Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Mẹo xử trí đúng cách khi trẻ bị bong gân bàn chân

Ngày 21/03/2022
Kích thước chữ

Trẻ em là một trong những đối tượng rất dễ bị bong gân bàn chân do hiếu động và thường xuyên chạy nhảy. Khi trẻ bị bong gân bàn chân, cha mẹ cần có hướng xử trí phù hợp với mức độ và trình trạng tổn thương để ngăn ngừa di chứng.

Không chỉ những người lao động chân tay, vận động viên thể thao hay phụ nữ hay đi giày cao gót mới dễ bị bong gân mà trẻ em cũng là đối tượng có nguy cơ cao. Trẻ em thường hiếu động, đùa nghịch, chạy nhảy nhiều nên chỉ cần một cú trượt ngã hoặc vận động sai tư thế cũng sẽ gây ra chấn thương, hay gặp nhất là chấn thương ở bàn chân.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bong gân bàn chân

Bong gân bàn chân là những tổn thương làm giãn, căng hoặc đứt dây chằng ở bàn chân. Trong giải phẫu học, dây chằng có tác dụng giữ vững và liên kết khớp, xương. Nếu dây chằng bị tổn thương nhưng chưa trật khớp có thể gây đau và làm khớp bị lỏng lẻo ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động.

Cũng như ở người lớn, bong gân bàn chân ở trẻ em được chia thành 3 mức độ khác nhau gồm:

  • Bong gân độ 1: Dây chằng không đứt mà chỉ bị giãn nhẹ.
  • Bong gân độ 2: Dây chằng có thể bị đứt một phần.
  • Bong gân độ 3: Dây chằng bị đứt hoàn toàn. Đây là mức độ nghiêm trọng nhất cần phải can thiệp bằng phẫu thuật.
Mẹo xử trí đúng cách khi trẻ bị bong gân bàn chân Trẻ em hiếu động nên rất dễ bị bong gân

Có thể nhận biết trẻ bị bong gân bàn chân thông qua các dấu hiệu đầu tiên như:

  • Đau chân: Khi bị chấn thương trẻ sẽ cảm thấy đau nhói tại vị trí tổn thương, cơn đau có thể tăng lên khi cử động, di chuyển.
  • Vận động khó khăn: Dây chằng bị tổn thương khiến chân sưng đau, trẻ sẽ không thể vận động như bình thường, thậm chí không thể đứng vững.
  • Sưng tấy ở vị trí tổn thương.
  • Nóng, bầm tím do chảy máu dưới da.

Trẻ bị bong gân có cần đi khám bác sĩ không?

Các triệu chứng của bong gân bàn chân ở trẻ thường không điển hình, bố mẹ có thể gặp khó khăn do trẻ còn nhỏ chưa thể nói và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như gãy xương. Do vậy, bố mẹ nên đưa trẻ đi khám cận lâm sàng để được chẩn đoán chính xác, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Một kỹ thuật cận lâm sàng cần thực hiện khi trẻ bị bong gân bàn chân như chụp x-quang để loại trừ gãy xương, chụp cắt lớp vi tính CT để đánh giá chính xác tổn thương và chụp cộng hưởng từ MRI xác định mức độ tổn thương của dây chằng…

Nếu trẻ bị bong gân ở mức độ nhẹ, tổn thương dây chằng không quá nghiêm trọng và trẻ không bị đau quá nhiều thì ba mẹ có thể điều trị cho trẻ tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đau đớn dữ dội, quấy khóc, dấu hiệu lâm sàng bất thường thì hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ ngay lập tức.

Xử trí thế nào khi trẻ bị bong gân?

Dựa vào các yếu tố tuổi tác, cân nặng, tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý, mức độ tổn thương dây chằng, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp. Tuy nhiên, trước khi đưa trẻ đến gặp bác sĩ, cha mẹ có thể sơ cứu khẩn cấp giúp trẻ giảm nhẹ triệu chứng đau đớn, sưng tấy với những cách sau:

  • Chườm lạnh trong 72 giờ đầu tiên: Sau khi bị bong gân, hãy để trẻ nằm yên tại chỗ, tránh cử động mạnh khiến tình trạng tổn thương trở nặng và gây khó chịu cho trẻ. Dùng 1 túi chườm đá lạnh hoặc khăn lạnh mềm chườm lên vị trí sưng đau khoảng 20 phút, lặp lại 5-6 lần mỗi ngày. Đá lạnh sẽ giúp giảm sưng, giảm đau, và ngăn ngừa chảy máu dưới da.
  • Dùng băng thun, băng ép cố định vị trí bong gân: Để khớp nghỉ ngơi sau chấn thương là vô cùng cần thiết, cha mẹ nên dùng băng vải định hình vị trí bong gân hoặc nẹp trợ đỡ đối với những trường hợp bong gân nặng. Khi nằm ngủ, nên gác chân lên gối để giảm sưng và khó chịu.
Mẹo xử trí đúng cách khi trẻ bị bong gân bàn chân 1 Khi trẻ bị bong gân bàn chân, cha mẹ nên băng cố định và cho trẻ nằm nghỉ ngơi
  • Hạn chế vận động: Trong thời gian điều trị, trẻ bị bong gân bàn chân nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt, hạn chế cử động chân trong thời gian 1-2 tuần.

Trong trường hợp trẻ bị đau nhiều, cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau Paracetamol, thuốc chống viêm không steroid NSAIDs theo đúng liều lượng phù hợp với cân nặng và độ tuổi của trẻ. Lưu ý, không sử dụng thuốc trong thời gian dài hoặc quá liều vì có thể gây tổn thương đến gan, thận. 

Đối với trẻ bị bong gân ở mức độ nặng, lúc này phẫu thuật sẽ được bác sĩ chỉ định nhằm tái tạo và phục hồi dây chằng. Phương pháp này giúp không bị ảnh hưởng sinh hoạt và đáp ứng nhu cầu vận động cường độ cao hơn.

Trẻ bị bong gân bàn chân nên tập phục hồi chức năng sau khi  hết đau cấp tính, nhằm lấy lại cảm giác vận động, tăng sức mạnh của dây chằng, gân, cơ.

Trẻ bị bong gân chân nên ăn gì nhanh hồi phục?

Dinh dưỡng đóng vai trò rất lớn trong quá trình hồi phục sau chấn thương của trẻ. Ngoài những vitamin, khoáng chất cần thiết mỗi ngày, cha mẹ hãy tăng cường cho con những loại thực phẩm sau đây:

  • Thực phẩm giàu đạm: Thịt bò, ức gà, phô mai, thịt lợn, trứng, cá, hải sản, các loại đậu, các loại rau cải…
  • Rau, củ quả giàu vitamin C hoặc viên uống vitamin C: Ớt, cam, chanh, ổi, dứa, dâu tây, nho, cải bó xôi, cải xoăn, cà chua, khoai tây…
  • Thực phẩm giàu kẽm: Động vật có vỏ, ngũ cốc, mầm lúa mạch, nấm, các loại hạt, yến mạch, trứng…
  • Tăng cường canxi và vitamin D thông qua thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng.
Mẹo xử trí đúng cách khi trẻ bị bong gân bàn chân 3 Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ vitamin và khoáng chất giúp trẻ nhanh hồi phục

Phòng ngừa bong gân ở trẻ nhỏ

Với trẻ nhỏ, để tránh trẻ bị bong gân bàn chân, cha mẹ nên quan sát và trông nom cẩn thận khi trẻ chơi đùa, leo trèo. Không để trẻ chơi hay đứng ở những vị trí cao, địa hình ghồ ghề, lồi lõm. Đối với trẻ lớn hơn, hãy yêu cầu trẻ khởi động nhẹ nhàng trước khi chơi thể thao, tập thể dục; không đùa nghịch quá đà, cẩn thận khi chơi đùa ở những khu vực có địa hình không bằng phẳng, dễ trơn trượt… Đặc biệt, cho trẻ sử dụng giày, dép đúng kích cỡ, độ ma sát tốt, êm ái cũng là cách phòng ngừa chấn thương ở chân rất hiệu quả.

An An 

Nguồn Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:Đau khớp