Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Thuốc/
  3. Thuốc kháng sinh (đường toàn thân)/
  4. Kháng sinh nhóm Penicillin
Thuốc Oxacillin IMP 500mg Imexpharm điều trị nhiễm khuẩn (3 vỉ x 10 viên)
Thương hiệu: Imexpharm

Thuốc Oxacillin IMP 500mg Imexpharm điều trị nhiễm khuẩn (3 vỉ x 10 viên)

000414180 đánh giá0 bình luận

Danh mục

Kháng sinh nhóm Penicillin

Dạng bào chế

Viên nang cứng

Quy cách

Hộp 3 Vỉ x 10 Viên

Thành phần

Xuất xứ thương hiệu

Việt Nam

Nhà sản xuất

CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM IMEXPHARM

Số đăng ký

VD-31723-19

Thuốc cần kê toa

Mô tả ngắn

Thuốc Oxacillin IMP là sản phẩm của Imexpharm, có thành phần chính là Oxacillin. Đây là sản phẩm được sử dụng để điều trị các nhiễm khuẩn do tụ cầu đã kháng benzyl penicilin. Tuy nhiên, chỉ dùng trong những trường hợp xác định vi khuẩn sinh penicilinase còn nhạy cảm với thuốc; điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn như viêm xương - tủy, viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do nhiễm khuẩn; các nhiễm khuẩn liên quan tới đặt ống thông nội mạch; điều trị các nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên và dưới, viêm da và cấu trúc da, các vết bỏng nhiễm khuẩn, viêm xương khớp, viêm đường tiết niệu.

Nước sản xuất

Việt Nam

Lưu ý

Sản phẩm này chỉ bán khi có chỉ định của bác sĩ, mọi thông tin trên Website chỉ mang tính chất tham khảo.
Sản phẩm cần tư vấn từ dược sỹ.

Thuốc Oxacillin IMP là gì ?

Kích thước chữ

  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thành phần của Thuốc Oxacillin IMP

Thành phần cho 1 viên

Thông tin thành phần

Hàm lượng

Oxacillin

500mg

Công dụng của Thuốc Oxacillin IMP

Chỉ định

Thuốc Oxacillin IMP được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:

  • Oxacilin được dùng trong điều trị các nhiễm khuẩn do tụ cầu đã kháng benzyl penicilin. Tuy nhiên, chỉ dùng trong những trường hợp xác định vi khuẩn sinh penicilinase còn nhạy cảm với thuốc.
  • Thuốc được chỉ định điều trị các trường hợp nhiễm khuẩn như viêm xương - tủy, viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do nhiễm khuẩn; các nhiễm khuẩn liên quan tới đặt ống thông nội mạch.
  • Oxacilin có hiệu quả trong điều trị các nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên và dưới, viêm da và cấu trúc da, các vết bỏng nhiễm khuẩn, viêm xương khớp, viêm đường tiết niệu.
  • Không được dùng oxacilin để điều trị nhiễm khuẩn do các tụ cầu kháng methicilin.

Dược lực học

Nhóm dược lý: Kháng sinh nhóm penicilin kháng penicilinase.

Mă ATC: J01CF04.

Cơ chế hoạt động:

Oxacilin là kháng sinh penicilin bán tổng hợp, thuộc nhóm các penicilin không bị mất hoạt tính bởi penicilinase. Giống như các kháng sinh beta-lactam khác, oxacilin có tác dụng diệt khuẩn theo cơ chế ức chế tổng hợp vách tế bào vi khuẩn.

Phổ kháng khuẩn:

Cầu khuẩn Gram dương hiếu khí, trực khuẩn Gram dương và một số cầu khuẩn Gram âm hiếu khí. In vitro, oxacilin có tác dụng trên các chủng Staphylococcus aureus và S. epidermidis tiết và không tiết penicilinase, S. pyogenes (Streptococcus beta tan máu nhóm A), S. agalactiae (Streptococcus nhóm B), Streptococcus nhóm C và G, S. pneumoniae và một số Streptococcus viridans.

Đề kháng thuốc: 

Thuốc không có tác dụng đối với trực khuẩn Gram âm, vi khuẩn kỵ khí, các mycobacteria, Mycoplasma, Rickettsia, nấm, virus, các Enterococcus (bao gồm cả E. faecalis). Đến nay, đã xuất hiện nhiều chủng Staphylococcus kháng oxacilin.

Dược động học

Oxacilin được hấp thu nhanh nhưng không hoàn toàn (33%) qua đường tiêu hóa. Thức ăn làm giảm tốc độ và mức độ hấp thu của thuốc. Với mức liều 500 mg, nồng độ tối đa trong huyết tương đạt khoảng 3 - 4 microgam/ml trong vòng 0,5 - 2 giờ sau khi uống. Oxacilin chuyển hóa một phần trong cơ thể tạo thành các chất chuyển hóa có và không có tác dụng. Thuốc liên kết cao với protein huyết tương (khoảng 90%). Oxacilin phân bố rộng rãi trong cơ thể, tìm thấy trong cả nước ối, bào thai và sữa mẹ. Oxacilin bài tiết nhanh qua nước tiểu dưới dạng không đổi và chất chuyển hóa có tác dụng, chủ yếu qua ống thận và lọc ở tiểu cầu thận. Thời gian bán thải huyết thanh khoảng 0,3 - 0,8 giờ ở người bệnh có chức năng thận bình thường và kéo dài hơn ở người thiểu năng thận.

Cách dùng Thuốc Oxacillin IMP

Cách dùng

Oxacillin IMP dùng đường uống.

Uống nguyên viên thuốc với một ít nước.

Do thức ăn ảnh hưởng đến hấp thu oxacilin qua đường tiêu hóa, nên uống thuốc ít nhất 1 giờ trước hoặc 2 giờ sau bữa ăn.

Không nên dùng dạng thuốc uống khi bắt đầu điều trị các nhiễm khuẩn nặng hoặc điều trị cho người có chứng buồn nôn, nôn, giãn dạ dày, không giãn được tâm vị (gây phình to thực quản) hoặc tăng nhu động ruột.

Liều dùng

Người lớn:

Liều thường dùng:

Uống 500 mg - 1 g (2 - 4 viên Oxacillin IMP 250 mg hoặc 1 - 2 viên Oxacillin IMP 500 mg)/lần, cách 4 - 6 giờ/lần. Tối đa 6 g (24 viên Oxacillin IMP 250 mg hoặc 12 viên Oxacillin IMP 500 mg)/ngày.

Trẻ sinh non và sơ sinh: Dùng dạng bào chế khác phù hợp hơn.

Trẻ em cân nặng dưới 40 kg: Uống 12,5 - 25 mg/kg thể trọng/lần, 6 giờ/lần.

Trẻ em cân nặng 40 kg trở lên: Dùng như liều người lớn.

Hoặc liều được tính theo dạng bào chế:

 Liều tính theo dạng bào chế
Cân nặngOxacillin IMP 250 mgOxacillin IMP 500 mg
< 10 kgKhông thích hợpKhông thích hợp
10 kg - < 20 kg1 viên/lần, 6 giờ/lầnKhông thích hợp
20 kg - < 30 kg1 - 2 viên/lần, 6 giờ/lần1 viên/lần, 6 giờ/lần
30 kg - < 40 kg2 - 3 viên/lần, 6 giờ/lần1 viên/lần, 6 giờ/lần
≥ 40 kgNhư liều người lớnNhư liều người lớn

Bệnh nhân suy thận: Nếu Clcr < 10 ml/phút, dùng mức thấp của liều thường dùng.

Thời gian điều trị: Thời gian điều trị bằng oxacilin phụ thuộc vào loại và mức độ nặng nhẹ của nhiễm khuẩn và được xác định tùy theo đáp ứng điều trị lâm sàng và xét nghiệm vi khuẩn.

Lưu ý: Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên y tế.

Làm gì khi dùng quá liều?

Triệu chứng và dấu hiệu quá liều:

Chưa có dấu hiệu về sử dụng thuốc quá liều, không dùng quá liều chỉ định của thuốc.

Cách xử trí ngộ độc:

Tích cực theo dõi để có biện pháp xử trí kịp thời.

Trong trường hợp khẩn cấp, hãy gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

Làm gì khi quên 1 liều?

Bổ sung liều ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu thời gian giãn cách với liều tiếp theo quá ngắn thì bỏ qua liều đã quên và tiếp tục lịch dùng thuốc. Không dùng liều gấp đôi để bù cho liều đã bị bỏ lỡ.

Tác dụng phụ

Khi sử dụng thuốc Oxacillin IMP, bạn có thể gặp các tác dụng không mong muốn (ADR) như:

Tác dụng không mong muốn của oxacilin giống như của những penicilin kháng penicilinase khác.

Sau khi uống, phản ứng ở đường tiêu hóa gặp nhiều hơn.

Thường gặp (ADR >1/100):

  • Tiêu hóa: Buồn nôn, tiêu chảy.
  • Da: Ngoại ban.

Ít gặp (1/1000 < ADR < 1/100):

  • Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
  • Da: Mày đay.
  • Gan: Tăng enzym gan.

Hiếm gặp (ADR <1/1000):

  • Dị ứng: Phản ứng phản vệ.
  • Tiêu hóa: Viêm đại tràng giả mạc.
  • Gan: Vàng da ứ mật.
  • Máu: Mất bạch cầu hạt.
  • Thận: Viêm thận kẽ và tổn thương ống kẽ thận (phục hồi khi ngừng thuốc kịp thời).

Hướng dẫn cách xử trí ADR:

Phải định kỳ đánh giá chức năng thận, gan và máu trong khi điều trị dài ngày bằng oxacilin. Vì các ADR về máu đã xảy ra trong khi điều trị bằng các penicilin kháng penicilinase, nên phải xét nghiệm số lượng và công thức bạch cầu trước khi bắt đầu điều trị và mỗi tuần 1 - 3 lần trong khi điều trị.

Ngoài ra, phải làm xét nghiệm nước tiểu, định kỳ định lượng nồng độ creatinin, AST (GOT) và ALT (GPT) trong huyết thanh trước và trong điều trị.

Nếu thấy có tăng bạch cầu ưa eosin, mày đay hoặc tăng creatinin huyết thanh không có nguyên nhân trong khi điều trị bằng oxacilin, phải dùng liệu pháp chống nhiễm khuẩn khác thay thế.

Thông báo cho thầy thuốc các tác dụng không mong muốn gặp phải khi sử dụng thuốc.

Lưu ý

Trước khi sử dụng thuốc bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tham khảo thông tin bên dưới.

Chống chỉ định

Thuốc Oxacillin IMP chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Phản ứng phản vệ trong lần điều trị trước với bất cứ một penicilin hoặc cephalosporin nào.
  • Quá mẫn với hoạt chất hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thận trọng khi sử dụng

Oxacilin có thể gây dị ứng như penicilin do đó phải tuân thủ những thận trọng thống thường của liệu pháp penicilin. Trước khi bắt đầu điều trị với oxacilin, cần điều tra kỹ về những phản ứng dị ứng trước đây, đặc biệt phản ứng quá mẫn với penicilin, cephalosporin hoặc thuốc khác.

Thuốc có thể ảnh hưởng tới chức năng gan, thận và máu, cần kiểm tra chức năng gan, thận, công thức máu trước và định kỳ trong quá trình điều trị.

Ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe và vận hành máy móc

Chưa có bằng chứng về ảnh hưởng của thuốc lên khả năng lái xe và vận hành máy móc.

Sử dụng thuốc cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú

Thời kỳ mang thai:

Đã xác định oxacilin qua nhau thai. Sự an toàn khi dùng oxacilin cho bà mẹ mang thai chưa được khẳng định nên chỉ sử dụng khi thật cần thiết.

Thời kỳ cho con bú:

Thuốc có phân bố trong sữa, chưa rõ có gây hại cho trẻ hay không. Cân nhắc khi dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú hoặc không nên cho con bú khi dùng thuốc.

Tương tác thuốc

Dùng đồng thời với các kháng sinh kìm khuẩn như tetracyclin làm giảm tác dụng của oxacilin.

Probenecid làm tăng nồng độ oxacilin trong huyết thanh, có thể do probenecid làm giảm bài tiết thuốc qua lọc ở ống thận.

Các penicilin có thể làm chậm thải trừ methotrexat ra khỏi cơ thể.

Tương kỵ của thuốc:

Hỗn hợp các kháng sinh nhóm beta-lactam với các aminoglycosid làm mất tác dụng của các beta-lactam, giảm nồng độ aminoglycosid trong huyết thanh. Do vậy, không dùng đồng thời oxacilin với các kháng sinh nhóm aminoglycosid. Nếu phải phối hợp trong điều trị, không nên dùng cùng thời điểm.

Bảo quản

Để nơi mát, tránh ánh sáng, nhiệt độ dưới 30⁰C.

Để xa tầm tay trẻ em, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Mọi thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo. Việc sử dụng thuốc phải tuân theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh NhậtĐã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Câu hỏi thường gặp

  • Tên các nhóm thuốc kháng sinh là gì?

    • Kháng sinh nhóm 1 Beta-lactam: Gồm các penicilin, cephalosporin, beta-lactam khác, Carbapenem, Monobactam, Các chất ức chế beta-lactamase.
    • Kháng sinh nhóm 2 Aminoglycosid.
    • Kháng sinh nhóm 3 Macrolid.
    • Kháng sinh nhóm 4 Lincosamid.
    • Kháng sinh nhóm 5 Phenicol.
    • Kháng sinh nhóm 6 Tetracyclin gồm kháng sinh thế hệ 1 và thế hệ 2.
    • Kháng sinh nhóm 7 Peptid gồm Glycopeptid, Polypetid, Lipopeptid.
    • Kháng sinh nhóm 8 Quinolon gồm kháng sinh thế hệ 1, Các fluoroquinolonthế hệ 2, 3 và 4.
    • Ngoài 8 nhóm kháng sinh trên thì nhóm kháng sinh 9 gồm các nhóm kháng sinh khác, Sulfonamid và Oxazolidinon, 5-nitroimidazol.

Đánh giá sản phẩm

Hãy sử dụng sản phẩm và trở thành người đầu tiên đánh giá trải nghiệm nha.

Hỏi đáp (0 bình luận)