Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Thuyền thoái

Thuyền thoái: Vị thuốc lâu đời thường dùng nhiều trong nhi khoa

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Thuyền thoái là vị thuốc y học cổ truyền có lịch sử lâu đời và được sử dụng nhiều trong dân gian. Theo y học cổ truyền, vị thuốc giúp điều trị cảm sốt, ho, động kinh co giật. Phụ nữ mang thai nên thận trọng khi dùng Thuyền thoái.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Thuyền thoái.

Tên khác: Ve sầu, Kim thiền, Thuyền y, Thuyền thối, Thuyền xác.

Tên khoa học: Cryptotympana pustulata Fabricius, Cicadidae (họ Ve sầu).

Đặc điểm tự nhiên

Thuyền thoái tức là xác ve, là xác lột của con ve sầu đã trưởng thành. Hình dáng tổng thể giống như một con ve sầu, rỗng bên trong và hơi cong. Dài khoảng 3,5 cm và rộng 2 cm. Bề mặt có màu vàng nâu, trong mờ và sáng bóng.

Trên đầu có một đôi râu dạng sợi, mắt kép lồi ra, đỉnh cổ nhô ra, mõm phát triển, môi trên rộng và ngắn, môi dưới được kéo dài thành hình ống. Phía sau ngực có thùy hình chữ thập, khe cong vào trong, hai bên lưng có 2 đôi cánh nhỏ, mặt bụng có 3 đôi chân, phủ lông mịn màu vàng nâu. Bụng tù và tròn, có tổng cộng 9 đốt nhẹ, rỗng và dễ vỡ.

Thuyền thoái 1
Ve sầu trong tự nhiên

Phân bố, thu hái, chế biến

Thuyền thoái phân bố ở các vùng rừng núi, cây to. Thu hoạch vào mùa hè và mùa thu, loại bỏ cặn và phơi khô dưới nắng. Ở Trung quốc, chủ yếu được sản xuất ở Sơn Đông, Hà Nam, Hà Bắc, Hồ Bắc, Giang Tô, Tứ Xuyên, An Huy và những nơi khác. Sơn Đông có sản lượng lớn nhất.

Bộ phận sử dụng

Xác lột con ve sầu. Bảo quản ở nơi khô ráo để tránh áp lực, ánh nắng trực tiếp.

Thuyền thoái 2
Xác lột ve sầu được dùng làm thuốc

Thành phần hoá học

Dựa theo nghiên cứu tại Việt Nam và thế giới thì dược liệu Thuyền thoái có chứa một số thành phần sau:

  • Nitơ;
  • Isoxanthopterin;
  • Chitin;
  • Glutamic acid;
  • Erythropterus;
  • Alaine;
  • Aspartic acid;
  • Proline;
  • Serine;
  • Threonine;
  • Beta Alanine;
  • Phenylalanine;
  • Tyrosine;
  • Gamma-Aminobutyric acid;
  • Isoleucine;
  • Glycine;
  • Methionine;
  • Ornithine;
  • Lysine;
  • Leucine;
  • Valine.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Thuyền thoái theo Y học cổ truyền có vị ngọt, tính hàn và quy vào Can, Phế. Có tác dụng sơ tán phong nhiệt, thấu chẩn chỉ dưỡng, minh mục thối ế, tức phong chỉ kinh. Chủ trị các chứng: Ngoại cảm phong nhiệt, ôn bệnh giai đoạn đầu sốt khàn giọng, chứng sởi mọc không đều, phong chẩn ngứa, chứng mắt đỏ phong nhiệt hoặc ế mạc che lấp đồng tử, can kinh phong nhiệt, trẻ em kinh giật khóc, chứng uốn ván.

Thuyền thoái 3
Theo Đông y, Thuyền thoái có thể chữa chứng trẻ em sốt cao co giật

Theo y học hiện đại

Tác dụng chống hen suyễn

Các hợp chất hoạt tính sinh học chính của Thuyền thoái bao gồm axit oleic (OA), axit palmitic và axit linoleic. Những kết quả từ nghiên cứu cho thấy các thành phần hóa học của Thuyền thoái đặc biệt là axit oleic có tiềm năng điều trị bệnh hen suyễn thông qua việc ức chế đường truyền tín hiệu GATA-3/Th2 và IL-17/RORγt.

Thuyền thoái 4
Chiết xuất từ Thuyền thoái có thể điều trị bệnh hen suyễn

Tác dụng chống co giật, an thần, hạ nhiệt

Nghiên cứu của Zhang và cộng sự năm 2021, phát hiện ra rằng các thành phần chính trong Thuyền thoái là polyme acetyldopamine và phenol, phù hợp với các tài liệu trước đây. Các nghiên cứu trước đây đã tiết lộ rằng acetyl dopamine và các polyme của nó trong Thuyền thoái có các hoạt động chống oxy hóa cũng như các hoạt động điều hòa sự biệt hóa tế bào Th1 và Th17. Có báo cáo cho thấy Thuyền thoái cũng chứa nhiều nguyên tố vi lượng như canxi (Ca), magie (Mg) và phốt pho (P), và tác giả cho rằng những nguyên tố vi lượng này cũng có thể chống co giật.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy Thuyền thoái sở hữu tác dụng chống động kinh thông qua quá trình chống apoptosis của tế bào thần kinh thông qua việc điều chỉnh đường truyền tín hiệu PI3K/Akt/Nrf2.

Tác dụng chống bệnh Parkinson

Một nghiên cứu ở Hàn quốc năm 2019 đã phát hiện ra rằng Thuyền thoái đã thúc đẩy quá trình phục hồi sau khi bị suy giảm khả năng vận động. Thuyền thoái ngăn chặn sự suy giảm dopamin và bảo vệ chống lại sự thoái hóa tế bào thần kinh dopaminergic.

Hơn nữa, Thuyền thoái ức chế các cytokine gây viêm thần kinh do lipopolysacarit gây ra và mức độ đáp ứng cũng như kích hoạt thần kinh đệm/vi mô đệm ở microglia BV2 và não chuột. Những phát hiện của nghiên cứu cho thấy Thuyền thoái có thể góp phần vào việc truyền tín hiệu bảo vệ thần kinh bằng cách điều chỉnh các yếu tố dinh dưỡng thần kinh chủ yếu thông qua tín hiệu Nurr1, viêm thần kinh và apoptosis qua trung gian ty thể.

Tác dụng điều trị bệnh lý về da

Một nghiên cứu ở Hàn quốc năm 2020 đã chứng minh việc sử dụng Thuyền thoái đã làm giảm bớt các triệu chứng viêm da dị ứng ứng do mạt bụi nhà gây ra. Hơn nữa, phân tích mô bệnh học đã chứng minh rằng Thuyền thoái làm giảm thâm nhiễm tế bào mast trong tổn thương.

Ngoài ra, phương pháp điều trị Thuyền thoái làm giảm nồng độ của globulin miễn dịch E, histamine và lymphopoietin mô đệm tuyến ức (TSLP) cũng như biểu hiện mRNA cục bộ của TSLP và một số cytokine Th1/Th2 trong máu. Nói chung, kết quả của nghiên cứu cho thấy Thuyền thoái là một thành phần trị liệu tiềm năng cho bệnh lý về da, kiểm soát các phản ứng viêm thông qua việc ngăn chặn hoạt hóa hồng cầu NLRP3.

Thuyền thoái 5
Chiết xuất từ Thuyền thoái có tác dụng giúp điều trị viêm da dị ứng

Tác dụng điều trị bệnh thận IgA

Thuyền thoái dẫn đến giảm nồng độ protein trong máu và nước tiểu. Nồng độ TNF-α, IL-1β và IL-6 trong huyết thanh giảm đáng kể ở nhóm được điều trị bằng Thuyền thoái. Hơn nữa, sự giảm mức độ biểu hiện MCP-1, TLR4 và IgA và sự gia tăng biểu hiện caspase-3 phụ thuộc vào liều đã được quan sát thấy khi điều trị bằng Thuyền thoái. Những phát hiện của nghiên cứu chỉ ra rằng Thuyền thoái gây ra apoptosis và cải thiện tình trạng viêm thận cũng như xơ hóa ở mô hình chuột mắc bệnh thận IgA.

Thuyền thoái 6
Chiết xuất từ Thuyền thoái có tác dụng điều trị bệnh thận IgA

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng khoảng 3-20g trong ngày tùy tình trạng mỗi người mà tăng giảm liều.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa cảm sốt, viêm amidan, viêm họng, viêm phế quản

Chuẩn bị: Kinh giới tuệ 4g, Hoàng cầm 8g, Kim ngân hoa 12g, Ngưu bàng tử 8g, Cam thảo 3g, Cát cánh 6g.

Thực hiện: Các vị thuốc sắc lấy nước, bỏ bã, uống lúc nóng ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa co giật động kinh

Chuẩn bị: 32g Thuyền thoái, Chế Nam tinh 8g, Minh thiên ma 8g, Toán yết 7 con, Cương tàm sao 7 con.

Thực hiện: Các vị thuốc sắc lấy nước, bỏ bã, uống lúc nóng ngày 1 thang. Uống trong 3 ngày liền.

Bài thuốc chữa mộng ở mắt

Chuẩn bị: Thuyền thoái 3g, Xà thối 3g, bạch tật lê 12g, Thạch quyết minh 12g, Phòng phong 12g, Thương truật 8g, Đương quy 8g, Xuyên khung 8g, Chích thảo 4g.

Thực hiện: Các vị thuốc sắc lấy nước, bỏ bã, uống lúc nóng ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa chứng ù tai, điếc tai

Chuẩn bị: 15g Thuyền thoái, 15g Cúc hoa, 15g Bạch tật lê, 10g Cát căn, 15g Mẫu đơn bì.

Thực hiện: Các vị thuốc sắc lấy nước, bỏ bã, uống lúc nóng ngày 1 thang.

Bài thuốc chữa chứng khóc đêm ở trẻ em

Nếu trẻ quấy khóc, quấy khóc về đêm nhưng không mắc các bệnh thực thể, truyền nhiễm thì lấy 15-20 gam Thuyền thoái đun sôi với nước, thêm đường, cho trẻ ăn trước khi đi ngủ để dễ đi vào giấc ngủ ngon.

Lưu ý

Mặc dù Thuyền thoái thường được sử dụng nhiều trong điều trị nhiều bệnh lý nhi khoa, nội khoa và nhãn khoa cũng có dùng. Thuyền thoái cũng được xem là an toàn do không có độc tố. Tuy nhiên, một số lưu ý khi sử dụng Thuyền thoái như:

  • Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ Y học cổ truyền trong việc sử dụng Thuyền thoái để điều trị bệnh.
  • Chống chỉ định trong các trường hợp sốt, âm hư, dương vượng, cũng như các trường hợp chảy máu do huyết nhiệt.
  • Phụ nữ có thai không nên sử dụng.
  • Không dùng thời gian dài.

Thuyền thoái đã được sử dụng rộng rãi trong y học cổ truyền. Nó được cho là có tác dụng sơ tán phong nhiệt, thấu chẩn chỉ dưỡng, minh mục thối ế, tức phong chỉ kinh. Chiết xuất từ Thuyền thoái cũng có thể có vai như một chất điều trị bệnh lý đường hô hấp, bệnh da liễu, bệnh sốt cao, động kinh, co giật.

Hầu hết các đặc tính này đã được xác nhận bằng các nghiên cứu dược lý cả trên mô hình động vật in vitro và in vivo cũng như các nghiên cứu lâm sàng. Tuy nhiên, việc sử dụng Thuyền thoái nên tuân theo chỉ định, bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ nếu đang sử dụng bất kỳ loại thuốc nào để tránh tương tác thuốc.

Thuyền thoái 7
Tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ Y học cổ truyền trong việc sử dụng Thuyền thoái để điều trị bệnh
Nguồn tham khảo