Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Silver (Bạc): Khoáng chất có khả năng kháng khuẩn cao

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Silver (Bạc)

Loại thuốc

Kháng khuẩn dùng tại chỗ.

Dạng thuốc và hàm lượng

Băng gạc: 0,25 - 0,35 mg/cm2.

Chỉ định

Điều trị các vết thương rỉ dịch như vết loét ở chân và bàn chân, vết loét do tỳ đè, vết thương do chấn thương và phẫu thuật, vết bỏng.

Điều trị mụn trứng cá.

Điều trị sâu răng.

Dược lực học

Phần lớn các ion bạc được giải phóng từ dạng bào chế sẽ kết tủa với các anion chloride hoặc phosphat, hoặc liên kết với các albumin, macroglobulin. Mặc dù các ion bạc đã liên kết không có tác dụng kháng khuẩn, nhưng chúng có thể đóng một vai trò nào đó trong độc tính của bạc khi phơi nhiễm mãn tính. 

Các ion bạc làm trung gian cho tác dụng kháng khuẩn thông qua cơ chế phá vỡ màng tế bào vi khuẩn, nấm và động vật nguyên sinh; chúng liên kết với disulfide trong protein màng, dễ dàng cho phép thâm nhập qua màng và hấp thụ vào nội bào thông qua quá trình pinocytosis (ẩm bào). Chúng cũng có thể liên kết với peptidoglycan tích điện âm trong thành tế bào thông qua tương tác tĩnh điện, dẫn đến gián đoạn chức năng vận chuyển qua màng và mất tính toàn vẹn cấu trúc.

Ngoài ra, các ion bạc còn liên kết và oxy hóa các nhóm sulfhydryl (SH) trong các enzym tế bào chất của vi khuẩn để làm sai lệch chức năng trong các quá trình trao đổi chất. Các hạt nano bạc có thể gây ra sự gia tăng các loại phản ứng oxy hóa (ROS) bên trong tế bào vi sinh vật, dẫn đến stress oxy hóa do kim loại gây ra và tổn thương tế bào. Chúng cũng điều chỉnh hệ thống tín hiệu tế bào thông qua việc ức chế quá trình phosphoryl hóa các protein vi khuẩn cần thiết để cuối cùng gây chết tế bào. 

Một số nghiên cứu báo cáo rằng các ion bạc cũng gắn vào guanin trong DNA của vi khuẩn và ức chế sự sao chép DNA. Mặc dù chưa được hiểu đầy đủ, nhưng phương thức hoạt động của các hợp chất bạc trong việc ngăn ngừa và kìm hãm sâu răng được cho là liên quan đến tác động lên màng tế bào đã nêu ở trên. Các hợp chất bạc có thể tương tác trực tiếp với hydroxyapatite, một thành phần chính của răng và thể hiện hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng.

Các ion bạc đã được chứng minh là làm trung gian cho hoạt động kháng khuẩn hiệu quả chống lại Streptococcus mutans, một trong những vi khuẩn chính hiện diện trong khoang miệng của con người và gây bệnh sâu răng.

Động lực học

Hấp thu

90 - 99% lượng bạc đưa vào cơ thể qua đường uống không được hấp thu. Tương tự, sự hấp thu của bạc qua da nguyên vẹn hoặc bị tổn thương cũng rất thấp.

Phân bố

Các ion bạc sau khi hấp thu sẽ phân bố và lắng đọng trong các cơ quan (như da, gan, thận, lá lách, giác mạc, nướu, niêm mạc, móng tay và khoảng 2,5% ở đường tiêu hóa) và mô liên kết khắp cơ thể. Ion bạc chủ yếu liên kết với các protein nội bào (gồm albumin và macroglobulin) dưới dạng phức hợp trơ để phân phối đến xương và mô mềm. Đồng thời, bạc cũng dễ dàng kết tủa với cation vô cơ như chloride và phosphate.

Một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy bạc dạng kết tủa trơ trong không bào lysosome của hàng rào máu não và hàng rào máu - dịch não tuỷ mà không bị hấp thu vào mô thần kinh. 

Chuyển hóa

Chưa có thông tin.

Thải trừ

Chủ yếu đào thải qua mật. Chu kỳ bán thải của bạc lên đến 50 ngày ở gan và khoảng 1 - 52 ngày ở phổi.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Không dùng đồng thời bạc và các thuốc kháng sinh nhóm tetracyclin, penicillamine, quinolone và levothyroxine.

Chống chỉ định

Bệnh nhân mẫn cảm với bạc.

Liều lượng & cách dùng

Cách dùng

Băng gạc tẩm thuốc: Làm sạch vết tương bằng nước vô trùng hoặc nước muối sinh lý và nhẹ nhàng lau khô vùng da xung quanh. Tháo lớp màng bảo vệ và dán lên vết thương sao cho băng phủ lên vùng da xung quanh ít nhất 1 - 2 cm. Có thể làm ẩm bằng gạc bằng nước muối vô trùng để gỡ bỏ dễ dàng hơn.

Liều dùng

Người lớn

Băng gạc tẩm thuốc:

Tần suất thay thuốc phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân và lượng dịch tiết ra (24 giờ/lần hoặc lâu hơn), nhưng không dùng quá 7 ngày.

Điều trị sâu răng:

Dùng kem đánh răng chứa bạc 2 lần/ngày (buổi sáng và buổi tối). 

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Chưa có báo cáo.

Ít gặp 

Chưa có báo cáo.

Hiếm gặp

Chưa có báo cáo.

Không xác định tần suất 

Da chuyển sang màu xanh xám vĩnh viễn, sạm da, tích tụ tại các cơ quan. Viêm phế quản mãn tính do hít phải.

Lưu ý

Lưu ý chung

Dạng băng gạc: Không tái sử dụng sau khi gỡ bỏ.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Bạc có thể không an toàn khi dùng đường uống hoặc bôi lên da ở phụ nữ có thai. Nồng độ bạc trong máu tăng có khả năng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường ở tai, mặt và cổ của trẻ sơ sinh. Ngoài ra, tích tụ quá nhiều bạc trong cơ thể còn gây bệnh Argyria (da chuyển sang màu xám xanh vĩnh viễn) và lắng đọng trong nội tạng. Vì vậy không dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Tương tự thời kỳ mang kỳ, phụ nữ đang cho con bú cũng không nên sử dụng thuốc này.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Chưa có thông tin.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Độc tính khi sử dụng quá liều bạc tương tự tác dụng phụ nhưng ở mức độ nặng hơn. Bao gồm: Da chuyển sang màu xanh xám do bạc lắng đọng trong mạch máu và các mô liên kết dưới dạng phức hợp protein - bạc hoặc bạc sulfide. Ngoài ra, bạc tích tụ tại cơ quan có thể gây độc gan, thận hoặc triệu chứng trên thần kinh.

Cách xử lý khi quá liều

Chưa có phương pháp điều trị hiệu quả, chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Quên liều và xử trí

Dùng một liều ngay khi nhớ ra, nhưng nếu đã gần đến thời điểm dùng liều tiếp theo thì nên bỏ qua liều đã quên. Không được sử dụng gấp đôi liều đã được chỉ định.

Nguồn tham khảo
  1. Go.drugbank: https://go.drugbank.com/drugs/DB12965.
  2. WebMD: https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-779/colloidal-silver.
  3. Dailymed: https://dailymed.nlm.nih.gov/dailymed/fda/fdaDrugXsl.cfm?setid=ebff5325-d1d3-4f14-b575-9ccf9ab53896&type=display.
  4. NIH: https://www.nccih.nih.gov/health/colloidal-silver.