Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hen suyễn là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hen suyễn là một bệnh viêm đường thở lan tỏa do nhiều tác nhân kích thích gây ra co thắt phế quản hồi phục một phần hoặc hoàn toàn. Các triệu chứng và dấu hiệu của bệnh bao gồm ho, tức ngực, khò khè và khó thở.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hen suyễn là gì? 

Hen suyễn là tình trạng đường thở bị thu hẹp, sưng lên và có thể tăng tiết chất nhầy. Điều này có thể gây khó thở và gây ho, phát ra tiếng rít (thở khò khè) khi bạn thở ra và khó thở.

Bệnh hen suyễn có thể gây phiền toái với một số người nhưng lại là một vấn đề lớn cản trở các hoạt động hàng ngày và có thể dẫn đến cơn hen suyễn đe dọa tính mạng đối với những người khác.

Hen suyễn không thể chữa khỏi, nhưng có thể kiểm soát các triệu chứng. Vì bệnh hen suyễn thường thay đổi theo thời gian, cần phải thăm khám với bác sĩ để theo dõi các dấu hiệu, triệu chứng và điều chỉnh phương pháp điều trị khi cần thiết.

Chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh, thăm khám sức khỏe và xét nghiệm chức năng phổi. Điều trị bằng cách kiểm soát các yếu tố khởi phát bệnh và thuốc, phổ biến nhất là các thuốc chủ vận beta-2 dạng hít và corticosteroid dạng hít. Tiên lượng bệnh thường tốt nếu được điều trị.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của Hen suyễn

Các triệu chứng hen suyễn khác nhau ở mỗi người. Bệnh nhân có thể lên cơn hen suyễn không thường xuyên, chỉ có triệu chứng vào những thời điểm nhất định, chẳng hạn như khi tập thể dục hoặc có triệu chứng mọi lúc.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen suyễn bao gồm:

  • Khó thở;

  • Tức ngực hoặc đau.

  • Thở khò khè khi thở ra, là dấu hiệu phổ biến của bệnh hen suyễn ở trẻ em.

  • Khó ngủ do khó thở, ho hoặc thở khò khè.

  • Các cơn ho hoặc thở khò khè trở nên tồi tệ hơn do virus đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm.

Các dấu hiệu cho thấy bệnh hen suyễn đang trở nên tồi tệ hơn bao gồm:

  • Các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn thường xuyên hơn và khó chịu hơn.

  • Khó thở tăng khi kiểm tra chức năng phổi bằng máy đo lưu lượng đỉnh.

  • Nhu cầu sử dụng thuốc giãn phế nhanh dạng hít thường xuyên hơn.

Đối với một số người, các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn bùng phát trong một số tình huống nhất định:

  • Bệnh hen suyễn do tập thể dục, có thể nặng hơn khi không khí lạnh và khô.

  • Bệnh hen suyễn nghề nghiệp, do các chất kích thích tại nơi làm việc như khói hóa chất, khí hoặc bụi gây ra.

  • Bệnh hen suyễn do dị ứng, kích hoạt bởi các chất trong không khí, chẳng hạn như phấn hoa, bào tử nấm mốc, chất thải của gián hoặc các mảnh da, lông và nước bọt của vật nuôi.

Tác động của Hen suyễn đối với sức khỏe 

Hen suyễn tái phát thường xuyên gây ho kéo dài vào ban đêm khiến cho người bệnh mất ngủ và dẫn đến mệt mỏi vào ban ngày. Các triệu chứng của hen gây căng thẳng, lo âu, bệnh nhân dễ bị trầm cảm, dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, cản trở sinh hoạt và công việc hàng ngày. 

Ở trẻ mắc hen suyễn, cơn hen cũng thường xuất hiện vào ban đêm khiến trẻ không ngủ được, gây mệt mỏi, uể oải. Trẻ không thể vui chơi, chạy nhảy bình thường như các bạn đồng trang lứa, ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển về tinh thần và thể chất. Hơn nữa, bệnh nhi cũng có thể thường xuyên phải nghỉ học, nhập viện hoặc đi cấp cứu vì khó thở, ảnh hưởng đến chất lượng quá trình học tập.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh Hen suyễn 

Hen suyễn có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là dẫn đến tử vong (mặc dù tỉ lệ khá thấp). Nếu không được phát hiện sớm và kịp thời điều trị, hen phế quản có thể gây ra các biến chứng bao gồm: Khí phế thũng, tâm phế mạn tính, suy hô hấp, xẹp phổi, ngừng hô hấp kèm tổn thương não, tràn khí màng phổi…

Đối với phụ nữ mang thai, hen suyễn là một bệnh lý đặc biệt nguy hiểm. Nguy cơ khởi phát cơn hen cao nhất ở đối tượng này là vào tuần thứ 24 - 36 trong thai kỳ. Nếu mắc hen suyễn, sản phụ dễ gặp phải biến chứng xuất huyết âm đạo, sản giật, sinh non… Ngoài ra, trẻ sơ sinh có mẹ bị hen suyễn cũng nhẹ cân hơn so với những đứa trẻ khác.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Hen suyễn

Thuốc lá

Khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại có thể gây kích ứng đường thở khi tiếp xúc trực tiếp đối với cả người hút và những người xung quanh, làm tăng tần suất khởi phát cơn hen cũng như mức độ nghiêm trọng (tuy nhiên thuốc lá không gây ra hen suyễn). Người mẹ hút thuốc lá khi mang thai có nguy cơ sinh con mắc bệnh hen suyễn cao hơn những người bình thường. 

Ô nhiễm không khí

Không khí bị ô nhiễm chính là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh hen suyễn. Ngoài ra, sulfur dioxide trong khói bụi có thể gây kích ứng đường thở và khởi phát cơn hen. 

Nghề nghiệp

Những nghề nghiệp có nguy cơ cao mắc phải bệnh hen suyễn bao gồm: nhân viên vệ sinh, giáo viên, công nhân làm việc nhà máy, người chăm sóc động vật, nông dân do thường xuyên tiếp xúc với các tác nhân gây hại (như bụi phấn, lông động vật, thuốc trừ sâu, bụi công nghiệp, chất tẩy rửa...). Ngoài ra, môi trường làm việc ẩm ướt hoặc có nhiệt độ cao cũng gây khởi phát hoặc làm tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Thay đổi thời tiết đột ngột

Nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao đều có thể ảnh hưởng đến cơ thể và gây ra các triệu chứng hen suyễn. 

Dị ứng

Các tác nhân gây dị ứng như nấm mốc, bụi bẩn, mạt nhà, phấn hoa… có thể kích hoạt các cơn hen suyễn. Tình trạng dị ứng của cơ thể cũng có thể làm bệnh hen suyễn trầm trọng hơn, ví dụ như viêm mũi dị ứng làm tăng nguy cơ bị hen suyễn.

Nhiễm trùng hô hấp

Nhiễm trùng xoang, cảm sốt hay cúm đều có thể gây ra hen suyễn. Ở trẻ em dưới 6 tuổi, virus gây bệnh đường hô hấp trên là một trong những nguyên nhân gây hen suyễn phổ biến nhất.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải Hen suyễn?

Tỷ lệ mắc phải hen suyễn cao hơn ở bé trai trước tuổi dậy thì và bé gái sau dậy thì.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải Hen suyễn

  • Có người thân mắc bệnh hen suyễn, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em ruột.

  • Có tình trạng dị ứng khác, chẳng hạn như viêm da dị ứng gây ngứa và đỏ da hoặc sốt cỏ khô gây chảy nước mũi, nghẹt mũi và ngứa mắt.

  • Thừa cân.

  • Hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc.

  • Tiếp xúc với khói thải hoặc các loại ô nhiễm khác.

  • Tiếp xúc với các tác nhân gây ra nghề nghiệp, chẳng hạn như hóa chất được sử dụng trong nông nghiệp, làm tóc và sản xuất. 

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Hen suyễn

Chẩn đoán xác định

Lâm sàng

Triệu chứng lâm sàng của hen suyễn gồm: Khò khè, khó thở, ho khan, nặng ngực (thường khởi phát ban đêm, theo mùa hoặc có tác nhân kích thích như khói bụi, thay đổi thời tiết, sau vận động gắng sức...) và cải thiện hoặc hết khi dùng thuốc giãn phế.

Tiền sử 

Tiền sử bản thân: Dị ứng một số thức ăn hoặc thuốc, mắc một số bệnh dị ứng như: viêm kết mạc dị ứng, viêm mũi dị ứng, chàm, mày đay hoặc đã được chẩn đoán hen.

Tiền sử gia đình: Có người thân bị hen suyễn hoặc các bệnh dị ứng khác.

Cận lâm sàng

Cơn ho khò khè, khó thở, nặng ngực thường xuất hiện về đêm, tái phát nhiều lần nhất là khi có tiếp xúc với dị nguyên hoặc khi thay đổi thời tiết. 

Nghe phổi có tiếng ran rít trong cơn khó thở.

Đo lưu lượng đỉnh (PEF): PEF tăng bằng hoặc > 20% so với trước khi dùng thuốc hoặc PEF thay đổi sáng - chiều bằng hoặc > 20% gợi ý chẩn đoán hen.

Điều trị thử bằng thuốc chủ vận beta-2 và corticosteroid dạng hít thấy cải thiện trên lâm sàng (đỡ khó thở, phổi bớt hoặc hết ran, tăng PEF) cũng là bằng chứng chẩn đoán hen.

Chẩn đoán phân biệt

Cơn hen tim

Bệnh nhân có tiền sử có bệnh tim, khó thở khi gắng sức, nghe phổi có ran ẩm kèm ran rít ran ngáy, huyết áp thường tăng cao. Nếu chưa phân biệt chắc chắn, nên dùng thuốc chủ vân beta đường hít hoặc khí dung (không dùng đường uống).

Tràn khí màng phổi

Không có tiền sử khó thở, nghe phổi không có ran rít ran ngáy, có hội chứng tràn khí ở một bên phổi.

Đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)

Tiền sử khó thở liên tục và thường không bắt đầu từ nhỏ. Đa số bệnh nhân là nam giới nghiện thuốc lá nặng.

Viêm tiểu phế quản cấp

Thường kèm theo sốt, ho khạc đờm.

Dị vật đường hô hấp

Ho sặc sụa, khó thở và tím tái.

Phương pháp điều trị Hen suyễn hiệu quả

Mục tiêu điều trị là ngăn sự suy giảm chức năng hô hấp và các biến chứng có thể xảy ra, bao gồm ngăn ngừa các đợt cấp và giảm các triệu chứng mãn tính, bao gồm thức giấc về đêm, nhu cầu thăm khám tại khoa cấp cứu hoặc nhập viện; duy trì chức năng phổi và mức hoạt động cơ bản (bình thường); tránh tác dụng phụ điều trị.

Kiểm soát các yếu tố khởi phát bệnh

Các yếu tố kích hoạt ở một số bệnh nhân có thể được kiểm soát bằng cách sử dụng gối bằng sợi tổng hợp và vỏ nệm không thấm nước và thường xuyên giặt ga trải giường, vỏ gối và chăn bằng nước nóng. Tốt nhất, nên dọn đồ nội thất bọc đệm, đồ chơi mềm, thảm, rèm cửa và vật nuôi ra khỏi phòng ngủ để giảm mạt bụi và lông động vật. Hút ẩm bằng máy trong tầng hầm và các phòng ẩm ướt kém thoáng khí khác để giảm nấm mốc. Xử lý bằng hơi nước trong nhà làm giảm các chất gây dị ứng do mạt bụi. Dọn dẹp nhà cửa thường xuyên và diệt gián, mối mọt.

Những bệnh nhân nhạy cảm với sulfite nên tránh thực phẩm có chứa sulfit (ví dụ: Một số loại rượu vang và nước sốt salad). 

Cũng nên tránh hoặc kiểm soát các tác nhân không gây dị ứng, chẳng hạn như khói thuốc lá, mùi mạnh, khói có chất kích thích, nhiệt độ lạnh và độ ẩm cao khi có thể. Hạn chế tiếp xúc với những người bị nhiễm virus đường hô hấp trên cũng rất quan trọng.

Tuy nhiên, bệnh hen suyễn do tập thể dục không được điều trị bằng việc tránh tập thể dục vì tập thể dục rất quan trọng vì lý do sức khỏe. Thay vào đó, thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn được dùng dự phòng trước khi tập thể dục và khi cần thiết trong hoặc sau khi tập thể dục. Liệu pháp kiểm soát (bước 2 trở lên trong Bảng Các bước quản lý hen suyễn) nên được bắt đầu nếu các triệu chứng do gắng sức gây ra không đáp ứng với thuốc hít khẩn cấp hoặc xảy ra hàng ngày hoặc thường xuyên hơn.

Bệnh nhân hen suyễn do nhạy cảm với aspirin có thể sử dụng acetaminophen (paracetamol), choline magnesium salicylate hoặc NSAID có tính chọn lọc cao như celecoxib khi cần giảm đau.

Hen suyễn có chống chỉ định tương đối với các thuốc chẹn beta không chọn lọc (ví dụ: Propranolol, timolol, carvedilol, nadolol, sotalol), bao gồm thuốc tác dụng tại chỗ, nhưng các thuốc bảo vệ tim mạch (ví dụ: Metoprolol, atenolol) có thể không có tác dụng phụ.

Điều trị bằng thuốc

Các nhóm thuốc chính thường được sử dụng trong điều trị hen suyễn và cơn hen kịch phát bao gồm:

  • Thuốc giãn phế quản (chất chủ vận thụ thể adrenergic beta hoặc beta-2, thuốc kháng cholinergic);

  • Corticosteroid;

  • Thuốc kháng leukotriene;

  • Thuốc ổn định tế bào mast;

  • Methylxanthines;

  • Điều hòa miễn dịch.

Thuốc thuộc các nhóm này có nhiều dạng bào chế như hít, uống, hoặc tiêm dưới da hoặc tiêm tĩnh mạch. Thuốc hít có dạng khí dung và dạng bột. Sử dụng các dạng khí dung với buồng đệm tạo giúp thuốc đi sâu vào trong đường thở hơn; bệnh nhân nên rửa và làm khô buồng đệm sau mỗi lần sử dụng để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. 

Nong phế quản

Tạo hình phế quản bằng nhiệt là một kỹ thuật nội soi phế quản, trong đó nhiệt được đưa đến đường thở thông qua một thiết bị truyền sóng tần số vô tuyến được kiểm soát cục bộ. Nhiệt làm giảm số lượng cơ trơn đường thở được tái tạo xảy ra với bệnh hen suyễn.

Trong các thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân hen suyễn nặng không thể kiểm soát bằng nhiều liệu pháp, đã có sự giảm nhẹ tần suất đợt cấp và cải thiện việc kiểm soát triệu chứng hen suyễn. Tuy nhiên, một số bệnh nhân lại có triệu chứng xấu đi ngay lập tức, đôi khi phải nhập viện ngay sau khi làm thủ thuật.

Tiêu chuẩn để xem xét nong phế quản bao gồm hen suyễn nặng không được kiểm soát bằng corticosteroid dạng hít và thuốc chủ vận beta tác dụng kéo dài, sử dụng corticosteroid đường uống ngắt quãng hoặc liên tục, FEV1 ≥ 50% dự đoán và không có tiền sử đợt cấp đe dọa tính mạng.

Hiệu quả lâu dài và độ an toàn của phương pháp nong phế quản vẫn chưa được biết đến. Không có dữ liệu ở những bệnh nhân có > 3 đợt cấp/năm hoặc FEV1 < 50% dự đoán vì những bệnh nhân này đã bị loại khỏi các thử nghiệm lâm sàng.

Theo dõi đáp ứng với điều trị

Các hướng dẫn khuyến nghị sử dụng phương pháp đo phế dung (FEV1, FEV1 / FVC, FVC) tại phòng khám để đo giới hạn luồng không khí và đánh giá mức độ suy giảm và rủi ro. Phép đo phế dung nên được lặp lại ít nhất 1 - 2 năm/lần ở bệnh nhân hen suyễn để theo dõi sự tiến triển của bệnh, và có thể cần tiến hành trị liệu nếu chức năng phổi suy giảm hoặc có bằng chứng gia tăng tắc nghẽn dòng.

Theo dõi lưu lượng thở ra đỉnh điểm tại nhà (PEF), kết hợp với nhật ký triệu chứng của bệnh nhân và kế hoạch xử trí, đặc biệt hữu ích để lập biểu đồ tiến triển của bệnh và đáp ứng với điều trị ở bệnh nhân hen dai dẳng từ trung bình - nặng. Khi cơn hen đã khỏi, chỉ cần đo PEF vào buổi sáng là đủ.

Nếu các phép đo PEF giảm xuống < 80% kết quả tốt nhất của bệnh nhân, theo dõi 2 lần/ngày để đánh giá sự thay đổi nhịp sinh học. Sự thay đổi luồng khí > 20% cho thấy sự bất ổn định của đường thở và cần phải đánh giá lại phác đồ điều trị.

Giáo dục bệnh nhân

Việc giáo dục bệnh nhân là rất quan trọng. Kết quả điều trị sẽ tốt hơn khi bệnh nhân  biết về bệnh hen suyễn như điều gì gây ra đợt cấp, loại thuốc nào sử dụng khi nào, kỹ thuật hít thích hợp, cách sử dụng ống đệm với ống hít định lượng (MDI) và tầm quan trọng của việc sử dụng sớm corticosteroid trong đợt cấp.

Mỗi bệnh nhân nên có một kế hoạch xử trí hàng ngày, đặc biệt là quản lý các đợt cấp, dựa trên lưu lượng đỉnh cá nhân tốt nhất của bệnh nhân hơn là dựa trên giá trị bình thường dự đoán. 

Điều trị cơn hen cấp

Mục tiêu của điều trị đợt hen suyễn cấp là làm giảm các triệu chứng và đưa chức năng phổi trở lại tốt nhất. Điều trị bao gồm:

  • Thuốc giãn phế quản dạng hít (thuốc chủ vận beta và thuốc kháng cholinergic).

  • Thường dùng corticosteroid toàn thân.

Điều trị hen suyễn mãn tính

Các hướng dẫn hen suyễn hiện tại khuyến nghị điều trị dựa trên phân loại mức độ nghiêm trọng. Liệu pháp được tăng lên theo cách từng bậc (xem bảng Các bước quản lý bệnh hen suyễn ) cho đến khi đạt được sự kiểm soát tốt nhất đối với tình trạng suy giảm và nguy cơ.

Trước khi điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ y lệnh bác sĩ, tránh tiếp xúc với các yếu tố khởi phát và điều trị các bệnh đồng mắc (ví dụ: Béo phì, viêm mũi dị ứng, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, rối loạn chức năng dây thanh âm, từ bỏ sử dụng cocaine dạng hít). Những yếu tố này cần được giải quyết trước khi tăng bậc điều trị. Khi bệnh hen đã được kiểm soát tốt trong ít nhất 3 tháng, việc điều trị bằng thuốc được giảm dần xuống mức tối thiểu nếu có thể để duy trì sự kiểm soát tốt. 

Bảng 1. Các bước quản lý bệnh hen suyễn (*)

Bậc

Điều trị ưu tiên

Điều trị thay thế

1 (khởi đầu đối với hen ngắt quãng)

Thuốc chủ vận beta-2 tác dụng ngắn khi cần (**)

2 (khởi đầu cho bệnh hen nhẹ kéo dài)

Liều thấp corticosteroid dạng hít

Chất ổn định tế bào mast, thuốc đối kháng thụ thể leukotriene, hoặc theophylline

3 (khởi đầu cho bệnh hen trung bình kéo dài)

Corticosteroid dạng hít liều trung bình

hoặc 

Corticosteroid dạng hít liều thấp cộng với thuốc chủ vận beta-2 tác dụng kéo dài

Corticosteroid liều thấp cộng với một trong các thuốc sau: Đối kháng thụ thể leukotriene, theophylline, hoặc zileuton

4

Corticosteroid liều trung bình cộng với chất chủ vận beta-2 tác dụng kéo dài

Corticosteroid liều trung bình cộng với một trong các thuốc sau đây: Đối kháng thụ thể leukotriene, theophylline, hoặc zileuton

5 (khởi đầu cho bệnh hen nặng kéo dài)

Corticosteroid liều cao cộng với chất chủ vận beta-2 tác dụng kéo dài và

Omalizumab nếu bệnh nhân bị hen dị ứng

6

Corticosteroid liều cao cộng với chất chủ vận beta-2 tác dụng kéo dài cộng với corticosteroid uống và

Omalizumab, mepolizumab, hoặc reslizumab nếu bệnh nhân bị hen dị ứng

 

(*)Trước khi nâng bậc điều trị, cần xem xét sự tuân thủ của bệnh nhân, yếu tố môi trường (tiếp xúc với yếu tố khởi phát) và các bệnh đồng mắc.

(**)Thuốc chủ vận beta-2 tác dụng ngắn được chỉ định để hỗ trợ giảm triệu chứng nhanh ở tất cả các bước và dự phòng hen suyễn do tập thể dục

Hen suyễn do tập thể dục

Hen suyễn do tập thể dục nói chung có thể được ngăn ngừa bằng cách hít dự phòng thuốc chủ vận beta-2 tác dụng ngắn hoặc chất ổn định tế bào mast trước khi bắt đầu tập luyện. Nếu thuốc chủ vận beta-2 không hiệu quả hoặc nếu bệnh hen suyễn do gắng sức gây ra các triệu chứng hàng ngày hoặc thường xuyên hơn, bệnh nhân cần điều trị bằng thuốc kiểm soát.

Hen suyễn nhạy cảm với aspirin

Điều trị chính cho bệnh hen suyễn do nhạy cảm với aspirin là tránh dùng aspirin và các NSAID khác. Celecoxib không phải là một chất kích hoạt. Các chất điều chỉnh leukotriene có thể làm giảm phản ứng với NSAID.

Ngoài ra, giải mẫn cảm có thể được thực hiện tại bệnh viện cho bệnh nhân nội trú hoặc ngoại trú tùy thuộc vào mức độ nhạy cảm với aspirin và mức độ nghiêm trọng của bệnh hen suyễn. Giải mẫn cảm đã thành công ở đa số bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị giải mẫn cảm trong hơn một năm.

Các liệu pháp khác

Nhiều liệu pháp đang được phát triển để nhắm mục tiêu vào các thành phần cụ thể của đợt viêm. Các liệu pháp hướng vào interleukin 6 (IL-6), lymphopoietin mô đệm, yếu tố hoại tử khối u-alpha, các chemokine khác và cytokine hoặc các thụ thể của chúng đều đang được nghiên cứu hoặc coi là mục tiêu điều trị. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Hen suyễn

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Hạn chế ra ngoài vào ngày không khí quá khô, nhiều gió, mùa hoa rụng, hạn chế tiếp xúc hoặc nuôi động vật… để tránh nguy cơ mắc phải hay khởi phát cơn hen suyễn. 

  • Tránh sử dụng các thực phẩm có thể gây dị ứng như cá biển, đậu phộng...

  • Viết một kế hoạch chi tiết để dùng thuốc và kiểm soát cơn hen suyễn dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện. 

  • Tiêm phòng cúm và viêm phổi theo đúng lịch trình có thể ngăn ngừa bệnh cúm và viêm phổi làm bùng phát bệnh hen suyễn.

  • Xác định và tránh các tác nhân gây hen suyễn. Một số chất gây dị ứng và kích thích ngoài trời từ phấn hoa và nấm mốc đến không khí lạnh và ô nhiễm không khí có thể gây ra các cơn hen suyễn. 

  • Theo dõi nhịp thở của bạn và nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của đợt hen cấp, chẳng hạn như ho nhẹ, thở khò khè hoặc khó thở.

  • Thường xuyên đo và ghi lại lưu lượng khí tối đa bằng máy đo lưu lượng đỉnh tại nhà. 

  • Chú ý đến việc tăng cường sử dụng thuốc hít giãn phế tác dụng nhanh. Nếu thấy quá phụ thuộc vào loại thuốc này, chẳng hạn như albuterol, thì bệnh hen suyễn đang không được kiểm soát. Gặp bác sĩ để điều chỉnh phương pháp điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Tăng cường bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là thức ăn giàu vitamin và khoáng chất để cải thiện thể trạng và tăng cường sức đề kháng. 

  • Tránh sử dụng các thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng cao dẫn đến khởi phát cơn hen như hải sản, đậu phộng...

Phương pháp phòng ngừa Hen suyễn hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Thường xuyên rửa tay, tiêm phòng cúm để hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm đường hô hấp trên, một trong những nguyên nhân gây ra hen suyễn.

  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá.

  • Xác định các yếu tố có thể gây khởi phát cơn hen và tìm cách loại từ hoặc hạn chế tiếp xúc tối đa.

  • Thường xuyên vận động và tập thể dục để cải thiện sức khỏe cũng như tăng cường hệ miễn dịch.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/

2. https://www.mayoclinic.org/

3. https://vncdc.gov.vn/

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh phổi mô bào Langerhans

  2. Rắn cắn

  3. Viêm phế quản co thắt

  4. Bụi phổi atbet (amiăng)

  5. Ho ra máu

  6. Viêm phế quản cấp tính

  7. Bệnh Beryllium

  8. U phổi

  9. Viêm xoang sàng sau

  10. Dị vật đường thở