Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Buồng khử khuẩn là gì? Cơ chế hoạt động của buồng khử khuẩn

Ngày 22/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cụm từ “khử khuẩn” hay “sát khuẩn” không còn xa lạ đối với chúng ta sau cơn đại dịch covid vừa qua. Vậy loại buồng để khử khuẩn có những đặc điểm gì? Sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân có an toàn không?

Buồng khử khuẩn toàn thân ra đời được xem là một sáng chế hữu ích nhằm chung tay chống dịch bệnh covid. Tuy nhiên, đối mặt trước đề xuất về phòng khử khuẩn áp lực âm và buồng để khử khuẩn toàn thân để phòng chống virus corona, Bộ Y tế đã cho khuyến cáo cụ thể ở bài viết sau đây.

Đặc điểm của buồng dùng để khử khuẩn toàn thân

Buồng khử khuẩn không còn là khái niệm xa lạ với chúng ta khi trải qua đại dịch covid 19. Việc sử dụng loại buồng này để khử khuẩn có thể chung tay đẩy lùi đại dịch covid. Vậy khử khuẩn bằng buồng sẽ có đặc điểm gì? Các đặc điểm nổi bật có thể nhắc đến bao gồm:

  • Buồng được tích hợp chức năng cảm biến nhiệt độ, đồng thời có thể đo được nhiệt độ trước khi thực hiện khử khuẩn. Nếu người nào có thân nhiệt được máy ghi nhận trên 37.5 độ, máy sẽ kêu lên cảnh báo để người phụ trách có thể kịp thời xử lý.
  • Máy sử dụng loại cảm biến hồng ngoại nhằm hạn chế tối đa sự can thiệp của bàn tay con người. Buồng để khử khuẩn sẽ có 3 đèn cảnh báo. Đèn vàng ở trạng thái chờ, đèn màu đỏ thể hiện có người đang thực hiện việc khử khuẩn ở bên trong. Màu xanh cho biết quá trình khử khuẩn đã được hoàn thành.
  • Vòi phun khử khuẩn thiết kế cả 2 bên, mỗi bên gồm 3 vòi phùn sương. Dung dịch sát khuẩn được dùng đa dạng các loại trên thị trường.
  • Thời gian phun sương có thể được cài đặt 2 giây, 30 giây hoặc có thể là 30 phút, 1 giờ,...
  • Buồng được thiết kế ở dạng module, nhỏ gọn nên dễ dàng tháo lắp cũng như vận chuyển. Thời gian lắp chiếm khoảng nửa ngày.
  • Buồng còn có thiết kế 4 bánh xe để dễ dàng hơn cho việc di chuyển. Khi cần cố định, chỉ cần khóa bánh xe lại.
  • Công suất của buồng có thể khử khuẩn được 1000 người/ngày.
Không nên dùng buồng khử khuẩn toàn thân nhằm đảm bảo an toàn 1
Buồng khử khuẩn có công suất khử khuẩn được khoảng 1000 người/ngày

Cơ chế hoạt động của buồng khử khuẩn

Buồng để khử khuẩn toàn thân được hoạt động như sau:

  • Bước 1: Khi có người cần khử khuẩn bước vào buồng, cảm biến của buồng sẽ phát hiện và thể hiện tín hiệu buồng đang có người. Hệ thống cửa sẽ tự động đóng lại để tạo ra không gian kín chuẩn bị cho quá trình khử khuẩn.
  • Bước 2: Hệ thống vòi phun sương sẽ phun dung dịch sát khuẩn dưới dạng nano trong khoảng thời gian đã được cài đặt sẵn. Từ đó, dung dịch sát khuẩn này sẽ bám lại trên quần áo và các vật dụng mà người đó mang theo. Hệ thống phun sương sẽ không gây ướt át hay khó chịu cho người sử dụng.
  • Bước 3: Khi quá trình sát khuẩn đã được hoàn thành, đèn tín hiệu sẽ thông báo, cửa tử động mở, người vừa được khử khuẩn bước ra ngoài.

Vậy buồng khử khuẩn ra đời có thật sự hữu ích trong giai đoạn chống dịch bệnh covid không? Cùng theo dõi khuyến cáo của Bộ Y tế trong đoạn thông tin dưới đây nhé!

Không nên dùng buồng khử khuẩn toàn thân nhằm đảm bảo an toàn 2
Buồng khử khuẩn ra đời có thật sự hữu ích trong giai đoạn chống dịch bệnh covid không?

Khử khuẩn trong thời kỳ chống dịch covid

Trong đại dịch covid 19, khi các biến chủng mới của virus corona xuất hiện phức tạp ở thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đã có nhiều viện nghiên cứu và tổ chức dành thời gian nghiên cứu, lắp đặt buồng để khử khuẩn toàn thân có thể di động với mong muốn chung tay phòng dịch hiệu quả hơn. Buồng dùng để khử khuẩn toàn thân có cấu tạo bao gồm:

  • Thiết kế 1 buồng: Buồng này được phun sương với dung dịch clo có hoạt tính.
  • Thiết kế 2 buồng: Trong đó, 1 buồng được phun khí ozone với nồng độ 0.12ppm trong vòng 30 giây và 1 buồng còn lại được phun sương với hạt sương có kích thước 5μm. Dung dịch này là nước điện hóa, là nước javen hay dung dịch anolyte, được khử khuẩn bằng clo có hoạt tính với thời gian là 30 giây.

Thực tế, khí ozone là chất có thể gây hại cho sức khỏe chúng ta. Nó đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, người già và các đối tượng có vấn đề về bệnh viêm đường hô hấp. Theo khuyến cáo từ viện quốc gia về sức khỏe, an toàn nghề nghiệp tại Mỹ cho rằng, nồng độ khí ozone trong không khí không được phép vượt quá 0.1ppm tại bất kỳ thời điểm nào để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Bên cạnh đó cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào dùng ozone với mục đích khử khuẩn quần áo hay da người ở điều kiện bình thường. Và cũng chưa có một nghiên cứu nào chỉ ra rằng dung dịch clo có hoạt tính ở dạng phun sương cho tác dụng khử khuẩn quần áo hay da người trong thời gian 30 giây. Trái lại, clo hoạt tính ở dạng phun sương là loại dễ dàng xâm nhập vào trong phổi và đường hô hấp, có thể gây hại cho sức khỏe chúng ta nếu hít phải.

Không nên dùng buồng khử khuẩn toàn thân nhằm đảm bảo an toàn 3
Khí ozone trong buồng để khử khuẩn là chất có thể gây hại cho sức khỏe chúng ta

Khuyến cáo không nên dùng buồng khử khuẩn toàn thân nhằm đảm bảo an toàn

Trong thời gian dịch bệnh covid, Bộ Y tế đã nhận được nhiều đề xuất và nghiên cứu của những đơn vị trực thuộc về sáng kiến buồng để khử khuẩn toàn thân có thể di động. Tuy nhiên, tính đến nay, đề xuất này chưa được hội đồng cấp bộ chấp thuận và thông qua bởi chưa có đủ tài liệu để minh chứng. Bên cạnh đó, cần thêm các đánh giá về hiệu quả khử khuẩn và diệt virus cũng như độ an toàn đối với sức khỏe của người dùng.

Bộ Y tế khuyên các cá nhân, tổ chức không nên sử dụng buồng để khử khuẩn toàn thân nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Thay vào đó, để phòng ngừa dịch bệnh mọi người cần hạn chế ra ngoài nếu không thực sự cần thiết và giữ khoảng cách với người bệnh ít nhất là 2m. Đồng thời nên thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn.

Đối với ý kiến dùng phòng áp lực âm, Bộ Y tế cho biết đây là cách để cách ly được dùng trong bệnh viện nhằm ngăn chặn sự lây lan và nhiễm chéo chứ chúng không dùng để điều trị bệnh. Phòng áp lực âm này không có khả năng diệt được virus mà chỉ có tác dụng làm giảm lượng virus trong không khí. Vì thế, nếu có biểu hiện đau tức ngực, ho, sốt,... bệnh nhân nên tự cách ly tại nhà, đồng thời thông báo với các cơ quan y tế để được tư vấn các biện pháp điều trị và hạn chế dịch lây ra cộng đồng.

Không nên dùng buồng khử khuẩn toàn thân nhằm đảm bảo an toàn 4
Nếu có biểu hiện đau tức ngực, ho, sốt,... hãy tự cách ly và thông báo cho cơ quan y tế

Theo một vài quan điểm, buồng khử khuẩn ra đời trong giai đoạn đại dịch covid có thể giúp chung tay phòng chống và đẩy lùi đại dịch. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Bộ Y tế, không nên sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân. Vì thế, khi có các dấu hiệu của bệnh covid 19, hãy nhanh chóng tự cách ly và thông báo với cơ quan y tế để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin