Long Châu

Viêm amidan là gì? Nguyên nhân gây bệnh và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm amidan là tình trạng nhiễm trùng cấp tính ở họng, amidan vòm họng hoặc cả hai. Các triệu chứng có thể bao gồm khó nuốt, đau họng, nổi hạch cổ và sốt. Chẩn đoán dựa trên lâm sàng, cận lâm sàng bao gồm nuôi cấy hoặc xét nghiệm kháng nguyên nhanh. Việc điều trị phụ thuộc vào các triệu chứng và trong trường hợp nhiễm β- Streptococcus tan huyết nhóm A, cần dùng đến thuốc kháng sinh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm amidan là gì? 

Viêm amidan là tình trạng tuyến amidan bị tổn thương, viêm nhiễm cấp tính hoặc mạn tính. Viêm amidan do vi khuẩn hoặc vius gây ra. Khi vi khuẩn tấn công ồ ạt vào mũi họng sẽ làm amidan làm việc quá mức dẫn đến amidan bị sưng, đỏ và đau.

Amidan là hệ thống phòng vệ đầu tiên của hệ hô hấp, nên sau một đợt tấn công của vi khuẩn, xác vi khuẩn, xác bạch cầu và mô hoại tử sẽ tồn tại ở amidan tạo thành cục mủ có mùi hôi, có thể ứ lại hoặc rớt ra khỏi amidan.

Việc amidan bị tấn công nhiều sẽ khiến khả năng phòng vệ của nó bị yếu đi, và những ổ viêm trong amidan sẽ bắt đầu cho các đợt viêm họng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm amidan

Dấu hiệu nhận biết khi bị viêm amidan là đau khi nuốt và thường đau lan lên tai. Trẻ sơ sinh không có khả năng kêu đau họng thường không chịu ăn.

Các triệu chứng bao gồm khó chịu, sốt cao, nhức đầu, rối loạn tiêu hóa cũng như chứng hôi miệng và giọng nói bị nghẹt. Phát ban cũng có thể có thể xảy ra. Amidan sưng tấy, đỏ và thường xuyên có dịch mủ. Có thể có sưng đau hạch cổ. Sốt, nổi hạch, ban xuất huyết vòng họng và vỡ mủ thường là dấu hiệu phổ biến của viêm họng do liên cầu tan huyết β nhóm A (GABHS) hơn là với viêm amidan do virus, nhưng cũng có nhiều điểm trùng lặp. Với GABHS, có thể xuất hiện phát ban dạng scarlatiniform (ban đỏ).

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm amidan 

Viêm amidan tái phát nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như áp xe quanh amidan, hội chứng ngừng thở khi ngủ, nhiễm trùng gây tụ mủ sau amidan, viêm amidan hốc mủ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm amidan

Viêm amidan hầu họng thường do các virus thông thường như: Adenovirus, rhinovirus, cúm, coronavirus và virus hợp bào hô hấp gây ra, nhưng đôi khi cũng do virus Epstein-Barr, virus herpes simplex, cytomegalovirus hoặc HIV.

Trong khoảng 30% bệnh nhân vị viêm amidan là do vi khuẩn. Liên cầu tan huyết β nhóm A (GABHS) là phổ biến nhất, nhưng đôi khi có liên quan đến Staphylococcus aureus, Streptococcus pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae Chlamydia pneumoniae. Các nguyên nhân hiếm gặp bao gồm ho gà, Fusobacterium, bạch hầu, giang mai và bệnh lậu.

Viêm họng do liên cầu tan huyết β nhóm A xảy ra phổ biến nhất ở độ tuổi từ 5 - 15 và không phổ biến trước 3 tuổi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm amidan?

  • Người có tiền sử bệnh về đường hô hấp.
  • Người có các bệnh liên quan đến đường thở như viêm mũi hoặc viêm xoang.
  • Trẻ nhỏ có nguy cơ viêm amidan cao hơn người lớn.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải viêm amidan

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm amidan, bao gồm:

  • Thời tiết thay đổi;
  • Hút thuốc lá;
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm amidan

Đánh giá lâm sàng.

Loại trừ liên cầu tan huyết β nhóm A (GABHS) bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh, nuôi cấy hoặc cả hai.

Có thể dễ dàng nhận biết viêm họng dựa trên lâm sàng. Tuy nhiên, nguyên nhân của nó không dễ nhận biết. Sổ mũi và ho thường chỉ ra nguyên nhân do virus. Tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn (do virus Epstain Barr) được gợi ý khi nổi hạch vùng tam giác sau cổ, hội chứng gan lách to, mệt mỏi và khó chịu trong hơn 1 tuần, đốm xuất huyết trên khẩu cái mềm và dịch tiết amidan dày. Một lớp màng màu xám bẩn, dày và cứng, có thể chảy máu nếu bị bong ra trên bề mặt amidan cho thấy bệnh bạch hầu (hiếm gặp ở Mỹ).

Vì GABHS cần dùng kháng sinh, nên nó phải được chẩn đoán sớm. Các tiêu chí để kiểm tra còn nhiều tranh cãi. Nhiều bác sĩ khuyến nghị xét nghiệm bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh hoặc nuôi cấy cho tất cả trẻ em. Các xét nghiệm kháng nguyên nhanh là đặc hiệu nhưng không nhạy và có thể cần phải nuôi cấy, xét nghiệm này có độ đặc hiệu khoảng 90% và độ nhạy 90%. Ở người lớn, nhiều bác sĩ khuyến nghị sử dụng 4 tiêu chí sau:

  • Sốt;
  • Amidan viêm có mủ;
  • Không ho;
  • Nổi hạch sưng, đau vùng cổ trước.

Những bệnh nhân không có hoặc chỉ có 1 tiêu chí thì ít có khả năng bị GABHS và không nên xét nghiệm. Bệnh nhân đáp ứng đủ 2 tiêu chí có thể được xét nghiệm. Những bệnh nhân đáp ứng 3 hoặc 4 tiêu chí có thể được xét nghiệm hoặc điều trị theo kinh nghiệm đối với GABHS.

Phương pháp điều trị viêm amidan hiệu quả

Điều trị triệu chứng.

Thuốc kháng sinh cho GABHS.

Cân nhắc cắt amidan khi GABHS tái phát.

Các phương pháp điều trị hỗ trợ bao gồm giảm đau, nghỉ ngơi, bù nước và điện giải. Thuốc giảm đau có thể dùng toàn thân hoặc tại chỗ. NSAID giảm đau toàn thân hiệu quả. Một số bác sĩ dùng một liều corticosteroid duy nhất (ví dụ, tiêm bắp dexamethasone 10 mg). Thuốc giảm đau tại chỗ có sẵn dưới dạng viên ngậm và thuốc xịt; thành phần bao gồm benzocain, lidocain, phenol và các chất khác. Các loại thuốc này có thể giảm đau nhưng dùng nhiều lần và thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến vị giác. Benzocaine được sử dụng cho viêm họng hiếm khi gây ra methemoglobin máu.

Penicillin V thường được coi là thuốc được lựa chọn cho bệnh viêm amidan do GABHS. Dùng liều 250 mg 2 lần/ngày trong 10 ngày cho bệnh nhân < 27 kg và liều 500 mg cho những người > 27 kg. Amoxicillin có hiệu quả và dễ uống hơn nếu cần pha thuốc. Nếu việc tuân thủ điều trị là quan trọng, tiêm bắp 1 liều duy nhất benzathine penicillin 1,2 triệu đơn vị (600.000 đơn vị cho trẻ em ≤ 27 kg) là có hiệu quả. Các loại thuốc khác bao gồm macrolid cho bệnh nhân dị ứng với penicilin, cephalosporin thế hệ 1 và clindamycin. Pha loãng oxy già với nước với tỷ lệ 1: 1 và súc miệng sẽ thúc đẩy quá trình khử trùng và cải thiện vệ sinh hầu họng.

Có thể bắt đầu điều trị hoặc trì hoãn đến khi biết kết quả nuôi cấy. Nếu điều trị bắt đầu trước khi có kết quả, nên ngừng điều trị nếu kết quả cấy âm tính. Việc nuôi cấy dịch học này không được thực hiện thường xuyên, chỉ dùng khi bệnh nhân bị GABHS tái phát nhiều lần hoặc nếu bệnh viêm họng lây lan sang những người xung quanh.

Phẫu thuật cắt amidan

Cắt amidan thường được xem xét nếu GABHS tái phát nhiều lần ( > 6 đợt/năm, > 4 đợt/năm trong 2 năm, hoặc > 3 đợt/năm trong 3 năm) hoặc nhiễm trùng cấp tính nghiêm trọng và dai dẳng dù đã điều trị với kháng sinh. Các tiêu chuẩn khác cho cắt amidan bao gồm hội chứng ngừng thở khi ngủ, áp xe quanh amidan tái phát và nghi ngờ ung thư. Cân nhắc cắt amidan còn tùy thuộc vào từng cá nhân, tuổi, yếu tố nguy cơ và phản ứng với các đợt tái phát nhiễm trùng.

Nhiều kỹ thuật phẫu thuật hiệu quả được sử dụng để thực hiện cắt amidan, bao gồm đốt điện, dụng vụ vi phẫu tích, thiết bị coblator sử dụng năng lượng radio frequency và bóc tách bằng dụng cụ sắc bén. Chảy máu đáng kể trong phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật xảy ra ở < 2% bệnh nhân, thường là trong vòng 24 giờ sau phẫu thuật hoặc sau 7 ngày, khi bong tróc da.

Bệnh nhân bị chảy máu nên đến bệnh viện để được kiểm tra trong phòng mổ, và cầm máu. Loại bỏ tất cả cục máu đông nào có trong hốc amidan và quan sát bệnh nhân trong 24 giờ. Bù nước và điện giải sau phẫu thuật là cần thiết ở ≤ 3% bệnh nhân. Một số ít bệnh nhân được truyền dịch trước phẫu thuật, kháng sinh chu phẫu, thuốc giảm đau và corticosteroid.

Tắc nghẽn đường thở sau phẫu thuật xảy ra thường xuyên nhất ở trẻ em < 2 tuổi đã rối loạn giấc ngủ do tắc nghẽn nặng từ trước và ở những bệnh nhân béo phì hoặc có rối loạn thần kinh, dị tật sọ mặt, hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn nghiêm trọng trước phẫu thuật. Người lớn thường bị biến chứng nghiêm trọng hơn trẻ em.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm amidan

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 
  • Uống nhiều nước để bù nước cho cơ thể nếu có sốt.
  • Cần nghỉ ngơi nhiều hơn.
  • Dùng thức ăn mềm nếu thấy đau khi nuốt.
  • Hạn chế nói to hoặc nói nhiều, tránh làm tổn thương họng.
  • Giữ ấm họng khi trời lạnh.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ dinh dưỡng đẩy đủ và khoa học để nâng cao sức đề kháng.
  • Tăng cường bổ sung trái cây như dâu tây và các loại quả mọng, rau xanh như bông cải xanh, cà rốt và rau bina. Bổ sung thêm các loại vitamin C, A, E.
  • Hạn chế các loại thực phẩm quá cay nóng hoặc quá lạnh, nhiều chất béo.
  • Tránh dùng các chất kích thích như thuốc lá, cà phê, đồ uống có gas…

Phương pháp phòng ngừa viêm amidan hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Súc miệng bằng nước muối sinh lý thường xuyên.
  • Dọn dẹp sạch sẽ phòng ở và nơi làm việc.
  • Dùng máy tạo ẩm không khí trong phòng ngủ.
  • Ăn uống khoa học và lành mạnh.
  • Tập thể dục thường xuyên và đều đặn để duy trì sức khỏe.
Nguồn tham khảo
  1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/professional/ear,-nose,-and-throat-disorders/oral-and-pharyngeal-disorders/tonsillopharyngitis. 
  2. Bệnh viện Nhi trung ương: https://benhviennhitrunguong.gov.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-viem-amidan-o-tre-em.html.

Các bệnh liên quan

  1. Viêm amidan xơ teo

  2. Vẹo vách ngăn mũi

  3. Sưng môi

  4. Rối loạn giọng nói

  5. Nhiệt miệng

  6. Xốp xơ tai

  7. Viêm xoang

  8. Nấm họng

  9. Chảy máu cam

  10. Viêm Lưỡi