Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Không có tinh trùng: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tỷ lệ vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng vào khoảng 13%. Trong đó, có đến ½ trường hợp có nguyên nhân xuất phát từ người nam. Không có tinh trùng hay còn gọi là vô tinh là một trong những nguyên nhân gây vô sinh nam, biểu hiện bằng tình trạng thiếu hoặc hoàn toàn không có tinh trùng trong tinh dịch.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Không có tinh trùng là gì?

Hệ thống sinh sản nam giới gồm các bộ phận sau đây, tương ứng với nhiệm vụ của chúng:

  • Tinh hoàn: Nằm trong bìu, là nơi sản xuất tinh trùng (tế bào sinh sản). Tinh hoàn bao gồm 300 - 400 tiểu thùy, chứa hàng ngàn ống sinh tinh. Tinh trùng được sản xuất ra và đổ vào lưới tinh hoàn, sau đó đi vào mào tinh. Quá trình này được gọi là quá trình sinh tinh.
  • Mào tinh hoàn: Sát phía sau tinh hoàn, là nơi tinh trùng trưởng thành di chuyển đến và lưu trú. Cực dưới mào tinh nối vào ống dẫn tinh.
  • Ống dẫn tinh: Đi từ mào tinh vào xương chậu, sau đó uốn cong để đi vào túi tinh.
  • Túi tinh: Là nơi dự trữ tinh trùng, nằm ở mặt sau bàng quang. Đầu dưới túi tinh có một ống bài xuất ngắn gọi là ống tiết.
  • Ống phóng tinh: Do ống dẫn tinh và ống tiết kết hợp tạo thành ống phóng tinh. Hai ống phóng tinh ở hai bên chạy chếch qua tuyến tiền liệt và đổ vào niệu đạo.
  • Tuyến tiền liệt: Khối hình nón, nằm dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo tiền liệt. Dịch tiết của tuyến này góp 60% thể tích tinh dịch, giúp tinh trùng có môi trường hoạt động và được bảo vệ.

Số lượng tinh trùng bình thường trong khoảng từ 15 triệu/mL trở lên. Người nam có số lượng tinh trùng thấp được định nghĩa là dưới 15 triệu/mL.

Không có tinh trùng, hay còn gọi là vô tinh, được xác định khi không có số lượng tinh trùng đủ để đo được trong tinh dịch của đàn ông mỗi lần xuất tinh.

Có nhiều cách phân loại vô tinh, thông thường, vô tinh được phân thành hai loại chính:

  • Vô tinh do tắc nghẽn: Trường hợp này xảy ra khi có sự tắc nghẽn trên đường dẫn tinh trùng, có thể là mất kết nối tinh hoàn và mào tinh, ống dẫn tinh,...
  • Vô tinh không do tắc nghẽn: Trường hợp này xảy ra có thể do sự suy giảm khả năng sản xuất các hormone nam ảnh hưởng đến quá trình tạo ra tinh trùng hoặc do tinh hoàn có các khiếm khuyết về cấu trúc và chức năng khiến quá trình sản xuất tinh trùng kém hiệu quả.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của không có tinh trùng

Không có tinh trùng thường là một bệnh lý không có triệu chứng biểu hiện đáng chú ý. Nam giới có bệnh lý này thường không phát hiện bất thường gì cho đến khi họ lập gia đình và mong muốn có con nhưng khó thành công.

Tuy nhiên, một số người bệnh có các vấn đề tiềm ẩn như bất thường nhiễm sắc thể, rối loạn cân bằng nội tiết tố nam, giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc có tình trạng tắc nghẽn đường dẫn tinh trùng có thể gây ra một số triệu chứng. Ví dụ, có 90% trong số các người bệnh Klinefelter mắc chứng vô tinh, họ có thể gặp một số vấn đề sức khỏe tổng quát như hội chứng chuyển hóa, các bệnh tự miễn dịch, thuyên tắc mạch do huyết khối, rối loạn nhận thức, tâm thần,...

Một số triệu chứng mờ nhạt có thể xuất hiện ở người nam không có tinh trùng như:

  • Giảm ham muốn tình dục;
  • Rối loạn cương dương;
  • Quanh tinh hoàn có những cục u hoặc tinh hoàn sưng nề hoặc có cảm giác khó chịu ở tinh hoàn;
  • Rụng tóc, râu hoặc lông trên cơ thể.
Không có tinh trùng: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 3
Giảm ham muốn tình dục ở nam có thể là dấu hiệu không có tinh trùng

Biến chứng có thể gặp phải khi không có tinh trùng

Biến chứng nghiêm trọng nhất của không có tinh trùng là vô sinh

Giải đáp cho việc người nam không có tinh trùng liệu có thể có con hay không cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời chắc chắn. Điều này phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng vô tinh và mỗi nguyên nhân dẫn đến vô tinh đều có tiên lượng bệnh khác nhau. Nhiều nguyên nhân trong đó có thể được khắc phục, gồm các vấn đề nội tiết tố và các tắc nghẽn trên đường dẫn tinh. Nếu rối loạn tại tinh hoàn dẫn đến không có tinh trùng, các bác sĩ vẫn có thể lấy được tinh trùng sống để sử dụng trong các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu nam giới có bất kỳ triệu chứng nào kể trên hoặc có các bất thường bẩm sinh di truyền hoặc tiền sử gia đình có các bất thường trong bộ nhiễm sắc thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, hãy đến khám và nhận sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa Nam khoa và y học giới tính.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến không có tinh trùng

Nguyên nhân gây ra tình trạng không có tinh trùng bao gồm không có tinh trùng do tắc nghẽn và không do tắc nghẽn.

Không có tinh trùng do tắc nghẽn

Nguyên nhân này chiếm khoảng 40% trường hợp vô tinh. Sự tắc nghẽn dẫn đến vô tinh thường xảy ra nhất ở ống dẫn tinh, mào tinh hoàn hoặc ống phóng tinh. Các vấn đề có thể gây tắc nghẽn ở những vị trí này bao gồm:

  • Dị tật bẩm sinh: Ví dụ như bất sản ống dẫn tinh hai bên do đột biến gen gây xơ nang, khiến ống dẫn tinh không hình thành hoặc phát triển bất thường, tinh dịch bị tắc nghẽn do tích tụ dày trong ống dẫn tinh; u nang Mullerian trong quá trình bào thai.
  • Thắt ống dẫn tinh (biện pháp tránh thai vĩnh viễn theo kế hoạch, trong đó ống dẫn tinh được cắt hoặc kẹp để ngăn chặn dòng tinh trùng).
  • Chấn thương trực tiếp ở đường dẫn tinh.
  • Nhiễm trùng như bệnh lậu.
  • Viêm tuyến tiền liệt.
  • Viêm mào tinh hoàn.
  • Phẫu thuật trước đây ở vùng xương chậu như phẫu thuật thoát vị bẹn, phẫu thuật bìu.
  • Sự phát triển của một khối u chèn ép đường dẫn tinh.

Không có tinh trùng không do tắc nghẽn

Nguyên nhân gây vô tinh không do tắc nghẽn khá đa dạng, từ các rối loạn nội tiết tố nam đến tổn thương tạng phủ hoặc rối loạn di truyền.

Mất cân bằng nội tiết tố/rối loạn nội tiết, bao gồm suy sinh dục do thiểu năng sinh dục (thiếu hụt hormone do tuyến yên tiết ra), tăng prolactin máu, kháng androgen và tăng tiêu thụ các steroid đồng hóa (gây ức chế chức năng tuyến yên).

Các vấn đề về xuất tinh như xuất tinh ngược khi tinh dịch đi vào bàng quang cũng gây không có tinh trùng.

Một số đột biến gen có thể dẫn đến vô tinh, bao gồm:

  • Hội chứng Kallmann: Một rối loạn di truyền được tìm thấy trên nhiễm sắc thể X và nếu không được điều trị có thể dẫn đến vô sinh.
  • Hội chứng Klinefelter: Nam giới mang thêm một nhiễm sắc thể X (tạo thành nhiễm sắc thể giới tính XXY thay vì bình thường là XY). Kết quả thường là vô sinh, thiếu sự phát triển về thể chất hoặc tình dục và khó khăn trong học tập.
  • Đột biến mất đoạn trên nhiễm sắc thể Y: Các đoạn gen quan trọng trên nhiễm sắc thể Y (nhiễm sắc thể nam) chịu trách nhiệm sản xuất tinh trùng bị thiếu, dẫn đến vô sinh.
  • Đột biến ở một số gen CFTR, ADGRG2, TEX11,...
Không có tinh trùng: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 4
Hội chứng Klinefelter có thể là nguyên nhân không có tinh trùng

Nguyên nhân tại tinh hoàn dẫn đến vô tinh, bao gồm:

  • Không có tinh hoàn;
  • Tinh hoàn lạc chỗ không xuống bìu.
  • Hội chứng chỉ có tế bào Sertoli (tinh hoàn chỉ chứa tế bào Sertoli mà không có các tế bào dòng tinh, không sản xuất được tinh trùng sống).
  • Ngừng sinh tinh (không tạo ra tế bào tinh trùng trưởng thành hoàn toàn).
  • Viêm tinh hoàn do quai bị (tinh hoàn bị viêm do quai bị ở tuổi dậy thì muộn).
  • Xoắn tinh hoàn.
  • Khối u.
  • Phản ứng với một số loại thuốc gây hại cho việc sản xuất tinh trùng như thuốc trừ sâu, kim loại nặng, cimetidine, sulfasalazine,...
  • Các chất kích thích như rượu, thuốc lá, ma túy.
  • Phương pháp điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị.
  • Các bệnh như đái tháo đường, xơ gan hoặc suy thận.
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh nặng (các tĩnh mạch đến từ tinh hoàn bị giãn ra hoặc giãn rộng, cản trở việc sản xuất tinh trùng).

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải không có tinh trùng?

Bất kỳ nam giới nào cũng đều có nguy cơ mắc phải không có tinh trùng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải không có tinh trùng

Một số yếu tố cần lưu ý làm tăng nguy cơ dẫn đến không có tinh trùng:

  • Có các dị tật bẩm sinh đường sinh dục hoặc tiết niệu.
  • Tiền sử từng mắc quai bị.
  • Tiền sử gia đình có dị tật bẩm sinh, suy sinh dục hoặc xơ nang.
  • Tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Chấn thương hoặc phẫu thuật vùng xương chậu.
  • Nhiễm trùng đường sinh dục hoặc tiết niệu.
  • Đang điều trị hóa trị hoặc xạ trị.
  • Các thuốc đã và đang sử dụng.
  • Lạm dụng rượu, thuốc lá hoặc các loại chất gây nghiện.
  • Gần đây có sốt cao, tiếp xúc nhiệt cao (xông hơi, tắm hơi) vì nhiệt cao có thể giết chết tinh trùng.
Không có tinh trùng: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 5
Quai bị ở nam giới làm tăng nguy cơ không có tinh trùng

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán không có tinh trùng

Bác sĩ chuyên ngành Nam khoa sẽ hỏi bệnh sử, tiền căn bản thân và gia đình, các yếu tố nguy cơ dẫn đến không có tinh trùng. Sau đó, bác sĩ thăm khám và đánh giá:

  • Khám tổng quát toàn bộ cơ thể để đánh giá dấu hiệu phát triển thể chất hoặc phát dục chậm của cơ thể, cơ quan sinh dục và các đặc điểm sinh dục thứ phát.
  • Khám dương vật và bìu, kiểm tra sự hiện diện của ống dẫn tinh, sự nhạy cảm hoặc sưng nề của mào tinh hoàn, kích thước tinh hoàn, sự bất thường của giãn tĩnh mạch thừng tinh và bất kỳ tắc nghẽn nào của ống xuất tinh (qua khám hậu môn trực tràng).

Bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm sau để đánh giá tình trạng bệnh và nguyên nhân bệnh:

  • Định lượng nồng độ testosterone và hormone kích thích noãn bào tố (FSH): Đánh giá chức năng trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục ở nam.
  • Sinh thiết tinh hoàn: Đây là tiêu chuẩn vàng giúp chẩn đoán xác định vô tinh, thường được thực hiện cùng quy trình với phẫu thuật lấy tinh trùng trong thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
  • Xét nghiệm di truyền: Các xét nghiệm được chỉ định gồm Karyotype, phân tích nhiễm sắc thể Y để sàng lọc mất đoạn trên nhiễm sắc thể này, phân tích exome hoặc bộ gen.
  • Siêu âm cơ quan sinh sản: Phát hiện bất thường về hình dạng và kích thước, các khối u, tình trạng thiếu máu nuôi hoặc tắc nghẽn.
  • CT hoặc MRI sọ não để xác định các bất thường vùng hạ đồi hoặc tuyến yên.
Không có tinh trùng: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 6
Sinh thiết tinh hoàn có tình trạng giảm sinh tinh và không thấy tinh trùng trưởng thành

Phương pháp điều trị không có tinh trùng hiệu quả

Điều trị không có tinh trùng phụ thuộc vào nguyên nhân. Xét nghiệm và tư vấn di truyền thường là một phần quan trọng trong việc hiểu biết thông tin bệnh và điều trị chứng vô tinh. Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Nếu tắc nghẽn là nguyên nhân gây ra tình trạng vô tinh, phẫu thuật có thể tái thông tắc nghẽn ở các ống hoặc phẫu thuật tái tạo và nối các đoạn ống dẫn tinh.
  • Nếu giãn tĩnh mạch thừng tinh là nguyên nhân, các tĩnh mạch có vấn đề có thể được thắt lại bằng phẫu thuật, giữ cho các cấu trúc xung quanh được bảo tồn.
  • Nếu nồng độ hormone nam được sản xuất thấp là nguyên nhân, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị bằng hormone. Các hormone bao gồm hormone kích thích noãn bào tố (FSH), gonadotropin màng đệm ở người (hCG), clomiphene, anastrozole và letrozole.
  • Trong trường hợp vô tinh không do tắc nghẽn, kỹ thuật TESE (lấy tinh trùng từ tinh hoàn) cho phép 35% trường hợp lấy được tinh trùng và có thể sử dụng trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Tỷ lệ thành công của kỹ thuật micro - TESE (bằng kính hiển vi phẫu thuật) có thể lên tới 60%.

Nếu có tinh trùng sống, chúng có thể được lấy từ tinh hoàn, mào tinh hoàn hoặc ống dẫn tinh để thực hiện các thủ thuật hỗ trợ mang thai như thụ tinh trong ống nghiệm hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng. Nếu nguyên nhân gây ra tình trạng vô tinh được cho là có thể di truyền sang con, bác sĩ có thể đề nghị phân tích di truyền tinh trùng của bạn trước khi xem xét các thủ tục hỗ trợ thụ tinh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp bạn hạn chế diễn tiến của không có tinh trùng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ chỉ định của bác sĩ điều trị trong quá trình chữa bệnh.
  • Duy trì lối sống lạc quan, giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng.
  • Thăm khám theo lịch của bác sĩ đưa ra để theo dõi diễn tiến của bệnh và đánh giá độ hiệu quả của các phương pháp điều trị.

Chế độ dinh dưỡng: Ăn uống đủ chất và khoa học. Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.

Phương pháp phòng ngừa không có tinh trùng hiệu quả

Không có phương pháp cụ thể nào có thể ngăn ngừa các vấn đề di truyền gây ra tình trạng không có tinh trùng. 

Nếu bạn chưa mắc bệnh hoặc đang mắc bệnh lý này và nguyên nhân không phải do di truyền, bạn hãy thực hiện một số biện pháp sau:

  • Tránh các hoạt động hoặc môn thể thao có thể làm tổn thương cơ quan sinh sản.
  • Tránh tiếp xúc với tia xạ.
  • Tránh để tinh hoàn tiếp xúc lâu trong môi trường nhiệt độ nóng.
  • Tránh các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, ma túy,...
  • Tìm hiểu rõ về lợi ích và rủi ro của các loại thuốc có thể gây hại cho việc sản xuất tinh trùng.
  • Tiêm vắc xin phòng ngừa quai bị.
Không có tinh trùng: Nguyên nhân, điều trị và phương pháp phòng ngừa 7
Tránh hút thuốc lá giúp nam giới nâng cao sức khỏe sinh sản
Nguồn tham khảo
  1. Cioppi F, Rosta V, Krausz C. Genetics of Azoospermia. Int J Mol Sci. 2021;22(6):3264. doi: 10.3390/ijms22063264.
  2. Cocuzza M, Alvarenga C, Pagani R. The epidemiology and etiology of azoospermia. Clinics. 2013;68(1):15-26. doi: 10.6061/clinics/2013(sup01)03.
  3. Wosnitzer MS, Goldstein M. Obstructive azoospermia. Urol Clin North Am. 2014;41(1):83-95. doi: 10.1016/j.ucl.2013.08.013.
  4. Vij SC, Sabanegh E Jr, Agarwal A. Biological therapy for non-obstructive azoospermia. Expert Opin Biol Ther. 2018;18(1):19-23. doi: 10.1080/14712598.2018.1380622.
  5. Tradewell MB, Masterson TA. Nonobstructive azoospermia: a spectrum, not a single disease. Fertil Steril. 2021;115(2):315. doi: 10.1016/j.fertnstert.2020.09.130.

Các bệnh liên quan

  1. Vỡ tử cung

  2. Suy buồng trứng sớm

  3. Xoắn tinh hoàn

  4. Sa tạng chậu

  5. Hội chứng Kallmann

  6. Ung thư buồng trứng giai đoạn IV

  7. Nhiễm độc thai nghén

  8. Rối loạn cương dương

  9. dính buồng tử cung

  10. Vô sinh