Long Châu

Ung thư âm hộ: Ung thư ở mặt ngoài của bộ phận sinh dục nữ

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư âm hộ thường là ung thư da tế bào vảy, thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi. Những tổn thương do bệnh gây ra có thể sờ thấy được. Chẩn đoán ung thư âm hộ bằng phương pháp sinh thiết. Điều trị thường bao gồm cắt bỏ và bóc tách hạch bạch huyết hoặc lập bản đồ hạch bạch huyết.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư âm hộ là gì? 

Ung thư âm hộ là ung thư ở mặt ngoài của bộ phận sinh dục nữ. Đây là vùng da bao quanh âm đạo và niệu đạo, bao gồm môi bé, môi lớn và âm vật. Khoảng 90% ung thư âm hộ là ung thư biểu mô tế bào vảy và khoảng 5% là u ác tính.

Tại Việt Nam, ung thư âm hộ chiếm tỷ lệ khoảng 3 - 5% các ca ung thư vùng sinh dục nữ.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư âm hộ

Hầu hết bệnh nhân ung thư âm hộ có biểu hiện tổn thương âm hộ sờ thấy được thường khi khám vùng chậu. 

Bệnh nhân có tiền sử ngứa vùng kín từ lâu nhưng cũng có thể không xuất hiện cho đến khi ung thư tiến triển. Tổn thương có thể bị hoại tử hoặc lở loét, đôi khi chảy máu hoặc chảy nước âm đạo. Các u hắc tố có thể xuất hiện màu đen hơi xanh, sắc tố hoặc u nhú.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư âm hộ

Tổn thương tân sinh trong biểu mô âm hộ 

Các tổn thương này được gọi là tổn thương tiền ung thư. Đa số trường hợp là lành tính, nhưng cũng có một số ít phát triển thành ung thư âm hộ;

Nhiễm Human papillomavirus (HPV) chủ yếu là type 6,11

HPV là loại virus lây lan chủ yếu qua đường tình dục và là yếu tố nguy cơ của một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ, ung thư vòm họng... Nguy cơ nhiễm HPV cao ở những quan hệ với nhiều người hoặc quan hệ tình dục sớm. Đa số trường hợp nhiễm virus HPV có thể tự khỏi, nhưng cũng có trường hợp bệnh kéo dài dẫn đến virus gây biến đổi tế bào. Nếu không được điều trị kịp thời có thể hình thành  thương tổn tiền ung thư và cuối cùng là ung thư

Hút thuốc lá

Đây cũng là nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh ác tính khác , như ung thư vòm họng, ung thư phổi...

Tình trạng suy giảm miễn dịch

Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý (ung thư, đái tháo đường, suy thận...), dụng thuốc ức chế miễn dịch, nhiễm HIV... có nguy cơ mắc ung thư âm hộ cao.

Sự thay đổi của da 

Bệnh nhân mắc một số bệnh ngoài da như bệnh Lichen phẳng làm da mỏng và ngứa cũng có thể mắc ung thư âm hộ

Ung thư âm hộ lây lan như sau:

  •  Lan rộng trực tiếp (ví dụ như vào âm đạo, hậu môn, niệu đạo, bàng quang, đáy chậu, trực tràng...);

  • Qua đường máu;

  • Tới các hạch bạch huyết bẹn;

  • Từ hạch bạch huyết bẹn lan đến hạch bạch huyết vùng chậu và cạnh động mạch chủ bụng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư âm hộ?

Mọi phụ nữ đều có nguy cơ mắc phải ung thư âm hộ. Đặc biệt, nguy cơ ngày tăng dần theo tuổi tác, độ tuổi trung bình khi được chẩn đoán bệnh là khoảng 70 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ mắc ung thư âm hộ ngày càng gia tăng ở phụ nữ trẻ tuổi. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư âm hộ

  • Mắc ung thư nội biểu mô âm hộ (VIN), bệnh lichen xơ hoá, tăng sản vảy, ung thư biểu mô vảy của âm đạo hoặc cổ tử cung, bệnh u hạt mãn tính.

  • Nhiễm Human papillomavirus (HPV).

  • Nghiện thuốc lá nặng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư âm hộ

Lâm sàng

Bác sĩ phụ khoa khám và soi vùng âm hộ, kiểm tra bằng tay và kính soi để xác định vị trí của những tổn thương.

Tổn thương do ung thư âm hộ gây ra khá giống với loét  do bệnh lây truyền qua đường tình dục (chancroid), ung thư biểu mô tế bào đáy, bệnh Paget âm hộ (thương tổn dạng túi chàm), u nang Bartholin hoặc sùi mào gà. Nếu tổn thương âm hộ gặp phải ở phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thấp (STDs) hoặc không đáp ứng với điều trị STDs thì cần nghĩ ngay đến ung thư âm hộ.

Sinh thiết

Để khẳng định chẩn đoán, bệnh nhân được chỉ định sinh thiết bằng cách lấy tế bào từ vết loét hoặc mô bướu ở âm hộ và khảo sát dưới kính hiển vi.

Các tổn thương không rõ ràng có thể được xác định bằng cách nhuộm màu âm hộ bằng toluidine xanh hoặc soi cổ tử cung.

Xác định giai đoạn bệnh

Xác định giai đoạn ung thư âm hộ được dựa trên kích thước khối u, tình trạng di căn hạch bạch huyết và mức độ lan rộng

Giai đoạn

Mô tả tình trạng bệnh

I

Khu trú ở vùng âm hộ hoặc tầng sinh môn, không có di căn hạch bạch huyết

IA

Khối u tại chỗ ≤ 2cm và u di căn ≤ 1mm 

IB

Khối u tại chỗ > 2cm với đường kính bất kỳ hoặc u di căn > 1mm 

II

Khối u có kích thước bất kỳ di căn đến tổ chức liền kề (1/3 dưới của niệu đạo hoặc âm đạo hoặc hậu môn) và không có di căn hạch bạch huyết

III

Khối u kích thước bất kỳ, có hoặc không có di căn đến tổ chức lân cận (1/3 dưới của niệu đạo hoặc âm đạo hoặc hậu môn) và di căn đến hạch bạch huyết vùng (bẹn đùi)

IIIA

Di căn đến 1 hoặc 2 hạch bạch huyết, mỗi hạch < 5mm

hoặc di căn đến 1 hạch bạch huyết ≥ 5 mm

IIIB

Di căn đến 3 hoặc nhiều hạch bạch huyết, mỗi hạch < 5mm

hoặc di căn đến 2 hoặc nhiều hạch bạch huyết, mỗi hạch ≥ 5mm

IIIC

Di căn đến hạch bạch huyết với sự lan ra ngoài bao cân

IV

Xâm lấn các cấu trúc khu vực khác (2/3  trên niệu đạo, 2/3 trên của âm đạo, niêm mạc bàng quang, hoặc niêm mạc trực tràng), gắn vào xương chậu, hoặc có các hạch bạch huyết vùng bị dính chặt hoặc bị loét (vùng bẹn đùi) hoặc có di căn xa

IVA

Xâm nhập vào 2/3 trên niệu đạo, 2/3 trên của âm đạo, niêm mạc bàng quang, hoặc niêm mạc trực tràng; gắn vào xương chậu; hoặc có hạch bạch huyết khu vực bị dính hoặc bị loét

IVB

Bất kỳ di căn xa nào bao gồm các hạch bạch huyết vùng chậu

Phương pháp điều trị ung thư âm hộ hiệu quả

  • Cắt bỏ trên diện rộng và bóc tách hạch ngoại trừ khi xâm lấn mô đệm < 1mm

  • Phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc kết hợp các phương pháp khi chuyển sang ung thư giai đoạn III - IV

Khi khối u giới hạn trong âm hộ mà không mở rộng đến các cấu trúc tầng sinh môn lân cận có thể chỉ định phẫu thuật loại bỏ tận gốc khối u cục bộ (≥ 2cm). 

Khi khối u xâm lấn mô đệm > 1mm, chỉ định bóc tách hạch nhưng không cần thiết khi kích thước khối u này < 1mm. Nếu bệnh nhân bị ung thư biểu mô tuyến Bartholin, cần cắt âm hộ triệt để.

Đối với các khối u di căn đến các cấu trúc đáy chậu lân cận như âm đạo, niệu đạo hoặc hậu môn, cũng cần phẫu thuật cắt bỏ âm hộ triệt để với kích thước khối u bất kỳ.

Đối với một số phụ nữ bị ung thư biểu mô âm hộ tế bào vảy, sinh thiết hạch bạch huyết là một giải pháp thay thế cho bóc tách hạch bạch huyết. Tuy nhiên, nếu phát hiện trên lâm sàng cho thấy ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở bẹn thì không nên chỉ định phương pháp này. 

Đối với các tổn thương ≤ 2cm, nên cắt bỏ và bóc tách hạch bạch huyết cục bộ. Tổn thương gần đường giữa và kích thước tổn thương hầu hết > 2cm cần phải bóc tách hạch hai bên.

Đối với giai đoạn III, trước khi cắt bỏ tận gốc diện rộng cần thực hiện bóc tách hạch bạch huyết sau phẫu thuật bằng tia xạ và hóa trị (hóa xạ trị) - tốt nhất là cisplatin hoặc có thể dùng fluorouracil. Cũng có thể dùng phương pháp thay thế là phẫu thuật và các thủ thuật ngoại khoa.

Đối với giai đoạn IV, cần cân nhắc kết hợp phẫu thuật vùng chậu trên diện rộng, xạ trị và hoá trị.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư âm hộ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

  • Vận động và tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe.

  • Quan hệ tình dục an toàn.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn nhiều loại thức ăn khác nhau với đầy đủ dinh dưỡng, có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để lập chế độ ăn phù hợp với từng đối tượng.

  • Bổ sung rau xanh, trái cây tươi, sữa chua chứa nhiều vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng của cơ thể.

  • Hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo, hải sản vì có thể gây nóng trong người, làm ẩm ướt và ngứa bộ phận sinh dục.

Phương pháp phòng ngừa ung thư âm hộ hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tiêm vaccine ngừa HPV.

  • Tầm soát ung thư vùng sinh dục định kỳ từ năm 21 tuổi trở lên.

  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá.

  • Không quan hệ tình dục bừa bãi và sử dụng bao cao su khi quan hệ.

  • Luôn giữ vùng sinh dục sạch sẽ, mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi tốt.

  • Thăm khám với bác sĩ ngay khi có những dấu hiệu bất thường.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/professional/gynecology-and-obstetrics/gynecologic-tumors/vulvar-cancer
  2. https://benhvienk.vn/dau-hieu-ung-thu-am-ho-ban-can-biet-nd58529.html
  3. https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=34&contentid=19532-1

Các bệnh liên quan

  1. Chuyển dạ đình trệ

  2. Tinh hoàn ẩn

  3. teo tinh hoàn

  4. Sùi mào gà

  5. dính buồng tử cung

  6. Vô sinh nguyên phát

  7. Rối loạn cương dương

  8. Vô sinh thứ phát

  9. Nhiễm lậu cầu

  10. Giãn tĩnh mạch thừng tinh