Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Oxacillin

Oxacillin: Thuốc kháng sinh nhóm penicillin (isoxazolyl penicilin)

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Oxacillin

Loại thuốc

Thuốc kháng sinh nhóm penicillin (isoxazolyl penicilin).

Dạng thuốc và hàm lượng

  • Viên nang 250 mg, 500 mg.
  • Bột pha dung dịch uống 250 mg/5ml.
  • Bột pha thuốc tiêm 250 mg, 500 mg, 1 g, 2 g, 4 g, 10 g.
  • Bột pha thuốc tiêm truyền tĩnh mạch 1 g, 2 g.
  • Thuốc tiêm truyền tĩnh mạch 20 mg/ml, 40 mg/ml.

Chỉ định

Oxacillin được chỉ định trong điều trị nhiễm khuẩn do tụ cầu đã kháng benzyl penicillin nhưng vẫn còn nhạy cảm với thuốc này trong các trường hợp:

  • Nhiễm khuẩn nặng: viêm xương - tủy, viêm màng trong tim, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não; các nhiễm khuẩn liên quan tới đặt ống thông nội mạch.
  • Nhiễm khuẩn ở đường hô hấp trên và dưới.
  • Nhiễm khuẩn gây viêm da và cấu trúc da, các vết bỏng nhiễm khuẩn.
  • Viêm xương khớp.
  • Viêm đường tiết niệu.

Dược lực học

Oxacillin là một kháng sinh bán tổng hợp, thuộc nhóm các penicilin không bị mất hoạt tính bởi penicilinase (penicilin kháng penicilinase).

Cơ chế tác động của oxacillin: Ức chế tổng hợp thành tế bào vi khuẩn bằng cách liên kết với một hoặc nhiều protein liên kết penicilin (PBP); do đó ức chế bước transpeptid hóa cuối cùng của quá trình tổng hợp peptidoglycan trong thành tế bào vi khuẩn, dẫn đến ức chế sinh tổng hợp thành tế bào. Cuối cùng vi khuẩn bị ly giải bởi các enzyme phân giải thành tế bào (autolysin và murein hydrolase).

Oxacillin có tác dụng với nhiều chủng Staphylococcus aureusS. epidermidis sinh penicilinase đã kháng lại hầu hết các loại penicilin hiện có. Nồng độ ức chế vi khuẩn của oxacillin là 0,4 – 6 mcg/ml.

Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện rất nhiều chủng Staphylococcus aureus đề kháng oxacillin. Vì vậy, khi bắt đầu điều trị các nhiễm khuẩn do tụ cầu còn nhạy cảm, nên phối hợp với vancomycin để phòng ngừa chủng kháng oxacillin mắc phải ở cộng đồng hoặc bệnh viện.

Động lực học

Hấp thu

Oxacillin được hấp thu nhanh nhưng không hoàn toàn (33%) qua đường tiêu hóa.

Thức ăn làm giảm tốc độ và mức độ hấp thu của thuốc.

Với liều 500 mg, nồng độ tối đa trong huyết tương đạt khoảng 3 – 4 mcg/ml trong 0,5 - 2 giờ sau khi uống và khoảng 7 – 10 mcg/ml trong 30 phút sau khi tiêm bắp.

Phân bố

Thuốc liên kết cao với protein huyết tương (khoảng 90%), chủ yếu là với albumin.

Oxacillin phân bố rộng rãi trong cơ thể, tìm thấy trong cả nước ối, bào thai, sữa mẹ, dịch màng phổi và một phần nhỏ trong dịch não tuỷ, thuỷ dịch.

Chuyển hóa

Oxacillin chuyển hóa một phần tạo thành các chất chuyển hóa có và không có hoạt tính.

Thải trừ

Oxacillin dạng không đổi và các chất chuyển hoá được bài tiết nhanh, chủ yếu qua nước tiểu, một phần nhỏ được bài tiết qua phân.

Nửa đời huyết thanh khoảng 0,3 - 0,8 giờ ở người bệnh có chức năng thận bình thường và kéo dài hơn ở người thiểu năng thận.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Dùng đồng thời với các kháng sinh kìm khuẩn như nhóm tetracyclin làm giảm tác dụng của oxacillin.

Probenecid làm tăng nồng độ oxacillin trong huyết thanh, có thể do probenecid làm giảm bài tiết thuốc qua lọc ở ống thận.

Oxacillin có thể làm chậm thải trừ methotrexat ra khỏi cơ thể.

Khi sử dụng đồng thời, oxacillin làm giảm tác dụng của các vaccin sống giảm độc lực (ví dụ: vaccine tả, vaccinelao, vaccine thương hàn) và các men vi sinh như Lactobacillus do đối kháng dược lực học.

Acemetacin có thể làm tăng nồng độ oxacillin trong huyết thanh.

Oxacillin có thể tăng cường tác dụng chống đông máu của thuốc kháng vitamin K, tăng cường tác dụng hạ kali máu của dichlorphenamide.

Oxacillin làm giảm tác dụng điều trị của natri picosulfate.

Tương tác với thực phẩm

Sự hấp thu của oxacillin đường uống bị giảm khi dùng chung với thức ăn. Vì vậy, nên uống thuốc lúc bụng đói (1 giờ trước bữa ăn hoặc 2 giờ sau khi ăn) để thuốc được hấp thu tối đa.

Tương kỵ thuốc

Sử dụng đồng thời oxacillin và kháng sinh nhóm aminoglycoside sẽ làm mất tác dụng của oxacillin và cũng làm giảm nồng độ aminoglycosid trong huyết thanh. Vì vậy, cần tránh phối hợp này trong điều trị.

Nếu bắt buộc phải phối hợp thì không được pha trong một dung dịch tiêm và cũng không nên dùng hai thuốc cùng thời điểm.

Chống chỉ định

Oxacillin chống chỉ định với các trường hợp có tiền sử quá mẫn nghiêm trọng với bất cứ một kháng sinh nhóm penicillin hoặc nhóm cephalosporin nào.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Nhiễm trùng thông thường:

Nhiễm trùng mức độ nhẹ đến trung bình:

  • Uống: 500 mg – 1 g/lần mỗi 4 - 6 giờ. Tối đa 6 g/ngày.
  • Tiêm bắp, tĩnh mạch chậm hoặc tiêm truyền: 250 – 500 mg/lần mỗi 4 - 6 giờ.

Nhiễm trùng mức độ nặng:

  • Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp: 1 g/lần mỗi 4 – 6 giờ.

Viêm nội tâm mạc

  • Tiêm tĩnh mạch 2 g/lần mỗi 4 giờ, trong 4 - 6 tuần. Có thể phối hợp điều trị với gentamicin tiêm bắp hoặc tĩnh mạch (liều 1 mg/kg thể trong mỗi 8 giờ) trong 3 - 5 ngày đầu điều trị với oxacillin.
  • Trường hợp bệnh nhân có lắp van giả, dùng liều tiêm oxacillin như trên, trong ≥ 6 tuần và phối hợp với rifampicin (uống 300 mg/lần mỗi 8 giờ, dùng trong 6 tuần), gentamicin tiêm bắp hoặc tĩnh mạch (liều 1 mg/kg thể trọng mỗi 8 giờ) trong 2 tuần đầu điều trị với oxacillin.

Nhiễm trùng khớp, viêm tuỷ xương

  • Liều lượng: 1,5 – 2 g tiêm tĩnh mạch mỗi 4 – 6 giờ.

Viêm màng não:

  • Liều lượng: 1,5 – 2 g tiêm tĩnh mạch mỗi 4 giờ.

Nhiễm trùng da hoặc mô mềm:

  • Nhiễm trùng vết mổ: tiêm tĩnh mạch 2 g mỗi 6 giờ.
  • Nhiễm trùng da và mô mềm, nhiễm trùng hoại tử: 1 – 2 g tiêm tĩnh mạch mỗi 4 giờ.

Trẻ em

Nhiễm trùng thông thường

Trẻ sinh non và sơ sinh: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 6,25 mg/kg thể trọng/lần mỗi 6 giờ.

Trẻ em cân nặng dưới 40 kg:

  • Uống 12,5 – 25 mg/kg thể trọng/lần mỗi 6 giờ.
  • Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 12,5 mg/kg thể trọng/lần mỗi 6 giờ, hoặc 100 mg/kg/ngày chia thành 4 - 6 lần trong trường hợp trẻ bị nhiễm trùng nặng.

Trẻ em cân nặng 40 kg trở lên: Dùng như liều người lớn.

Viêm màng não do vi khuẩn: Tiêm bắp hoặc tĩnh mạch

Dưới 1 tuần tuổi

Trên 1 tuần tuổi

Trẻ sơ sinh cân nặng < 2 kg

25 – 50 mg/kg thể trọng/lần mỗi 12 giờ

50 mg/kg thể trọng/lần

mỗi 8 giờ

Trẻ sơ sinh cân nặng 2 kg trở lên

50 mg/kg thể trọng/lần

mỗi 8 giờ

50 mg/kg thể trọng/lần

mỗi 6 giờ

Viêm nội tâm mạc

  • Liều lượng: Tiêm tĩnh mạch 30 – 50 mg/kg thể trọng mỗi 4 - 6 giờ, dùng trong 6 tuần.
  • Có thể phối hợp điều trị với gentamicin (tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 3 mg/kg thể trọng/ngày, chia đều làm 3 lần) trong 3 - 5 ngày đầu điều trị với oxacilin.
  • Bệnh nhân có lắp van giả, dùng liều tiêm oxacillin như trên, điều trị ≥ 6 tuần, phối hợp với rifampicin (uống 20 mg/kg thể trọng/ngày, chia đều làm 3 lần, dùng ≥ 6 tuần), gentamicin (tiêm bắp hoặc tĩnh mạch 3 mg/kg thể trọng/ngày, chia đều làm 3 lần) trong 2 tuần đầu điều trị với oxacillin.

Viêm phổi do nhiễm trùng

  • Trẻ sơ sinh và trẻ em trên 3 tháng tuổi: 150 – 200 mg/ kg/ ngày tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp chia đều mỗi 6 – 8 giờ.
  • Liều tối đa: 12 g/ngày..

Nhiễm trùng da hoặc mô mềm

  • Nhiễm trùng da và mô mềm thông thường: 25 – 37,5 mg/kg mỗi 6 giờ.
  • Nhiễm trùng hoại tử: 50 mg/kg tiêm tĩnh mạch mỗi 6 giờ.

Đối tượng khác

Bệnh nhân suy thận: Nếu Clcr < 10 ml/phút, dùng mức thấp của liều thông thường.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Phản ứng dị ứng. Buồn nôn, tiêu chảy. Phát ban. Viêm tĩnh mạch huyết khối sau khi tiêm tĩnh mạch. Sốt.

Ít gặp

Tăng bạch cầu ái toan, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu. Mày đay. Tăng enzym gan.

Hiếm gặp

Phản ứng phản vệ. Viêm đại tràng giả mạc. Vàng da ứ mật. Mất bạch cầu hạt. Viêm thận mô kẽ và tổn thương kẽ thận (phục hồi khi ngừng thuốc kịp thời).

Không xác định tần suất

Viêm miệng. Suy tuỷ xương. Nhiễm độc gan. Phản ứng ngộ độc thần kinh, co giật. Bất thường nồng độ phosphatase kiềm trong huyết thanh. Suy thận cấp, tiểu máu, protein niệu. Hạ kali máu nghiêm trọng.

Lưu ý

Lưu ý chung

  • Oxacillin có thể gây dị ứng như các thuốc nhóm beta-lactam khác, do đó trước khi bắt đầu điều trị cần điều tra kỹ tiền sử quá mẫn với penicillin, cephalosporin hoặc thuốc khác của bệnh nhân.
  • Thuốc có thể ảnh hưởng tới gan, thận và máu nên cần kiểm tra chức năng gan, thận, công thức máu trước và định kỳ trong quá trình điều trị.
  • Điều trị kéo dài có thể dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn hoặc nấm.
  • Bệnh nhân cũng có thể bị tiêu chảy do Clostridium difficile khi điều trị với oxacillin đường uống, nhất là những người có tiền sử nhiễm vi khuẩn này.

Lưu ý với phụ nữ có thai

  • Phân loại thai kỳ (FDA): B
  • Oxacillin có khả năng qua nhau thai. Hiện tại chưa có nghiên cứu khẳng định sự an toàn khi dùng oxacillin cho bà mẹ mang thai nên chỉ sử dụng khi thật cần thiết và có chỉ định của bác sĩ.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

  • Oxacillin được đào thải vào sữa mẹ và chưa rõ có gây hại cho trẻ hay không. Vì vậy cần cân nhắc khi dùng thuốc cho phụ nữ đang cho con bú hoặc tốt nhất là không nên cho con bú khi đang trong quá trình điều trị bằng thuốc.

Lưu ý với bệnh nhân cao tuổi

  • Người cao tuổi thường bị suy giảm chức năng các cơ quan và mắc đồng thời nhiều bệnh. Khi kê đơn cho đối tượng này cần bắt đầu ở liều thấp hơn người bình thường và theo dõi chức năng gan thận trong suốt quá trình điều trị.

Lưu ý với bệnh nhi

  • Do chức năng thận của bệnh nhi chưa hoàn chỉnh, oxacillin có thể không được đào thải hoàn toàn, dẫn đến nồng độ thuốc trong máu cao bất thường. Vì vậy cũng cần theo dõi nồng độ thuốc trong máu thường xuyên để điều chỉnh liều phù hợp.

Quá liều

Quá liều Oxacillin và xử trí

Quá liều và độc tính

Các dấu hiệu và triệu chứng quá liều của oxacillin giống với những tác dụng phụ được mô tả trong mục 6.

Cách xử lý khi quá liều

Ngưng sử dụng thuốc ngay lập tức, điều trị triệu chứng và thực hiện các biện pháp hỗ trợ.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.