Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Từ tháng 8/2018 đến nay, tình trạng mắc bệnh sởi vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có nguy cơ bùng phát trên diện rộng và vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trào lưu anti vắc xin sởi không chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Cách đây không lâu tại quốc gia phát triển như Mỹ cũng đã chịu ảnh hưởng không nhỏ. Cuối năm 2014, dịch sởi đã bùng phát trên tổng số 8 bang của Mỹ. Và đến đầu năm 2015 lan sang cả quốc gia láng giềng Canada và Mexico.
Trong khu vực Đông Nam Á, dịch sởi cũng đang gia tăng nhanh chóng tại Philippines. Với tổng số người thiệt mạng tính đến cuối tháng 1 vừa qua đã lên đến 70 người, chiếm phần lớn là trẻ em. Thống kê của Bộ Y tế Philippines đưa ra cho thấy, trong tháng 1/2019 cả nước đã ghi nhận được 4.302 ca mắc sởi, tăng đến 122% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguyên nhân chính khiến tình trạng sởi gia tăng tại quốc gia này chính là bởi người dân vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của vắc xin. Hơn nữa, còn có nhiều bậc phụ huynh theo trào lưu anti vắc xin sởi do lo sợ tai biến sau tiêm chủng, và từ chối tiêm phòng cho con.
Tại Việt Nam chúng ta cũng không ngoại lệ, do những nhận thức sai lệch về vắc xin mà có không ít trường hợp đau lòng xảy đến. Đơn cử như trận ‘đại dịch’ sởi bùng phát năm 2014 cũng vì lý do chính là người dân lo ngại về vắc xin nên không cho trẻ tiêm phòng.
Hiện tại ở Việt Nam, bệnh sởi đã lan ra khắp 43 tỉnh thành phố, trong số đó ở TP.HCM và một số tỉnh miền Nam là xuất hiện nhiều nhất. Riêng ở thủ đô Hà Nội đã thống kê được khoảng 150 ca mắc sởi. Một phần nguyên nhân là do nhiều bà mẹ dễ dàng tin vào các thông tin lan truyền trên mạng xã hội. Như là tiêm vắc xin khiến trẻ dễ bị tự kỷ, suy giảm miễn dịch… chưa được chứng thực. Họ tin vào thuyết ‘thuận tự nhiên’, cho rằng cứ để con mắc bệnh rồi thì tự khắc sẽ xuất hiện miễn dịch mà không cần tiêm ngừa. Thậm chí nhiều bà mẹ còn mê muội tham gia vào trào lưu anti vắc xin sởi, mặc cho tình trạng bệnh dịch đang bùng phát nghiêm trọng.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, riêng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hiện đang điều trị, theo dõi cho hơn 30 trường hợp trẻ em mắc sởi nặng. Và mỗi ngày bệnh viện vẫn đang tiếp nhận trung bình khoảng 3 - 5 ca nặng, thường là trẻ em. Đặc biệt, phần lớn trẻ em mắc phải đều chưa được tiêm phòng đầy đủ. Đó là vẫn chưa kể đến số lượng trẻ mắc bệnh dưới 9 tuổi, độ tuổi chưa được tiêm vắc xin.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi tiêm phòng sởi tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng hiện nay ở một số nước có phong trào anti vắc xin, vô hình trung lại góp phần khiến dịch sởi phát triển một cách khó lường.
Từng nói về vấn đề này, BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM nhận định: “Nếu tự ‘anti vắc xin’ cho một bé, một gia đình nhỏ thì bệnh ráng chịu, chỉ tội cho bé. Nếu anti vắc xin kiểu nhóm, kiểu hùa nhau là có tội với một thế hệ".
Thực tế, những nguy cơ do tiêm vắc xin dẫn đến có thể chẳng là gì so với những biến chứng nghiêm trọng do anti vắc xin gây nên. Người mắc phải sởi có thể bị tổn thương não, thậm chí tử vong. Không phải ngẫu nhiên mà vắc xin sởi có trong chương trình tiêm chủng mở rộng miễn phí cho người dân. Bởi nhà nước biết rằng nếu phát dịch bệnh thì số tiền tốn kém càng nhiều hơn so với số tiền bỏ ra tiêm ngừa vắc xin.
Trong dịp Tết vừa qua, số bệnh nhi bị sởi nhập viện tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM vẫn ở mức từ 15 - 20 ca mỗi ngày. Chứng tỏ rằng vẫn còn rất nhiều người mắc sởi và việc tuyên truyền tiêm phòng trong cộng đồng vẫn chưa mấy hiệu quả.
Thụy Anh
Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy
Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.