Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Ngày 06/11/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng ngưng thở khi ngủ có thể xảy ra với bất kỳ ai ở bất kỳ độ tuổi nào đặc biệt là tuổi trung niên. Ngưng thở khi ngủ nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách, kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp, đái tháo đường, loạn nhịp tim, đột quỵ.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ, đa phần bệnh nhân sẽ không biết hoặc không nghĩ rằng đây là vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Thực tế nhiều bệnh nhân gặp phải hội chứng này đều mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, thậm chí mất tính mạng do thiếu oxy quá mức.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng rối loạn giấc ngủ khiến bệnh nhân khi đang ngủ có những cơn ngưng thở hoàn toàn, lặp lại ít nhất 10 lần trong mỗi đêm. Thực tế bản thân bệnh nhân rất khó biết được mình mắc hội chứng này bởi nó chỉ xuất hiện khi ngủ. Những người xung quanh nếu không chú ý bệnh nhân cũng không thể phát hiện bệnh.

Thực tế, hội chứng ngưng thở khi ngủ có 3 thể bệnh khác nhau bao gồm:

  • Ngưng thở tắc nghẽn.
  • Ngưng thở trung ương.  
  • Ngưng thở hỗn hợp.

Trong đó, ngưng thở tắc nghẽn là thể bệnh phổ biến hơn ở nam giới. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% bệnh nhân đi khám và biết về tình trạng bệnh của bản thân để điều trị. Còn lại sống chung với căn bệnh này cho đến khi biến chứng nguy hiểm không may xảy ra.

Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì? Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?

Bản chất của hội chứng ngưng thở khi ngủ là do khi ngủ, lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giãn ra, gây tắc nghẽn đường thở một phần hoặc hoàn toàn. Không khí đi qua vùng nghẽn bị hạn chế, làm giảm lượng oxy trong máu và đánh thức phần não liên quan để kích hoạt hoạt động thở. Ban đầu cơ ngực sẽ phải hoạt động nhiều hơn bình thường để thông khí bù lại quãng thời gian bị ngưng thở. Sau khi hơi thở trở lại bình thường thì quy trình này sẽ lại lặp lại, khiến bệnh nhân bị ngưng thở khi ngủ lặp lại nhiều lần trong đêm.

Nguyên nhân gây hội chứng ngưng thở khi ngủ thường là do tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn đường hô hấp trên trong lúc ngủ do mô ở thành sau họng quá to, lưỡi lớn, bất thường về xương hàm,… Còn chứng ngưng thở khi ngủ trung ương là do vấn đề ở não khiến tín hiệu điều khiển cơ hô hấp của bệnh nhân khi ngủ bị rối loạn.

Các yếu tố nguy cơ như vấn đề về xoang, phì đại VA, béo phì, lưỡi hoặc amidan làm tăng nguy cơ hoặc khiến người mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ trở nên nghiêm trọng hơn. Đa phần người bị chứng ngưng thở khi ngủ trung ương có đồng thời gặp vấn đề về suy tim hoặc thần kinh.

Nam giới có nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cao hơn phái nữ đến 2 lần, đa phần đến tuổi trung niên mới bắt đầu xuất hiện và tiến triển nặng. Hội chứng này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bệnh nhân, khiến bệnh nhân mệt mỏi, tăng nguy cơ tai nạn lao động, tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống,…

Triệu chứng của hội chứng ngưng thở khi ngủ

Có đến 90% bệnh nhân mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ thể tắc nghẽn không biết về tình trạng bệnh của chính bản thân. Nguyên nhân do triệu chứng chỉ xuất hiện ra khi ngủ, nghĩa là bệnh nhân không ý thức được tình trạng này đang diễn ra. Tuy nhiên, hội chứng này sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, nếu bạn đang gặp các vấn đề phía dưới đây thì hãy kiểm tra nguy cơ mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ:

  • Đau đầu mỗi khi thức dậy vào buổi sáng.
  • Buồn ngủ nhiều vào ban ngày kể cả khi ban đêm ngủ nhiều và không bị thức giấc.
  • Ngủ ngáy, lúc ngủ có khi bị ngạt thở, ngừng thở, dấu hiệu này cần người bên cạnh để ý giúp bạn kiểm tra.
  • Đi tiểu nhiều lần trong đêm.
  • Giảm trí nhớ, giảm độ tập trung do chất lượng giấc ngủ kém.
  • Tăng huyết áp kháng trị.
  • Béo phì, thừa cân, cấu trúc dị thường ở vùng hàm mặt.

Các triệu chứng này có thể không phải do hội chứng ngưng thở khi ngủ gây ra nhưng bạn vẫn nên đến các bệnh viện chuyên khoa hô hấp để khám và điều trị sớm nhất có thể. Nhiều đối tượng bệnh nhân do không phát hiện bệnh và điều trị, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như: Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, dễ gây mất tập trung, tai nạn giao thông, giảm sút trí nhớ, đột tử trong đêm, cơn đau nhói ở ngực,…

Triệu chứng thường gặp khi mắc hội chứng ngưng thở Hội chứng ngưng thở khi ngủ là gì?
Hội chứng ngưng thở khi ngủ thường gặp ở độ tuổi trung niên trở đi, song trẻ nhỏ vẫn có nguy cơ mắc hội chứng này. Ở trẻ mắc bệnh, dấu hiệu khác đi kèm có thể thấy như tinh thần thiếu ổn định, tiểu dầm, hay gây gổ, giảm thành tích học tập,…

Cách điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ

Có nhiều phương pháp để điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ theo từng tình trạng và nguyên nhân gây bệnh, vì thế người bệnh cần được chẩn đoán chính xác các thông tin bệnh lý. Các phương pháp điều trị thường được áp dụng bao gồm:

  • Giảm cân nếu hội chứng ngưng thở khi ngủ là do béo phì.
  • Xây dựng lối sống khoa học, tăng chất lượng giấc ngủ và hoạt động của hệ hô hấp.
  • Phẫu thuật loại bỏ các nguyên nhân cơ học gây nghẽn đường thở.
  • Đeo nẹp hàm.

Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được theo dõi để đánh giá khả năng đáp ứng phương pháp điều trị. Ngoài điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ, bệnh nhân cần điều trị và kiểm soát cả nguyên nhân, các yếu tố nguy cơ gây bệnh như: Mỡ máu, huyết áp, rối loạn chuyển hóa,… 

Đeo nẹp hàm giúp điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ Đeo nẹp hàm giúp điều trị hội chứng ngưng thở khi ngủ

Ngoài ra, những thói quen được kể sau đây sẽ giúp người bệnh mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm bớt các triệu chứng bệnh, đó là: Giảm cân, không uống thuốc an thần, tránh uống rượu hoặc các chất gây nghiện, thay đổi tư thế ngủ, không hút thuốc lá,…

Mong rằng qua bài viết này, mọi người đã hiểu thêm về hội chứng ngưng thở khi ngủ cũng như triệu chứng và cách điều trị của hội chứng này. Nếu như phát hiện bản thân có các triệu chứng nghi ngờ thì nên đến khám tại cơ sở y tế chuyên khoa có uy tín.

Phương Nhi

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm