Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính

Mách bạn cách ứng phó ở kỳ kinh nguyệt đầu tiên

Ngày 17/08/2020
Kích thước chữ

Kỳ kinh nguyệt đầu tiên của bạn thế nào? Chắc hẳn bạn gái sẽ gặp nhiều bối rối và thắc mắc. Hãy cùng chúng tôi giải đáp những câu hỏi thường gặp ở bạn gái khi có đèn đỏ lần đầu nhé!

Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên mà mỗi người phụ nữ khi trưởng thành đều phải trải qua. Nhiều bạn nữ trong quá trình dậy thì có những bất thường về kinh nguyệt, thường gọi là rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì, những rối loạn này nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý, do đó cần khám chuyên khoa sớm.

Mách bạn cách ứng phó ở kỳ kinh nguyệt đầu tiênKinh nguyệt đánh dấu sự thay đổi về cơ thể ở mỗi bạn gái.

Kinh nguyệt xuất hiện lần đầu tiên khi nào?

Nếu ngày trước, kỳ kinh nguyệt thường sẽ xuất hiện trong độ tuổi từ 15-18 thì ngày nay các bạn gái đều có xu hướng dậy thì sớm hơn, từ 9 - 16 tuổi. Bạn gái có thể sẽ gặp những biểu hiện sau: Ngực phát triển và hơi nhức, da tiết dầu nhiều hơn bình thường, lông nách và vùng kín bắt đầu mọc. Khi gặp những dấu hiện này, đừng ngại ngùng mà hãy chia sẻ với mẹ để cùng vượt qua những ngày đầu tiên bạn nhé.

Chu kì kinh nguyệt thường kéo dài bao lâu?

Thông thường một chu kỳ kinh nguyệt của bạn gái sẽ kéo dài từ 28 - 35 ngày. Nếu thời gian có kinh sớm hơn hoặc muộn hơn, có thể bạn gái bị rối loạn kinh nguyệt. Nguyên nhân có thể do căng thẳng và thiếu ngủ. Bạn gái nên gặp bác sĩ chuyên khoa để biết rõ tình trạng của mình nhé.

Bạn gái nên trang bị gì khi có kinh nguyệt lần đầu?

Để không bị rơi vào tình huống khó xử trong những ngày đầu nguyệt san, hãy luôn mang theo băng vệ sinh bên mình và một chiếc quần chip trong túi xách bạn nhé. Và quan trọng là bạn phải biết cách sử dụng băng vệ sinh đúng cách nữa nè.

Trước tiên, bạn hãy bỏ vỏ ngoài của băng vệ sinh, sau đó lột miếng giấy dán bảo vệ ra và dán vào bên trên quần nhỏ. Để băng vệ sinh được thẳng và không gây khó chịu cũng như tràn băng, bạn hãy để thẳng miếng băng giữa phần đáy quần nhỏ, sau đó hãy dán hai bên mép xuống phần dưới đáy quần. Đây là phần giúp băng không bị co dúm khi chúng ta di chuyển đó.

Đến ngày kinh nguyệt ra nhiều, bạn nên dùng loại băng vệ sinh có cánh để miếng băng cố định và tránh tràn băng, giúp thoải mái vui chơi và vận động nhé. Kinh nguyệt luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu của con gái vì điều này đánh dấu những sự thay đổi trong cơ thể.

Mách bạn cách ứng phó ở kỳ kinh nguyệt đầu tiên 2Băng vệ sinh là điều đầu tiên các bạn nữ cần chuẩn bị khi có kỳ kinh nguyệt đầu tiên.

Các dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt tuổi dậy thì

Kinh nguyệt không bình thường còn gọi là rối loạn kinh nguyệt. Các trường hợp kinh nguyệt bất thường như:

  • Vô kinh nguyên phát: Đây là tình trạng xảy ra khi bạn nữ đã quá 18 tuổi mà vẫn chưa hành kinh.
  • Vô kinh thứ phát: Quá 3 tháng chưa hành kinh nếu trước đó kinh rất đều và quá 6 tháng chưa hành kinh nếu trước đó kinh không đều.
  • Vô kinh giả: Là tình trạng máu kinh vẫn có nhưng màng trinh kín hoặc cổ tử cung bị dính nên máu kinh không chảy ra ngoài, còn gọi là bế kinh.
  • Rong kinh: Nếu quá trình hành kinh kéo dài trên 7 ngày.
  • Kinh ít: Lượng máu kinh ra rất ít.
  • Kinh nhiều: Lượng máu kinh nhiều hơn bình thường, trên 60 ml trong cả kỳ kinh.
  • Kinh thưa: Vòng kinh dài trên 35 ngày.
  • Kinh mau: Vòng kinh ngắn dưới 21 ngày.
  • Băng kinh: Máu kinh ra rất nhiều, trên 150ml trong thời gian một vài ngày gây choáng váng, mệt mỏi đôi khi bị ngất xỉu.
  • Rong huyết: Ra máu không liên quan đến kỳ kinh.
  • Thống kinh: Đau bụng nhiều khi hành kinh, có thể bị mệt mỏi và ảnh hưởng sinh hoạt.
  • Kinh sớm: Xảy ra ở những bé gái có kinh trước 10 tuổi.

Nên làm gì khi bị rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì?

Mách bạn cách ứng phó ở kỳ kinh nguyệt đầu tiên 3Hãy đến bác sĩ để tham khám nếu có bất kì biểu hiện bất thường nào.

Đối với trường hợp đau bụng khi hành kinh, khi đi khám chuyên khoa, bạn có thể được bác sĩ kê đơn thuốc giảm đau loại kháng viêm không corticoid (paracetamol, ibuprofen, diclofenac...) hoặc thuốc viên tránh thai kết hợp. Không nên tự ý sử dụng thuốc mà không có sự chỉ dẫn của bác sĩ.

  • Vô kinh: Có thể do rối loạn dinh dưỡng và tâm lý. Rối loạn dinh dưỡng có thể ảnh hưởng xấu đến sự phát triển chung của cơ thể, khắc phục các vấn đề về dinh dưỡng, giải tỏa các vấn đề tâm lý có thể giúp cải thiện tình trạng vô kinh. Tuy nhiên hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn và điều trị cụ thể.
  • Rong huyết hoặc ra máu bất thường có thể là do nhiễm khuẩn hoặc bất thường ở cổ tử cung. Khám và điều trị nếu có nhiễm khuẩn đường sinh sản, và nên thực hiện các xét nghiệm tế bào học cổ tử cung tầm soát ung thư.
  • Các trường hợp như kinh thưa, kinh mua, kinh ít cần phải theo dõi kỹ, nếu có dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khoẻ cần lập tức đi khám.
  • Các trường hợp rối loạn kinh nguyệt khác cần đến bệnh viện để chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Lời khuyên cho bạn gái tuổi dậy thì

  • Kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý tự nhiên, gây ra do sự thay đổi giải phẫu và sinh lý bình thường của tuổi dậy thì, không phải là bệnh mà lo sợ. Khi hành kinh có thể bị đau bụng, cảm giác choáng váng, các trạng thái tâm lý bất thường hay xảy ra khi có kinh như cảm giác bứt rứt khó chịu, nhức đầu, lo âu, mất ngủ, biếng ăn...
  • Không nên quá lo lắng về các chu kỳ kinh nguyệt không đều thì vì kinh nguyệt không đều trong 1 - 2 năm khi bắt đầu có kinh có thể là bình thường.
  • Các bậc phụ huynh cũng cần hướng dẫn cụ thể cho trẻ cách giữ vệ sinh khi có kinh nguyệt, cách sử dụng băng vệ sinh.

Gia đình cần giải thích cho trẻ vị thành niên hiểu rõ khi đã có kinh nguyệt thì cũng sẽ có khả năng có thai nếu có quan hệ tình dục. Đồng thời, hướng dẫn cách phòng tránh thai, cách sử dụng bao cao su cũng như các biện pháp tránh thai an toàn.

Bảo Hân

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin