Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Xây dựng những thói quen tốt cho tư duy của trẻ sớm nhất

Ngày 25/10/2020
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Những thói quen tốt nhất cho tư duy của trẻ nên được hình thành từ sớm nhất. Hãy cùng xây dựng cho trẻ những thói quen này trong bài viết sau đây.

Từ 3 tuổi là thời kỳ vàng để trẻ hình thành những nền tảng cơ bản như cảm xúc, tư duy logic, ngôn ngữ,… Triết gia Aristotle đã từng nói: “Chúng ta làm những gì mà chúng ta thường làm. Sự xuất sắc không phải là một hành động mà là một thói quen”. Do đó, việc hình thành những thói quen tốt cho tư duy của trẻ ngay từ khi còn nhỏ là một điều hết sức quan trọng. Vậy những thói quen tốt cho tư duy của trẻ là gì? Mời theo dõi bài viết:

Tư duy là gì?

Triết học đã định nghĩa: "Tư duy là sự phản ánh quá trình nhận thức ở trình độ cao một cách khái quát, tích cực, gián tiếp và sáng tạo về thế giới qua các khái niệm, suy lý và phán đoán". Tư duy là một kỹ năng quan trọng giúp con người tiến hóa hơn so với các loài động vật khác và xây dựng được nền văn minh riêng. Với sự suy đoán một cách linh hoạt, con người có khả năng nhìn nhận, đánh giá vấn đề và có cách xử lý thông minh ngay lập tức.

Tư duy đánh giá mức độ thông minh của trẻ

Tư duy đánh giá mức độ thông minh của trẻ.

Tầm quan trọng của việc rèn luyện tư duy cho trẻ

Ngoài bổ sung những thực phẩm tốt cho não bộ thì việc rèn luyện tư duy cho trẻ từ khi còn nhỏ là rất quan trọng. Phát triển kỹ năng tư duy cho trẻ là tạo động lực học tập cho trẻ. Phát triển kỹ năng tư duy là phát triển trí thông minh cho trẻ đồng thời kỹ năng tư duy chính là nền tảng của sự thông minh.

Tư duy và nhận thức của trẻ tăng lên theo độ tuổi, chính vì vậy cha mẹ cần rèn luyện tư duy cho bé từ khi còn nhỏ để khơi dậy sự tìm tòi, tò mò và muốn biết nhiều hơn về thế giới xung quanh. Những sự việc xảy ra trong 8 năm đầu đời có ảnh hưởng cực kỳ lớn và tạo ra nhiều thay đổi trong khả năng phát triển não bộ của trẻ. Chính vì vậy, nếu bé được tạo điều kiện phát triển đúng cách thì việc rèn luyện năng lực tư duy và học tập của con chắc chắn sẽ tốt hơn.

Những thói quen tốt cho tư duy của trẻ

Trên thực tế, việc rèn luyện cho trẻ những thói quen tốt cho tư duy không hề đơn giản, nó đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ của các cha mẹ để các con hình thành thói quen. Sau đây là một số thói quen tốt cho tư duy của trẻ, mời các bạn cùng tham khảo:

Nói chuyện với trẻ nhiều hơn

Có một thói quen tốt cho tư duy của trẻ rất đơn giản đó là tăng khả năng ngôn ngữ của bé nhờ cách nói chuyện. Khi còn nhỏ, thế giới đều rất mới mẻ, bé đang tò mò về mọi thứ, trẻ muốn khám phá nó. Đồng thời có vô vàn thắc mắc mà bé muốn bố mẹ giải đáp. Bố mẹ nên lắng nghe, quan tâm và nói chuyện với con nhiều hơn để giúp con bộc lộ những suy nghĩ, cảm xúc một cách tự nhiên.

Nói chuyện với trẻ là cách giúp trẻ phát triển trí não

Nói chuyện với trẻ là cách giúp trẻ phát triển trí não.

Bên cạnh đó, với mỗi thắc mắc của con, bố mẹ đừng vội trả lời ngay vì sẽ hình thành tâm lý ỷ lại, lười suy nghĩ cho trẻ. Thay vào đó, nếu các mẹ tạo thói quen cho bản thân là đặt câu hỏi ngược mỗi khi con có câu hỏi ví dụ như: “Con thấy có đúng không?” hoặc “Theo con thì tại sao như vậy?” thì mẹ sẽ hình thành được cho con một thói quen tự tư duy, học hỏi và suy nghĩ tìm ra giải pháp.

Hình thành cho trẻ thói quen đọc sách để khơi dậy tư duy sáng tạo

Đọc sách cũng là một trong những thói quen tốt cho tư duy của trẻ. Đọc sách là điều rất cần thiết nếu cha mẹ mong muốn cho con mình lớn lên với một nhận thức rõ ràng, mạch lạc và nhạy bén. Thói quen đọc sách mỗi ngày giúp trẻ phát triển tư duy ngôn ngữ là một trong những yếu tố quan trọng giúp phát triển tư duy sáng tạo của trẻ. Bên cạnh đó, nó còn giúp não bộ trẻ vận động và tự ngấm dần những cách hành văn, dùng từ, cảm nhận được ý đồ và tư duy của người viết, đồng thời mở rộng thế giới quan và tri thức cho bé.

Cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc sớm và thường xuyên

Âm nhạc là sự sáng tạo và dẫn đường cho nhiều ý tưởng độc đáo. Cho con tiếp xúc từ sớm sẽ giúp con giao tiếp tốt và biểu đạt cảm xúc dễ dàng. Có rất nhiều trẻ cảm thấy khó khăn trong việc biểu đạt những cảm xúc như giận dữ, thất vọng, hạnh phúc,... Khi có âm nhạc những cảm xúc tốt dễ được biểu lộ và kiểm soát tốt hơn cảm xúc tiêu cực. Cho con tiếp xúc với âm nhạc thường xuyên sẽ tăng khả năng biểu hiện từ đó kích thích tư duy sáng tạo nghệ thuật và khả năng tư duy logic.

Âm nhạc giúp bộ não của trẻ phát triển nhanh nhẹn

Âm nhạc giúp bộ não của trẻ phát triển nhanh nhẹn.

Kết hợp chơi và học

Thực tế, những hoạt động vui chơi luôn có sức hấp dẫn và ảnh hưởng nhất định đến khả năng tư duy của trẻ. “Học mà chơi, chơi mà học”. Do đó, việc áp dụng những trò chơi luôn có một vai trò tích cực trong việc kích thích và nâng cao nhận thức cho bé. 

Trò chơi sẽ giúp trẻ ghi nhớ một cách tự nhiên. Nó góp phần hình thành tri thức về thế giới xung quanh, từ đó quá trình tư duy được kích thích phát triển mạnh mẽ. Trò chơi dù đơn giản cũng có các mức độ phát triển trí não nhất định theo từng cấp bậc khó hơn của trò chơi. Cha mẹ cần tăng dần mức độ của trò chơi để não bộ của bé hoạt động hết công suất và tạo ra cảm giác thích thú cho con. Ví dụ khi chơi xếp hình, ban đầu là những hình đơn giản chỉ có 6 mảnh ghép, sau đó nâng dần lên 12 mảnh ghép, 24 mảnh ghép,...

Việc rèn luyện tư duy cho bé cần cả một quá trình và chúng ta cần thực hiện đúng cách mới có thể mang lại hiệu quả mong muốn. Bài viết đã gợi ý cho các bậc phụ huynh một số thói quen tốt cho tư duy của trẻ, chúng tôi hy vọng với những gợi ý này sẽ giúp việc “làm người thầy tại nhà” của con dễ dàng hơn với bố mẹ.

Lâm Khuê

Nguồn tham khảo: Tổng hợp
 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm