Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Suy giảm nhận thức có nguy hiểm hay không? Cách phát hiện và phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Suy giảm nhận thức là tình trạng suy giảm chức năng nhận thức của bạn như suy nghĩ, học tập, trí nhớ, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề,... Tình trạng này thường gặp ở người lớn tuổi, tuy nhiên một số bệnh lý cũng có thể gây ra. Phương pháp điều trị chủ yếu hiện nay là điều trị nguyên nhân gây ra suy giảm nhận thức kết hợp với giáo dục người bệnh và gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Suy giảm nhận thức là gì?

Nhận thức là hành động hoặc quá trình thu thập kiến thức và hiểu biết thông qua suy nghĩ, kinh nghiệm và các giác quan. Bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau như sự tập trung chú ý, trí nhớ, kiến thức, khả năng ra quyết định, lập kế hoạch, lý luận, phán đoán tình huống, hiểu ngôn ngữ và chức năng thị giác không gian xung quanh. Quá trình nhận thức sử dụng những kiến thức bạn đang có và tạo ra những kiến thức mới.

Suy giảm nhận thức là tình trạng bạn gặp khó khăn trong việc ghi nhớ, học những điều mới, tập trung hoặc đưa ra quyết định trong cuộc sống hằng ngày. Suy giảm nhận thức được chia thành các mức độ từ nhẹ đến nặng. Đây không chỉ là bệnh hoặc tình trạng cụ thể mà có thể là một trong những dấu hiệu và triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn nào đó.

Một thống kê cho thấy hơn 16 triệu người Hoa Kỳ đang sống chung với chứng suy giảm nhận thức. Alzheimer và sa sút trí tuệ là bệnh lý suy giảm nhận thức được biết đến nhiều nhất. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy giảm nhận thức

Suy giảm nhận thức không phải là bệnh lý mà là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý khác. Bạn hoặc những người thân xung quanh đều có thể nhận thấy những thay đổi này:

  • Thường xuyên hỏi lại cùng một câu hỏi hoặc kể lặp đi lặp lại cùng một câu chuyện (khó ghi nhớ mọi thứ).
  • Khó khăn trong việc học những điều mới và tập trung.
  • Khó khăn khi nói và vấn đề về thị lực.
  • Không nhận ra được người quen hoặc những nơi thân quen, cảm thấy choáng ngợp trước những địa điểm mới hoặc tình huống bất ngờ.
  • Thay đổi tâm trạng như lẫn, dễ kích động.
  • Thay đổi hành vi và lời nói.
  • Khó khăn đưa ra quyết định, nhất là trong những trường hợp khẩn cấp;
  • Khó khăn trong việc lập kế hoạch và thực hiện các công việc hàng ngày thông thường như nấu ăn theo công thức hoặc ghi chép các hóa đơn.

Suy giảm nhận thức có thể xuất hiện rồi tự biến mất, mức độ suy giảm nhận thức có thể từ nhẹ đến nặng. Đối với tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ, bạn có thể nhận thấy vài sự thay đổi trong chức năng nhận thức nhưng bạn vẫn có thể tự thực hiện các sinh hoạt hàng ngày. Nếu suy giảm nhận thức nặng, bạn có thể quên mất khả năng nói hoặc viết, hiểu ý nghĩa của câu nói và dẫn đến việc bạn không thể tự sống một mình.

Suy giảm nhận thức còn có thể đi kèm với các triệu chứng và dấu hiệu khác của các bệnh lý gây ra nó:

  • Do nhiễm trùng có thể kèm sốt, phát ban, đau đầu, buồn nôn, nôn, cứng cổ, co giật.
  • Rối loạn chuyển hóa như đau bụng, buồn nôn, nhịp tim nhanh/chậm, mệt mỏi, khó thở, yếu cơ.
  • Do chấn thương đầu hoặc đột quỵ hoặc mất trí nhớ có thể gây thay đổi hành vi, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội, tê, yếu liệt.
Suy giảm nhận thức có nguy hiểm hay không? Cách phát hiện và phòng ngừa 4
Hay quên, mất trí nhớ là những biểu hiện thường gặp của suy giảm nhận thức

Biến chứng có thể gặp khi mắc suy giảm nhận thức

Có nhiều nguyên nhân gây ra suy giảm nhận thức như trầm cảm, bệnh tuyến giáp, tác dụng phụ của thuốc,... có thể điều trị được. Tuy nhiên, vẫn có một số tình trạng như bệnh Alzheimer không thể đảo ngược được mà chỉ có thể làm chậm diễn tiến của bệnh.

Nhiều nguyên nhân khác gây suy giảm nhận thức có thể là một tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng và nếu không được điều trị kịp thời có thể gây khuyết tật hoặc tử vong.

Các biến chứng khác:

  • Chậm phát triển;
  • Khuyết tật trong học tập;
  • Yếu/liệt;
  • Suy giảm nhận thức vĩnh viễn;
  • Thay đổi tính cách;
  • Mất trí nhớ vĩnh viễn;
  • Mất khả năng độc lập;
  • Té ngã, chấn thương;
  • Hôn mê.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Suy giảm nhận thức có thể là triệu chứng của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng như u não, đột quỵ, viêm não, viêm màng não, suy thận, nhiễm trùng huyết, chấn thương tủy sống,... Do đó khi có bất kỳ dấu hiệu nào được nêu ở trên, hãy đến bệnh viện sớm nhất để được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến suy giảm nhận thức

Suy giảm nhận thức có thể xảy ra từ khi sinh hoặc sau này do các yếu tố bên ngoài như chấn thương não, bệnh tâm thần. Không phải người lớn tuổi nào cũng bị suy giảm nhận thức, nhưng người ta nhận thấy tình trạng suy giảm nhận thức phổ biến hơn ở những người lớn tuổi.

Một số nguyên nhân ban đầu gây suy giảm nhận thức:

  • Bất thường nhiễm sắc thể (di truyền);
  • Phơi nhiễm với thuốc trong bụng mẹ;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Ngộ độc chì hoặc kim loại nặng;
  • Vàng da sơ sinh;
  • Hạ đường huyết;
  • Suy giáp;
  • Sinh non;
  • Thiếu oxy;
  • Chấn thương.

Ở thời thơ ấu hoặc thiếu niên, suy giảm nhận thức có thể xảy ra do nhiều tình trạng khác nhau như:

  • Tác dụng phụ của thuốc như thuốc hạ huyết áp, thuốc an thần,...;
  • Ngộ độc kim loại nặng;
  • Suy dinh dưỡng;
  • Bệnh tự kỷ;
  • Bệnh lý miễn dịch (ví dụ lupus ban đỏ hệ thống).

Khi tuổi tác càng tăng, một số bệnh lý khác có thể gây suy giảm nhận thức:

  • Đột quỵ;
  • Mất trí nhớ;
  • Trầm cảm, tâm thần phân liệt;
  • Sử dụng rượu mạn tính, lạm dụng chất gây nghiện;
  • Ngưng thở khi ngủ, các rối loạn giấc ngủ;
  • U não, đột quỵ;
  • Thiếu vitamin B12;
  • Mất cân bằng nội tiết tố;
  • Bệnh mạn tính như bệnh gan, thận;
  • Bệnh nhiễm trùng, ví dụ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Suy giảm nhận thức là giai đoạn đầu của một số bệnh lý thoái hóa thần kinh như Alzheimer, Parkinson, Huntington, sa sút trí tuệ thể Lewy, sa sút trí tuệ do HIV.

Các loại thuốc như thuốc an thần (như benzodiazepines), thuốc kháng cholinergic (như amitriptyline, nortriptyline và paroxetine), corticosteroid được cho là có thể gây ra suy giảm nhận thức.

Chấn thương não và nhiễm trùng não hoặc màng não đều có thể gây suy giảm nhận thức ở mọi độ tuổi.

Suy giảm nhận thức có nguy hiểm hay không? Cách phát hiện và phòng ngừa 5
Ngoài tuổi tác, vẫn có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm nhận thức

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc suy giảm nhận thức?

Tuổi tác là yếu tố nguy cơ chính của việc bị suy giảm nhận thức. Sau khi bước qua tuổi 65, số lượng người bị suy giảm nhận thức tăng đáng kể.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải suy giảm nhận thức

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc phải suy giảm nhận thức là:

  • Tiền sử gia đình có người mất trí nhớ.
  • Tiền sử chấn thương não.
  • Tiếp xúc với thuốc trừ sâu hoặc độc tố khác.
  • Mắc bệnh mạn tính như Parkinson, bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán suy giảm nhận thức

Kiểm tra sức khỏe

Bác sĩ sẽ xem xét chi tiết tiền sử bệnh của bạn và những người thân trong gia đình bạn (bao gồm thời điểm khởi phát, thời gian, triệu chứng, tác động đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và những thay đổi của chức năng nhận thức so với trước đây của bạn). Kiểm tra thể chất, khám thần kinh (chức năng vận động và cảm giác, phối hợp, phản xạ…) và tâm thần được tiến hành khi bạn đến khám.

Những vấn đề về tiền sử bệnh quan trọng bạn cần lưu ý:

  • Thay đổi chức năng nhận thức (khởi phát, diễn tiến).
  • Khả năng tự chăm sóc bản thân (nấu ăn, vệ sinh, kiểm soát tài chính).
  • Các triệu chứng kèm theo như buồn nôn, nôn, thị giác, lời nói, thăng bằng, dáng đi, chức năng vận động và cảm giác.
  • Triệu chứng tâm thần kinh như thay đổi tâm trạng, thay đổi hành vi và tính cách.
  • Các thuốc hiện tại đang sử dụng.

Có nhiều công cụ giúp bác sĩ đánh giá xem bạn có thật sự bị suy giảm nhận thức hay không thông qua các bài kiểm tra ngắn như Thang đánh giá tâm thần tối thiểu (MMSE), Thực hành đánh giá chức năng nhận thức toàn bộ (GPCOG), Sàng lọc suy giảm nhận thức (MIS), Câu hỏi ngắn về suy giảm nhận thức ở người già (IQCODE),...

Xét nghiệm

Tùy thuộc vào các dấu hiệu và triệu chứng biểu hiện ở bạn mà bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm phù hợp như:

  • Công thức máu toàn phần;
  • Chức năng tuyến giáp;
  • Nồng độ vitamin B12;
  • Chức năng gan;
  • Phân tích nước tiểu;
  • Chức năng thận;
  • CT-scan hoặc MRI giúp phát hiện bệnh lý của não như u não, xuất huyết não, đột quỵ.
Suy giảm nhận thức có nguy hiểm hay không? Cách phát hiện và phòng ngừa 6
MRI giúp phát hiện bệnh lý của não, hỗ trợ chẩn đoán tình trạng suy giảm nhận thức

Phương pháp điều trị suy giảm nhận thức hiệu quả

Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị suy giảm nhận thức. Điều trị suy giảm nhận thức hiện nay phụ thuộc vào nguyên nhân thực thể gây ra tình trạng này. Nếu nguyên nhân là do bệnh lý nhất định thì tình trạng suy giảm nhận thức có thể hồi phục sau khi điều trị khỏi bệnh. Do đó, khi bạn có tình trạng suy giảm nhận thức, hãy đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và tiếp nhận điều trị thích hợp cho nguyên nhân đó.

Nhiễm trùng, bệnh lý chuyển hóa, bệnh lý tuyến giáp và tác dụng phụ của thuốc là những nguyên nhân gây suy giảm nhận thức có thể điều trị được. Các biện pháp can thiệp chủ yếu tập trung vào cải thiện chất lượng sống, đặc biệt khi bạn có nguy cơ té ngã hoặc khó khăn khi đi lại.

Đối với những người lạm dụng rượu hoặc suy dinh dưỡng, cần bổ sung thêm vitamin B. Ginkgo biloba là một loại thảo dược bổ sung phổ biến được cho là có tác dụng cải thiện nhận thức và trí nhớ.

Tập luyện tăng cường khả năng nhận thức được xây dựng cá thể hóa phù hợp với nghề nghiệp, sinh hoạt hàng ngày của người bệnh nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của tình trạng suy giảm nhận thức tác động lên cuộc sống của người bệnh.

Môi trường không tiếng ồn giúp người bệnh dễ tập trung hơn và giảm bớt những yếu tố gây nhiễu và sự bối rối cho người bệnh. Hãy để người bệnh ở trong môi trường quen thuộc với những đồ vật quen thuộc và có sự trợ giúp của những người thân.

Triệu liệu tâm lý và trị liệu xã hội cho cả người bệnh và gia đình cho thấy kết quả tốt trong việc duy trì chất lượng cuộc sống tốt hơn cho người bệnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của suy giảm nhận thức

Chế độ sinh hoạt:

  • Vận động thể chất, rèn luyện và tập thể dục.
  • Ngủ đủ giấc.
  • Thư giãn trước khi ngủ hoặc khi căng thẳng.
  • Theo dõi những thay đổi trong sinh hoạt của bản thân.
  • Tham gia các hoạt động xã hội cùng người thân.
  • Rèn luyện trí não bằng cách học những kiến thức mới, giải câu đố,...

Chế độ dinh dưỡng: Chế độ ăn Địa Trung Hải được cho là có lợi cho những người bị suy giảm nhận thức.

Phương pháp phòng ngừa suy giảm nhận thức hiệu quả

Để đề phòng suy giảm nhận thức ngay từ bây giờ, bạn nên:

  • Duy trì vận động thường xuyên.
  • Kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, cholesterol và đường huyết.
  • Ăn uống lành mạnh.
  • Tránh hoặc bỏ hút thuốc lá.
  • Tránh uống rượu hoặc chỉ uống trong mức độ cho phép.
  • Tránh căng thẳng.
  • Ngủ đủ giấc và chất lượng.
  • Rèn luyện trí não bằng cách đọc sách, tham gia hoạt động ngoại khóa, học các kỹ năng mới,...
Suy giảm nhận thức có nguy hiểm hay không? Cách phát hiện và phòng ngừa 7
Hãy tập luyện cho não từ bây giờ để phòng ngừa suy giảm nhận thức
Nguồn tham khảo
  1. Cognitive Impairment: A Call for Action, Now!: https://www.cdc.gov/aging/pdf/cognitive_impairment/cogimp_poilicy_final.pdf
  2. Cognitive Deficits: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559052/
  3. What to Know About Cognitive Decline in Older Adults: https://www.webmd.com/healthy-aging/what-to-know-about-cognitive-decline-in-older-adults
  4. Protecting against cognitive decline: https://www.health.harvard.edu/mind-and-mood/protecting-against-cognitive-decline
  5. Understanding Cognitive Decline: How Your Brain Changes as You Age: https://www.healthline.com/health/cognitive-decline

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng Cotard

  2. Giác mạc hình chóp

  3. Rối loạn nhân cách phụ thuộc

  4. phù não

  5. Ung thư xương hàm

  6. Chảy dịch tai

  7. Rối loạn lo âu

  8. Tiêu xương sọ

  9. Loạn cảm họng

  10. Rễ thần kinh