Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bảo hiểm tai nạn lao động cho người không có hợp đồng

Ngày 07/03/2022
Kích thước chữ

Khi tham gia bảo hiểm xã hội, một trong những quyền lợi quan trọng mà người lao động được hưởng là chế độ tai nạn lao động. Vậy khi không có hợp đồng lao động, người lao động có được hưởng trợ cấp gì không?

Người có hợp đồng lao động sẽ được hưởng đầy đủ chế độ tai nạn lao động. Nhưng những người không có hợp đồng lao động vẫn có quyền tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm hiểu rõ vấn đề này.

Người có hợp đồng lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động

Trách nhiệm của người sử dụng lao động

Bảo hiểm tai nạn lao động cho người không có hợp đồng 1 Bảo hiểm tai nạn cho người lao động được kí hợp đồng là bắt buộc

Theo Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

Khi người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu và phải tạm ứng các chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động.

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải thanh toán chi phí y tế cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định, cụ thể như sau:

  • Có trách nhiệm thanh toán cho người lao động tham gia bảo hiểm y tế phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả.
  • Người sử dụng lao động giới thiệu cho người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa. Với kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5%, người sử dụng lao động trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.
  • Đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế, thanh toán toàn bộ chi phí y tế.

Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.

Người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra. Mức bồi thường cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp như sau:

  • Nếu người lao động bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động được hưởng ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.
  • Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng ít nhất 30 tháng tiền lương.

Người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra được hưởng trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại Khoản 4 Điều này với mức bị suy giảm khả năng lao động tương ứng.

Giới thiệu người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật.

Kể từ ngày bắt đầu có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người, người sử dụng lao động thực hiện bồi thường và tiến hành trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 5 ngày.

Bảo hiểm tai nạn lao động cho người không có hợp đồng 2 Người sử dụng lao động có trách nhiềm bồi thường bảo hiểm tai nạn cho người lao động

Người sử dụng lao động có trách nhiệm sắp xếp công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe của người lao động sau khi điều trị, phục hồi chức năng do tai nạn và muốn tiếp tục làm việc. Tình trạng sức khỏe của người lao động được đánh giá dựa theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo quy định tại Mục 3 Chương này, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ cho người lao động bị tai nạn được hưởng chế độ về tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Theo quy định tại các Khoản 3, 4 và 5 Điều này, với người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động chi trả tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Bồi thường, trợ cấp trong trường hợp đặc thù

Theo Điều 5 Thông tư số 04 ngày 2/2/2015 của Bộ LĐ-TB&XH, khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong những trường hợp đặc biệt, trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp như sau:

Người lao động trong bị tai nạn khi đang làm việc hoặc tuân theo sự phân công của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra, người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người lao động theo quy định theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

Người lao động bị tai nạn trên đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động chịu trách nhiệm bồi thường trợ cấp cho người lao động theo quy định theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.

Trường hợp người sử dụng lao động mua bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động tại các công ty kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, khi xảy ra tai nạn lao động, người bị tai nạn lao động sẽ được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký giữa người sử dụng lao động với công ty bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức quy định, người sử dụng lao động phải trả toàn bộ phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này.

Bảo hiểm tai nạn lao động cho người không có hợp đồng 3 Người không có hợp đồng lao động vẫn có thể mua bảo hiểm tai nạn

Người không có hợp đồng lao động vẫn được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động

Theo quy định tại Điểm C Khoản 3 Điều 6 Luật An toàn, vệ sinh lao động của Chính phủ, người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.

Trong đề án nghiên cứu tính khả thi của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về chính sách bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động không ký hợp đồng lao động: 

Đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, mức hỗ trợ của nhà nước được đề xuất hai phương án: 

Phương án 1: Mức hỗ trợ của nhà nước tùy theo từng đối tượng như hỗ trợ 30% mức đóng đối với hộ gia đình nghèo, 25% mức đóng đối với hộ gia đình cận nghèo và 10% mức đóng đối với đối tượng khác.

Phương án 2: Tham cứu mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế hiện hành, Nhà nước hỗ trợ cho các đối tượng như 80% mức đóng đối với hộ gia đình nghèo, 70% mức đóng đối với hộ gia đình cận nghèo, 30% mức đóng đối với đối tượng khác 

So với phương án 2, phương án 1 có nội dung tương tự như BHXH tự nguyện về hưu trí, tử tuất, là lựa chọn tối ưu hơn cho ngân sách hiện nay do không tạo áp lực lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, phương án này sẽ làm giảm đáng kể mức hấp dẫn đối với chính sách này, đặc biệt đối với nhóm lao động thu nhập thấp, không ổn định.

Trên đây là một số thông tin về bảo hiểm tai nạn lao động cho người không có hợp đồng. Mong rằng qua bài viết bạn đã hiểu hơn về vấn đề này.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin