Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tìm hiểu về cây Tam thất bắc

Ngày 28/10/2022
Kích thước chữ

Trong Đông y, tam thất bắc là một loại thảo dược xuất hiện trong nhiều bài thuốc. Loại dược liệu này được xem là vị thuốc nam quý hiếm sánh ngang với nhân sâm về công dụng bồi bổ sức khỏe. Cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu xem cây tam thất bắc có gì đặc biệt và mang lại những tác dụng gì qua bài viết ngay sau đây.

Tam thất bắc còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như: Sâm tam thất, điền thất, kim bất hoán... Bên cạnh hoa, rễ củ của cây tam thất là bộ phận được sử dụng nhiều nhất, chúng được thu hái từ trước khi tam thất ra hoa.

Đôi nét về cây tam thất bắc

Tam thất bắc là loài cây thân thảo thuộc họ Ngũ gia bì và được ghi nhận trong sách “Những cây thuốc quý Việt Nam”. Theo dân gian cây có tên gọi tam thất là do phải cần 3 năm từ lúc gieo hạt cây mới ra hoa và phải mất thêm 4 năm nữa tổng cộng là 7 năm mới thu hoạch được củ.

Cây tam thất bắc khá nhỏ với chiều cao khoảng 50cm. Lá cây màu xanh đậm, có hình mác và viền răng cưa, gân 2 mặt có lông cứng, mỗi lá có khoảng 3 - 7 lá chét. Hoa tam thất bắc mọc thành từng cụm màu xanh, nụ hoa non có dược tính cao hơn hoa đã già. Khi chín mọng, quả tam thất chuyển thành màu đỏ, mỗi quả chứa 2 hạt hình cầu màu trắng. Củ tam thất bắc màu đen xám, có hình con quay, vỏ sần sùi nhiều mấu, nhiều vết sọc nhăn và khá cứng. Bên trong ruột củ đặc, màu vàng xám, có mùi thơm nhẹ và vị hơi ngọt đắng.

Tìm hiểu về cây tam thất bắc

Cây tam thất bắc là dược liệu được đánh giá cao

Tam thất bắc là một loại thảo dược được sử dụng rộng rãi trong Y học cổ truyền và cả Tây y. Không chỉ xuất hiện trong nhiều bài thuốc, tự bản thân tam thất bắc đã là một bài thuốc riêng biệt mà không cần kết hợp thêm bất kỳ vị thảo dược nào khác.

Hai thành phần chính trong củ tam thất bắc là saponin và flavonoid. Trong đó: 

  • Saponin: Là dưỡng chất quan trọng giúp giảm đau, tiêu sưng. Saponin sản xuất ra ginsenosides - một hợp chất tác động tới hệ thần kinh, hệ nội tiết, hệ miễn dịch.
  • Flavonoid: Là một thành phần quan trọng giúp tăng cường sức đề kháng, giảm đau giảm viêm, làm chậm quá trình lão hóa tế bào…

Công dụng của tam thất bắc

Một số tác dụng tốt cho sức khỏe của củ tam thất bắc có thể kể đến như:

Tiêu ứ huyết, tiêu sưng, cầm máu

Các khoáng chất có trong tam thất bắc (như sắt, canxi,...) giúp tan huyết ứ đọng, tăng cường bổ máu. Đây còn là vị thuốc có tác dụng cầm máu hàng đầu trong các dược liệu. Tam thất bắc giúp phụ nữ sau sinh thay máu, tạo máu mới để có cơ thể khỏe mạnh và tràn đầy sức sống. Với các trường hợp sau chấn thương hoặc tai nạn, tam thất bắc có công dụng tẩy các tụ máu tồn ứ bên trong hiệu quả.

Tìm hiểu về cây tam thất bắc

Các thành phần trong tam thất bắc giúp tan huyết ứ đọng, tăng cường bổ máu

Bổ máu

Thành phần củ tam thất bắc rất giàu các chất bổ như: Hợp chất có nhân Sterol, acid amin, các nguyên tố vi lượng và đặc biệt là hợp chất saponin quý (Arasaponin A, Arasaponin B). Chúng có tác dụng bồi bổ cơ thể, phù hợp với những trường hợp suy nhược, thiếu máu, phụ nữ sau sinh, người bị tai nạn, bệnh mới ốm dậy.

Chống lão hóa

Củ tam thất bắc có chứa hàm lượng cao saponin và flavonoid giúp tăng khả năng vận hành của cơ thể, chống oxy hóa và đóng vai trò giảm thiểu sự lão hóa.

Phòng ngừa và điều trị ung thư

Bên cạnh công dụng ngăn chặn sự lão hóa tế bào, hoạt chất saponin và flavonoid trong của tam thất bắc còn hạn chế sự phát triển của các tế bào ung thư, các khối u, trợ sức trợ lực, tăng cường sức đề kháng,… kéo dài sự sống cho người bệnh.

Tác dụng điều hòa kinh nguyệt

Hoạt tính có trong củ tam thất bắc có công dụng tăng cường hormon buồng trứng giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt của chị em phụ nữ.

Điều hòa đường huyết

Theo các nghiên cứu, thành phần củ tam thất bắc có chứa hoạt chất Saponin Rg1 với công dụng hữu hiệu trong việc hạ đường huyết trong máu.

Tìm hiểu về cây tam thất bắc

Tam thất bắc còn giúp điều hoà đường huyết hiệu quả

Tăng cường sức khỏe tim mạch

Noto ginsenoside là một dược chất quý có trong củ tam thất bắc với công dụng tăng khả năng chịu đựng của cơ thể, ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Ngoài ra, chúng cũng có thể ức chế sự thẩm thấu của mao mạch, hạn chế tổn thương vỏ não do thiếu máu gây ra.

Cách sử dụng tam thất bắc

Dưới đây là những cách dùng tam thất bắc phổ biến nhất:

  • Dùng trực tiếp: Rễ cây tam thất bắc rửa sạch, giã nát và đắp lên vị trí bị tổn thương.
  • Dùng sống: Củ tam thất bắc có thể dùng để ăn sống, thái lát ngâm rượu, hoặc phơi khô rồi nghiền thành bột để dùng với mật ong hoặc pha nước uống.
  • Dùng chín: Bạn có thể dùng tam thất sao khô hoặc sao với dầu thực vật hay đem hầm cùng các món ăn để mang lại công dụng hiệu quả.

Lưu ý cần nhớ sử dụng cây tam thất bắc

Cũng như nhân sâm, khi sử dụng tam thất bắc bạn cần lưu ý một số điểm sau:

  • Sử dụng nhiều tam thất hơn mức quy định không giúp bạn khỏe hơn. Thậm chí dùng không đúng cách hay quá liều lượng dược liệu này còn gây tác dụng phụ. Do đó, bạn không nên tự ý sử dụng tam thất bắc theo ý muốn bản thân.
  • Không sử dụng tam thất bắc khi bị cảm mạo phong nhiệt hoặc cảm nóng vì sẽ gây nóng thêm cho người bệnh. Đồng thời xuất hiện các triệu chứng như mẩn ngứa, nổi mề đay
  • Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt bị rong kinh cần lưu ý dùng củ tam thất sẽ loại bỏ huyết ứ, làm tăng lưu thông máu nên có thể khiến chị em bị chảy máu kinh quá nhiều.
  • Phụ nữ mang thai không nên dùng tam thất vì có nguy cơ gây động thai, sảy thai hoặc dị tật thai nhi vì khả năng thúc đẩy tuần hoàn của nó.
  • Tam thất sẽ gây tương tác với một số thực phẩm như: Cá, hải sản, đậu tằm, các loại thực phẩm lạnh, cay và chua… Việc này sẽ khiến cơ thể giảm hấp thu hoạt chất của củ tam thất bắc, tăng tỷ lệ dị ứng, kích ứng hoặc ngộ độc.
  • Người bị dị ứng củ tam thất, sâm Mỹ hay nhân sâm, trẻ em, người bị tiêu chảy không nên sử dụng loại dược liệu này.

Tìm hiểu về cây tam thất bắc

Lưu ý khi sử dụng tam thất bắc để tránh ảnh hưởng sức khỏe

Mặc dù tam thất bắc mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên bạn không nên tự ý sử dụng loại dược liệu quý này. Việc dùng không đúng mục đích, lạm dụng với liều lượng và tần suất quá nhiều có thể gây những ảnh hưởng nhất định tới sức khỏe. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn khi dùng, bạn nên tham khảo ý kiến của các dược sĩ, bác sĩ trước khi muốn sử dụng tam thất bắc.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Chí Chương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội - chuyên môn Dược lâm sàng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.