Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Tỏi trời

Tỏi trời: Vị thuốc quý với nhiều công dụng tuyệt vời

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Cây tỏi trời hay còn gọi là cây hoa bỉ ngạn, là một loài cây thân thảo sống lâu năm, thuộc họ bách hợp. Cây tỏi trời có nhiều công dụng, chủ yếu được dùng làm cảnh do có hoa màu vàng cam rất đẹp và có mùi thơm. Ngoài ra một số quốc gia sử dụng tỏi trời trong y học để chữa động kinh, bong gân, trật khớp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng hoa tỏi trời có độc tính cao, có thể gây suy giảm nhận thức nên phải hết sức thận trọng khi sử dụng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tỏi trời có tên khoa học là Veratrum mengtzeanum Loes. f, thuộc họ bách hợp Liliaceae. Ngoài ra tỏi trời còn có các tên thường gọi khác như Tiểu tông bao, phệ ma thảo, tế độc (Vân Nam), có nơi còn gọi là tỏi rừng.

Tỏi trời 1
Cây tỏi trời trong tự nhiên

Đặc điểm tự nhiên

Cây tỏi trời có thân nhẵn bóng, chiều cao có thể đạt từ 1 - 3m, mọc thẳng đứng, màu xanh lục. Lá mọc so le thành cụm gồm 5 - 6 lá, dài 20 - 50cm, rộng từ 1 - 3cm, hình dải.

Cây tỏi trời có hoa đẹp mắt, là loài cây được ưa chuộng trồng làm cảnh, trang trí. Hoa tỏi trời có màu vàng cam, mọc thành cụm, đường kính hoa khoảng 4 - 6mm. Hoa tỏi trời thường nở vào mùa hè, từ tháng 7 đến tháng 8.

Hoa tỏi trời có cấu tạo gồm 6 cánh hoa, 6 nhị hoa và 1 bầu nhụy. Cánh hoa dày, hình bầu dục hoặc hình thìa, có mùi thơm nhẹ. Nhụy hoa có 6 nhánh, chỉ nhị dạng sợi, bao phấn có hình hạt đậu. Bầu nhụy không có lông, ống nhị có 3 nhánh, đa số cong ra ngoài, đầu ống nhỏ.

Tỏi trời 2
Hoa tỏi trời

Với vẻ đẹp rực rỡ của mình, hoa tỏi trời góp phần tô điểm cho không gian sống thêm phần tươi mới, tràn đầy sức sống. Cây tỏi trời thường được trồng ở các khu vực vườn hoa, công viên, nhà ở.

Quả của cây tỏi trời có hình trứng, vỏ mỏng, hạt nhiều có góc.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây tỏi trời phân bố chủ yếu ở các vùng núi cao, có độ cao từ 1200 - 3300m so với mực nước biển. Những cây tỏi trời được tìm thấy bắt nguồn ở Quý Châu, Tứ Xuyên, Vân Nam của Trung Quốc. Sau này chúng mọc phổ biến tại Việt Nam. Tại Việt Nam, cây tỏi trời thường mọc ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu.

Cây tỏi trời thường được thu hoạch vào mùa thu đông. Sau đó được đem đi rửa sạch, phơi sấy khô hoặc dùng tươi để làm dược liệu chữa bệnh.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận thường sử dụng là thân rễ cây tỏi trời, thường dùng làm thuốc, giàu alcaloid có giá trị trong điều trị bệnh.

Tỏi trời 3
Thân rễ cây tỏi trời thường được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị chấn thương, sưng tấy và giảm đau

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học chủ yếu trong cây tỏi trời được phát hiện là như alcaloid, lycorine, lycorenine, galanthamine, lycoramine, homolycorine, tazettine, pscandolycorine.

Ngoài ra gốc thân của chúng chứa nhiều veramarine, protoveratrine A.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Gốc thân cây tỏi trời có vị đắng, tê lưỡi, tính hàn. Công dụng chính của cây tỏi trời là tiêu thũng chỉ thống, hoạt huyết chỉ huyết, thúc nôn.

Trong nền y học cổ truyền ở Trung Quốc, người ta thường dùng tỏi trời trị chứng vô danh thũng độc, trẻ em bị chứng tê liệt. Khi dùng tươi có thể trị bỏng do lửa. Ngoài ra còn có tác dụng trị nhọt, ghẻ lở, ung thũng sang độc. Tỏi trời còn có thể dùng làm thuốc gây nôn khi ăn phải vật có độc và tiêu trừ đờm khi bị tắc nghẽn, ngoài ra còn dùng chữa chứng hoàng đản, thuỷ thũng.

Chủ trị: Theo y học cổ truyền, tỏi trời thường được dùng để trị chứng sưng đau do bong gân, trật khớp, đau do phong thấp, ngoài ra còn chữa gãy xương, ghẻ lở, viêm da, chảy máu ngoài.

Tỏi trời 4
Theo y học cổ truyền, tỏi trời dùng để chữa trị chứng bong gân trật khớp

Theo y học hiện đại

Trong điều trị kháng viêm

Một nghiên cứu vào năm 2023 đã chứng minh được tác dụng kháng viêm từ hoạt chất alkaloid steroid trong cây tỏi trời thông qua hoạt động ức chế tiết các chất trung gian gây viêm như IL1β, IL6 và TNFα, đồng thời điều hòa quá mức việc sản xuất iNOS và COX2 trong các đại thực bào RAW264.7. Từ đó cho thấy hoạt động kháng viêm mạnh từ cây tỏi trời.

Trong điều trị giảm sưng, giảm đau

Một nghiên cứu vào năm 2016, alcaloid được phân lập từ rễ cây tỏi trời có tác dụng giảm đau đáng kể, ngoài ra còn có hoạt tính chống viêm, chống phù nề chân do carrageenan gây ra trên chuột.

Ngoài ra các hoạt chất có trong tỏi trời như lycopene và galantamine đã được chứng minh giúp giảm đau, giảm sưng, chống viêm, giảm nôn, an thần.

Tỏi trời 5
Hoạt chất trong tỏi trời có tác dụng giảm đau, giảm sưng nề hiệu quả

Trong hỗ trợ điều trị hạ áp

Các nghiên cứu invitro cho thấy khi tiêm hoạt chất alcaloid của cây tỏi trời cho các động vật như chó, mèo, thỏ thì có tác dụng hạ áp, do tác dụng của thuốc nhanh nên chưa ghi nhận tác dụng phụ. Tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu chứng minh tác dụng.

Liều dùng & cách dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng và tác dụng của từng bài thuốc mà có thể dùng dược liệu tỏi trời với nhiều cách khác nhau.

Cây tỏi trời thường dùng ngoài da, lấy gốc rễ, sau đó giã nát đắp lên. Mỗi ngày sử dụng khoảng 0.45 – 0.6g, nên điều chỉnh lượng phù hợp.

Cây tỏi trời có hoa rất độc, nhỡ ăn phải sẽ sinh ra chứng suy giảm nhận thức, ăn nói bừa bãi, hàm hồ. Độc tính của hoa đến từ các chất hóa học như lycopene và galantamine. Nếu như được sử dụng không đúng, liều dùng quá mức cho phép dễ gây ức chế thần kinh. Trước khi sử dụng nên tìm hiểu kỹ và tham khảo hướng dẫn của bác sĩ thay vì tự sử dụng.

Tỏi trời 6
Cây tỏi trời nếu không sử dụng đúng cách có thể gây suy giảm nhận thức

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc nhuận phổi trừ ho giúp hỗ trợ bệnh lý đường hô hấp

Bài thuốc: Bách hợp cố kim thang.

Chuẩn bị: Tỏi trời 4g, xuyên bối mẫu 4g, thục địa 12g, bạch thược 4g, sinh địa 8g, đương quy 4g, mạch môn 6g, huyền sâm 3g, cát cánh 3g, cam thảo 4g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang.

Chủ trị: Phế hư sinh ho, âm hư hỏa vượng, họng khô đau, ho ra đờm có dính máu, lưỡi đỏ ít rêu, mạch đập yếu.

Tỏi trời 7
Bài thuốc Bách hợp cố kim thang có vị thuốc tỏi trời giúp hỗ trợ trong các bệnh lý hô hấp

Bài thuốc trị phổi khô sinh ho, khạc đờm có máu

Bài thuốc: Bách hoa cao.

Chuẩn bị: Tỏi trời 4g, khoản đông hoa 4g.

Thực hiện: Dược liệu phơi khô được đem đi tán mịn thành bột, sau đó luyện với mật làm thành hoàn. Uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 12g, thuốc được dùng sau khi ăn. Người bệnh có thể nhai nhỏ thuốc rồi uống với nước gừng hoặc nước nóng đun sôi.

Bài thuốc dùng ngoài trị đau nhức, sưng do bong gân, trật khớp

Cây tỏi trời lấy gốc, sau đó giã nát đắp lên vùng bị đau nhức, bong gân.

Món ăn cho người bị viêm khí phế quản gây ho kéo dài

  • Nước ép hoặc nước sắc từ 100g tỏi trời tươi, sau đó giã ép lấy nước, hoặc có thể dùng pha nước uống. Sử dụng thuốc cho người bệnh bệnh phổi có khái huyết, họng có đờm huyết.
  • Cháo đậu đỏ hạnh nhân tỏi trời

Chuẩn bị: Tỏi trời 10g, hạnh nhân 6g, đậu đỏ nhỏ hạt 60g, nấu cùng với đường trắng lượng thích hợp.

Thực hiện: Người bệnh nấu đậu đỏ trước, cho đến khi cháo đậu gần chín nhừ cho tỏi trời, hạnh nhân vào nấu tiếp, thêm vào lượng đường vừa đủ để ăn. Nên ăn như món điểm tâm vào buổi sáng sẽ mang lại hiệu quả.

Lưu ý

Tỏi trời là một loại cây thuốc có độc tính cao, ăn vào có thể gây mất nhận thức vì vậy cần thận trọng khi sử dụng. Một số lưu ý khi sử dụng cây tỏi trời:

  • Hoa và củ của cây tỏi trời đều có độc dược, tính đắng và nếu như sử dụng không đúng cách, quá liều mức cho phép có thể bị ngộ độc, nôn mửa, tê liệt thần kinh và thậm chí tử vong. Trong trường hợp bị ngộ độc tỏi trời, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
  • Không sử dụng tỏi trời cho trẻ em dưới 12 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú.
  • Không dùng tỏi trời để chữa bệnh khi bị ho do nhiễm phong hàn hoặc tiêu chảy do tỳ vị hư hàn vì dễ phát sinh ngộ độc gây nguy hiểm.
  • Dùng đúng liều lượng và theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Tỏi trời đã được sử dụng từ rất lâu trong dân gian, nhờ có nhiều công dụng quý báu mà được ứng dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh hàng ngày. Tuy nhiên việc sử dụng tỏi trời nên tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn, từ đó phát huy được công dụng tuyệt vời của vị thuốc này.

Nguồn tham khảo
  • Alkaloid steroid từ rễ cây Veratrum mengtzeanum Loes. với các hoạt động chống viêm của chúng: https://www.researchgate.net/publication/374766371_Steroidal_Alkaloids_from_the_Roots_of_Veratrum_mengtzeanum_Loes_with_Their_Anti-Inflammatory_Activities
  • Các alkaloid steroid có tác dụng chống viêm và giảm đau mạnh từ Veratrum taliense: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874115303093
  • Phân tích bộ gen và phát sinh loài lục lạp hoàn chỉnh của Veratrum mengtzeanum Loes. F. (Họ Liliaceae): https://www.tandfonline.com/doi/full/10.1080/23802359.2019.1693926