Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Hô hấp/
  4. Suy hô hấp cấp

Suy hô hấp cấp là gì? Các triệu chứng điển hình

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Hoàng Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Bác sĩ với hơn 10 năm kinh nghiệm chuyên sâu trong điều trị Nội khoa và Cấp cứu tổng hợp. Từng đảm nhiệm vai trò Trưởng phòng Kế hoạch và điều trị tại khoa Nội và khoa Cấp cứu, bác sĩ luôn không ngừng nâng cao chuyên môn và cống hiến cho sức khỏe cộng đồng.

Xem thêm thông tin

Suy hô hấp cấp là tình trạng nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến thiếu oxy trầm trọng, ảnh hưởng hệ tuần hoàn, gây tổn thương não, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung suy hô hấp cấp

Suy hô hấp cấp là gì?

Suy hô hấp cấp là hội chứng lâm sàng với biểu hiện nặng và khởi phát nhanh. Tình trạng suy hô hấp cấp xảy ra khi quá trình trao đổi O2 và CO2 trong phổi bị gián đoạn, dẫn đến sự thiếu hụt O2 lên tim, não và các cơ quan khác của cơ thể. Hậu quả, người bị suy hô hấp cấp có triệu chứng vã mồ hôi, khó thở, xanh tím. Nếu không được điều trị kịp thời, suy hô hấp cấp có thể dẫn đến tử vong.

Trong những năm gần đây, nhờ vào những tiến bộ trong công tác chăm sóc bệnh nhân nặng mà tỷ lệ tử vong do suy hô hấp cấp đã được cải thiện đáng kể.

Triệu chứng suy hô hấp cấp

Những dấu hiệu và triệu chứng của suy hô hấp cấp

Dấu hiệu ban đầu khi mắc suy hô hấp cấp: Khó thở hoặc thở nhanh. Nếu không được chẩn đoán sớm và kịp thời điều trị, bệnh có thể tiến triển trầm trọng và gây nguy hiểm cho bệnh nhân.

Khi mắc phải suy hô hấp cấp, có thể gặp phải những triệu chứng:

  • Tình trạng thiếu oxy máu: Tím tái kết hợp nhịp tim tăng, kích thích thần kinh, ngón tay dùi trống.

  • Tăng công hô hấp: Tăng độ sâu, tần số nhịp thở, co kéo cơ liên sườn.

  • Giảm công hô hấp: Hơi thở chậm, nông, mệt mỏi, lừ đừ, lú lẫn,…

  • Biểu hiện mệt mỏi của cơ hô hấp: Ngực bụng ngược chiều, thở không đều, thở nông, không thể ho.

  • Xanh tím: Bệnh nhân có thể xanh tím môi và đầu ngón chân, ngón tay, các đầu chi vẫn nóng hoặc có thể đỏ tía, vã mồ hôi.

  • Rối loạn tim mạch:

    • Nhịp tim nhanh, rung thất thường.
    • Giai đoạn đầu huyết áp có thể tăng nhưng hạ dần ở giai đoạn sau.
    • Bệnh nhân bị ngừng tim, trường hợp này cần được cứu ngay.
  • Rối loạn thần kinh: Bệnh nhân giãy dụa, lú lẫn hoặc mất phản xạ gân xương.

  • Rối loạn ý thức: Bệnh nhân lờ đờ, li bì và có thể rơi vào trạng thái hôn mê.

Biến chứng có thể gặp khi mắc suy hô hấp cấp

Bệnh nhân suy hô hấp cấp nếu được phát hiện, điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh có thể lui hoàn toàn. Ngược lại, bệnh có thể tiến triển nặng dần gây ra các biến chứng nguy hiểm:

  • Loạn nhịp tim;

  • Chấn thương, tổn thương não;

  • Suy thận;

  • Tổn thương phổi;

  • Tử vong.

Trong quá trình suy hô hấp cấp tiến triển có thể gây bội nhiễm phổi hay bội nhiễm ở đường tiểu, thường gặp ở bệnh nhân đặt nội khí quản hoặc thông tiểu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân suy hô hấp cấp

Nguyên nhân dẫn đến suy hô hấp cấp

Nguyên nhân suy hô hấp cấp có thể được chia: Nguyên nhân tại phổi và nguyên nhân ngoài phổi.

Nguyên nhân tại phổi:

  • Bệnh phổi nhiễm trùng: Suy hô hấp cấp xảy ra khi nhiễm trùng phổi lan rộng ra nhiều thùy, viêm phổi nặng (viêm phổi do vi khuẩn, virus,…).

  • Phù phổi cấp.

  • Hen phế quản nặng.

  • Tắc nghẽn phế quản cấp.

  • Sự mất bù cấp của suy hô hấp mạn: Nhiễm trùng phế quản – phổi, tắc nghẽn động mạch phổi, tràn khí màng phổi là những yếu tố thuận lợi.

Nguyên nhân ngoài phổi:

  • Tắc nghẽn thanh – khí quản.

  • Tràn dịch màng phổi: Tràn dịch màng phổi chỉ gây suy hô hấp cấp khi tràn dịch cấp, lượng dịch tăng nhanh.

  • Tràn khí màng phổi thể tự do: Thường do lao phổi, vỡ áp xe phổi đi kèm tràn mủ màng phổi.

  • Chấn thương lồng ngực: Chấn thương lồng ngực, gây gãy xương sườn làm tổn thương màng phổi và phổi.

  • Tổn thương cơ hô hấp: Do viêm sừng trước tủy sống, viêm đa cơ, hoặc do bệnh nhược cơ nặng, rắn cắn, uốn ván, ngộ độc thuốc trừ sâu.

  • Tổn thương thần kinh trung ương: Tai biến mạch máu não, chấn thương sọ não, ngộ độc thuốc hoặc những nguyên nhân gây tổn thương trung tâm hô hấp.

Chia sẻ:

Hỏi đáp (0 bình luận)