Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sơ cứu xuất huyết dạ dày và những điều cần biết

Ngày 28/04/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm loét dạ dày là nguyên nhân chính gây xuất huyết tiêu hóa, đây là một cấp cứu Nội - Ngoại khoa và cần phải được xử trí nhanh chóng, kịp thời. Vậy sơ cứu xuất huyết dạ dày sao cho đúng?

Xuất huyết tiêu hóa khởi phát sau bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng là tình trạng thường gặp. Tỉ lệ tử vong theo thống kê khá cao dao động từ 3 đến 14%, đặc biệt tiên lượng nặng với những bệnh nhân lớn tuổi. Vậy khi gặp trường hợp này chúng ta nên làm gì? Sơ cứu xuất huyết dạ dày sao cho đúng? 

Xuất huyết dạ dày là gì?

Xuất huyết dạ dày là tình trạng chảy máu vùng niêm mạc dạ dày, là một biến chứng nguy hiểm của nhiều bệnh lý liên quan tới hệ tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng. Việc cầm máu rất khó khăn vì vết thương này nằm trong dạ dày, bình thường chúng ta không thể nhìn thấy và không thể sờ thấy mà cần có can thiệp của thiết bị y khoa, do đó nếu người bệnh không được điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ cao dẫn tới tử vong.

Đối tượng của xuất huyết dạ dày có xu hướng ngày càng trẻ hóa vì vậy đây là vấn đề ngày càng được quan tâm.

Sơ cứu xuất huyết dạ dày 1 Sơ cứu xuất huyết dạ dày là bước đầu để hỗ trợ cho mục tiêu cầm lại được ổ chảy máu dạ dày

Nguyên nhân gây ra xuất huyết dạ dày

Xuất huyết dạ dày xảy ra khi phần niêm mạc dạ dày gặp tổn thương nặng dẫn tới hiện tượng chảy máu. Tình trạng này thường là có nguyên nhân từ các bệnh lý dạ dày như:

  • Viêm dạ dày: Nghiên cứu cho thấy có tới 20% đến 30% trường hợp xuất huyết dạ dày có nguyên nhân từ viêm loét dạ dày. Lạm dụng bia rượu và thuốc giảm đau kháng viêm không chứa steroid (NSAID) có thể làm tổn thương niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, viêm dạ dày cũng có nguyên nhân do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), rối loạn tự miễn…
  • Loét dạ dày: 10-20% trường hợp xuất huyết bao tử liên quan tới tình trạng loét dạ dày. Các vết lở loét có thể phát triển theo thời gian, ăn sâu vào các mao mạch tại khu vực đó gây ra chảy máu. Nguyên nhân gây loét dạ dày cũng tương tự như viêm dạ dày. Ngoài ra, những trường hợp mắc hội chứng Zollinger-Ellison có nguy cơ cao xuất huyết bao tử hơn do dạ dày tiết ra quá nhiều axit làm ảnh hướng tới lớp niêm mạc.
  • Ung thư dạ dày: Nguyên nhân dẫn tới xuất huyết dạ dày do ung thư vẫn đang được nghiên cứu nhưng tình trạng này vẫn khá phổ biến tại Việt Nam.
Sơ cứu xuất huyết dạ dày 2 Vi khuẩn HP là tác nhân gây viêm loét dạ dày hay gặp nhất

Triệu chứng xuất huyết dạ dày 

Ở người gặp tình trạng xuất huyết dạ dày sẽ có một số dấu hiệu khả nghi như sau: 

  • Đi ngoài phân có màu đen, mùi tanh: Máu từ dạ dày chảy xuống đường tiêu hóa dưới sau khi tương tác với các enzym khác sẽ chuyển thành màu đen. Điều này khiến ta khó để ý rằng có máu trong phân. Trong trường hợp trong phân có màu đỏ tươi từ máu thì thường là do xuất huyết đường tiêu hóa dưới ở các khu vực như đại tràng hoặc trực tràng.
  • Đau vùng dạ dày, đau vùng thượng vị: Người bệnh sẽ có những cơn đau tại vùng thượng vị ban đầu khá nhẹ và xuất hiện từng đợt. Sau một thời gian, triệu chứng sẽ nặng hơn khiến người bệnh đau lan rộng vùng bụng, cơn đau dữ dội khiến bệnh nhân vã mồ hôi, mệt lả. 
  • Buồn ói, nôn ra máu: Đây là dấu hiệu cơ bản khả nghi ở người có tình trạng xuất huyết dạ dày. Người bệnh sẽ có cảm giác đầu bụng, buồn nôn, cảm nhận thấy mùi tanh trong miệng, đặc biệt nôn ra máu có màu đỏ tươi hoặc đen cùng với thức ăn. Đây là triệu chứng rất nguy hiểm bởi nếu chúng nặng và kéo dài sẽ khiến người bệnh mất máu, mất nước ảnh hưởng tới tính mạng.
  • Trong trường hợp chảy máu nhiều, chảy máu thời gian dài sẽ có hiện tượng đi ngoài phân máu, đi ngoài phân đen, màu như bã cà phê, mùi thối rất khó ngửi.
  • Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi, sắc mặt nhợt nhạt do tình trạng mất máu nặng, nhiều trường hợp bệnh nhân có thể bị ngất do sốc.
Sơ cứu xuất huyết dạ dày 3 Các triệu chứng như đau thượng vị, nôn máu, đi ngoài phân đen báo hiệu có một điểm chảy máu trong dạ dày

Sơ cứu xuất huyết dạ dày 

Chúng ta cần biết cách sơ cứu xuất huyết dạ dày sao cho đúng và an toàn bởi tình trạng này được đánh giá là cấp cứu, rất nguy hiểm, có thể dẫn tới tử vong nếu không điều trị kịp thời. Nếu chúng ta thấy bất kì ai có những dấu hiệu và triệu chứng khả nghi như trên hãy lập tức thực hiện quy trình sơ cứu xuất huyết dạ dày được hướng dẫn sau đây.

Trong trường hợp người bệnh vẫn còn tỉnh táo, tình trạng đau bụng, buồn nôn… chỉ ở mức độ nhẹ, hãy làm như sau:

  • Bước 1: Đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng an toàn, tránh nôn ói, ho máu sặc vào phổi, chân bệnh nhân kê hơi cao hơn so với phần thân trên. Việc này giúp kích thích lưu thông tuần hoàn máu, giảm áp lực tới đại tràng cho bệnh nhân. Bệnh nhân hạn chế di chuyển bởi sẽ làm cho tình trạng chảy máu nặng hơn. 
  • Bước 2: Đắp chăn mỏng cho bệnh nhân bởi khi mất nhiều máu, người bệnh có thể tụt huyết áp dẫn tới lạnh tay chân.
  • Bước 3: Cho người bệnh uống nước bù điện giải một cách từ từ không nên uống một hơi. Điều này sẽ giúp bệnh nhân bù được lượng nước và điện giải đã mất đi từ đó mà sẽ bớt cảm thấy mệt mỏi hơn.
  • Bước 4: Liên hệ bác sĩ hoặc đưa người bệnh tới cơ sở y tế sớm nhất có thể để có phương án điều trị kịp thời tránh những tiến triển xấu ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh. Cần cầm máu sẽ can thiệp cầm máu, cần truyền máu sẽ truyền thêm máu cho bệnh nhân. 

Trong trường hợp người bệnh ngất do mất quá nhiều máu, lập tức gọi cấp cứu và theo dõi tình trạng bệnh nhân cho tới khi đội ngũ y tế tới. 

Lưu ý:

  • Khi người bệnh có những triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa, không cho người bệnh ăn uống bất cứ thứ gì ngoài việc bổ sung điện giải trừ khi đã có chỉ định của bác sĩ. Khi ăn uống cần chia nhỏ khẩu phần, dùng thực phẩm từ từ.
  • Không tự ý dùng các loại thuốc giảm đau để điều trị triệu chứng đau bụng, chúng có thể làm cho việc chảy máu nặng hơn. 

Phòng ngừa xuất huyết dạ dày

Tình trạng xuất huyết dạ dày thường là biến chứng của các bệnh lý liên quan tới dạ dày. Vì vậy, phòng ngừa các bệnh dạ dày cũng chính là phòng xuất huyết dạ dày. Một số biện pháp phòng ngừa bạn có thể tham khảo.

sơ cứu xuất huyết dạ dày Thói quen ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc điều độ là cách phòng tránh xuất huyết dạ dày tốt nhất
  • Không tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh, khi sử dụng cần có chỉ định của bác sĩ. Việc lạm dụng kháng sinh sẽ làm tiêu diệt hệ vi sinh đường tiêu hóa.
  • Thực hiện ăn chín uống sôi, chú trọng yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm. 
  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
  • Hạn chế uống cà phê và hút thuốc lá, tránh sử dụng các đồ uống có cồn như bia rượu.
  • Xây dựng thói quen rèn luyện cũng như một chế độ ăn lành mạnh sẽ giúp tăng sức đề kháng cho bản thân. 
  • Tránh làm việc, hoạt động căng thẳng trong thời gian dài. Căng thẳng tạo ra hormon cortisol ảnh hưởng nhiều tới hệ tiêu hóa khiến hấp thu kém, khó tiêu, giảm tiết dịch vị… Vì vậy hãy cố gắng nghỉ ngơi đầy đủ.

Theo dòng cuộc sống hối hả, mối chúng ta đều có trách nhiệm trên vai đều có áp lực và lo lắng. Thế nhưng, sức khỏe là đáng quý, không có sức khỏe không thể làm được gì cho mục tiêu của chúng ta. Bởi vậy, hãy dành thời gian nghỉ ngơi, yêu thương và chăm sóc bản thân thật tốt bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm