Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Căn nguyên gây hiện tượng nóng đầu gối và biện pháp phòng tránh chấn thương bạn nên biết

Ngày 21/07/2024
Kích thước chữ

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người gặp phải hiện tượng nóng đầu gối gây ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhé!

Hiện tượng nóng đầu gối có thể gây ra do nhiều nguyên nhân, từ bệnh lý cơ - xương - khớp cho tới các chấn thương dây chằng, gân, cơ, khớp. Bởi vậy, thực hiện các biện pháp phòng ngừa chấn thương khi vận động sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng này.

Bệnh lý gây hiện tượng nóng đầu gối

Hiện tượng nóng ở đầu gối có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau. Dưới đây là một số bệnh lý phổ biến có thể gây ra tình trạng này.

Viêm khớp là tình trạng viêm của một hoặc nhiều khớp trong cơ thể. Các triệu chứng chính của viêm khớp bao gồm đau, sưng và cứng khớp. Khớp đầu gối thường là một trong những khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất.

Mặc dù viêm khớp không thể chữa trị hoàn toàn nhưng có nhiều biện pháp giúp giảm triệu chứng, làm chậm sự tiến triển của bệnh. Viêm khớp có thể được chia thành các loại chính như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp và bệnh gút.

Viêm xương khớp

Viêm xương khớp là dạng viêm khớp mãn tính phổ biến nhất, thường xảy ra khi sụn bảo vệ các đầu xương bị mòn theo thời gian. Điều này dẫn đến việc xương cọ xát trực tiếp vào nhau, gây đau viêm. Viêm xương khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào trong cơ thể nhưng thường gặp nhất ở tay, đầu gối, hông và cột sống.

Triệu chứng điển hình của viêm xương khớp bao gồm:

  • Đau khớp trong hoặc sau khi di chuyển;
  • Độ cứng khớp, đặc biệt là khi thức dậy hoặc sau thời gian không hoạt động;
  • Sưng tấy và xuất hiện các cục cứng tại khớp;
  • Mất tính linh hoạt của khớp;
  • Tiếng bốp hoặc răng rắc khi vận động khớp.
Căn nguyên gây hiện tượng nóng đầu gối và biện pháp phòng tránh chấn thương bạn nên biết
Viêm xương khớp có thể gặp ở tay

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một chứng bệnh viêm mãn tính có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan khác ngoài khớp. Tình trạng này có thể gây tổn thương cho các hệ thống cơ thể như da, mắt, phổi, tim và mạch máu. Không giống như viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau, cuối cùng dẫn đến xói mòn xương kèm biến dạng khớp.

Các triệu chứng điển hình của viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Khớp đau, ấm và sưng tấy;
  • Mệt mỏi, chán ăn;
  • Hiện tượng cứng khớp thường nặng hơn vào buổi sáng, sau khi không hoạt động;
  • Tổn thương có thể xảy ra ở da, mắt, phổi, tim, tủy xương và các cơ quan khác.
Căn nguyên gây hiện tượng nóng đầu gối và biện pháp phòng tránh chấn thương bạn nên biết 2
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng tới nhiều khớp trên cơ thể

Gút

Bệnh gút là một dạng viêm khớp phổ biến, đặc trưng bởi các cơn đau dữ dội kèm sưng, tấy đỏ. Gút thường ảnh hưởng đến một hoặc nhiều khớp, thường gặp nhất là ngón chân cái. Cơn gút thường xảy ra đột ngột, thường vào nửa đêm, gây cảm giác như ngón chân cái đang bốc cháy. Khớp bị ảnh hưởng sẽ nóng, sưng nề với cơn đau gây ra cảm giác rất khó chịu.

Triệu chứng điển hình của bệnh gút bao gồm:

  • Đau dữ dội từng đợt, thường xuất hiện vào ban đêm;
  • Sưng, tấy đỏ và nóng ở khớp bị ảnh hưởng;
  • Cơn đau thường xảy ra đột ngột.

Nhận biết nóng đầu gối do chấn thương

Hiện tượng nóng ở đầu gối sau khi tập thể dục có thể là dấu hiệu của các chấn thương tiềm ẩn. Nhận biết đúng nguyên nhân là rất quan trọng để điều trị cũng như phòng ngừa hiệu quả chấn thương trong tương lai. Dưới đây là một số chấn thương gây ra cảm giác nóng ở đầu gối.

Rách gân, dây chằng và sụn chêm

Đầu gối là một khớp phức tạp với nhiều cấu trúc quan trọng như gân, dây chằng và sụn chêm. Các chấn thương liên quan đến những cấu trúc này có thể gây ra cảm giác nóng, đau, ảnh hưởng đến chức năng của khớp.

Các gân xung quanh đầu gối có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định và chức năng của khớp. Khi các gân bị rách do chấn thương hoặc hoạt động quá mức, đầu gối có thể bị đau, nóng.

Các triệu chứng đi kèm có thể bao gồm sưng, bầm tím và hạn chế phạm vi chuyển động.

Bên cạnh đó, dây chằng đầu gối giữ cho khớp ổn định. Chấn thương dây chằng như rách dây chằng chéo trước hoặc dây chằng chéo sau, có thể dẫn đến đau, sưng và cảm giác nóng ở đầu gối. Rách dây chằng thường xảy ra trong các hoạt động thể thao với tính chất thay đổi hướng đột ngột hoặc dừng lại nhanh chóng.

Sụn chêm là cấu trúc đệm giữa xương đùi và xương chày, giúp giảm ma sát và cung cấp sự ổn định cho khớp. Khi sụn chêm bị rách có thể gây ra cảm giác nóng, đau và tiếng kêu hoặc răng rắc khi di chuyển khớp. Tình trạng này thường do chấn thương trực tiếp hoặc các chuyển động xoay mạnh.

Căn nguyên gây hiện tượng nóng đầu gối và biện pháp phòng tránh chấn thương bạn nên biết 3
Hiện tượng nóng đầu gối do rách gân hoặc dây chằng

Viêm bao hoạt dịch

Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm của các túi chứa dịch lỏng nằm xung quanh khớp. Khi đầu gối phải chịu áp lực quá mức hoặc lặp đi lặp lại, các bao hoạt dịch có thể bị viêm, dẫn đến hiện tượng nóng đầu gối kèm các biểu hiện như: Đầu gối nóng, đỏ và sưng, cảm giác đau, khó chịu khi vận động.

Cơn đau nhức có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi khớp bị vận động nhiều hoặc chịu áp lực kéo dài. Viêm bao hoạt dịch thường xảy ra ở những người có thói quen vận động khớp quá mức hoặc những người bị chấn thương lặp đi lặp lại.

Hội chứng đau xương bánh chè

Hội chứng đau xương bánh chè là một tình trạng phổ biến ở những người tham gia vào các hoạt động thể thao như chạy hoặc nhảy. Tình trạng này đặc trưng bởi đau kèm cảm giác nóng ở phía trước đầu gối, xung quanh xương bánh chè.

Các triệu chứng của hội chứng đau xương bánh chè bao gồm:

  • Cảm giác đau ở phía trước đầu gối, đặc biệt khi hoạt động như leo cầu thang hoặc chạy.
  • Cảm giác nóng rát, đau nhức có thể lan ra xung quanh xương bánh chè.
  • Đau có thể kèm theo cảm giác cứng khớp hoặc khó chịu khi di chuyển.

Biện pháp phòng ngừa hiện tượng nóng đầu gối

Việc phòng ngừa, quản lý hiện tượng nóng đầu gối có thể giúp cải thiện sức khỏe cũng như chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả để tránh tình trạng nóng đầu gối, giảm nguy cơ chấn thương khi tập thể dục.

Khởi động và kéo giãn

Khởi động trước khi tập luyện giúp chuẩn bị cơ thể cho hoạt động thể chất và làm giảm nguy cơ chấn thương. Các bài tập khởi động như kéo giãn cơ hay các bài tập nhẹ nhàng giúp làm tăng lưu thông máu đến các khớp vận động, làm nóng cơ thể và giảm nguy cơ chấn thương. Kéo giãn sau khi tập luyện cũng rất quan trọng để làm giảm căng thẳng cơ, giữ cho khớp linh hoạt.

Tập luyện đúng cách

Mặc dù nhiều người cho rằng tập thể dục có thể làm tình trạng viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn, thực tế là tập thể dục đúng cách có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe khớp. Theo CDC, người bị viêm khớp nên lựa chọn các bài tập dẻo dai, ít gây áp lực lên khớp như duỗi tay lên cao, lăn vai, aerobic, đi bộ, đạp xe, bơi lội, thể dục nhịp điệu dưới nước và khiêu vũ.

Đồng thời, tập thể dục với cường độ vừa phải, khoảng 150 phút mỗi tuần, giúp cải thiện chức năng khớp, giảm đau và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chọn giày phù hợp

Giày phù hợp có thể giảm áp lực lên khớp đầu gối, hỗ trợ đúng cách trong quá trình tập luyện. Nên chọn giày có đệm tốt và hỗ trợ tốt cho các hoạt động mà bạn thực hiện. Giày không phù hợp có thể làm tăng nguy cơ chấn thương, làm tình trạng nóng đầu gối trở nên nghiêm trọng hơn.

Căn nguyên gây hiện tượng nóng đầu gối và biện pháp phòng tránh chấn thương bạn nên biết 4
Chọn giày phù hợp với hoạt động thể chất

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về nguyên nhân cũng như các phòng tránh hiện tượng nóng đầu gối. Thực hiện những biện pháp phòng ngừa khi tập thể dục, bạn có thể giảm nguy cơ chấn thương, cải thiện sức khỏe khớp và duy trì một lối sống năng động, lành mạnh. Nếu cảm thấy đau hoặc nóng đầu gối kéo dài, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin