Long Châu

Trầm cảm là gì? Cách nhận biết người bị bệnh trầm cảm và hướng điều trị ra sao?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trầm cảm là một bệnh khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Bệnh là một dạng rối loạn tâm lý phức tạp, người bị trầm cảm luôn mang khí sắc u buồn, trống rỗng, tuyệt vọng về cuộc sống của bản thân, luôn ám ảnh bởi những cảm xúc và suy nghĩ tiêu cực, đôi khi có thể dẫn đến tự tử.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Trầm cảm là gì? 

Trầm cảm là một loại rối loạn tâm trạng khá phổ biến nhưng có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần. Nó gây ra các triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến cách bệnh nhân cảm nhận, suy nghĩ và xử lý các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như ngủ, ăn uống hoặc làm việc. Trầm cảm gây ra cảm giác buồn bã và hoặc mất hứng thú với các hoạt động từng yêu thích. Nó có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về cảm xúc và thể chất, đồng thời có thể làm giảm khả năng hoạt động tại nơi làm việc và khi ở nhà.

Bệnh được chẩn đoán khi bệnh nhân có các triệu chứng trầm cảm và các triệu chứng này phải xuất hiện trong ít nhất hai tuần.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của trầm cảm

Nếu gặp phải một số dấu hiệu và triệu chứng sau đây, trong suốt ngày và gần như mỗi ngày trong ít nhất hai tuần, bạn có thể đang bị trầm cảm:

Tâm trạng trở nên buồn dai dẳng, cảm thấy lo lắng hoặc trống rỗng.

Cảm giác bi quan, tuyệt vọng.

Hay cáu gắt.

Cảm thấy tội lỗi, bản thân vô dụng hoặc bất lực.

Mất hứng thú với các sở thích và hoạt động hằng ngày.

Giảm năng lượng hoặc mệt mỏi.

Di chuyển hoặc nói chậm hơn.

Cảm giác bồn chồn.

Trở nên khó tập trung, khó ghi nhớ hoặc khó khăn khi đưa ra quyết định.

Khó ngủ, mất ngủ giật mình vào sáng sớm hoặc ngủ quên.

Cảm giác thèm ăn có thể có hoặc không kèm theo việc thay đổi cân nặng.

Suy nghĩ về cái chết và thậm chí là cố gắng tự sát.

Đau đầu, chuột rút hoặc các vấn đề về đường tiêu hóa mà không có nguyên nhân rõ ràng hoặc không thuyên giảm ngay cả khi đã được điều trị.

Không phải bệnh nhân nào bị trầm cảm cũng trải qua tất cả các triệu chứng. Một số bệnh nhân chỉ gặp vài triệu chứng trong khi những bệnh nhân khác có thể phải trải qua nhiều triệu chứng hơn. Mức độ nghiêm trọng và tần suất của các triệu chứng và thời gian kéo dài sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng cá nhân và tình trạng bệnh cụ thể. Các triệu chứng của bệnh cũng có thể khác nhau tùy vào giai đoạn bệnh.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ dấu hiệu và triệu chứng nào của trầm cảm, bạn hoặc người thân nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và đánh giá tình trạng sớm nhất có thể. Việc chẩn đoán và nhận được điều trị sớm, đúng cách sẽ giảm nguy cơ diễn tiến nặng của bệnh và giúp bệnh nhân mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh trầm cảm không thể xác định rõ ràng, nhưng có sự góp phần bởi các yếu tố di truyền và môi trường.

Di truyền là nguyên nhân chiếm khoảng một nửa bệnh nguyên gây ra bệnh trầm cảm (ít hơn ở trầm cảm khởi phát muộn). Do đó, bệnh trầm cảm xuất hiện phổ biến hơn trong số các thân nhân bậc 1 của bệnh nhân mắc trầm cảm, và ở các cặp sinh đôi cùng trứng. 

Các giả thuyết về nguyên nhân gây bệnh khác tập trung vào sự thay đổi nồng độ của các chất dẫn truyền thần kinh, như sự điều hòa bất thường của dẫn truyền thần kinh hệ cholinergic, catecholaminergic (noradrenergic hoặc dopaminergic), và serotonergic (5-hydroxytryptamine). Rối loạn khả năng điều hòa nội tiết thần kinh có thể là một yếu tố, đặc biệt là 3 trục: Vùng dưới đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận, vùng dưới đồi-tuyến yên-tuyến giáp và hormon tăng trưởng.

Các yếu tố tâm lý xã hội dường như cũng có liên quan, những căng thẳng lớn trong cuộc sống, đặc biệt là sự chia rẽ và mất mát ảnh hưởng đến bệnh nhân trầm cảm trong thời gian nhất định.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) trầm cảm?

Trầm cảm là bệnh có khả năng xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường bắt đầu ở độ tuổi trưởng thành. Trầm cảm hiện được ghi nhận nhiều ở trẻ em và thanh thiếu niên, đôi khi nó biểu hiện với tình trạng cáu gắt nổi bật hơn là tâm trạng buồn bã. 

Trầm cảm, đặc biệt là ở người trung niên hoặc người lớn tuổi, có thể đồng thời xảy ra với các bệnh nội khoa nghiêm trọng khác, như bệnh đái tháo đường, ung thư, bệnh tim mạch, parkinson,… những bệnh này thường tồi tệ hơn khi bị trầm cảm. Đôi khi thuốc điều trị các bệnh này cũng có thể gây ra các tác dụng phụ tăng nguy cơ bị trầm cảm. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) trầm cảm

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn trầm cảm, có thể kể đến như:

  • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình có người thân bị trầm cảm.
  • Gặp phải những thay đổi lớn trong cuộc sống, chấn thương hoặc căng thẳng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn trầm cảm

Các xét nghiệm giúp chẩn đoán rối loạn trầm cảm:

  • Tiêu chuẩn lâm sàng (DSM-5).

  • Công thức máu, chất điện giải, và TSH, vitamin B12, và folat cần được thực hiện để loại trừ các rối loạn thể chất có thể gây ra tình trạng trầm cảm.

Chẩn đoán rối loạn trầm cảm dựa trên việc xác định các triệu chứng, dấu hiệu và các tiêu chuẩn lâm sàng cụ thể. Để phân biệt rối loạn trầm cảm với những biến đổi về khí sắc/ tâm trạng bình thường, thì phải có cảm giác đau khổ hoặc sự giảm sút đáng kể trong các lĩnh vực xã hội, nghề nghiệp hoặc các hoạt động quan trọng khác.

Sử dụng một số bảng câu hỏi ngắn gọn để sàng lọc, giúp gợi ý một số triệu chứng trầm cảm nhưng không thể dùng để chẩn đoán xác định. Tiêu chuẩn DSM-5 gồm các câu hỏi được dùng để chẩn đoán trầm cảm điển hình, tiêu chí được đưa ra là cá nhân đó phải trải qua 5 triệu chứng trở lên trong cùng khoảng thời gian 2 tuần và ít nhất một trong các triệu chứng phải là tâm trạng chán nản hoặc mất hứng thú hoặc vui vẻ:

  • Tâm trạng chán nản cả ngày và gần như mỗi ngày.

  • Giảm hứng thú đối với tất cả, hoặc hầu như tất cả các hoạt động trong ngày, gần như mỗi ngày.

  • Giảm cân rõ rệt ngay cả khi không thực hiện chế độ ăn kiêng hoặc tăng cân, giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn, gần như mỗi ngày.

  • Suy nghĩ chậm lại và giảm vận động (người khác có thể quan sát được, không chỉ là cảm giác bồn chồn chủ quan hoặc bị chậm lại).

  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc mất năng lượng, gần như mỗi ngày.

  • Cảm giác bản thân vô dụng hoặc tội lỗi quá mức, gần như mỗi ngày.

  • Khả năng suy nghĩ/tập trung giảm hoặc trở nên thiếu quyết đoán, gần như mỗi ngày.

  • Suy nghĩ về cái chết, có ý định tự tử lặp đi lặp lại mà không có kế hoạch cụ thể hoặc có ý định tự tử hoặc kế hoạch cụ thể để tự tử.

Để được chẩn đoán trầm cảm, những triệu chứng này phải gây ra cho cá nhân đó sự đau khổ hoặc suy giảm nghiêm trọng về mặt lâm sàng trong một số hoạt động xã hội quan trọng đáng kể. Các triệu chứng không được là kết quả của việc lạm dụng chất kích thích hoặc một tình trạng bệnh lý khác.

Phương pháp điều trị trầm cảm hiệu quả

Phương pháp điều trị trầm cảm bao gồm dùng thuốc hoặc dùng liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai liệu pháp. Nếu các phương pháp điều trị này không làm giảm các triệu chứng, liệu pháp trị liệu bằng sốc điện (ECT) và các liệu pháp kích thích não khác có thể là một lựa chọn.

Liệu pháp tâm lý

Liệu pháp tâm lý, hay “liệu ​​pháp trò chuyện”, đôi khi được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm nhẹ; đối với rối loạn trầm cảm từ trung bình đến nặng, thường áp dụng kết hợp cả liệu pháp tâm lý cùng với thuốc chống trầm cảm. 

Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị rối loạn trầm cảm. Đây là một hình thức trị liệu tập trung vào giải quyết các vấn đề ở hiện tại, giúp một người nhận ra suy nghĩ méo mó/tiêu cực, giúp làm thay đổi suy nghĩ và hành vi để có giải pháp đối mặt với những thách thức theo hướng tích cực hơn.

Liệu pháp tâm lý có thể chỉ liên quan đến cá nhân, nhưng có thể bao gồm cả những người khác, như liệu pháp gia đình hoặc cặp đôi, sẽ giúp giải quyết vấn đề trong các mối quan hệ thân thiết này. Liệu pháp nhóm mang những người mắc bệnh tương tự đến với nhau trong một môi trường hỗ trợ và có thể hỗ trợ người tham gia học cách mà những người khác đối phó với những tình huống tương tự.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh mà việc điều trị có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn. Trong đa số các trường hợp, có thể cải thiện được tình trạng rối loạn đáng kể trong khoảng từ 10 đến 15 buổi.

Thuốc điều trị

Một số loại thuốc có thể được sử dụng để điều trị rối loạn trầm cảm:

  • Các thuốc điều hòa serotonin (thuốc đối kháng thụ thể 5-HT2).

  • Thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrin-dopamin.

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrin.

  • Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin chọn lọc (SSRIs).

  • Thuốc chống trầm cảm dị vòng.

  • Chất ức chế monoamin oxidase (MAOI).

  • Thuốc chống trầm cảm Melatonergic.

  • Thuốc giống ketamine.

Việc lựa chọn thuốc có thể được dẫn hướng bằng đáp ứng trước đây với một loại thuốc chống trầm cảm cụ thể. Nếu không, SSRIs thường là lựa chọn ban đầu.

Liệu pháp trị liệu bằng sốc điện (ECT)

Sử dụng ở đối tượng dùng thuốc không hiệu quả và có biểu hiện:

  • Trầm cảm nặng có tự sát.

  • Trầm cảm với biểu hiện kích động hoặc chậm phát triển tâm thần.

  • Trầm cảm có hoang tưởng.

  • Trầm cảm trong thai kỳ.

Bệnh nhân chống đối ăn uống có thể cần ECT để tránh tử vong. Liệu pháp ECT đặc biệt có hiệu quả đối với rối loạn trầm cảm loạn thần.

Đáp ứng khoảng 6 - 10 lần điều trị bằng ECT thường tốt và có thể cải thiện cho người bệnh. Tái phát sau khi điều trị bằng ECT là phổ biến, nên việc dùng thuốc sẽ thường được chỉ định sau khi ngừng ECT.

Quang trị liệu

Liệu pháp ánh sáng được biết đến nhiều nhất trong điều trị trầm cảm theo mùa nhưng cũng có thể có hiệu quả tương đương khi điều trị chứng trầm cảm không theo mùa.

Liệu pháp này có thể thực hiện ở nhà với 2.500 - 10.000lux, khoảng cách 30 - 60cm trong thời gian một ngày (lâu hơn với nguồn ánh sáng ít hơn).

Các loại liệu pháp kích thích não khác gần đây được sử dụng để điều trị chứng trầm cảm kháng thuốc bao gồm kích thích từ trường xuyên sọ (rTMS) và kích thích thần kinh phế vị (VNS) và một số phương pháp điều trị bằng kích thích não khác vẫn còn đang được nghiên cứu.

Lưu ý: Phải tuân thủ hướng dẫn điều của bác sỹ khi sử dụng các loại thuốc được chỉ định. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của trầm cảm

Chế độ sinh hoạt:

Tuân thủ theo sự điều trị của bác sỹ.

Có lối sống và suy nghĩ theo hướng tích cực, hạn chế suy nghĩ lo âu, căng thẳng.

Bản thân hoặc người thân phải liên hệ ngay với bác sĩ khi xuất hiện những dấu hiệu bất thường trong quá trình điều trị.

Tái khám định kỳ để được theo dõi và có hướng điều trị thích hợp nếu liệu pháp điều trị hiện tại không đạt hiệu quả.

Bệnh nhân phải luôn lạc quan, tránh các suy nghĩ tiêu cực, có thể tìm sự giúp đỡ từ những người thân hoặc bạn bè thân thiết nếu có bất kỳ dấu hiệu nào không ổn.

Chế độ dinh dưỡng:

Ăn các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, như vitamin C: Việt quất, cam, cà chua, dâu tây,…

Bổ sung thức ăn giàu đạm, vitamin B, vitamin D, selenium, omega 3.

Phương pháp phòng ngừa trầm cảm hiệu quả

Thường xuyên vận động và tập luyện thể dục thể thao đều đặn.

Cố gắng dành thời gian cho người khác và tâm sự với một người đáng tin cậy khi có khó khăn.

Cố gắng không tự cô lập mình và để những người thân thuộc khác giúp bạn.

Xem thêm:

Các bệnh liên quan