Long Châu

Viêm khớp dạng thấp là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau, cứng các khớp, gây khó khăn trong vận động. Các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiện tại có thể giảm thiểu các triệu chứng trên khớp cũng như ngăn ngừa, làm chậm sự tiến triển của tổn thương và biến dạng khớp. Việc điều trị sớm sẽ cho kết quả lâu dài tốt hơn và giảm nguy cơ phải thay khớp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm khớp dạng thấp là gì? 

Viêm khớp dạng thấp, còn gọi là viêm đa khớp dạng thấp (RA), là một bệnh rối loạn tự miễn diễn ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn tấn công các mô khỏe mạnh. Tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng đến niêm mạc của các khớp, dẫn đến sự xói mòn xương và cuối cùng là gây ra biến dạng khớp.

Các khớp thường bị cứng nặng nhất vào buổi sáng, có thể kéo dài 1 – 2 giờ, thậm chí là cả ngày. Chuyển động khớp nhẹ nhàng, chậm rãi có thể giúp cải thiện tình trạng này.

Các giai đoạn của viêm khớp dạng thấp

  • Giai đoạn 1: Người bệnh sẽ cảm thấy đau khớp, cứng khớp hoặc sưng tấy. Giai đoạn này, không có tổn thương ở xương nhưng bao hoạt dịch đã bị viêm.
  • Giai đoạn 2: Người bệnh có thể bị đau, cử động khớp hạn chế và mất khả năng vận động vì bao hoạt dịch đã bị viêm khiến sụn khớp bị tổn thương. 
  • Giai đoạn 3: Đây được xem là giai đoạn nghiêm trọng. Người bệnh có thể bị đau, sưng nhiều, yếu cơ, mất khả năng vận động và xảy ra một số biến dạng khớp do các tổn thương không chỉ lan rộng đến sụn mà còn đến xương.
  • Giai đoạn 4: Đây là viêm khớp dạng thấp giai đoạn cuối, lúc này các khớp đã không còn hoạt động nữa. Ở giai đoạn này, người bệnh có thể bị đau, sưng tấy, cứng khớp và mất khả năng vận động, suy giảm sức mạnh của cơ bắp. Các khớp có thể bị phá hủy và chứng dính khớp xuất hiện vì các xương có thể hợp nhất với nhau.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp dạng thấp

Cứng khớp trong một thời gian dài vào buổi sáng là biểu hiện đặc trưng của viêm khớp dạng thấp. Ngoài ra, còn có thể có các triệu chứng sau:

  • Đau nhức, sưng ở nhiều khớp và thường bị đối xứng ở cả 2 bên cơ thể.
  • Mất năng lượng, mệt mỏi, yếu.
  • Sốt nhẹ.
  • Giảm ngon miệng.
  • Giảm cân.
  • Dưới da xuất hiện các nốt thấp khớp, cứng, mọc ở những vị trí như khuỷu tay và bàn tay.

Tác động của viêm khớp dạng thấp đối với sức khỏe 

Viêm khớp dạng thấp gây đau, sưng, thậm chí là biến dạng các khớp, làm giảm khả năng vận động bình thường của bệnh nhân.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm khớp dạng thấp

Nếu tình trạng viêm nhiễm diễn ra trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho khớp không thể phục hồi, có thể phải thay khớp.

Viêm khớp dạng thấp cũng có thể ảnh hưởng đến các mô khác trên cơ thể và gây ra các biến chứng ở phổi, tim, mắt và làm tăng nguy cơ bị loãng xương, nhiễm trùng...

Xem thêm: Những biến chứng viêm khớp dạng thấp có thể bạn chưa biết

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, nguyên nhân chính xác chưa xác định được. Khi đó, hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, dẫn đến việc tấn công nhầm mô khỏe mạnh thay vì các tác nhân gây bệnh khác, từ đó gây viêm, sưng và đau nhức các khớp.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm khớp dạng thấp?

Những người có các thành viên trong gia đình cũng bị viêm khớp dạng thấp.

Người hút thuốc lá, béo phì.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp, bao gồm:

  • Di truyền.
  • Giới tính: Thống kê cho thấy khoảng 75% người mắc viêm khớp dạng thấp là phụ nữ.
  • Tuổi tác: Thường xuất hiện ở độ tuổi 30 – 50 tuổi.
  • Hút thuốc lá, bị béo phì làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Xét nghiệm máu để tìm các kháng thể kháng CCP đặc trưng của xét nghiệm viêm khớp dạng thấp, các dấu hiệu gợi ý viêm và xem có tình trạng thiếu máu hay tăng tốc độ lắng hồng cầu không.

Kiểm tra các khớp và cơ quan bằng chẩn đoán hình ảnh (chụp X quang, MRI, siêu âm).

Phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp hiệu quả

Mục tiêu điều trị là cải thiện tình trạng đau, sưng khớp và giúp bệnh nhân thực hiện các hoạt động hàng ngày một cách bình thường. Bắt đầu dùng thuốc càng sớm càng tốt giúp ngăn ngừa các khớp khỏi tổn thương lâu dài hoặc có thể vĩnh viễn. 

Tùy vào thể trạng bệnh nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp. 

Thuốc Điều Trị Cơ Bản:

DMARDs (Thuốc chống thấp khớp cổ điển): 

  • Methotrexate
  • Leflunomide
  • Hydroxychloroquine
  • Sulfasalazine 

Tác dụng của DMARDs: Cải thiện triệu chứng và làm chậm tiến triển của tổn thương khớp.

Kết Hợp Thuốc: DMARDs kết hợp với NSAID hoặc corticosteroid liều thấp để giảm sưng và đau.

Điều Trị Nâng Cao Cho Bệnh Nghiêm Trọng:

Methotrexate phối hợp với thuốc kháng thể đơn dòng hoặc công nghệ sinh học:

  • Abatacept
  • Etanercept
  • Anakinra
  • Sarilumab
  • Adalimumab
  • Certolizumab
  • Golimumab
  • Infliximab
  • Rituximab
  • Tocilizumab

Mục đích: Ngăn chặn các tín hiệu hóa học gây viêm và tổn thương.

Các Lựa Chọn Thay Thế: Thuốc ức chế Janus kinase (JAK) như Tofacitinib và Baricitinib, khi Methotrexate không đủ hiệu quả.

Can Thiệp Phẫu Thuật:

  • Cắt bao hoạt dịch ở khớp bị tổn thương.
  • Sửa chữa các gân bị bong hoặc đứt.
  • Thay khớp khi cần thiết.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Xem thêm: Các loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của viêm khớp dạng thấp

Chế độ sinh hoạt:

  • Lối sống tích cực: Giảm stress và duy trì thái độ lạc quan.
  • Phương pháp chườm: Chườm nóng để thư giãn cơ hoặc chườm lạnh để giảm đau và sưng khớp.
  • Liên hệ bác sĩ khi có bất thường: Báo ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng lạ.
  • Thăm khám định kỳ: Để theo dõi tiến trình bệnh và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần.
  • Hỗ trợ tinh thần: Giao tiếp và chia sẻ với người thân, bạn bè, hoặc nuôi thú cưng.

Tập Luyện:

  • Tập thể dục đều đặn: Bao gồm đi bộ, aerobic cường độ thấp, và các bài tập tăng sức mạnh cơ bắp.
  • Thực Hiện các bài thể dục nhẹ: Như vươn vai và các bài tập kéo giãn.

Chế Độ Dinh Dưỡng:

  • Bổ sung dầu cá và dầu thực vật: Sử dụng dầu của hoa anh thảo và cây lưu ly có thể giúp giảm đau và cứng khớp.
  • Ăn nhiều râu xanh và trái cây: Cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, hỗ trợ hệ miễn dịch và giảm viêm.
  • Hạn chế thực phẩm gây viêm: Tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn, đường tinh luyện và chất béo bão hòa.
  • Chế độ ăn đa dạng, cân bằng: Đảm bảo nhận đủ các nhóm dưỡng chất thiết yếu để duy trì sức khỏe tổng thể.

Tham khảo thêm: Cách chăm sóc bệnh nhân viêm khớp dạng thấp

Phương pháp phòng ngừa viêm khớp dạng thấp hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Thường xuyên vận động (tập thể dục 150 phút/tuần, ví dụ như đi bộ, đạp xe, bơi lội 30 phút/ngày x 5 ngày/tuần).
  • Bỏ thuốc lá sẽ giảm nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp.
  • Duy trì cân nặng hợp lý để không bị béo phì.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.rheumatology.org/I-Am-A/Patient-Caregiver/Diseases-Conditions/Rheumatoid-Arthritis
  2. https://www.cdc.gov/arthritis/basics/rheumatoid-arthritis.html
  3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/rheumatoid-arthritis/symptoms-causes/syc-20353648
  4. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4924-rheumatoid-arthritis
  5. https://www.healthline.com/health/rheumatoid-arthritis

Các bệnh liên quan

  1. Viêm khớp háng

  2. Thoái hóa cột sống

  3. Viêm bao hoạt dịch khớp vai

  4. Bệnh Osgood-Schlatter

  5. Viêm khớp thiếu niên

  6. Bướu hoạt dịch cổ tay

  7. Viêm cân gan chân

  8. Sưng khớp

  9. Ngón chân hình búa

  10. Hội chứng cơ nâng hậu môn