Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Những sai lầm và tư thế bế trẻ sơ sinh không đúng cách mẹ cần tránh xa

Ngày 12/03/2022
Kích thước chữ

Tưởng chừng đơn giản nhưng bế trẻ sơ sinh không đúng cách có thể gây ra những tác hại khôn lường. Để đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc bé, mẹ hãy tránh xa những sai lầm khi bế trẻ sơ sinh trong bài viết dưới đây.

Chăm sóc trẻ là bản năng của người mẹ và bế trẻ con cũng vậy. Nhưng thật ra, không phải kiểu bế nào cũng phù hợp và an toàn với trẻ. Và không phải bà mẹ nào cũng biết cách bế trẻ sơ sinh đúng cách, nhất là những bà mẹ trẻ lần đầu lên chức.

Tác hại khôn lường khi bế trẻ sơ sinh không đúng cách

Trẻ nhỏ cơ thể và xương khớp còn yếu, chưa hoàn thiện nên nếu bé trẻ sơ sinh không đúng cách sẽ gây ra những tác hại khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và vóc dáng của trẻ:

  • Chấn thương vùng cổ: Đối với các bé sơ sinh thì vùng đầu và cổ chưa hoàn thiện nên rất yếu, nếu bế không cẩn thận có thể làm tổn thương vùng cổ.
  • Cong vẹo cột sống: Ngoài tổn thương vùng đầu, vùng cổ thì bế trẻ sơ sinh không đúng cách còn khiến trẻ bị cong vẹo cột sống do trọng lượng của đầu, cổ dồn ép xuống xương sống của bé.
  • Ảnh hưởng xương hông và chân vòng kiềng: Đây là tác hại cực kỳ nguy hiểm nếu bé được bế ở tư thế cắp nách trong thời gian dài. Không chỉ ảnh hưởng tới xương hông mà khiến xương đùi của bé cũng bị tác động dẫn đến bị chân vòng kiềng.
  • Nguy cơ bị ngã: Bế trẻ không đúng kỹ thuật, lơ là mất tập trung có thể khiến bé bị rơi, ngã xuống đất vô cùng nguy hiểm.

Những sai lầm và tư thế bế trẻ sơ sinh không đúng cách mẹ cần tránh xa

Không phải kiểu bế nào cũng phù hợp và an toàn với trẻ

6 sai lầm bế trẻ sơ sinh làm “hỏng dáng, hại con”

Rất nhiều tư thế bế trẻ sơ sinh quen thuộc và bình thường như bế cắp nách, bế vác, địu trước ngực… nhưng nếu áp dụng không đúng giai đoạn hoặc sai kỹ thuật lại không hề tốt như mẹ nghĩ. Sau đây là những sai lầm khi bế trẻ sơ sinh mẹ cần sửa ngay lập tức.

Tư thế bế trẻ sơ sinh không phù hợp tháng tuổi

Mặc dù có rất nhiều kiểu bế nhưng không phải tất cả các tư thế đều có thể áp dụng ngay từ khi bé mới sinh. Trẻ sơ sinh mỗi giai đoạn lại có sự phát triển khác nhau, tùy thuộc vào độ cứng cáp và các kĩ năng của bé mẹ sẽ chọn được kiểu bế phù hợp và an toàn nhất.

Những sai lầm và tư thế bế trẻ sơ sinh không đúng cách mẹ cần tránh xa

Bế trẻ sơ sinh không đúng cách có thể gây ra những tác hại khôn lường

Một số sai lầm điển hình khi chọn sai tư thế như bế cắp nách khi trẻ chưa đủ 6 tháng, bế đứng với trẻ chưa cứng cổ, bế vác trong thời gian dài với bé dưới 1 tháng…

Không đỡ lưng con

Với trẻ dưới 6 tháng việc đỡ lưng trẻ khi bế là vô cùng quan trọng. Sai lầm thường gặp nhất khi bế trẻ sơ sinh không đúng cách của các mẹ là không dùng tay đỡ lưng con mà chỉ đỡ đầu và mông. Điều này làm tăng nguy cơ bị ngã và cột sống của bé sẽ bị quá tải, không đủ sức nâng đỡ phần đầu, cổ. Đặc biệt ở tư thế bế vác, nếu mẹ chỉ đỡ mông và cổ thì con rất dễ bị sụn lưng, cong vẹo cột sống.

Vì vậy, cách bế trẻ sơ sinh đúng nhất là dùng tay còn lại để đỡ toàn bộ lưng và mông của con.

Những sai lầm và tư thế bế trẻ sơ sinh không đúng cách mẹ cần tránh xa  4

Không đỡ lưng khi bế có thể ảnh hưởng cột sống 

Bế xốc nách trẻ sơ sinh

Trẻ sơ sinh xương sống và xương cổ còn rất yếu nên tư thế bế xốc nách cực kỳ nguy hiểm bởi con có thể bất ngờ ngả đầu hoặc quay trái, quay phải. Thời điểm mẹ có thể bế xốc nách bé nhẹ nhàng là khi bé đủ 6 tháng trở lên. Lưu ý không bế xốc bé lên đột ngột có thể làm bé hoảng và ảnh hưởng tới não bộ. Hãy trò chuyện và nhẹ nhàng nâng bé lên mẹ nhé.

Rung lắc mạnh khi bế trẻ sơ sinh

Khi trẻ quấy khóc hoặc khi chơi đùa, bố mẹ thường rung lắc để khiến trẻ cười. Tuy nhiên, việc rung lắc quá mạnh có thể làm tổn thương não bộ của trẻ và để lại di chứng nặng nề. Bên cạnh đó, việc đung đưa, rung lắc trẻ có thể làm trẻ thích thú ngay tại thời điểm vui đùa và đòi hỏi được như thế ở những lần quấy khóc trong tương lai. 

Những sai lầm và tư thế bế trẻ sơ sinh không đúng cách mẹ cần tránh xa  3

Rung lắc quá mạnh sẽ ảnh hưởng đến não bộ của trẻ

Bế cắp nách quá sớm

Chuyên gia khuyến cáo không nên bế cắp nách khi trẻ chưa được 1 tuổi. Bởi nếu bế cắp nách quá sớm, xương chậu, xương đùi của bé dễ bị tổn thương lâu dần sẽ khiến bé đi chân vòng kiềng. Hơn nữa, bế trẻ sơ sinh không đúng cách ở tư thế này còn có thể làm tổn thương tinh hoàn của bé trai, lệch xương hông bé gái. Vì thế, hãy hạn chế tối đa khi bế trẻ ở tư thế này để không ảnh hưởng tới vóc dáng sau này. 

Không đỡ đầu bé khi bế lên, đặt xuống

Thao tác bế bé lên và đặt bé xuống tưởng đơn giản nhưng lại dễ gây hại cho bé nhất. Đặc biệt lúc xương bé chưa cứng, bé chưa tự điều chỉnh tư thế của mình. Vì thế, nếu mẹ không đỡ đầu có thể khiến bé bị bị nghẹo đầu, xương cổ bị tổn thương. 

Không đổi bên thường xuyên

Để cơ thể phát triển toàn diện và cân đối, mẹ nên thường xuyên thay đổi tư thế và đổi bên khi bế trẻ trong thời gian dài. Đây là những sai lầm thường gặp khi bế trẻ sơ sinh không đúng cách khiến bé gặp tình trạng cơ 2 bên phát triển không đồng đều.

Với trường hợp bế bé nằm ngang, nếu duy trì lâu dài tư thế này mà không đổi bên có thể khiến loạn sản khớp háng của trẻ. 

Những sai lầm và tư thế bế trẻ sơ sinh không đúng cách mẹ cần tránh xa  5

Không đổi bên khi bế khiến bé phát triển không cân đối 

Dùng điện thoại trong khi bế trẻ

Khi bế tuyệt đối không dùng điện thoại hoặc làm việc riêng bởi trẻ thường nghịch ngợm và thường bị thu hút bởi mọi thứ xung quanh nên rất dễ gặp nguy hiểm nếu mẹ chỉ giữ 1 tay. Dù bé đã cứng cáp mẹ cũng nên để tay còn lại ôm hờ vào người bé hoặc để tay rảnh rang nhưng luôn sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống.

Trên đây là những sai lầm khi bế trẻ sơ sinh không đúng cách có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Nếu đang mắc phải những sai lầm này, ba mẹ hãy sửa càng sớm càng tốt và học cách bế trẻ sơ sinh đúng kỹ thuật, nhẹ nhàng, cẩn trọng trong suốt quá trình chăm sóc bé.

Ly Ly

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin