Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cây Vọng cách: Loài rau bảo vệ gan 

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vọng cách là một loại rau gia vị, dùng lá ăn gỏi cá ở nhiều địa phương tại nước ta. Cây được sử dụng trong Y học cổ truyền để điều trị một số bệnh lý. Trong đó, ứng dụng quan trọng nhất của cây là dùng để điều trị các bệnh lý vàng da do tổn thương gan. Tuy nhiên, do cây có chứa các hợp chất gây cường giao cảm, việc sử dụng cây thuốc này trong thời gian dài với liều cao có thể gây tăng huyết áp, do đó người dân chỉ sử dụng khi đã được tư vấn bởi các chuyên gia về sức khỏe.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng việt: Vọng cách.

Tên khác: Bọng cách, Lá cách, Cách núi.

Tên khoa học: Cây có tên khoa học là Premna corymbosa Rottl. Ex Willd, thuộc họ Cỏ roi ngựa Verbenaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Cây nhỡ, cao 5 - 7m. Cành non tiết diện vuông, đôi khi có gai và lông mịn; cành già nhẵn, màu nâu đỏ, có rãnh và lỗ bì. Lá mọc đối, hình trái xoan, dài 14 - 16cm, rộng 10 - 12cm, gốc tròn hay hơi hình tim, đầu tù hay có mũi nhọn ngắn, mặt trên nhẵn bóng, gân nổi rõ, mặt dưới nhạt có lông mịn trên các gân, mép nguyên hoặc khía răng cưa phía đầu lá. Lá vò ra có mùi thơm như mùi chanh.

Cụm hoa mọc ở ngọn cành thành ngù dài 10 - 18cm, phủ lông mịn; lá bắc nhỏ dạng lá; hoa màu trắng, đôi khi hơi xanh lục; đài có lông và tuyến, chia 2 môi, môi trên nguyên hoặc xẻ thành 2 thùy, môi dưới nguyên hay có 2 - 3 răng rất nhỏ. Tràng hoa dạng ống hình trụ có lông ở mặt ngoài, chia 2 môi, môi trên có 2 thùy gần bằng nhau, môi dưới có 3 thùy tròn; nhị 4, hơi thò ra ngoài, chỉ nhị đính ở họng tràng; bầu nhẵn.

Quả hạch, hình cầu hoặc hình trứng, màu đen.

Cây Vọng cách – loài rau bảo vệ gan 1
Cây Vọng cách

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây Vọng cách phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt, từ Ấn Độ đến Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam. Tại Việt Nam, có 4 - 5 loài thuộc chi Premna được dùng làm thuốc. Đây là một cây thuốc tương đối quen thuộc với người dân vùng đồng bằng và trung du. Cây phân bố rải rác từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương đến các tỉnh Nam Bộ và đảo Phú Quốc.

Vọng cách là cây thân bụi, ưa sáng và ưa ẩm, nhưng cũng có thể chịu hạn, thường mọc xen lẫn với các loại cây bụi khác ở quanh làng, dọc theo các bờ kênh mương, đồi cây bụi và bờ nương rẫy. Cây thường xanh do mọc chồi và ra lá non gần như quanh năm. Tuy nhiên, cây sinh trưởng mạnh vào mùa xuân - hè. Vọng cách ra hoa kết quả nhiều, có khả năng tái sinh tự nhiên từ hạt. Cây còn có khả năng tái sinh từ chồi mạnh sau khi bị chặt đốn. 

Cây được trồng ở vườn nhà làm cảnh, lấy lá non là rau gia vị tại một số địa phương.

Cây Vọng cách – loài rau bảo vệ gan 2
Quả cây Vọng cách

Bộ phận sử dụng

Lá, rễ và cành cây Vọng cách (Folium, Radix et Ramulus Premnae Corymbosae) đều được sử dụng làm thuốc.

Thành phần hoá học

Toàn cây có mùi rất khó chịu, lá có mùi thơm giống chanh; rễ cây có vị đắng và có mùi dễ chịu do có chứa tinh dầu thơm và một chất màu màu vàng. Vỏ cây chứa 2 alkaloid quan trọng là premnin và ganiarin. Premnin có tác dụng giống thần kinh giao cảm; nó làm tăng sức co bóp cơ tim và làm dãn đồng tử. Lá cây có chứa nhiều hợp chất thuộc các nhóm alkaloid, tannin, glycosid tim và flavonoid.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, Vọng cách có vị hăng, đắng, có mùi thơm, tính mát, có tác dụng lợi tiêu hóa, trị sốt. Trong Y học dân gian Đông Nam Á, Vọng cách được dùng làm thuốc lợi tiểu tiêu phù, thuốc gây trung tiện, bổ dạ dày, trị tiêu chảy, viêm phế quản, thấp khớp, đau đầu và làm thuốc bổ cho phụ nữ sau sinh. 

Lá và rễ Vọng cách được dùng ở các nước Đông Dương làm thuốc lợi tiểu, bổ dạ dày và hạ sốt. Tại Indonesia, nước sắc lá làm thuốc lợi sữa và trị thấp khớp. Ở Malaysia, nước sắc rễ và lá dùng để hạ sốt. Ở Ấn Độ, rễ Vọng cách được dùng để nhuận trường, lợi dạ dày, trợ tim, bổ và trị sốt dai dẳng. Tại Sri Lanka, tinh dầu từ rễ Vọng cách dùng trị đau bụng.

Cây Vọng cách – loài rau bảo vệ gan 3
Vọng cách có nhiều ứng dụng trong Y học cổ truyền

Theo y học hiện đại

Tác dụng cường giao cảm

Các nghiên cứu thực nghiệm trên ếch cho thấy premnin và ganiarin có tác dụng gây co mạch máu, tăng co bóp cơ tim, dẫn đến làm tăng huyết áp. Premnin cũng gây giãn đồng tử.

Cao chiết nước của cây có tác dụng mạnh trên cơ trơn tử cung và ruột động vật thí nghiệm, gây tăng đáng kể hoạt động của các cơ quan này.

Tác dụng kháng viêm và giảm đau

Đáp ứng viêm xảy ra là kết quả từ sự tương tác giữa hệ miễn dịch của cơ thể với các tác nhân xâm nhập. Cơ chế hình thành phản ứng viêm có liên quan chặt chẽ đến các hóa chất trung gian gây viêm. Premnazol, một isoxazol alkaloid phân lập từ lá cây Vọng cách thể hiện khả năng kháng viêm đáng kể trên mô hình chuột cống trắng bằng cách làm giảm sự tạo u hạt và làm giảm trọng lượng tuyến thượng thận của chuột.

Đau là một cảm giác khó chịu về mặt thể xác và tinh thần và là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bệnh nhân cần đến các phương pháp điều trị y khoa. Lựa chọn đầu tay trong điều trị đau hiện nay là các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), tuy nhiên việc sử dụng các thuốc này dẫn đến tăng nguy cơ xuất hiện các phản ứng bất lợi như xuất huyết tiêu hóa, loãng xương và các biến cố tim mạch. Trên các mô hình chuột gây đau cấp tính, dịch chiết cây Vọng cách thể hiện khả năng giảm đau đáng kể, cho thấy tiềm năng thay thế các thuốc giảm đau của dược liệu này trong quản lý và điều trị đau.

Tác dụng chống oxy hóa

Các gốc tự do (gốc oxy phản ứng và gốc nitrogen phản ứng) được cơ thể con người tạo ra khi tiếp xúc với các tác nhân gây stress tế bào chẳng hạn như nhiễm trùng, bệnh tật, chất độc hoặc mất cân bằng dinh dưỡng. 

Thông thường, sự hình thành các gốc tự do là một quá trình sinh lý diễn ra nhằm làm giảm nhu cầu oxy cung cấp cho tế bào. Stress oxy hóa xảy ra khi có sự sản xuất dư thừa và/hoặc loại bỏ không đủ các gốc tự do này, và hậu quả của quá trình này là tổn thương tế bào, rối loạn chức năng sinh lý và lão hóa. Dịch chiết từ cây Vọng cách, thông qua các nghiên cứu in vitro in vivo, có khả năng dọn dẹp các gốc tự do và do đó, cải thiện tình trạng stress oxy hóa của tế bào.

Tác dụng bảo vệ gan

Gan là một cơ quan trọng yếu của cơ thể, đảm nhận chức năng chuyển hóa hầu hết các chất trong cơ thể. Tổn thương gan do độc chất và do thuốc, nhất là do paracetamol là một vấn đề sức khỏe ngày càng được lưu tâm trên toàn cầu, vì kể cả khi không có các biểu hiện lâm sàng, tổn thương gan lâu dài có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm như xơ gan và ung thư gan. Trên mô hình chuột thí nghiệm gây viêm gan bằng hóa chất và bằng paracetamol, dịch chiết cây Vọng cách giúp làm giảm nồng độ men gan, đồng thời nhờ có tính chống oxy hóa, dịch chiết cây này giúp hạn chế tổn thương của tế bào gan.

Cây Vọng cách – loài rau bảo vệ gan 4
Các nghiên cứu cho thấy dịch chiết cây Vọng cách có tác dụng bảo vệ gan

Tác dụng chống đái tháo đường

Đái tháo đường là một bệnh lý đặc trưng bởi sự gia tăng glucose trong máu. Việc kiểm soát đường huyết không ổn định là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới những biến chứng của bệnh như đột quỵ, thiếu máu cơ tim, bệnh động mạch ngoại biên, viêm đa dây thần kinh và bàn chân đái tháo đường. 

Các thuốc điều trị đái tháo đường hiện nay đều có thể gây ra một số tác dụng phụ bất lợi. Các mô hình thử nghiệm dược lý cho thấy dịch chiết từ rễ cây Vọng cách có tác dụng làm hạ đường huyết trên chuột bị đái tháo đường, tác dụng này phụ thuộc vào liều dùng thuốc. 

Tuy nhiên, dịch chiết cây thuốc này cũng làm hạ đường huyết trên chuột bình thường. Một thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân đái tháo đường cho thấy dịch chiết rễ cây Vọng cách cũng có tác dụng kiểm soát đường huyết trên những bệnh nhân này.

Cây Vọng cách – loài rau bảo vệ gan 5
Rễ cây Vọng cách được sử dụng trong điều trị đái tháo đường

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng thông thường hàng ngày là 30 - 40g (lá tươi) hoặc 15 - 20g (rễ) cây.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trị kiết lỵ

Lá Vọng cách tươi 30 - 40g, rửa sạch, vò nát, thêm ít nước đun sôi để nguội, khuấy đều. Vắt lấy nước, thêm đường lượng thích hợp để uống. Ngày uống một chén 30 - 40ml, trẻ em dùng nửa liều trên. Có thể dùng lá phơi khô hoặc sao vàng sắc uống.

Cây Vọng cách – loài rau bảo vệ gan 6
Cây Vọng cách thường dùng trong Y học cổ truyền để trị lỵ

Trị phạm phòng, phát sốt, viêm gan, co thắt sau khi giao hợp

Lá Vọng cách liều 30 - 40g, sắc lấy nước uống.

Trị đau bụng, ăn không tiêu, sốt

Rễ Vọng cách 20g, sắc uống.

Trị hậu sản vàng da

Lá Vọng cách, Nhân trần, Cối xay, mỗi vị 12g, sắc nước uống.

Cây Vọng cách – loài rau bảo vệ gan 7
Lá Vọng cách có thể được ứng dụng trong điều trị vàng da

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cây Vọng cách:

  • Cần lựa chọn nguồn nguyên liệu chất lượng trước khi sử dụng.
  • Không được sử dụng với liều cao trong thời gian dài.
  • Thận trọng khi sử dụng cho người có tiền sử dị ứng với thuốc và thức ăn.

Vọng cách là một loại rau gia vị quen thuộc tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, trong Vọng cách có một số hoạt chất có tác dụng kích thích hệ thần kinh giao cảm. Do đó, việc tự ý sử dụng Vọng cách có thể gây tăng huyết áp. Ngoài ra, quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Cần có sự tham vấn của Bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng Vọng cách làm thuốc. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo
  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Đỗ Tất Lợi
  • Từ điển cây thuốc Việt Nam – tập 1 – Võ Văn Chi
  • Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập 1 – Viện dược liệu
  • Roza Dianita & Ibrahim Jantan (2017) Ethnomedicinal uses, phytochemistry and pharmacological aspects of the genus Premna: a review, Pharmaceutical Biology, 55:1, 1715-1739, DOI: 10.1080/13880209.2017.1323225
  • Radhika, Sri Parasara, R. P. Senthilkumar and Ponnan Arumugam. “Appraisal of in vitro Antioxidant prospective of Premna corymbosa.” (2014).
  • Kabra, Atul, Ruchika Kabra and Uttam Singh Baghel. “Premna Species: A Review.” (2015).

Các sản phẩm có thành phần Vọng cách

  1. Viên uống Hamega Nam Dược bảo vệ gan, giải độc gan do bia rượu (4 vỉ x 10 viên)