Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Glycine là một loại axit amin được cơ thể sử dụng để tạo ra protein và tạo ra các chất quan trọng khác, gồm hormone và enzyme… Glycine mang lại lợi ích sức khỏe như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết này.
Glycine là một axit amin giúp xây dựng khối protein, cần cho sự phát triển, duy trì mô để tạo ra các chất quan trọng chẳng hạn như hormone và enzyme. Thành phần này tham gia vào việc truyền tín hiệu hóa học trong não nên được dùng cho bệnh nhân tâm thần phân liệt và cải thiện trí nhớ.
Glycine không được xem là axit amin thiết yếu vì cơ thể có thể tự tạo ra từ các hóa chất khác. Các nguồn chính của glycine là những loại thực phẩm giàu protein chẳng hạn như thịt, cá, sữa và các loại đậu. Ngoài ra, có thể lấy glycine từ gelatin - chất được tạo ra từ collagen được thêm vào các sản phẩm thực phẩm khác nhau để cải thiện tính nhất quán.
Glycine có thể được sử dụng cho các mục đích như giúp giảm nguy cơ rối loạn tâm thần, phòng chống ung thư và tăng cường trí nhớ; bảo vệ thận khỏi tác dụng phụ có hại của một số loại thuốc được sử dụng sau khi cấy ghép nội tạng, cũng như bảo vệ gan khỏi tác hại của rượu.
Bên cạnh đó, glycine còn dùng trong hỗ trợ điều trị tâm thần phân liệt, đột quỵ, khó ngủ, tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (BPH), hội chứng chuyển hóa và một số rối loạn chuyển hóa di truyền hiếm gặp.
Ngoài ra, người ta còn dùng glycine bôi trực tiếp lên da để điều trị loét chân và chữa lành vết thương khác.
Ngoài thực phẩm, bạn có thể bổ sung glycine dưới dạng thực phẩm chức năng ở dạng viên nang hoặc bột. Nếu bạn không thích uống thuốc, dạng bột dễ dàng hòa tan trong nước và có vị ngọt.
Trong cơ thể người, glycine được tổng hợp hóa sinh trong gan từ các axit amin, serine và threonine. Thành phần này được tìm thấy với nồng độ cao bên trong da, mô liên kết của các khớp và mô cơ.
Glycine được phát hiện vào năm 1820 khi Henri Braconnot luộc gelatin với acid sulfuric. Về sau, glycine được sản xuất công nghiệp bằng cách xử lý axit chloroacetic với amoniac.
Như đã nói ở trên, trong cơ thể chúng ta glycine đảm nhận chức năng chính là tổng hợp protein. Tuy nhiên, thành phần này cũng rất cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của khung xương, cơ và các mô.
Dưới đây là những công dụng của glycine đối với sức khỏe:
Glycine là một trong ba axit amin cơ thể chúng ta sử dụng để tạo ra glutathione - chất chống oxy hóa mạnh mẽ giúp bảo vệ các tế bào của bạn chống lại thiệt hại oxy hóa gây ra bởi các gốc tự do.
Thiếu glycine, cơ thể sản xuất ít glutathione sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến cơ thể, khiến cơ thể phải chống lại quá trình oxy hóa gây tổn thương tế bào theo thời gian.
Glutathione sẽ giảm tự nhiên theo tuổi tác nên bạn phải đảm bảo cơ thể hấp thu đủ glycine khi lớn tuổi để tận dụng các lợi ích cho sức khỏe.
Cơ thể chúng ta sử dụng glycine để tạo ra một hợp chất gọi là creatine. Nhờ hợp chất này là cơ bắp của chúng ta được cung cấp năng lượng để thực hiện các hoạt động nhanh, ngắn như cử tạ và chạy nước rút.
Cơ thể có thể tổng hợp tự nhiên và hấp thu creatine qua chế độ ăn uống nên việc bổ sung ít/nhiều glycine đều sẽ có tác động đến lượng sản xuất creatine trong cơ thể.
Glycine giúp tổng hợp creatine được nghiên cứu có lợi đối với sức khỏe của xương, chức năng não và các tình trạng thần kinh như bệnh Parkinson và bệnh Alzheimer.
Collagen là một cấu trúc protein có chứa lượng glycine cao giúp bạn cung cấp sức mạnh cho cơ bắp, da, sụn, máu, xương và dây chằng. Việc bổ sung collagen đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe của da, giảm đau khớp và ngăn ngừa mất xương. Do đó, bạn bổ sung đủ glycine để hỗ trợ cơ thể sản xuất collagen.
Một trong những công dụng của chất glycine là giúp bạn nhanh chóng đi vào giấc ngủ nhờ khả năng làm dịu não và hạ thấp nhiệt độ cơ thể.
Nghiên cứu cho thấy, người có vấn đề về giấc ngủ nếu uống 3g glycine trước khi ngủ nhanh đi vào giấc ngủ hơn, tăng cường chất lượng, giảm buồn ngủ ban ngày và cải thiện nhận thức.
Uống rượu gây ra những tổn thương cho gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu và xơ gan do rượu.
Tin vui là theo nghiên cứu chất glycine lại có thể làm giảm tác hại của rượu đối với gan bằng cách ngăn ngừa viêm. Mặt khác, glycine cũng có thể giúp đảo ngược tổn thương gan do uống quá nhiều rượu.
Glycine được chứng minh có thể bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim nhờ khả năng ngăn ngừa sự tích tụ của các hợp chất có liên quan đến chứng xơ vữa động mạch, làm cứng và thu hẹp các động mạch.
Glycine có thể cải thiện khả năng sử dụng oxit nitric của cơ thể, một phân tử quan trọng làm tăng lưu lượng máu và giảm huyết áp.
Ngoài khả năng bảo vệ gan và tim mạch, glycine còn được biết đến khả năng cải thiện bệnh tiểu đường tuýp 2. Tiểu đường là bệnh đặc trưng bởi sự suy yếu bài tiết và hoạt động của insulin, có nghĩa là cơ thể bạn không sản xuất đủ insulin hoặc không đáp ứng đúng với lượng insulin.
Glycine được chứng minh có khả năng làm tăng phản ứng insulin ở những người không mắc bệnh tiểu đường. Chính vì thế, việc bổ sung glycine có thể cải thiện phản ứng suy yếu insulin ở những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Nếu mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, bạn có thể giảm tình trạng kháng insulin bằng chế độ tập thể dục và ăn uống lành mạnh kết hợp bổ sung glycine.
Glycine có thể làm giúp làm giảm sự mất cơ xảy ra khi lão hóa, suy dinh dưỡng, ung thư hoặc bỏng nặng. Tuy công dụng này vẫn cần được nghiên cứu hơn, nhưng glycine hứa hẹn cải thiện sức khỏe bằng cách bảo vệ cơ bắp khỏi các tình trạng mất cơ.
Có nhiều cách để bổ sung glycine cho cơ thể. Bạn có thể tăng lượng glycine của mình bằng cách bổ sung an toàn với lượng thích hợp.
Không có lượng glycine chính thức được đề nghị hàng ngày. Thậm chí, glycine có thể được sử dụng một cách an toàn với liều cao lên tới 15-60g mỗi ngày khi cần thiết. Có hai cách để bạn có thể bổ sung glycine:
Sử dụng thực phẩm giàu glycine;
Sử dụng thực phẩm chức năng chứa glycine.
Trong trường hợp truyền tĩnh mạch phải có sự chỉ định của bác sỹ tại cơ sở y tế.
Glycine được ứng dụng phổ biến vào trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Các sản phẩm thực phẩm chức năng chứa glycine là một giải pháp giúp chúng ta có thể bổ sung đầy đủ lượng glycine cần thiết cho cơ thể hàng ngày.
Mặc dù trong thực phẩm cung cấp một lượng glycine cho cơ thể, tuy nhiên hàm lượng trong thực phẩm khác nhau. Do vậy, bạn cần phải uống bổ sung nếu bạn muốn có được một lượng cao hơn.
Lưu ý, việc bổ sung glycine cũng có thể tương tác với một số loại thuốc nhất định khi dùng với liều cao (chẳng hạn như những người bị rối loạn tâm thần, bao gồm cả clozapine). Mặc dù đối với hầu hết mọi người glycine là rất an toàn (đặc biệt là ở dạng thức ăn), nếu bạn uống thuốc, bạn nên trao đổi với bác sĩ khi bạn bắt đầu sử dụng bất kỳ chất bổ sung nào.
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/9-loi-ich-va-cong-dung-hang-dau-cua-glycine/
https://www.healthline.com/nutrition/glycine
https://www.webmd.com/vitamins-and-supplements/glycine-uses-and-risks