thận trọng khi lựa chọn Sa nhân tím vì có rất nhiều loại thực vật có tên gọi và hình dáng tương tự.

Nguồn tham khảo

Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/sa-nhan-tim.html  

Tuyển tập 3033 Cây thuốc Đông y – Tuệ Tĩnh

https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/

NGHIÊN CỨU KỸ THUẬT TRỒNG SA NHÂN TÍM (AMOMUM LONGILIGULARE T. L. Wu) TRÊN ĐẤT SAU NƯƠNG RẪY THUỘC VÙNG ĐỆM VƯỜN QUỐC GIA TAM ĐẢO, TẠI MỘT SỐ XÃ Ở HUYỆN ĐẠI TỪ, TỈNH THÁI NGUYÊN: http://ast.apmb.gov.vn/Upload/Download/Baocaotongketdetai/40.%20Nguy%E1%BB%85n%20V%C4%83n%20T%E1%BA%ADp.pdf 

Các hợp chất sesquiterpen và steroid từ quả cây Sa nhân tím (Tạp chí Dược liệu, tập 25, số 2/2020): http://vienduoclieu.org.vn/an-pham1/Cac_hop_chat_sesquiterpen_va_steroid_tu_qua_cay_sa_nhan_tim_Tap_chi_Duoc_lieu_tap_25_so_22020_6914