Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Tang bạch bì

Tang bạch bì: Dược liệu giúp hạ huyết áp và hạ đường huyết hiệu quả

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Tang bạch bì là vỏ rễ cây dâu tằm, được dùng chữa bệnh từ xa xưa đến nay. Theo y học cổ truyền, tang bạch bì chữa phù thũng, ho gà ở trẻ em, chướng bụng… Theo y học hiện đại, tang bạch bì có công dung hạ huyết áp, giảm lượng đường huyết hiệu quả.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Tang bạch bì.

Tên khác: Vỏ rễ cây Dâu; Dâu cang; Nắn phong; Mạy môn.

Tên khoa học: Cortex Mori radicis.

Đặc điểm tự nhiên

Cây dâu tằm có chiều cao khoảng 6m, cành mập. Cây thích nghi môi trường ẩm và có nhiều ánh sáng. Vùng thổ nhưỡng thích hợp cho cây dâu tằm là bãi sông, đất bằng, cao nguyên. Mùa ra hoa vào tháng 4 đến tháng 5, mùa có quả vào tháng 5 đến tháng 7.

Lá có hình trứng với chiều dài 8 - 15cm, chiều rộng 7 - 13cm. Phần đầu lá nhọn, phần gốc lá cụt, mép lá có răng cưa, đôi khi chia thùy không đều. Về màu sắc lá, mặt trên màu lục vàng hoặc nâu vàng nhạt, mặt dưới màu nhạt, nổi rõ các gân lớn chạy từ cuống lá và nhiều gân nhỏ tạo thành cấu trúc mạng lưới, gân lá có lông tơ mịn. Mùi thơm nhẹ, có vị nhạt và hơi chát đắng.

Tang bạch bì 1
Hình ảnh cây dâu tằm

Phân bố, thu hái, chế biến

Dâu tằm phân bố ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Ấn độ, Việt Nam,… Dâu tằm thích nghi với khí hậu ôn đới ẩm hoặc cận nhiệt đới.

Tang bạch bì là vỏ rễ cây dâu tằm. Thu hái phần rễ ngầm dưới đất, rửa sạch, bỏ lớp vỏ màu nâu bên ngoài, lấy phần màu trắng ngà bên trong, chặt thành đoạn khoảng 20 đến 50cm, phơi hoặc sấy khô để dùng dần.

Chế biến: Có thể dùng sống hoặc tẩm mật sao vàng.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng là vỏ rễ cây dâu tằm.

Tang bạch bì 2
Tang bạch bì sau khi phơi khô và tán thành bột nhuyễn

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học bao gồm: Mullberin, cyclomullberin, mullberochromen, mullberanol, morusinol, kuwanon A, B, D, E, F, G, H, I, J, K, L, Q, R, V, Y, Z, beta tocopherol, umbeliferon, seopoletin, sitosterol, moran A.

Tang bạch bì 3
Vỏ cây dâu tằm khi phơi khô

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị: Vị ngọt, hơi đắng, tính mát.

Công năng: Thanh phế, lợi thũng, giảm ho, long đờm, trị hen suyễn.

Tang bạch bì có công dụng chữa phế nhiệt, ho có đờm, hen suyễn, ho gà ở trẻ em, chướng bụng, phù thũng, lợi tiểu, băng huyết, sốt cao, tăng huyết áp.

Theo y học hiện đại

Tác dụng hạ huyết áp, an thần

Dịch chiết tang bạch bì và các hoạt chất phân lập được như moracenin A, moracenin B, moracenin D có tác dụng gây hạ huyết áp.

Tác dụng này bị đối kháng bởi atropin và bị tăng cường bởi physostigmin. Có chứng minh rằng tác dụng này tương tự acetylcholin vì quan sát thấy sự ức chế tim ếch cô lập, giãn mạch ngoại biên trên tai thỏ cô lập, co mạch nội tạng trên hệ mạch chi sau của ếch.

Ngoài ra, dịch chiết tang bạch bì còn có tác dụng an thần trên chuột nhắt trắng.

Tác dụng hạ đường huyết

Dịch chiết cồn và nước của tang bạch bì làm giảm mức đường huyết ở chuột nhắt.

Moran A có trong dịch chiết có tác dụng làm hạ đường huyết ở chuột nhắt đã được gây tăng đường huyết bởi aloxan.

Liều dùng & cách dùng

Tang bạch bì có thể dùng ngoài hoặc dạng thuốc sắc, tùy theo nhu cầu mà sử dụng lượng tương ứng. Liều thường dùng là 4 đến 12g, có khi đến 40g dạng thuốc sắc.

Tham khảo các bài thuốc kinh nghiệm phía dưới.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa chai sần không mủ (Hải Thượng Lãng Ông)

Chuẩn bị: Tang bạch bì (phơi râm).

Thực hiện: Tán nhỏ tang bạch bì, nấu thành cao đặc. Khi dùng hòa với nước rồi bôi lên chỗ bị chai sần.

Chữa sưng phổi, sốt, trẻ ho gà, đờm suyễn

Chuẩn bị: Tang bạch bì (phần non dưới mặt đất, chỉ lấy phần lõi trắng bên trong, tẩm mật sao qua) 10g, Mạch môn 10g, Ngưu tất 10g, Xuyên tâm liên 5g.

Thực hiện: Sắc các vị trên với nước rồi uống.

Chữa ho lâu năm

Chuẩn bị: Tang bạch bì 10g, vỏ rễ chanh 10g.

Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày.

Chữa ho, viêm họng

Chuẩn bị: Tang bạch bì 10g, Bách bộ (bỏ lõi và sao vàng) 10g, Mạch môn 10g, Vỏ quýt 5g, Xạ can 5g, Cam thảo dây 5g.

Thực hiện: Bào chế dạng thuốc ngậm, mỗi phiến ngậm 3g, mỗi ngày ngậm 4 đến 5 lần, mỗi lần 1 phiến. Hoặc có thể bào chế dạng cao lỏng, mỗi lần dùng 1 thìa cà phê.

Chữa viêm phế quản mạn tính

Chuẩn bị: Tang bạch bì 16g, Mạch môn 16g, Rau má 16g, Bách bộ 10g, Trần bì 6g, Bán hạ chế 6g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang, uống liên tục trong thời gian dài.

Chữa ho ra máu

Chuẩn bị: Tang bạch bì 12g, Thiên môn 12g, Cúc hoa 12g, Cỏ nhọ nồi 12g, Mạch môn 12g, quả Dành dành 12g, Sinh địa 12g, Trắc bách diệp 12g.

Thực hiện: Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Chữa ho gà

Bài 1

Chuẩn bị: Tang bạch bì 12g, Mạch môn 12g, Bách bộ 10g, Rau sam 10g, Húng chanh 10g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang. Uống liên tục 15 đến 30 ngày. Hoặc bào chế dạng siro, uống mỗi lần 1 thìa canh, ngày uống 3 lần. Trẻ em uống 1/2 thìa.

Bài 2

Thuốc ho gà Mỹ Đức (gồm tang bạch bì, bách bộ, củ sả, quả hồng bì, lá táo, lạc tiên).

Bài 3 (dùng cho trẻ em, theo Trung Quốc)

Chuẩn bị: Tang bạch bì 3g; Ma hoàng 2,4g; hạt Mơ 3g; rễ cỏ Tranh 9g; Thiên nam tinh 1,2g; vỏ Quýt 3g; Thiên môn đông 4,5g; Cam thảo bắc 1,5g; Triệt bối mẫu 3g; Bách bộ 2,1g; Hoàng liên 2,1g; Tiền hồ 3g; Bán hạ bắc 2,1g; Qua lâu căn 4,5g; hạt Đình lịch 2,1g; Thanh cao 4,5g; Hoàng cầm 3g, nước 800 ml.

Thực hiện: Sắc tất cả các vị trên trong 30 phút. Mỗi lần uống 10 đến 60 ml, ngày 2 đến 3 lần tùy tuổi trẻ em. Uống liên tục 4 ngày đến 6 tuần nếu không gặp tác dụng phụ nào.

Chữa rụng tóc

Chuẩn bị: Tang bạch bì giã dập.

Thực hiện: Ngâm tang bạch bì đã giã dập với nước, đun sôi 30 phút, để nguội và gội đầu.

Lưu ý

Tang bạch bì là một loại thuốc có nhiều tác dụng, nhưng tác dụng chính của nó thường được sử dụng để điều trị ho do phế nhiệt và tăng cường chức năng tiểu tiêu thũng. Tuy nhiên, vì nó có tính hàn, việc sử dụng nó cần được chú ý đến tính hàn nhiệt của bệnh để tránh tình trạng bệnh không giảm và có thể làm tăng nặng thêm đáng kể.

Nguồn tham khảo