Từ 25 tuổi trở đi, làn da của chúng ta bắt đầu lão hóa theo thời gian. Khi bước vào giai đoạn tuổi trung niên, làn da xuất hiện nhiều dấu hiện lão hóa hơn, dễ nhận thấy là các đốm đồi mồi xuất hiện ở vùng da mặt, vai, cổ, cánh tay, bàn tay và bàn chân.
Đồi mồi là những đốm sắc tố có màu từ nâu nhạt, nâu sẫm đến xám và đen, có kích thước to nhỏ không đều nhau, từ 0.5 – 2.5 cm, chủ yếu xuất hiện ở những vùng da hở, những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Đặc biệt hơn, nếu đồi mồi tập trung thành từng cụm thì chúng trông sẽ càng to hơn và nổi bật hơn.
Đồi mồi là dấu hiệu sự lão hóa
Những người có làn da trắng thường sẽ xuất hiện nhiều đồi mồi hơn những người có làn da tối màu hơn. Mặc dù những đốm đồi mồi này không gây nguy hại đến sức khỏe tuy nhiên lại gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ đối với làn da người mắc phải. Đáng lo ngại hơn, tuổi tác càng tăng thì khi đó, những đốm đồi mồi này cũng tăng theo về màu sắc lẫn kích thước. Do đó, khi đồi mồi xuất hiện nhiều trên làn da của bạn, đó là lời cảnh báo của làn da đang bị lão hóa.
Đồi mồi – dấu hiệu sự lão hóa
Đồi mồi hình thành từ đâu?
Bên cạnh đó, sự xuất hiện những đốm đồi mồi còn là do sự gia tăng sắc tố da khi các vùng da này phải thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các hạt sắc tố melanosomes trong các tế bào biểu bì tạo sắc tố, chứa enzym sắc tố tyrosinase và sắc tố tổng hợp. Các sắc tố này giúp hấp thu tia UVA, UVB để bảo vệ làn da. Tuy nhiên, khi da phải tiếp xúc quá mức với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian dài, làn da hấp thu quá nhiều các tia cực tím gây hại cho da. Lúc này sẽ khiến các tế bào biểu bì tạo sắc tố gia tăng sản sinh ra nhiều sắc tố melanin hơn nhằm bảo vệ da. Từ đó, dẫn đến sự rối loạn sắc tố da và hình thành nên các vết nám, sạm, tàn nhang và đồi mồi trên da.
Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân hình thành đồi mồi trên da
Ngoài ra, ở những người lớn tuổi, do chức năng và hệ thống tuần hoàn máu kém khiến khả năng tự đào thải, tự chữa lành của da bị suy yếu. Da bị mất nước, nhăn nheo và kém đàn hồi đều ảnh hưởng đến việc bài tiết melanin trong tế bào da, hình thành các đốm nâu tồn đọng trên bề mặt da, hay còn gọi là các đốm đồi mồi.
Ngoài 2 nguyên nhân chính là do tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời và vấn đề tuổi tác thì còn có rất nhiều yếu tố khác thúc đẩy sự hình thành của các đốm đồi mồi như: Yếu tố di truyền, môi trường sống và sinh hoạt, điều kiện thời tiết khí hậu thậm chí khi sử dụng một số loại thuốc đặc trị… cũng dẫn đến hình thành đồi mồi trên da.
Làm cách nào để ngăn ngừa đồi mồi xuất hiện trên da?
Để ngăn chặn sự hình thành các đốm đồi mồi trên da, chúng ta cần chăm sóc và bảo vệ làn da của mình ngay từ sớm bằng những cách như sau:
- Nên đeo kính râm, mang khẩu trang, đội nón mũ rộng vành và mặc quần áo dài khi đi ra đường nhằm hạn chế làn da phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời.
- Hạn chế ra ngoài vào buổi trưa từ 10 giờ trưa đến 4 giờ chiều, khi ánh nắng mặt trời có cường độ mạnh nhất có thể làm tổn thương đến làn da của bạn.
- Nên dùng kem chống nắng với chỉ số SPF từ 30 trở lên và nên thoa kem chống nắng ít nhất 30 phút trước khi ra ngoài. Nếu những bạn có sở thích bơi lội hay phải vận động nhiều, cần thiết phải thoa kem chống nắng lại nhằm bảo vệ da một lần nữa.
- Nên bổ sung chất dinh dưỡng đầy đủ cho làn da, đặc biệt là các vitamin nhóm A, C, E và các khoáng chất cần thiết nhằm nuôi dưỡng làn da khỏe mạnh.
- Những người phải làm việc môi trường ngoài trời cần có dụng cụ bảo hộ lao động chuyên dùng như: Mũ, nón, quần áo dài tay và che ô tránh nắng.
- Các phương pháp làm đẹp như tắm trắng có thể làm mất đi lớp sừng trên da, khi các tế bào non phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và các yếu tố có hại từ môi trường nên rất dễ hình thành các đốm đồi mồi thậm chí là ung thư da.
- Nên mặc quần áo nhiều màu hoặc các loại quần áo tối màu bằng các chất liệu tự nhiên nhằm bảo vệ da tốt hơn so với các loại quần áo sáng màu và bằng chất liệu nhân tạo.
Sử dụng kem chống nắng khi ra đường là biện pháp ngăn ngừa đồi mồi xuất hiện trên da
Đồi mồi xuất hiện trên da – khi nào cần đi khám?
Nhìn chung, các đốm đồi mồi ngoài ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ thì không có gì đáng lo ngại. Bên cạnh đó, một số đốm đồi mồi rất giống với sự tổn thương ung thư da, đặc biệt với loại ung thư phát triển ở khu vực thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Việc chẩn đoán đồi mồi chỉ bằng trực quan nhằm phân biệt với các bệnh rối loạn về da. Tuy nhiên trong một số những trường hợp hiếm trường hợp, khi các đốm đồi mồi có sự tăng trưởng nhanh chóng về kích thước, màu sắc bất thường, bị đau rát, ngứa và thậm chí chảy máu, người bệnh cần khám da liễu ngay để được thăm khám, sinh thiết da và thực hiện các xét nghiệm khoa học cần thiết đề phòng bệnh ung thư da.
Đồi mồi xuất hiện trên da – khi nào cần đi khám?
Trên đây là tổng quan về đồi mồi – dấu hiệu của sự lão hóa, nguyên nhân hình thành và cách ngăn ngừa đồi mồi xuất hiệu trên da. Bệnh đồi mồi không phải là một bệnh lý nguy hại đến sức khỏe cũng như nguy hại đến làn da của bạn. Tuy nhiên, những đốm đồi mồi lại ảnh hưởng đến thẩm mỹ nếu mắc phải cảm thấy không tự tin trong giao tiếp. Nếu chẳng may trên da xuất hiện những đốm đồi mồi, bạn hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa da liễu để được thăm khám, tư vấn cũng như kiểm tra tình trạng da của mình nhé!
Hoàng Yến
Nguồn: Tổng hợp