Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Thành phần khác/
  3. Tô mộc

Tô mộc: Vị thuốc hoạt huyết hóa ứ

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Tô mộc là món quà thiên nhiên ban tặng cho con người với nhiều công dụng điều trị bệnh tuyệt vời. Theo Y học cổ truyền tô mộc là vị thuốc hành huyết hóa ứ giúp chữa các chứng ứ trệ. Ngày nay với sự phát triển của khoa học, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra bằng chứng chứng minh tác dụng chữa bệnh của vị thuốc này.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Tô mộc.

Tên khác: Cây gỗ vang, vang nhuộm, tô phượng.

Tên khoa học: Lignum Caesalpiniae sappan (Caesalpinia sappan L.) hay Biancaea sappan L. Thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cây tô mộc là một loại thực vật thân gỗ cao từ 7 - 10m, trên thân cây có gai. Lá cây tô mộc thuộc loại lá kép lông chim, bao gồm 12 đôi lá chét hoặc nhiều hơn. Lá có hình dáng tròn ở đầu hơi hẹp phía dưới và mặt dưới lá có nhiều lông. Hoa có 5 cánh mọc thành chùm, hoa màu vàng, nhị hơi lộ ra, phần dưới chỉ nhị có lông ít, bầu hoa được phủ lông màu xám. Quả tô mộc dẹt, hình trứng ngược dai dày và cứng, dài từ 7-10cm, rộng khoảng 3.5-4cm, ở trong quả có 3-4 hạt màu nâu.

Tô mộc: Vị thuốc hoạt huyết hóa ứ1.jpg
Tô mộc là loài cây thân gỗ được dùng làm thuốc ở khu vực Đông Nam Á

Tô mộc dược liệu làm từ cây tô mộc có hình trụ hay nửa trụ tròn, đường kính từ 3-12 cm, dài 10 cm hoặc hơn. Mặt ngoài các miếng lớn có màu đỏ vang, mặt cắt ngang hơi bóng, vòng tuổi thấy rõ rệt (màu da cam), có thể thấy màu nâu tối, có mạch gỗ. Các thanh được chẻ nhỏ có màu hồng đỏ, có thể có những chỗ có màu nhạt hay đậm hơn. Chất cứng, nặng, không mùi, vị hơi se.

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố: Tô mộc là cây thuốc được sử dụng ở Châu Á, đặc biệt là Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á. Ở nước ta cây tô mộc khá phổ biến, chúng mọc hoang và cũng được trồng ở nhiều nơi trên nước ta.

Thu hái: Cây tô mộc được thu hoạch vào mùa thu.

Chế biến: Người dân chặt những cây gỗ già, sau đó đẽo bỏ phần gỗ giác trắng, còn lại lấy phần gỗ đỏ bên trong, đem cưa thành khúc rồi chẻ ra thành những mảnh nhỏ, mang phơi hoặc sấy khô.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng làm dược liệu từ cây tô mộc là phần gỗ lõi màu đỏ bên trong để nguyên hay chẻ nhỏ đem phơi hoặc sấy khô.

Tô mộc: Vị thuốc hoạt huyết hóa ứ2.jpg
Lõi thân cây tô mộc là bộ phận dùng làm thuốc với nhiều công dụng

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị quy kinh: Tô mộc có vị ngọt, tính bình, không độc, quy kinh Tâm, Tỳ, Can.

Công dụng: Theo Y học cổ truyền vị thuốc tô mộc có tác dụng hành huyết, khử ứ, chỉ thống, tán phong hòa huyết, thông lạc.

Chủ trị: Chữa ứ trệ sau đẻ, chữa kinh nguyệt bế, ung thũng, bầm sau chấn thương.

Theo y học hiện đại

Chiết xuất Cây tô mộc có nhiều tiềm năng chống lại tình trạng lão hóa da do stress oxy hóa, có hoạt tính bảo vệ dạ dày, tiêu diệt nấm, vi rút và vi khuẩn, bảo vệ hệ tim mạch, giảm viêm, giảm đường huyết, ức chế ung thư vú ở người, chữa bệnh rôm sảy và tiêu chảy.

Chất chống oxy hóa

Với hàm lượng 20μg/mL chiết xuất tô mộc chứa 1,74–4,4 μg/mL Brazilin. Brazilin cho thấy tác dụng loại bỏ gốc tự do DPPH (2,2-diphenyl-1-picrylhydrazyl) phụ thuộc vào liều lượng. So với axit L-ascorbic được sử dụng làm đối chứng dương, chiết xuất từ cây tô mộc cho thấy hoạt động nhặt gốc tự do có giá trị tương tự. Tô mộc và hợp chất chính của nó là Brazilin tăng cường biểu hiện enzyme chống oxy hóa (đặc biệt là GPX7).

Hơn nữa, chiết xuất tô mộc và Brazilin thể hiện tác dụng bảo vệ chống lại stress oxy hóa. Do đó hợp chất tự nhiên này được phân lập từ tô mộc là một phương pháp điều trị tiềm năng cho tình trạng lão hóa da do stress oxy hóa.

Bảo vệ dạ dày

Các nghiên cứu in vitro bảo vệ dạ dày cho thấy chiết xuất hydro-alcoholic của lõi gỗ tô mộc có tác dụng bảo vệ tế bào phụ thuộc vào liều lượng chống lại độc tế bào do indomethacin gây ra và cho thấy tác dụng bảo vệ tế bào tối đa với mức giảm 76,82% so với độc tế bào do indomethacin gây ra ở liều 25 µg/ml. Chiết xuất tô mộc cho thấy khả năng ức chế 63,91% trong xét nghiệm ức chế H+/K+ ATPase ở nồng độ 500 µg/ml.

Tô mộc: Vị thuốc hoạt huyết hóa ứ3.jpg
Chiết xuất hydro-alcoholic của lõi cây Tô mộc cho thấy tác dụng bảo vệ tế bào niêm mạc dạ dày

Các nghiên cứu in vivo sử dụng mô hình bạch tạng Wistar cũng đã được báo cáo. Trước khi được gây ra bởi các chất gây hoại tử, cao chiết hydro-alcoholic của tâm gỗ tô mộc ở mức liều 250 và 500 mg/kg trọng lượng cơ thể dùng bằng đường uống theo mô hình Wistar bạch tạng. Những con chuột được điều trị bằng dịch chiết tô mộc ở liều 500 mg/kg cho thấy cấu trúc niêm mạc tốt hơn, giảm diện tích vết loét và cũng không thấy dấu hiệu xuất huyết tiêu hóa.

Kháng khuẩn

Phòng đông y thực nghiệm Viện vi trùng Việt Nam (1961) đã tiến hành nghiên cứu và đưa ra kết luận nước sắc tô mộc có tác dụng kháng sinh mạnh đối với các chủng vi khuẩn như Staphylococcus 209P, Bacillus subtilis, Salmonella typhi, Shiga flexneri, Shigella dysenteriae Shiga, Shigella sonnei.

F-EtOH là dịch chiết phân đoạn từ ethanol, F-EtOH có thể tiêu diệt tất cả các vi khuẩn gây bệnh đã được thử nghiệm như sâu răng và viêm nướu (Streptococcus mutans, Streptococcus mutans và Streptococcus intermedius). F-EtOH và Brazilin được so sánh về khả năng ức chế trên màng sinh học của ba chủng S. mutans. F-EtOH cho thấy hiệu quả cao hơn Brazilin.

Chiết xuất 3-deoxysappanchalcone có hoạt tính chống lại cả hai chủng Mycobacteria lao nhạy cảm với thuốc và kháng thuốc bên trong đại thực bào và tế bào phổi. Chiết xuất 3-Deoxysappanchalcone cũng được phát hiện có tác dụng hiệp đồng một phần với streptomycin/ethambutol chống lại Mycobacteria lao.

Hoạt tính kháng khuẩn của dịch chiết tô mộc chống lại các chủng phân lập lâm sàng của tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) và tác dụng của chiết xuất tô mộc đối với sự xâm lấn của MRSA đến các nguyên bào sợi niêm mạc ở người (HMF) đã được nghiên cứu. Kết quả được báo cáo ở đây cho thấy chiết xuất metanol của tô mộc có hoạt tính kháng khuẩn, làm giảm MIC của kháng sinh -lactam chống lại MRSA và ức chế sự xâm lấn của MRSA đối với HMF.

Thuốc kháng vi-rút

Chiết xuất 3-deoxysappanchalcone và sappanchalcone thể hiện hoạt tính cao nhất chống lại vi-rút cúm (H3N2) với giá trị IC50 lần lượt là 1.06 và 2.06 mg/mL so với axit oseltamivir và ribavirin đối chứng dương với giá trị IC50 là 0,065 và 9,17 mg/mL.

Thuốc kháng nấm

B. bassiana là một loại nấm gây hại phát triển trên tằm. Chất 4-O-Methylsappanol cho thấy hoạt động tốt chống lại B. bassiana ở nồng độ 100 mg/ml tương đương với nồng độ của thuốc tiêu chuẩn Dithane M-45.

Bảo vệ hệ tim mạch

Brazilin gây ra sự dãn động mạch chủ chuột cũng như ức chế quá trình phosphoryl hóa ERK1/2 và MLC do NE kích thích. Brazilin cũng làm giảm sự co mạch thông qua việc chặn các kênh Ca2+ do điện áp và thụ thể vận hành. Với nồng độ 0,01g chiết xuất ethanol 70% của tô mộc trên 20g trọng lượng cơ thể có thể điều chỉnh thành phần lipoprotein không thuận lợi ở bệnh nhân tăng cholesterol máu.

Chống viêm

Brazilin tinh khiết (10 mg/kg trọng lượng cơ thể) được phân lập từ tô mộc làm giảm chỉ số viêm khớp và mức độ phù chân do viêm cấp tính ở mô hình chuột. Hàm lượng 124 mg sappanchalcone từ tâm gỗ khô của cây tô mộc điều chỉnh mức độ của các cytokine gây viêm như TNF-α, IL-1β và IL-6 trong mô hình chuột. Sappanchalcone cho thấy tác dụng chống viêm ở chuột bằng cách điều chỉnh giảm các cytokine trong huyết thanh gây viêm và giảm tình trạng mất xương sau đó. Sappanchalcone có thể được sử dụng như một chất chống viêm và bảo vệ xương trong điều trị viêm khớp dạng thấp.

Tô mộc: Vị thuốc hoạt huyết hóa ứ4.jpg
Một số hoạt chất trong cây tô mộc có khả năng giảm tình trạng viêm khớp

Chống tiểu đường

Đồ uống truyền thống làm từ 0,22g tô mộc đun sôi với 200ml nước trong 20 phút đã được dùng trong 28 ngày. Mức đường huyết lúc đói giảm là 14,36 ± 19,19 mg/dl.

Thuốc chống ung thư

Brazilein gây ra sự chết tế bào và ức chế tăng trưởng của tế bào MCF-7 ung thư vú ở người bằng cách điều hòa giảm biểu hiện protein CD1 và mRNA và được điều hòa thông qua con đường Akt/GSK-3b/bCatenin.

Tác dụng ức chế của Brazilein đối với sự biểu hiện và hoạt động của MMP-2 có thể tương quan với sự bất hoạt của con đường p38 MAPK, PI3K/Akt và NF-jB. MMP là một họ endopeptidase chứa kẽm và trong số này MMP-2 và MMP-9 được biểu hiện cao ở các khối u vú xâm lấn và có liên quan đến kết quả lâm sàng kém. Tác dụng ức chế MMP- 2 góp phần vào hoạt động chống di căn và xâm lấn của Brazilein trên các tế bào MDA-MB-23.

Liệu pháp Miliaria

Nghiên cứu in vivo trên 40 trẻ sơ sinh mắc bệnh miliaria (bệnh rôm sảy) được chia thành hai nhóm tắm bằng nước đun sôi tô mộc và không tắm nước tô mộc. Kết quả cho thấy thời gian khỏi bệnh trung bình của trẻ tắm bằng nước đun sôi tô mộc là 5.75 ngày. Tuy nhiên, ở nhóm đối chứng có thời gian khỏi bệnh trung bình là 9.80 ngày.

Tô mộc: Vị thuốc hoạt huyết hóa ứ5.jpg
Tô mộc còn được sử dụng điều trị rôm sảy ở trẻ em

Tiêu chảy

Tannin là chất làm se dùng để điều trị tiêu chảy. Tô mộc đun sôi với nước trong 20 phút thu được tannin với nồng độ 0.137%. Dựa trên công dụng chữa bệnh đó, các nhà thuốc có thể tiến hành nghiên cứu sâu hơn và công nghệ để bào chế thuốc có hoạt chất từ ​​tô mộc hoặc các hoạt chất của nó như Brazilin, Brazilein, 3-deoxysappanchalcone, sappanchalcone, Caesalsappanins A, G, H và I.

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng: Dạng thuốc sắc, liều dùng tô mộc trung bình 6 - 12g.

Cách dùng: Người dân còn có thể dùng nấu nước uống thường ngày thay nước chè. Với màu đỏ vang đặc trưng, nước sắc gỗ vang được dùng làm thuốc nhuộm đồ gỗ trước khi đánh vécni.

Lưu ý

Lưu ý khi sử dụng vị thuốc Tô mộc:

  • Vì là vị thuốc có tác dụng chữa bệnh, do đó việc sử dụng thuốc phải được dùng đúng chỉ định dưới sự giám sát từ bác sĩ chuyên khoa về Y học cổ truyền.
  • Phụ nữ có thai cấm dùng.
  • Thể bệnh không ứ trệ cấm dùng.
  • Theo GS Đỗ Tất Lợi đã có báo cáo về trường hợp chuột bạch, chuột nhắt và thỏ dùng nước sắc tô mộc có triệu chứng buồn ngủ (khi dùng ở lượng lớn thì hôn mê, thậm chí tử vong) và khi tiêm nước sắc tô mộc cho chó thì có triệu chứng nôn mửa và đi tả.

Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại dược liệu nào

Nguồn tham khảo