Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ

Ngày 24/04/2022
Kích thước chữ

Trẻ em là những cá thể rất nhạy cảm và hệ miễn dịch còn chưa phát triển đầy đủ, do đó rất dễ có những phản ứng tức thì với các tác động của môi trường. Và sốt ở trẻ em là một trong những triệu chứng lâm sàng phổ biến nhất và cũng là nguyên nhân thường xuyên khiến cha mẹ lo lắng nhất. Vậy có phải lúc nào trẻ bị sốt cũng đều phải dùng đến thuốc hạ sốt hay không? Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ như thế nào mới là hợp lý?

Thuốc hạ sốt là loại thuốc giúp đưa nhiệt độ cơ thể trở về mức bình thường. Do đó, các bậc phụ huynh có xu hướng cho trẻ uống thuốc hạ sốt ngay khi thấy trẻ nóng mà không cần xác định chắc chắn nhiệt độ cơ thể lúc đó có phải là sốt hay không, có thực sự cần đến thuốc hạ sốt hay không.

Chính vì tâm lý quá lo lắng kèm theo lời quảng cáo của các loại thuốc hạ sốt bày bán trên thị trường vô tình làm các bậc phụ huynh có tâm lý chủ quan trong việc cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Có phải bất cứ lúc nào trẻ sốt đều cần cho uống thuốc hạ sốt hay không? Những loại thuốc hạ sốt nào có thể sử dụng cho trẻ nhỏ? Những lưu ý gì cần được quan tâm trong việc sử dụng thuốc hạ sốt ở trẻ? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn nhé.

cach-su-dung-thuoc-ha-sot-cho-tre 1 Cần đo nhiệt độ cơ thể bằng nhiệt kế để xác định chính xác bé có đang bị sốt không

Sốt là gì? Nên làm gì khi bé bị sốt?

Tổng quan về sốt

36,5 – 37,5oC là khoảng nhiệt độ sinh lý bình thường của trẻ, khi nhiệt độ tăng lên ở mức trên 38oC thì được gọi là sốt. 

Trước tiên, cần hiểu rõ sốt không phải là bệnh, mà sốt là 1 cơ chế tự vệ của cơ thể khi bị tấn công, giúp làm chậm sự phát triển và nhân lên của vi khuẩn, virus xâm nhập, tăng cường sản xuất bạch cầu và tế bào lympho T, hỗ trợ kích hoạt cơ chế miễn dịch của cơ thể. 

Thông thường, nguyên nhân làm trẻ bị sốt là do nhiễm virus như cảm lạnh, cảm cúm, sau khi tiêm phòng vắc xin cũng có thể làm trẻ bị sốt. Bên cạnh đó, sốt có thể là hệ quả của việc nhiễm các bệnh nghiêm trọng hơn như: Nhiễm trùng tai, nhiễm trùng bàng quang, nhiễm trùng máu, viêm phổi hoặc thậm chí là viêm màng não.  

Cách xử lý tại nhà khi trẻ bị sốt 

Có 3 mục tiêu cần quản lý khi chăm sóc trẻ bị sốt, bao gồm: Kiểm soát nhiệt độ, bù nước và theo dõi các bệnh nghiêm trọng gây sốt ở trẻ.

Kiểm soát nhiệt độ

Theo dõi nhiệt độ của bé thường xuyên bằng nhiệt kế. Có thể chườm ấm tại trán, nách, cổ, hoặc dùng khăn nhúng vào thau nước ấm lau qua người của bé. 

Ngoài ra, phụ huynh có thể cho trẻ dùng 1 số loại thuốc hạ sốt khi nhiệt độ trên 38oC (đo ở nách) hoặc 38,5oC (khi đo ở hậu môn) như paracetamol hoặc ibuprofen, hãy nhớ tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng đi kèm với thuốc, cần đo nhiệt độ trước và sau khi cho trẻ uống thuốc để đánh giá hiệu quả hoặc dự phòng nếu có bệnh nguy hiểm hơn tiềm ẩn.

Bù nước và dinh dưỡng

Cho trẻ uống nhiều nước để đề phòng mất nước khi bị sốt. Cũng có thể cho trẻ ăn uống các chất lỏng như súp, nước trái cây hoặc sữa. Cho trẻ ăn các loại thực phẩm mềm, dễ tiêu hoá như cháo, ngũ cốc,… bổ sung vitamin qua các loại trái cây như đu đủ, cam, chuối,…

Theo dõi nếu có bệnh nghiêm trọng khác gây ra sốt ở trẻ

Nếu đã bù nước và cho trẻ dùng thuốc hạ sốt mà không thể đưa nhiệt độ cơ thể về dưới 39oC thì cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và điều trị dứt điểm.

Các loại thuốc hạ sốt và cách sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ

Paracetamol (acetaminophen)

Paracetamol là loại thuốc hạ sốt khá an toàn, hiệu quả và thường xuyên được sử dụng nhất cho trẻ em khi bị sốt. 

Có nhiều dạng bào chế để các bậc phụ huynh có thể lựa chọn tuỳ theo nhu cầu và tình trạng của bé như:

  • Dạng thuốc bột: Loại này thường có vị ngọt và hương trái cây như cam, dâu,… giúp bé dễ uống hơn. Khi dùng thì pha gói thuốc bột cùng nước đun sôi để nguội, do thuốc được hoà tan trước khi uống nên chỉ cần 15 – 30 phút thuốc sẽ dễ dàng được hấp thu từ dạ dày và cho tác dụng hạ sốt nhanh. Trên thị trường thường có các hàm lượng 80mg, 150mg và 250mg.
  • Dạng siro thuốc: Loại này cũng đa dạng hương vị của các loại trái cây và hấp thu nhanh như dạng thuốc bột. Đong liều lượng dựa theo cân nặng của trẻ. Trên thị trường thường có các hàm lượng như 80mg/5ml, 120mg/5ml và 250mg/5ml.
  • Dạng thuốc đặt: Dạng thuốc này thường được sử dụng khi trẻ bị sốt và nôn nhiều, không thể uống thuốc được. Dạng thuốc này có thời gian khởi phát tác dụng chậm hơn dạng thuốc bột và siro uống; ngoài ra, cần để thuốc trong ngăn mát tủ lạnh trước khi sử dụng để viên thuốc đông lại tạo thuận lợi cho việc nhét vào hậu môn của bé. Các hàm lượng thường thấy là 80mg, 150mg và 300mg.

cach-su-dung-thuoc-ha-sot-cho-tre 2 Dạng thuốc đặt tiện lợi cho trẻ khi bị nôn ói được sử dụng phổ biến

Liều lượng: Tính dựa trên cân nặng của trẻ, liều thông thường khoảng 10 – 15mg/kg cân nặng, mỗi lần dùng cách nhau từ 4 – 6 tiếng, liều lượng tối đa không quá 90mg/kg. Do đó, có thể lựa chọn hàm lượng thuốc sử dụng cho trẻ khi bị sốt như sau:

  • Hàm lượng 80mg sử dụng cho trẻ cân nặng từ 4 – 6 kg.
  • Hàm lượng 120mg, 150mg sử dụng cho trẻ cân nặng từ 7 – 12 kg.
  • Hàm lượng 300mg sử dụng cho trẻ cân nặng từ 13 – 24 kg.

Những lưu ý khi sử dụng paracetamol cho trẻ em:

  • Paracetamol tương đối không độc với liều điều trị. Tuy nhiên không nên dùng quá 5 ngày.
  • Nếu đau nặng hay tái diễn, sốt cao hay sốt liên tục thì bệnh đã trầm trọng. Nếu đau dai dẳng quá 5 ngày, xuất hiện sưng đỏ khớp hay bị thấp khớp ở trẻ nhỏ hơn 12 tuổi thì phải hỏi ý kiến của thầy thuốc ngay lập tức.
  • Nếu có phản ứng mẫn cảm xảy ra phải ngừng thuốc.

Chống chỉ định dùng paracetamol cho các trường hợp:

  • Mẫn cảm với paracetamol.
  • Bệnh nhân nhiều lần thiếu máu hay có bệnh tim, phổi, thận hoặc gan.
  • Bệnh nhân thiếu hụt glucose-6 phosphat dehydrogenase-G6PD.

Ibuprofen

Liều lượng: Tính dựa trên cân nặng của trẻ, liều thông thường khoàng 10mg/kg cân nặng, mỗi lần dùng cách nhau khoảng 6 tiếng, liều lượng tối đa không vượt quá 40mg/kg.

Những thận trọng khi sử dụng ibuprofen như sau:

  • Tác dụng không mong muốn có thể được giảm thiểu bằng cách dùng liều thấp nhất có tác dụng trong khoảng thời gian ngắn nhất cần thiết để kiểm soát triệu.
  • Cũng như các thuốc NSAID khác, ibuprofen có thể che giấu dấu hiệu nhiễm trùng.
  • Nên tránh sử dụng ibuprofen cùng với các NSAID, bao gồm các thuốc ức chế chọn lọc cyclooxygenase-2, do nguy cơ tác dụng hiệp đồng.
  • Ibuprofen có thể tạm thời ức chế chức năng tiểu cầu máu (kết tập tiểu cầu).
  • Khi sử dụng kéo dài bất cứ thuốc giảm đau nào, có thể xảy ra đau đầu nhưng không được điều trị bằng cách tăng liều dùng của thuốc.

Lưu ý không được dùng ibuprofen trong các trường hợp sau:

  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi.
  • Trẻ hay nghi ngờ bị sốt xuất huyết.
  • Trẻ bị hen, co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, tiền sử loét dạ dày tá tràng, suy gan hoặc suy thận (lưu lượng lọc cầu thận dưới 30 ml/phút).
  • Tiền sử chảy máu hoặc thủng dạ dày - ruột liên quan đến sử dụng NSAIDs trước đây.
  • Trẻ có tiền sử quá mẫn (biểu hiện hen, mày đay, phù mạch, viêm mũi...) sau khi dùng aspirin hay các thuốc chống viêm không steroid khác.
  • Trẻ đang được điều trị bằng thuốc chống đông coumarin.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ

Có thể sử dụng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38oC.

Cần lựa chọn đúng thuốc, dạng bào chế thích hợp với tình trạng của bé (chọn dạng thuốc bột hoặc siro uống nếu bé tỉnh táo, có thể tự uống thuốc; chọn dạng thuốc đặt nếu trẻ hay nôn ói, đặt vào buổi tối trước khi đi ngủ để tránh đánh thức bé giữa đêm).

Đối với dạng thuốc siro uống: Cần lắc đều trước khi sử dụng, không được dùng muỗng gia đình hoặc dụng cụ đong bất kỳ mà phải sử dụng bộ dụng cụ kèm theo chai siro thuốc đong đếm theo liều lượng khuyến cáo.

cach-su-dung-thuoc-ha-sot-cho-tre 3 Dạng siro thuốc với đa dạng mùi vị và tính tiện lợi nên thường xuyên được dùng khi trẻ bị sốt

Cần tính toán liều lượng cẩn thận theo cân nặng của trẻ hoặc tham khảo tờ hướng dẫn sử dụng, không dựa vào triệu chứng nặng nhẹ mà tự động gia giảm liều lượng.

Tuân thủ khoảng cách giữa các lần dùng thuốc, vì thuốc cần có thời gian để cho tác dụng, nếu không thể hạ sốt sau 1 liều dùng, cần đợi đến thời gian dùng liều tiếp theo mới cho bé dùng tiếp, tránh dùng quá liều.

Nếu trẻ nôn ngay sau khi uống thuốc, nên cho bé uống lại liều tương tự thay thế.

Nếu sau 2 ngày tự dùng thuốc hạ sốt mà không cải thiện triệu chứng thì phải đưa trẻ đến gặp bác sỹ để tìm hiểu nguyên nhân và có giải pháp điều trị phù hợp.

Cách phòng ngừa sốt cho trẻ

Chủ yếu dựa vào việc thay đổi thói quen và hướng dẫn trẻ vệ sinh cá nhân đúng cách, hạn chế nguy cơ bị lây lan virus, vi khuẩn.

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.

Tiêm phòng cho trẻ khi đến tuổi.

Rửa sạch thực phẩm trước khi chế biến.

Che mũi, miệng khi hắc hơi.

Tập cho trẻ thói quen ăn đa dạng các loại trái cây và rau quả.

Ds. Trân Lê

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin