Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Diazepam

Diazepam: An thần, giải lo âu, gây ngủ

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Diazepam

Loại thuốc

An thần, giải lo âu, gây ngủ.

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Thuốc uống: Dạng cồn thuốc, dạng sirô thuốc hoặc dạng dung dịch thuốc trong sorbitol 2 mg/5 ml; dung dịch uống 5 mg/5 ml; dung dịch uống đậm đặc 5 mg/1 ml.
  • Viên nén: 2 mg, 5 mg, 10 mg.
  • Nang: 2 mg, 5 mg, 10 mg.
  • Thuốc tiêm: Ống tiêm 10 mg/2 ml, lọ 50 mg/10 ml.
  • Thuốc trực tràng: Viên đạn 5 mg, 10 mg; dạng ống thụt trực tràng 5 mg, 10 mg.

Chỉ định

  • Diazepam được sử dụng trong những trạng thái lo âu, kích động, mất ngủ.
  • Trong trường hợp trầm cảm có kèm trạng thái lo âu, kích động, mất ngủ, có thể dùng diazepam cùng với các thuốc chống trầm cảm.
  • Sảng rượu cấp, các bệnh tiền sảng và hội chứng cai rượu cấp.
  • Co cứng cơ do não hoặc do thần kinh ngoại vi.
  • Co giật do sốt cao, trạng thái động kinh, co giật do ngộ độc thuốc.
  • Tiền mê trước khi phẫu thuật.

Dược lực học

Diazepam là thuốc hướng thần nhóm benzodiazepin tác dụng kéo dài. Diazepam có tác dụng an thần làm giảm căng thẳng, kích động, lo âu và gây ngủ. Ngoài ra, diazepam còn làm giãn cơ, chống co giật.

Thuốc được dùng trong thời gian ngắn để điều trị trạng thái lo âu, căng thẳng, dùng làm thuốc an thần, tiền mê, chống co giật (đặc biệt trạng thái động kinh và co giật do sốt cao), chống co cứng cơ và làm giảm hội chứng cai rượu.

Diazepam gắn với các thụ thể benzodiazepin ở hệ thần kinh trung ương và các cơ quan ngoại vi đặc biệt. Thụ thể benzodiazepin trên hệ thần kinh trung ương có liên quan chặt chẽ với thụ thể của acid gama aminobutyric (GABA) - một chất dẫn truyền thần kinh chủ yếu gây ức chế ở não.

Sau khi gắn với thụ thể benzodiazepin, diazepam làm tăng khả năng gắn GABA vào thụ thể GABA, gây tăng cường tác dụng ức chế thần kinh trung ương.

Động lực học

Hấp thu

Diazepam được hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau khi uống từ 0,5 đến 2 giờ.

Tiêm bắp, sự hấp thu của diazepam có thể chậm và thất thường tùy theo vị trí tiêm. Nếu tiêm vào cơ delta, thuốc thường được hấp thu nhanh và hoàn toàn. Dùng theo đường trực tràng, thuốc được hấp thu nhanh và hầu như hoàn toàn.

Phân bố

Diazepam gắn mạnh vào protein huyết tương (95 - 99%). Thể tích phân bố trong khoảng từ 0,95 đến 2 lít/kg, phụ thuộc vào tuổi. Diazepam ưa lipid nên thấm vào nhanh trong dịch não - tủy. Diazepam và chất chuyển hóa chính N-desmethyl diazepam qua được nhau thai và bài tiết vào sữa mẹ.

Chuyển hóa

Diazepam chuyển hóa chủ yếu ở gan, đặc biệt thông qua hệ enzym cytochrom P450 (CYP) 2C19.

Thải trừ

Thuốc thải trừ chủ yếu qua thận, một phần qua mật, phụ thuộc vào tuổi và chức năng gan, thận. Các chất chuyển hóa, N-desmethyl diazepam (nordiazepam), termazepam và oxazepam xuất hiện trong nước tiểu dưới dạng liên hợp glucuronid, là những chất có hoạt tính. Chỉ 20% các chất chuyển hóa được phát hiện trong nước tiểu trong 72 giờ đầu.

Các chất chuyển hóa có hoạt tính N-desmethyl diazepam, termazepam và oxazepam, có thời gian bán thải tương ứng theo thứ tự 30 - 100 giờ, 10 - 20 giờ và 5 - 15 giờ.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

  • Diazepam làm tăng ức chế hô hấp, an thần, ức chế tim mạch của các thuốc ức chế thần kinh trung ương và tâm thần: Thuốc giảm đau opioid, chống trầm cảm, kháng histamin, chống rối loạn tâm thần, gây mê, an thần gây ngủ khác, vì vậy nên thận trọng khi sử dụng đồng thời diazepam với các loại thuốc này.
  • Đặc biệt khi dùng diazepam cùng thuốc giảm đau opioid (morphin) có thể gây ức chế hô hấp nặng vì vậy liều của diazepam phải giảm ít nhất 1/3 và tăng dần từng lượng nhỏ.
  • Cimetidin và ciprofloxacin giảm độ thanh thải của diazepam, do đó làm tăng nồng độ diazepam trong huyết tương.
  • Isoniazid làm tăng thời gian bán thải của diazepam từ 34 - 45 giờ. Thuốc tránh thai và omeprazol có thể làm tăng tác dụng của diazepam.
  • Cafein làm giảm tác dụng an thần của diazepam.

Tương tác với thực phẩm

  • Tránh dùng đồng thời diazepam với rượu, do làm tăng tác dụng của rượu.
  • Uống khi bụng đói. Thức ăn có thể làm giảm khả năng hấp thu và thời gian phát huy tác dụng điều trị.

Tương kỵ thuốc

  • Không nên trộn hoặc pha loãng diazepam với các dung dịch khác hoặc thuốc khác trong bơm tiêm hoặc trong chai dịch truyền.

Chống chỉ định

Không dùng thuốc Diazepam cho các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với benzodiazepin và các thành phần khác của thuốc.
  • Nhược cơ, suy hô hấp nặng.
  • Không nên sử dụng trong trạng thái ám ảnh hoặc sợ hãi.
  • Không sử dụng đơn độc để điều trị trầm cảm hoặc lo âu kết hợp với trầm cảm vì có nguy cơ thúc đẩy tự sát ở nhóm người bệnh này.
  • Không dùng diazepam điều trị bệnh loạn thần mạn tính.
  • Không kết hợp diazepam với một benzodiazepin khác vì có thể gây chứng quên ở người bệnh.
  • Không dùng diazepam khi có sự mất mát hoặc người thân chết vì có thể việc điều chỉnh tâm lý bị ức chế.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Lo âu nặng:

  • Uống 2 mg/lần, 3 lần/ngày, có thể tăng liều tới tối đa 30 mg/ngày.
  • Dung dịch trực tràng: 500 microgam/kg thể trọng, có thể dùng nhắc lại sau 12 giờ.
  • Đạn trực tràng: 10 - 30 mg.
  • Tiêm bắp, tĩnh mạch: Tối đa 10 mg nhắc lại sau 4 giờ nếu cần.

Mất ngủ kèm lo âu:

Người lớn dùng 5 - 15 mg, tối đa 30 mg; uống trước khi đi ngủ.

Tiền mê, an dịu trong các thủ thuật:

  • Uống 5 - 15 mg.
  • Dung dịch trực tràng 10 mg.
  • Tiêm tĩnh mạch 100 - 200 microgam/kg thể trọng.

Động kinh các loại:

  • Uống 2 - 60 mg/ngày, chia nhiều lần.
  • Gel trực tràng 200 - 500 microgam/kg thể trọng tùy thuộc vào tuổi, có thể dùng nhắc lại sau 4 - 12 giờ nếu cần.

Trạng thái động kinh, co giật do sốt cao, co giật do ngộ độc thuốc:

  • Dùng dung dịch trực tràng: 500 microgam/kg thể trọng, có thể dùng nhắc lại cách 12 giờ/lần (dạng thuốc đạn trực tràng hấp thu chậm nên không thích hợp).
  • Nếu không kiểm soát được co giật ở liều đầu tiên có thể lựa chọn thuốc chống động kinh khác.
  • Đường tiêm tĩnh mạch 10 - 20 mg, dùng nhắc lại sau 30 - 60 phút nếu cần.

Co thắt cơ:

  • Uống 2 - 15 mg, trường hợp nặng có thể tăng liều: Bại não người lớn có thể dùng tới 60 mg.
  • Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch 10 mg, dùng nhắc lại sau 4 giờ nếu cần.

Co giật do uốn ván:

  • Tiêm tĩnh mạch cứ 1 - 4 giờ tiêm một lần hoặc truyền tĩnh mạch 3 - 10 mg/kg/24 giờ.
  • Dung dịch trực tràng 500 microgam/kg, dùng nhắc lại cách 12 giờ/lần.

Hội chứng cai rượu:

  • Uống 5 - 20 mg, nhắc lại sau 2 - 4 giờ nếu thấy cần (hoặc ngày đầu 10 mg/lần, 3 - 4 lần/ngày, sau đó giảm xuống 5 mg, 3 - 4 lần/ngày).
  • Trường hợp nặng, dùng đường tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 10 - 20 mg.

Trẻ em

Lo âu nặng:

Trên 6 tháng tuổi, uống 1 – 2,5 mg, 3 – 4 lần/ngày.

Mất ngủ kèm lo âu:

  • Liều 1 - 5 mg uống trước khi đi ngủ.

Trạng thái động kinh, co giật do sốt cao, co giật do ngộ độc thuốc:

  • Trẻ em trên 10 kg: 500 microgam/kg thể trọng, có thể dùng nhắc lại cách 12 giờ/lần (dạng thuốc đạn trực tràng hấp thu chậm nên không thích hợp).
  • Nếu không kiểm soát được co giật ở liều đầu tiên có thể lựa chọn thuốc chống động kinh khác.
  • Đường tiêm tĩnh mạch liều 200 - 300 microgam/kg thể trọng.

Co thắt cơ:

  • Trên 6 tháng tuổi, uống 1 – 2,5 mg, 3 – 4 lần/ngày.

Co giật do uốn ván:

  • 100 - 300 microgam/kg, tiêm tĩnh mạch cứ 1 - 4 giờ tiêm một lần hoặc truyền tĩnh mạch 3 - 10 mg/kg/24giờ.

Trạng thái động kinh:

  • Từ 30 ngày đến dưới 5 tuổi: Tiêm tĩnh mạch chậm 0,2 đến 0,5 mg cứ 2 đến 5 phút một lần, lên đến liều tối đa 5 mg. Lặp lại sau 2 đến 4 giờ nếu cần.
  • Từ 5 tuổi trở lên: Tiêm tĩnh mạch chậm 1 mg cứ 2 đến 5 phút một lần, tối đa là 10 mg. Lặp lại sau 2 đến 4 giờ nếu cần.

Dự phòng co giật:

  • Trên 6 tháng tuổi, uống 1 – 2,5 mg, 3 – 4 lần/ngày.

Chứng lo âu:

  • Trên 6 tháng tuổi, uống 1 – 2,5 mg, 3 – 4 lần/ngày.

Đối tượng khác

Người cao tuổi:

  • Trạng thái động kinh: Uống 2 - 2,5 mg/lần, 2 lần/ngày; trực tràng: 0,2 mg/kg, có thể dùng nhắc lại cách 4 – 12 giờ.
  • Hội chứng cai rượu, lo âu và co thắt cơ: Uống 2 – 2,5 mg/lần, 2 lần/ngày; tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp liều 2 – 5 mg, lặp lại cách 3 – 4 giờ.

Người suy gan:

  • Suy gan nhẹ đến trung bình: Có thể cần điều chỉnh liều; tuy nhiên, không có hướng dẫn cụ thể nào được đề xuất.
  • Suy gan nặng: Chống chỉ định (đường uống).
  • Bệnh nhân suy kiệt: Uống: 2 - 2,5 mg/lần hoặc 2 lần/ngày; đường tiêm: 2 đến 5 mg/lần/ngày; đặt trực tràng: 0,2 mg/kg, có có thể dùng nhắc lại cách 4 - 12 giờ.

Cách dùng

  • Diazepam có thể dùng đường uống, đường trực tràng (viên đạn, dung dịch, gel), tiêm bắp hoặc tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.
  • Tiêm tĩnh mạch nên tiêm chậm, tốc độ không quá 1 ml (5 mg)/phút. Khi phải điều trị liên tục, để tránh nghiện thuốc nên dùng thuốc ở liều thấp nhất có hiệu quả và thời gian dùng không nên kéo dài quá 15 - 20 ngày.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Buồn ngủ.

Ít gặp

Chóng mặt, nhức đầu, khó tập trung tư tưởng, mất điều hòa, yếu cơ.

Hiếm gặp

Phản ứng nghịch thường như kích động, hung hăng, ảo giác, dị ứng, vàng da, độc tính với gan, transaminase tăng, phosphatase kiềm tăng.

Lưu ý

Lưu ý chung

  • Thận trọng với người bệnh giảm chức năng gan, thận, bệnh phổi mạn tính, bệnh glôcôm góc đóng hoặc tổn thương thực thể não, xơ cứng động mạch.
  • Nghiện thuốc ít xảy ra khi sử dụng diazepam trong thời gian ngắn. Triệu chứng cai thuốc cũng có thể xảy ra với người bệnh dùng liều điều trị thông thường và trong thời gian ngắn, có thể có di chứng về tâm sinh lý bao gồm cả trầm cảm.Với người bệnh điều trị dài ngày các triệu chứng trên hay xảy ra hơn.
  • Cũng như với các benzodiazepin khác, cần rất thận trọng khi dùng diazepam điều trị cho người bệnh bị rối loạn nhân cách.

Lưu ý với phụ nữ có thai

  • Diazepam qua nhau thai vào thai nhi; sau thời gian điều trị dài, diazepam có thể gây hạ huyết áp thai nhi ảnh hưởng đến chức năng hô hấp và gây hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh.
  • Một số ít trường hợp thấy có triệu chứng cai thuốc rõ ràng ở trẻ mới sinh. Một số nghiên cứu trên súc vật cho thấy diazepam gây sứt môi, khuyết tật ở hệ thần kinh trung ương và rối loạn ứng xử.
  • Rất hạn chế dùng diazepam khi mang thai, chỉ dùng khi thật cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

  • Không dùng diazepam cho người cho con bú dưới 6 tháng tuổi vì có thể gây ngủ, tích lũy thuốc ở trẻ.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

  • Diazepam làm giảm khả năng tập trung lái xe và vận hành máy móc. Vì vậy cần rất thận trọng khi lái xe và vận hành máy móc.

Quá liều

Quá liều Diazepam và xử trí

Quá liều và độc tính

Ngủ gà, lú lẫn, hôn mê và giảm phản xạ.

Cách xử lý khi quá liều

Theo dõi hô hấp, mạch và huyết áp như trong tất cả trường hợp dùng thuốc quá liều.

Rửa dạ dày ngay lập tức.

Truyền dịch tĩnh mạch và thông khí đường hô hấp.

Có thể chống hạ huyết áp bằng noradrenalin hoặc metaraminol.

Thẩm phân ít có giá trị. Có thể dùng flumazenil để hủy bỏ một phần hay toàn bộ tác dụng an thần của benzodiazepin.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo