Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ ba mẹ cần biết

Ngày 30/09/2022
Kích thước chữ

Rối loạn phổ tự kỷ là một tình trạng suy yếu hành vi, tình trạng ngôn ngữ, nhận thức, khả năng giao tiếp và tương tác với người khác. Bệnh tự kỷ có thể phát hiện từ khi trẻ 2 tuổi nên phụ huynh cần biết được các dấu hiệu của bệnh để xử lý kịp thời. 

Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ là khi gặp phải những khó khăn trong giao tiếp, có những hành vi bất thường và thu hẹp bản thân hơn. Vậy có những dấu hiệu nào để nhận biết trẻ đang mắc phải rối loạn phổ tự kỷ? Chẩn đoán và điều trị bệnh như thế nào?

Rối loạn phổ tự kỷ là gì?

Các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ ba mẹ cần biết 1 Rối loạn phổ tự kỷ là một hội chứng rối loạn phức tạp của phát triển não bộ

Rối loạn phổ tự kỷ là một nhóm những rối loạn phức tạp của phát triển não bộ. Đây là một chứng rối loạn tâm thần thuộc loại phát triển thần kinh có biểu hiện rất sớm, trẻ bị tự kỷ trước 3 tuổi chiếm đến 75%. Những người bị tự kỷ không phát triển bình thường về một số mặt, gặp khó khăn trong học tập, giao tiếp với người khác. Rối loạn phổ tự kỷ còn được biết đến với các tên gọi khác là:

  • Tự kỷ: Đây là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong giao tiếp và ở cùng với người khác, trẻ có những hành vi bất thường, lặp đi lặp lại và sự quan tâm chú ý bị thu hẹp.
  • Hội chứng Asperger: Đây là một dạng tự kỷ nhẹ, trẻ vẫn có kỹ năng ngôn ngữ tốt nhưng vẫn gặp khó khăn với những người ở xung quanh, có sự quan tâm và hành vi bất thường. 
  • Rối loạn bất hòa hợp thời thơ ấu (childhood disintergrative disorder): Đây là một rối loạn hiếm gặp, trẻ vẫn phát triển bình thường nhưng đến khoảng 3 - 4 tuổi thì đột ngột xuất hiện các triệu chứng tự kỷ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ?

Các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ ba mẹ cần biết 2 Những biểu hiện cho thấy trẻ đang mắc phải bệnh tự kỷ

Có nhiều chẩn đoán đơn lẻ về bệnh rối loạn phổ tự kỷ như: Tự kỷ thông thường, hội chứng Asperger và rối loạn phát triển lan tỏa không được chỉ định khác (PDD-NOS). Trẻ mắc tự kỷ có biểu hiện sớm, nên bố mẹ cần theo dõi các biến đổi của trẻ để có phương pháp xử lý sớm. Các bậc phụ huynh có thể quan sát con qua:

Về Cảm xúc: 

  • Trẻ không thích giao tiếp bằng mắt khi còn nhỏ, không nhìn thẳng người đối diện khi nói chuyện.
  • Không nhận biết được người lạ, người quen.
  • Không thể hiện sự yêu thương, quấn quýt lấy mẹ, không theo mẹ, không thấy trẻ vui mừng khi bố mẹ về.
  • Đi học thì không thích chơi cùng bạn, không nhận thức được cô giáo đang mắng hay khen.

Về Ngôn ngữ: 

  • Trẻ thường nói những âm đơn điệu, thiếu ngữ điệu, hay nói lẩm bẩm một mình, nhại lại lời người khác, có lúc phát âm vô nghĩa và lặp đi lặp lại.
  • Không biết bắt chước theo người lớn để làm theo, nói theo.
  • Không diễn đạt cho người khác hiểu được nhu cầu của mình. Người lớn phải gợi ý, hướng dẫn nhiều lần bé mới có thể làm theo được.

Về Hành vi: 

  • Trẻ chỉ thích chơi với một thứ, nhìn và quan tâm đến chi tiết hơn là cách sử dụng đồ vật đó.
  • Trẻ ghét sự thay đổi: Giận dữ, hoảng sợ khi đồ đạc trong nhà bị thay đổi hoặc mẹ thay đổi kiểu tóc…
  • Đáp ứng quá mức hoặc kém đáp ứng với những kích thích từ bên ngoài.
  • Trẻ lờ đi những lời ba mẹ nói nhưng lại thấy vui với những âm thanh nhỏ mà trẻ tự tạo ra như gãi hay gõ vào đồ vật bên tai.
  • Trẻ có thể không ngủ, ngủ ít vào ban đêm nhưng ban ngày vẫn dồi dào sinh lực.
  • Không biết sợ hãi khi gặp nguy hiểm, thậm chí tự gây thương tích cho mình như: Đánh vào đầu, cào cấu, nhổ tóc…
  • Thường có những vận động bất thường như chậm đi do giảm trương lực cơ hay có những cử động bất thường, ví dụ: Nhăn nhó mặt mày, xua tay, lắc lư, đập đầu…

Bệnh rối loạn phổ tự kỷ được chẩn đoán như thế nào?

Các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ ba mẹ cần biết 3 Cho trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để thăm khám và điều trị bệnh tự kỷ

Khi thấy trẻ có những biểu hiện như trên, mẹ hãy đưa bé đến bác sĩ nhi khoa. Lúc này, bác sĩ sẽ thăm khám sự phát triển vận động ở những mốc tuổi trong các lần khám định kỳ. Việc của các bậc phụ huynh là hãy chia sẻ, kể cho bác sĩ nghe về những biểu hiện bất thường trẻ đang mắc phải. Đừng chủ quan mà phớt lờ các vấn đề, vì ở vai trò là người chăm sóc và gần con hàng ngày nên người đầu tiên có thể phát hiện ra các hành vi bất thường là bố mẹ. Đừng cho rằng con mình chỉ “hơi chậm” và rồi sẽ nhanh chóng “bắt kịp” các bạn khác. Việc phát hiện bệnh và điều trị sớm cho con có thể giúp cải thiện triệu chứng, từ đó tăng khả năng trẻ phát triển và học tập các kỹ năng mới của trẻ.

Bác sĩ nhi khoa bây giờ sẽ cần ba mẹ cung cấp các thông tin về:

  • Triệu chứng của bé.
  • Tiền sử y khoa của bé.
  • Tiền sử gia đình.
  • Các loại thuốc bé đang dùng.

Khi có được các thông tin trên, bác sĩ sẽ kiểm tra xem có bệnh lý, thuốc đang dùng có gây ra các triệu chứng này hay không. Bé có thể được chỉ định để làm xét nghiệm hay chụp hình để tìm các nguyên nhân của triệu chứng. Do bệnh rối loạn phổ tự kỷ có thể di truyền nên bác sĩ sẽ muốn tầm soát các bé khác trong gia đình.

Trong trường hợp bé nhà bạn có thể đang mắc rối loạn phổ tự kỷ, bác sĩ sẽ giới thiệu bạn đến các chuyên gia về tâm lý, tâm thần, ngữ âm và thần kinh. Đây là những người có kiến thức về chuyện môn nên họ có thể kiểm tra được sâu hơn, từ đó cho bạn lời khuyên điều trị cho trẻ.

Điều trị bệnh tự kỷ như thế nào?

Không có phương pháp nào là điều trị tốt nhất dành cho mọi trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ. Trước khi quyết định điều trị theo phương pháp nào, hãy tìm hiểu càng nhiều thông tin càng tốt, đồng thời cũng cần dựa trên những nhu cầu của trẻ. 

Một nhóm các chuyên gian trong ngành sẽ đánh giá tình hình bệnh và xây dựng một kế hoạch điều trị chung. Hãy tìm kiếm và tham khảo những dịch vụ để giúp cho bạn và trẻ thuận lợi hơn trong quá trình điều trị bệnh.

Trên đây là những dấu hiệu về bệnh rối loạn phổ tự kỷ mà các bậc phụ huynh cần biết để xử lý kịp thời nếu con mình mắc phải. Trong tất cả các trường hợp thì điều trị thông qua các hoạt động vui chơi, học tập tại nhà cùng con là điều cần thiết. Vì vậy, ba mẹ đừng quên dành thời gian cho con yêu của mình nhé!

Hạ Hạ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTừ Vĩnh Khánh Tường

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Võ Trường Toản. Có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin