Long Châu

Béo phì là gì? Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Béo phì có nghĩa là sự gia tăng tình trạng mỡ trong cơ thể và chỉ số khối cơ thể (BMI). Chỉ số này được sử dụng rộng rãi, đơn giản và đáng tin cậy để xác định một người có cân nặng phù hợp với chiều cao của họ hay không. BMI - Body Mass Index được tính bằng cách chia cân nặng của một người (tính theo đơn vị kilogram) cho bình phương chiều cao (đơn vị mét) của người đó, vì vậy đơn vị của BMI là kg/m2.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Béo phì là gì? 

Béo phì có nghĩa là sự gia tăng tình trạng mỡ trong cơ thể. Mức độ béo phì có thể được tính toán dựa vào chỉ số khối cơ thể (BMI - Body Mass Index) tính bằng cách chia cân nặng của một người (tính theo đơn vị kilogram) cho bình phương chiều cao (đơn vị mét) người đó, vì vậy đơn vị của BMI là kg/m2.

Triệu chứng

Tác động của béo phì đối với sức khỏe 

Béo phì hoặc sự gia tăng BMI là yếu tố nguy cơ chính cho rất nhiều các bệnh lý không lây nhiễm bao gồm: Bệnh lý tim mạch (đột quỵ và bệnh tim), đái tháo đường, bệnh lý cơ xương khớp (đặc biệt là thoái hoá khớp), một số bệnh lý ung thư (ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tinh hoàn, ung thư gan, ung thư túi mật, ung thư thận và ung thư đại tràng).

Béo phì ở trẻ em làm tăng nguy cơ béo phì khi trưởng thành, nguy cơ tử vong sớm và tàn tật tăng cao hơn. Bên cạnh việc gia tăng rủi ro trong tương lai, trẻ béo phì có thể gặp các tình trạng khác như khó thở, tăng nguy cơ gãy xương, tăng huyết áp, các biểu hiện sớm của bệnh tim mạch và đề kháng insulin, các vấn đề về tâm lý.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đa số mọi người đều nhận thức được béo phì sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, nhưng hầu hết mọi người chỉ coi đây là một vấn đề của lối sống mà họ chọn. Béo phì là một bệnh lý có thể điều trị được, do đó nếu bạn thấy cân nặng tăng nhiều hoặc đơn giản là khi chỉ số BMI đã đạt mức béo phì, thì đây chính là thời điểm bạn cần đến khám bác sĩ hoặc các chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn và điều trị.

Bên cạnh đó, nếu béo phì gây ra bất kỳ tình trạng sức khỏe xấu nào cho cơ thể như: Khó thở, mệt mỏi, tình trạng lo âu, trầm cảm... hãy đến khám bác sĩ ngay.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh, giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến béo phì

Béo phì là một vấn đề sức khỏe phức tạp gây ra bởi sự kết hợp của nhiều nguyên nhân và các yếu tố hành vi cá nhân, di truyền.

Nguyên nhân cơ bản của béo phì/ thừa cân là sự mất cân bằng giữa năng lượng hấp thu và năng lượng tiêu thụ hằng ngày. Việc ăn nhiều các loại thực phẩm giàu năng lượng, nhiều chất béo và đường, kết hợp với yếu tố hành vi cá nhân như lối sống kém vận động, không thường xuyên tập thể dục sẽ dẫn đến tình trạng tích tụ mỡ dưới da, dẫn đến béo phì. 

Các yếu tố khác như: Mức độ được giáo dục của cá nhân, sự tiếp nhận quảng cáo từ các loại thực phẩm, môi trường sống xung quanh và kể cả di truyền cũng góp phần dẫn đến béo phì. Một số trường hợp hiếm gặp béo phì có thể di truyền trong gia đình. Tuy nhiên, nhìn chung thì béo phì vẫn là bệnh lý đa yếu tố, là sự tương tác phức tạp giữa nhiều yếu tố gene, yếu tố môi trường, hành vi và lối sống của cá nhân.

Bên cạnh đó, một số bệnh có thể dẫn đến béo phì hoặc tăng cân như bệnh Cushing, hội chứng buồng trứng đa nang. Các loại thuốc như steroid và một số thuốc chống trầm cảm cũng có thể gây tăng cân.

Nguy cơ

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải béo phì

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, bao gồm:

  • Lối sống kém vận động, thường xuyên ngồi xem tivi, máy tính, chơi trò chơi điện tử, không tập luyện thể dục thể thao.

  • Hành vi ăn uống không lành mạnh: Ăn nhiều thực phẩm giàu chất béo, đường, ăn nhiều thực phẩm hoặc đồ ăn nhanh.

  • Ngủ không đủ giấc.

  • Nhiều yếu tố stress và căng thẳng trong cuộc sống.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán béo phì

Chỉ số khối cơ thể (BMI) vẫn được sử dụng rộng rãi như một cách đơn giản và đáng tin cậy để xác định một người có cân nặng phù hợp với chiều cao của họ hay không.

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO) thì thừa cân là khi người đó có BMI lớn hơn hoặc bằng 25 và béo phì là khi BMI lớn hơn hoặc bằng 30. Tuy nhiên, đối với người châu Á thì thừa cân là khi người đó có BMI lớn hơn hoặc bằng 23 và béo phì là khi BMI lớn hơn hoặc bằng 25.

Phương pháp điều trị béo phì hiệu quả

Điều trị béo phì chỉ đơn giản là thực hiện giảm cân an toàn bằng việc xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng kết hợp với hoạt động thể chất thường xuyên.

Có thể bạn cần sự hướng dẫn của bác sĩ dinh dưỡng hoặc huấn luyện viên thể chất để đưa ra những lời khuyên, tư vấn cho chế độ tập luyện và dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, nếu béo phì liên quan đến các bệnh lý khác chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), tăng huyết áp, bệnh tiểu đường hoặc hội chứng ngưng thở khi ngủ thì bác sĩ có thể cần phải điều trị các bệnh lý trên và thậm chí có thể cần đến các bác sĩ chuyên khoa sâu.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của béo phì

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Hạn chế nạp quá nhiều năng lượng từ các loại thực phẩm giàu chất béo và đường.

  • Tăng tiêu thụ trái cây và rau quả, cũng như các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.

  • Tham gia các hoạt động thể chất thường xuyên (60 phút mỗi ngày cho trẻ em và 150 phút trải dài trong tuần cho người lớn).

Nguồn tham khảo

1. https://www.who.int/news-room/

2. https://www.healthgrades.com/

3. https://www.nhs.uk/

Các bệnh liên quan

  1. Suy cận giáp

  2. Bướu giáp lan tỏa

  3. Tiểu đường bị ngứa da

  4. Bướu giáp keo

  5. Nhiễm toan ceton

  6. Gút

  7. Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

  8. Xơ nang

  9. Bệnh thận đái tháo đường

  10. Tiểu đường tuýp 1