Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Progesteron là gì? Vai trò của Progesteron với cơ thể?

Ngày 27/08/2020
Kích thước chữ

Progesterone là hormone sinh dục nữ, được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng sau khi rụng trứng xảy ra. Đây là hormone quan trọng trong việc duy trì chu kỳ kinh nguyệt và đặc biệt là chuẩn bị cho quá trình mang thai ở người phụ nữ.

Nếu thụ tinh xảy ra, progesterone sẽ tiếp tục làm dày thêm lớp niêm mạc tử cung, kích thích các tuyến tiết ra chất dinh dưỡng để nuôi trứng, duy trì thai kỳ.

Progesterone là gì?

Progesterone (pregn-4-ene-3,20-dione; viết tắt là P4) là một hormone steroid nội sinh được cơ thể người phụ nữ tiết ra ở nửa sau chu kì kinh nguyệt. Progesterone chủ yếu tiết ra ở buồng trứng, ngoài ra còn ở nhau thai (trong thời kì mang thai), tuyến thượng thận và giữ vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và duy trì thai kỳ.

Progesterone nằm trong nhóm các hormone steroid và cũng là một chất chuyển hoá trung gian quan trọng trong quá trình sản xuất steroid nội sinh khác. Nó bao gồm các hormone giới tính và các steroid tự nhiên, và đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động của não như một neurosteroid.

Progesteron là gì? Vai trò của Progesteron với cơ thể? 1Progesterone chủ yếu tiết ra ở buồng trứng và ở nhau thai

Cấu trúc hoá học của progesterone như sau: có 4 vòng hydrocacbon liền nhau, chứa gốc ceton và các nhóm chức năng oxi hoá cùng 2 nhánh methyl. Giống như tính chất các hormone steroid khác, progesterone có tính chất kỵ nước.

Vai trò của hormone progesterone với cơ thể

Progesterone trong cơ thể người phụ nữ có các nhiệm vụ sau:

  • Điều hòa chu kỳ kinh nguyệt;
  • Chuẩn bị lớp lót niêm mạc tử cung để trứng làm tổ;
  • Duy trì lớp niêm mạc tử cung trong suốt thai kỳ;
  • Ngăn sự rụng trứng tiếp tục xảy ra cho tới khi thai kỳ chấm dứt;
  • Ngăn chặn việc thụ tinh nhiều hơn 1 quả trứng cùng lúc;
  • Ngăn các cơn co tử cung, giúp cổ tử cung của mẹ bầu luôn đóng kín;
  • Kích thích các mô vú để thúc đẩy sự tiết sữa, chuẩn bị sẵn sàng để sản xuất sữa;
  • Tăng cường sự co bóp của cơ vùng chậu để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.
  • Ở nam giới, progesterone được sản xuất một lượng nhỏ giúp ích cho việc sản xuất tinh trùng.

Nồng độ progesterone bình thường là bao nhiêu?

Nồng độ progesterone tương đối thấp trước khi rụng trứng và thường tăng lên sau quá trình này. Progesterone sẽ tiếp tục tăng lên nếu xảy ra hiện tượng thụ tinh hoặc giảm đi nếu xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt.

Nếu nồng độ progesterone không tăng - giảm hằng tháng, điều này báo hiệu bạn đang có vấn đề về rụng trứng, kinh nguyệt hoặc cả hai. Chúng có thể dẫn tới hậu quả đáng tiếc là vô sinh ở nữ giới.

Phụ nữ trải qua nhiều lần mang thai hoặc sinh đôi, sinh ba,... thường có nồng độ progesterone cao hơn tự nhiên so với những phụ nữ chưa có con.

Progesteron là gì? Vai trò của Progesteron với cơ thể? 2Nồng độ Nồng độ progesterone khác nhau giữa phụ nữ có con và chưa có con.

Tại sao nồng độ progesterone giảm?

Nồng độ progesterone trong máu có thể giảm vì những nguyên do sau:

  • Nhiễm độc thai nghén, tiền sản giật hoặc do mang thai muộn;
  • Suy giảm chức năng buồng trứng;
  • Vô kinh;
  • Thai ngoài tử cung;
  • Sảy thai.

Tại sao nồng độ progesterone tăng?

Nguyên nhân khiến progesterone tăng bất thường có thể bao gồm:

  • U nang buồng trứng;
  • Mang thai không thành công;
  • Một dạng ung thư buồng trứng;
  • Progesterone được sản xuất quá mức bởi tuyến thượng thận;
  • Ung thư tuyến thượng thận;
  • Tăng sản thượng thận bẩm sinh (CAH).
  • Hiện tượng thiếu hụt hormone progesterone

Triệu chứng biểu hiện lượng progesterone thấp

  • Đau đầu hoặc đau nửa đầu;
  • Thay đổi về tâm trạng, bao gồm lo lắng hay trầm cảm;
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều;
  • Giảm ham muốn tình dục;
  • Chảy máu tử cung bất thường ở phụ nữ không mang thai.
Progesteron là gì? Vai trò của Progesteron với cơ thể? 2Triệu chứng biểu hiện lượng progesterone thấp như đau đầu, thay đổi tâm trạng, kinh nguyệt không đều.

Progesterone thấp có nguy hiểm không?

Hormone progesterone rất quan trọng với phụ nữ trong thời kỳ sinh nở. Nồng độ progesterone thấp đồng nghĩa với việc bạn sẽ gặp một số khó khăn khi mang thai. Cụ thể:

Khi hiện tượng rụng trứng xảy ra, nồng độ progesterone tăng lên giúp làm dày thành tử cung, sẵn sàng cho trứng làm tổ. Nếu thiếu progesterone, lớp niêm mạc không đủ dày, trứng sẽ không thể làm tổ và thai kỳ không xảy ra;

Phụ nữ mang thai vẫn cần progesterone để duy trì lớp niêm mạc tử cung cho tới khi em bé chào đời. Cơ thể sẽ tiếp tục sản xuất hormone này và gây ra các triệu chứng bình thường của thai kỳ như đau ngực và buồn nôn. Nếu nồng độ progesterone quá thấp, tử cung có thể không đủ khả năng để duy trì sự phát triển của thai;

Thiếu hụt progesterone có thể tiềm ẩn nguy cơ sản phụ bị thai ngoài tử cung, dẫn tới sảy thai hoặc thai chết lưu;

Không có progesterone để bổ sung thì estrogen có thể trở thành hormone chủ đạo, gây ra các triệu chứng như:

  • Tăng cân;
  • Giảm ham muốn tình dục;
  • Trầm cảm;
  • Hội chứng tiền kinh nguyệt, chu kỳ kinh nguyệt không đều, máu kinh ra nhiều;
  • Xơ nang tuyến vú;
  • Vấn đề về túi mật.

Làm gì khi bị progesterone thấp?

Các phương pháp bổ sung progesterone trong liệu pháp hormone bao gồm:

  • Kem và gel: Sử dụng tại chỗ hoặc âm đạo;
  • Thuốc đặt: Thường sử dụng để điều trị progesterone thấp gây các vấn đề về sinh sản;
  • Thuốc uống.

Liệu pháp hormone chống chỉ định với các trường hợp phụ nữ có tiền sử:

  • Ung thư vú;
  • Ung thư nội mạc tử cung;
  • Bệnh gan;
  • Cục máu đông;
  • Đột quỵ.

Sử dụng liệu pháp hormone thay thế có thể gây một số tác dụng phụ như đau tim, đột quỵ, hình thành cục máu đông, vấn đề về túi mật và một số loại ung thư vú. Do vậy trước khi dùng liệu pháp này người bệnh cần tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ.

Nếu lo ngại tác dụng phụ của liệu pháp hormone, bệnh nhân có thể tìm đến các biện pháp tăng progesterone tự nhiên như:

  • Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin B, C;
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu kẽm, vd động vật có vỏ như tôm, ngao,...;
  • Kiểm soát căng thẳng: Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh cortisol thay vì progesterone.

Thanh Hoa

Nguồn Tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Nội tiết