Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

U thận có nguy hiểm không? Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa

Ngày 27/10/2022
Kích thước chữ

Bệnh nhân chẩn đoán mắc khối u ở thận có thể xảy ra ở bất cứ độ tuổi nào. Nguy cơ mắc bệnh u thận càng cao ở những người từ 65 - 74 tuổi, tuy nhiên tỷ lệ nam giới được chẩn đoán mắc bệnh cao hơn nữ giới. Bệnh u thận có nguy hiểm khi khối u đã di căn tới các bộ phận khác, vì vậy việc chuẩn đoán càng sớm càng tăng cao cơ hội sống sót của bạn.

Khối u tăng sinh ở thận có thể là khối u lành tính hoặc ác tính, hầu hết không gây ra triệu chứng rõ rệt mà diễn ra âm thầm. Vì vậy đa số ca bệnh mắc u thận có nguy hiểm vì khi đã chuyển biến xấu thì mới phát hiện ra.

U thận có nguy hiểm tới tính mạng không?

Mỗi bộ phận của cơ thể đều có chức năng rất quan trọng, với thận thì chức năng đó là:

  • Lọc máu, biến đổi chất độc với cơ thể. 
  • Cân bằng môi trường của cơ thể (hằng số nội môi).
  • Duy trì ổn định lượng điện giải bên trong cơ thể.
  • Đào thải, loại bỏ chất cặn bã ra ngoài môi trường.
  • Sản xuất các hormone quan trọng giúp điều hòa huyết áp, lượng hồng cầu và duy trì lượng canxi trong xương. 

Mức độ nguy hiểm của u thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó việc khối u được xác định là lành tính hay ác tính đóng vai trò rất quan trọng.

Khối u lành tính có kích thước nhỏ từ 1 - 4cm, chúng không lây lan hay xâm lấn sang các bộ phận xung quanh. Việc xác định được khối u đó là lành tính để quyết định phương pháp điều trị nào tốt nhất.

Vì khối u lành tính không cần phải sử dụng phương pháp cắt bỏ, tuy nhiên cần các xét nghiệm bổ sung để biết chắc chắn đó có phải khối lành tính không rồi đưa ra quyết định điều trị. Các xét nghiệm bao gồm xét nghiệm hình ảnh, sinh hóa và sinh thiết của khối u.

Với khối u ác tính chúng tăng sinh, phát triển bất thường của các tế bào trong mô thận, dần dần các tế bào phân chia ngoài mức kiểm soát, khiến khối u ác tính lây lan sang các mô khác và thậm chí là chèn ép vào các bộ phận quan trọng. Nếu phát hiện khối u ác tính trước khi chúng di căn sang các cơ quan khác sẽ dễ dàng hơn trong việc điều trị.

Vậy khối u thận có nguy hiểm hay không? Thực tế về mặt lâm sàng, u lành tính thường ít nguy hiểm cho bệnh nhân. Số ít những khối u lành tính có kích thước lớn mới gây ra triệu chứng lâm sàng. Những khối u ở thận ác tính gây ra ung thư thận là bệnh lý cực kì nguy hiểm, chúng ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.

Tuy nhiên, đa số các bệnh u ở thận trong giai đoạn đầu bệnh không gây ra biểu hiện lâm sàng nên khó chẩn đoán bệnh, người bệnh thường phát hiện ra khi các khối u đã di căn, tiên lượng rất xấu.

Do đó, khối u thận có nguy hiểm tới mạng sống bệnh nhân chỉ khi không được phát hiện dẫn đến không có biện pháp điều trị kịp thời.

U thận có nguy hiểm tới tính mạnh không? Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa 1 U thận có nguy hiểm không phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau

Tìm hiểu kỹ hơn về bệnh u thận

Nguyên nhân gây bệnh u thận

Nguyên nhân chính xác của ung thư thận vẫn đang được nghiên cứu, nhưng có vài yếu tố gây ra nguy cơ nhất định làm tăng khả năng gây bệnh gồm:

  • Hút thuốc: Những người có tiền sử hút thuốc lá lâu sẽ có nguy cơ ung thư thận cao hơn. Người sử dụng thuốc lá càng lâu năm thì càng có nguy cơ cao.
  • Béo phì: Là yếu tố nguy cơ của ung thư thận, người càng thừa cân thì có nguy cơ càng cao.
  • Huyết áp cao: Hay còn gọi là tăng huyết áp cũng có liên quan đến tăng nguy cơ mắc ung thư thận.
  • Tiền sử gia đình: Người thân trong gia đình mắc bệnh thì nguy cơ bạn mắc bệnh tăng cao. 
  • Xạ trị: Người đã điều trị bằng bức xạ vì ung thư, thì có thể tăng nhẹ nguy cơ phát triển ung thư thận.
  • Đột biến gen: Gen chứa chức năng của tế bào thận nay bị thay đổi một số gen nhất định cũng làm tăng nguy cơ. 
  • Bệnh nhân điều trị lọc máu lâu dài: Là sử dụng máy để thực hiện quá trình làm sạch máu, đối với bệnh nhân mất hoặc suy giảm chức năng thận.

Phân loại các khối u thận

U thận lành tính: Không gây ra triệu chứng và có kích thước nhỏ và vừa, không có khả năng xâm lấn.

  • U cơ trơn của mạch thận (Angiomyolipoma): Là khối u lành tính không gây triệu chứng, liên quan đến bệnh di truyền hiếm gặp là đa xơ cứng. Thành phần của khối u gồm mạch máu, cơ và mỡ.
  • U tuyến thận: Là dạng xuất hiện phổ biến nhất. Khối u thận rắn có kích thước 2cm, lành tính và thường hình thành trong lớp mô mỏng.
  • U tế bào hạt (Oncocytoma): Là một khối u lành tính nên ít xảy ra nguy cơ xâm lấn, thường không để lại triệu chứng và có thể phát triển khá lớn từ 10 - 12cm.
  • U xơ (Fibromas): Là một dạng hiếm gặp, phổ biến hơn ở phụ nữ. U xơ là tập hợp những khối u của mô sợi, hình thành trong hoặc xung quanh thận.
  • U nang thận: Khối u có hình tròn còn chứa dịch bên trong ở 2 bên quả thận, tuy khối u có chứa dịch nhưng không xâm lấn vào đài thận. 

U thận ác tính: Là loại u thận có nguy hiểm, không biểu hiện triệu chứng lâm sàng rõ rệt ở giai đoạn đầu.

  • Ung thư biểu mô tế bào thận (RCC): Là dạng ung thư thận phổ biến nhất ở người lớn chiếm tới 85% các loại ung thư thận. Ung thư biểu mô tế bào thận phát triển như một khối u đơn lẻ ở một thận, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến cả hai thận. Các khối u sẽ bắt đầu tăng sinh trong các tế bào lót ống thận của bạn.
  • Ung thư biểu mô đường bài xuất hệ tiết niệu (transitional cell carcinoma - TCC): Khối u thường phát triển ở khu vực mà niệu quản của bạn kết nối với phần chính của thận.
  • Khối u Wilms (u nguyên bào thận): Các khối u này diễn ra hầu như trên trẻ em. Loại ung thư này rất hiếm ở người lớn.

Triệu chứng của bệnh u thận cảnh báo nguy hiểm

Triệu chứng của ung thư thận đặc trưng bởi hiện tượng:

  • Tiểu ra máu, sưng cục vùng bụng và đau phần thắt lưng.
  • Có máu trong nước tiểu: Nước tiểu có màu hồng nâu hoặc đổi màu.
  • Đau vùng thắt lưng: Đau vùng bên sườn, vùng bên hông. Đau liên tục và dữ dội.
  • Sờ thấy khối u vùng bụng.
  • Sốt, mệt mỏi.
  • Giảm cân đột ngột.
  • Chán ăn.
  • Thiếu máu.
U thận có nguy hiểm tới tính mạnh không? Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa 2 Để ý đến những triệu chứng bệnh u thận để thăm khám kịp thời tránh nguy hiểm

Các giai đoạn phát triển của ung thư thận

Có 4 giai đoạn đó là:

  • Giai đoạn I: Khối u có chiều dài nhỏ hơn 7cm chỉ nằm trong thận. Chưa có sự xâm lấn và các dấu hiệu lâm sàng điển hình (có thể xuất hiện đái máu vi thể).
  • Giai đoạn II: Khối u có chiều dài lớn hơn 7cm nhưng vẫn nằm trong thận. Bắt đầu thấy sự thay đổi về mặt lâm sàng rõ rệt.
  • Giai đoạn III: Khối u phát triển xâm lấn sang các hạch bạch huyết và mô xung quanh.
  • Giai đoạn IV: Khối u di căn tới các bộ phận khác của cơ thể, khiến bệnh nhân dần suy kiệt.
U thận có nguy hiểm tới tính mạnh không? Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa 3 Các giai đoạn của bệnh ung thư thận

Các biện pháp chẩn đoán bệnh u thận

Một số xét nghiệm chẩn đoán bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu: Sử dụng mẫu nước tiểu, các bác sĩ sẽ xác định xem nước tiểu có chứa tế bào hồng cầu hay không.
  • Nội soi bàng quang: Cho phép quan sát bên trong cơ thể bằng một ống mỏng, sáng, linh hoạt.
  • Sinh thiết thận: Cắt một lượng nhỏ mô thận để xét nghiệm hoặc giải phẫu bệnh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT hoặc CAT): Nhờ thuốc cản quang tạo ra hình ảnh 3 chiều bên trong cơ thể bằng cách sử dụng tia X được chụp từ các góc độ khác nhau.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng từ trường, không phải tia X, để tạo ra hình ảnh chi tiết của cơ thể
  • X-quang phổi: Dùng để phát hiện di căn.
  • Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh của các cơ quan nội tạng.
  • Xét nghiệm máu: Kiểm tra nồng độ protein trong máu.
U thận có nguy hiểm tới tính mạnh không? Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa 4 Xét nghiệm nước tiểu cũng góp phần giúp chẩn đoán bệnh u thận

Điều trị bệnh u thận 

Tùy theo giai đoạn ung thư mà các loại phương pháp điều trị được sử dụng cho phù hợp. 

Giai đoạn I, II:

  • Phẫu thuật: Loại bỏ khối u tùy vào vị trí, tính chất khối u mà thực hiện cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ.
  • Kết hợp: Liệu pháp bổ trợ có tác dụng kìm hãm sự tăng sinh, phát triển của khối u.

Giai đoạn III:

  • Sau khi phẫu thuật cắt khối u thận, bác sĩ chỉ định sử dụng liệu pháp miễn dịch giúp tăng cường khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể.
  • Sử dụng xạ trị để cắt bỏ khối u di căn.

Giai đoạn IV:

  • Sử dụng xạ trị giảm đau, xạ trị cắt bỏ chống xâm lấn.
  • Điều trị giảm đau.
  • Điều trị kết hợp với thuốc nhắm đích và liệu pháp miễn dịch. 

Bài viết trên giúp cho độc giả giải đáp những thắc mắc về bệnh u thận có nguy hiểm hay không cũng như nguyên nhân, biện pháp phòng ngừa và triệu chứng ảnh hưởng của bệnh lý u thận ra sao. Nhà thuốc Long Châu chúc đọc giả luôn mạnh khỏe và hạnh phúc để tận hưởng cuộc sống!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin