Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau xương sườn bên trái khi mang thai

Ngày 28/09/2022
Kích thước chữ

Mang thai quả thực là hành trình đầy những khó khăn khi mà mẹ bầu luôn phải đối mặt với vô số những thay đổi chẳng mấy dễ chịu. Một số cơn đau sẽ làm mẹ bầu cảm thấy hành trình mang thai thật khó khăn như đau lưng, đau vai, nhức mỏi xương khớp, chân tay phù,... trong đó chứng đau xương sườn bên trái sẽ khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi và khó khăn trong việc vận động.

Vậy bị đau xương sườn bên trái khi mang thai có nguy hiểm không? Nguyên nhân và biện pháp phòng ngừa như thế nào? Mẹ bầu tham khảo bài viết này để tìm câu trả lời nhé.

Nguyên nhân khiến bị đau xương sườn bên trái khi mang thai

Ngoài lý do vì sự phát triển của thai nhi, còn một số lý do khác khiến cơ thể bị đau xương sườn bên trái khi mang thai như sau:

  • Sự mở rộng của tử cung: Đây là một nguyên nhân phổ biến cho mẹ bầu bị đau xương sườn bên trái. Khi thai nhi ngày càng lớn, vùng cơ xung quanh xương sườn sẽ bị căng, gây ra sự khó chịu và có những cơn đau đột ngột ở xương sườn bên trái.
  • Do chứng ợ nóng: Mẹ khi mang thai, hormone relaxin sẽ giải phóng, hormone này sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa, dẫn đến axit trong dạ dày tiết ra nhiều hơn và gây nên chứng ợ nóng. Quá trình này sẽ gây ra đau xương sườn và các khu vực vùng chậu.
  • Vị trí của thai nhi: Khi giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2 kết thúc, thai nhi lúc này sẽ quay ngược đầu hướng về phía âm đạo, chân quay về phía xương sườn. Điều này sẽ tạo áp lực lên xương sườn, khiến mẹ bầu bị đau xương sườn bên trái. Ngoài ra, sự chuyển động của tay chân thai nhi khiến cơn đau càng thêm dữ dội, bạn sẽ nhận thấy bị đau nhiều nhất ở phần dưới ngực. 
  • Do ngực phát triển: Sự thay đổi kích thước vòng ngực sẽ khiến mẹ bầu bị đau lưng, mỏi vai và đau phần xương sườn bên trái. Hơn nữa, khi ngực phát triển sẽ tạo áp lực lớn cho các cơ của xương sườn.
  • Nội tiết tố bị thay đổi: Hormone progesterone đóng vai trò trong các cơn co tử cung, giúp làm mềm, giãn các nhóm cơ và dây chằng để chuẩn bị cho cơn vượt cạn của mẹ. Tuy nhiên, chính điều này làm cho các khớp xương sườn trở nên lỏng lẻo và gây đau.
  • Do tình trạng căng thẳng: Mẹ bầu bị stress gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng, trong đó có bị đau xương sườn bên trái khiến cơ thể mẹ bầu bị uể oải, mệt mỏi và đau nhức khi vận động.

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau xương sườn bên trái khi mang thai 1

Mẹ bầu bị stress có thể gây ra chứng đau xương sườn bên trái

Phòng ngừa bị đau xương sườn bên trái khi mang thai

Mẹ bầu rất dễ bị đau xương sườn bên trái, do đó, một số biện pháp ngăn ngừa bên dưới sẽ giúp ích cho mẹ bầu: 

  • Tập thể dục, vận động cơ thể thường xuyên: Mẹ bầu tập yoga sẽ giúp giảm đau xương sườn rất hiệu quả. Bên cạnh việc tập luyện, mẹ bầu cũng nên duy trì chỉ số cân nặng phù hợp, theo dõi chỉ số BMI sẽ giúp thai kỳ khỏe mạnh hơn. 
  • Vận dụng phương pháp Chiropractor: Đây là một phương pháp chăm sóc các khớp, cột sống và sự kết nối với hệ thần kinh. Để thực hành phương pháp này đúng cách, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để thoát khỏi cơn đau xương sườn bên trái. 
  • Thực hiện chế độ sinh hoạt một cách khoa học như: Hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu, không ngồi khom lưng, sau khi ngồi làm việc 1 tiếng thì cần phải đứng dậy vận động xương khớp, ăn uống đúng giờ, ngủ đủ 8 tiếng/ngày, khi ngủ nên nằm nghiêng bên trái để tốt cho thai nhi, không nên bê đồ quá nặng và giữ một tinh thần vui vẻ, thoải mái.

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau xương sườn bên trái khi mang thai 2

Tập thể dục, vận động cơ thể thường xuyên

Một số mẹo giảm bị đau xương sườn bên trái khi mang thai

Khi mang thai, mẹ bầu không được tùy tiện sử dụng các loại thuốc kháng viêm hay giảm đau. Do đó, để hạn chế cơn đau ở mức thấp nhất, mẹ bầu nên trang bị một số biện pháp để cơn đau này được thuyên giảm. Việc phòng ngừa được đề cập ở trên có thể không tránh khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có một số cách giúp mẹ bầu đỡ đau nhức hơn:

  • Điều chỉnh tư thế: Trong khoảng thời gian cuối của thai kỳ, mẹ bầu nên duy trì cơ thể ở tư thế đúng để hạn chế các cơn đau nhức. Cơ thể nên ở tư thế thẳng đứng, lưng hơi ngả người về sau khi ngồi hay khi di chuyển để hạn chế các áp lực lên xương sườn. Khi nằm nghỉ, bạn nên nằm trên một bề mặt phẳng và cao để giảm đau lưng.
  • Sử dụng bóng tập thể dục: Mẹ bầu nên vận động, tập luyện với một số bài tập có sự kết hợp của bóng tập yoga. Những động tác này sẽ giúp kéo duỗi cơ thể và giảm đau tức ngực. 
  • Dùng túi chườm nóng/lạnh: Sử dụng một túi chườm nóng/lạnh để vào vùng cơ thể bị đau để đem lại sự thoải mái cần thiết. Cách làm này sẽ giúp giảm bớt các nút thắt cơ bắp của mẹ bầu. Bên cạnh việc chườm túi nóng lạnh thì mẹ bầu có thể thử tắm với nước ấm để giúp giảm triệu chứng đau xương sườn bên trái khi mang thai.
  • Sử dụng thêm các sản phẩm hỗ trợ: Để có một thai kỳ thoải mái, không uể oải và các chứng đau lưng, nhức mỏi không hoành hành thì mẹ bầu có thể sử dụng một số vật dụng giúp tiện lợi hơn trong quá trình sinh hoạt như gối ôm, gối ngủ cho bà bầu, đai đỡ bụng bầu, áo ngực mẹ bầu,... để duy trì đúng tư thế.
  • Mặc quần áo rộng: Việc lựa chọn các bộ quần áo bó sát sẽ làm cho cơn đau xương sườn thêm trầm trọng, do đó, bạn nên mặc một số trang phục rộng rãi, thoải mái.
  • Hãy thử massage: Massage nhẹ nhàng phần lưng sẽ giúp chứng đau xương sườn thuyên giảm.

Nguyên nhân khiến mẹ bầu bị đau xương sườn bên trái khi mang thai 3

Sử dụng gối dành riêng cho bà bầu để có 1 thai kì thoải mái

Như vậy, với một số biện pháp phòng ngừa cũng như các mẹo để giảm tình trạng bị đau xương sườn bên trái khi mang thai sẽ giúp mẹ bầu có một hành trình mang thai nhẹ nhàng, thoải mái. Chúc mẹ và bé thật khỏe mạnh. 

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin