Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Trùng roi sinh dục nữ là gì? Dấu hiệu nhận biết bị nhiễm trùng roi

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trùng roi sinh dục nữ là bệnh nhiễm trùng cơ quan sinh dục do ký sinh trùng Trichomonas vaginalis gây nên. Trichomonas vaginalis là những động vật đơn bào, có roi để chuyển động, thường sống ở môi trường ẩm ướt, điển hình như cơ quan sinh dục nữ (âm đạo). Bệnh thường xảy ra ở những người có nhiều bạn tình và đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Trùng roi sinh dục nữ là gì?

Bệnh trùng roi sinh dục nữ (viêm âm đạo do trùng roi, trùng roi âm đạo) là bệnh lây truyền qua đường tình dục do trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis) gây nên, thường gặp ở phụ nữ. Bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục là chủ yếu, ngoài ra bệnh có thể lây qua bồn tắm, khăn tắm ẩm ướt.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của trùng roi sinh dục nữ

Khoảng 70% người nhiễm trùng roi Trichomonas không có dấu hiệu hay triệu chứng cụ thể. Nhiễm trùng roi Trichomonas có thể nhận thấy qua các dấu hiệu:

  • Ngứa, rát, tấy đỏ hoặc đau nhức ở khu vực sinh dục.

  • Cảm giác khó chịu khi tiểu tiện, đi tiểu nhiều lần, đau khi quan hệ hoặc có thể chảy máu sau quan hệ tình dục.

  • Thay đổi dịch âm đạo, tiết dịch (khí hư) nhiều, màu trắng, trong, ngả vàng hoặc ngả xanh, kèm theo mùi tanh bất thường.

Biến chứng có thể gặp khi mắc trùng roi sinh dục nữ

Trùng roi âm đạo khu trú ở âm đạo và gây khó chịu cho phụ nữ, không có biến chứng gì đặc biệt.

Phụ nữ không mang thai:

  • Viêm âm đạo do Trichomonas nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành nhiễm khuẩn tiết niệu. Ngoài ra, Trichomonas vaginalis có liên quan đến bệnh lý: Loạn sản cổ tử cung, viêm hay áp xe âm đạo, nhiễm trùng tiểu khung và vô sinh.
  • Bệnh do Trichomonas làm tăng nguy cơ lây truyền và nhiễm HIV.

Phụ nữ có thai: Nhiễm Trichomonas có thể ảnh hưởng đến quá trình mang thai: Vỡ ối sớm, sinh non và trẻ thiếu cân.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhận thấy sự xuất hiện của bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào thì tốt nhất nên đến ngay bệnh viện để được thăm khám, xét nghiệm và được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị.

Tuyệt đối không được thờ ơ trước các bất thường của cơ thể, vì có thể khiến bệnh tiến triển đến mức trầm trọng, việc chữa trị vô cùng khó khăn và gặp không ít rủi ro, biến chứng.

Nguyên nhân

Bệnh trùng roi sinh dục nữ do sinh vật đơn bào kỵ khí Trichomonas vaginalis gây ra, có thể lây truyền từ người này sang người khác bằng cách:

  • Lây truyền trực tiếp: Ký sinh trùng có thể lây từ người bị nhiễm sang người không bị nhiễm chủ yếu qua đường tình dục. Trong trường hợp người mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng thì Trichomonas vaginalis vẫn có thể lây sang người khác qua quan hệ tình dục.

  • Lây truyền gián tiếp: Một số trường hợp không lây qua đường tình dục: Qua nước bể bơi, nước sinh hoạt chung, dùng chung đồ vệ sinh cá nhân: Quần áo, khăn tắm,…

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải trùng roi sinh dục nữ

Cả nam và nữ giới đều có nguy cơ bị nhiễm trùng roi. Trong đó, nữ giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Cần tiến hành sàng lọc đối tượng có nguy cơ cao: Hành nghề mại dâm, người quan hệ với nhiều bạn tình, bệnh nhân tại các phòng khám bệnh lây truyền qua đường tình dục, tiền sử mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục,…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải trùng roi sinh dục nữ

Các yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

  • Có nhiều bạn tình cùng lúc.

  • Từng bị các bệnh lây qua đường tình dục khác.

  • Từng nhiễm trùng roi âm đạo.

  • Quan hệ tình dục không an toàn.

  • Sử dụng chung đồ vệ sinh cá nhân với người bệnh: Quần áo, khăn tắm,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán Trùng roi sinh dục nữ

Chẩn đoán xác định Trichomonas vaginalis, cần khai thác tiền sử, triệu chứng lâm sàng và dựa vào các xét nghiệm: Soi tươi tìm Trichomonas, nuôi cấy, khuếch đại acid nucleic,… Phụ nữ kiểm tra nhiễm Trichomonas cần được sàng lọc cả Chlamydia và lậu cầu.

Ở phụ nữ, soi tươi dịch tiết âm đạo là bước đầu để đánh giá tình trạng nhiễm Trichomonas;

Phản ứng khuếch đại acid nucleic hay PCR: Độ nhạy và độ đặc hiệu cao, tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán Trichomonas vaginalis;

Test nhanh kháng nguyên;

Nuôi cấy;

Sinh thiết cổ tử cung;

Ở nam giới, chẩn đoán viêm niệu đạo do Trichomonas: Nuôi cấy và PCR nước tiểu hoặc dịch phết niệu đạo.

Cần chẩn đoán phân biệt nhiễm Trichomonas với các nguyên nhân khác:

Ở phụ nữ, dịch tiết âm đạo là triệu chứng không đặc hiệu, có thể gặp trong nhiễm trùng cổ tử cung (lậu cầu, Chlamydia,…), nhiễm trùng âm đạo (do vi khuẩn, nhiễm Candida,…) và tình trạng mề đay dị ứng.

Ở nam giới, viêm niệu đạo có thể gặp trong bệnh lậu cầu, nhiễm Chlamydia trachomatis, Mycoplasma genitalium,…

Phương pháp điều trị trùng roi sinh dục nữ

Trường hợp nhiễm Trichomonas, bệnh nhân và bạn tình cần được điều trị để giảm triệu chứng và nguy cơ lây nhiễm, biến chứng. Có thể lựa chọn một trong các phác đồ:

Metronidazole 500 mg, uống 02 viên/ngày/7 ngày (kiêng uống rượu bia đến khi dừng thuốc metronidazole 24 giờ hoặc tinidazole sau 72 giờ).

Metronidazole 250 mg, đặt âm đạo trong 10 ngày hoặc Metronidazole uống liều duy nhất 2 g/ngày.

Bệnh nhân dị ứng hoặc không uống được metronidazole, có thể thay thế bằng tinidazole 500 mg uống 04 viên, liều duy nhất.

Phụ nữ có thai nhiễm Trichomonas không có triệu chứng lâm sàng, không có khuyến cáo điều trị. Trong trường hợp có triệu chứng lâm sàng, không sử dụng metronidazole cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu. Từ tháng thứ 4 có thể sử dụng metronidazole đường toàn thân hoặc uống liều duy nhất 2g/ ngày hoặc metronidazole 500 mg, uống 02 viên/ ngày/07 ngày.

Các biện pháp điều trị khác:

Hạn chế quan hệ tình dục, sử dụng bao cao su khi quan hệ đến khi khỏi bệnh. Ngoài ra, có thể sử dụng acid lactic, ascorbic để tạo môi trường acid cho âm đạo, sử dụng lactobacillus sống,… Cần theo dõi bệnh nhân, xét nghiệm bệnh phẩm ở âm đạo sau 3 tuần điều trị để xác định tình trạng khỏi bệnh.

Điều trị kết hợp với các thuốc diệt nấm và vi khuẩn có thể phát sinh.

Thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục để làm giảm mức độ viêm nhiễm.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp hạn chế diễn tiến của trùng roi sinh dục nữ

  • Tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc hoặc mua thuốc không có trong đơn thuốc của bác sĩ.

  • Lắng nghe và làm theo mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi có những bất thường xuất hiện trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi diễn tiến của bệnh và tình trạng sức khỏe.

  • Thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục để làm giảm mức độ viêm nhiễm.

  • Thể dục thể thao nâng cao sức khỏe.

  • Chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng.

  • Hạn chế quan hệ tình dục, sử dụng bao cao su khi quan hệ đến khi khỏi bệnh.

Phương pháp phòng ngừa trùng roi sinh dục nữ

  • Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường thường xuyên. Vệ sinh vùng sinh dục sạch sẽ hàng ngày và sau khi quan hệ tình dục.

  • Nâng cao thể trạng, cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng.

  • Tuyên truyền giáo dục sức khỏe giới tính.

  • Không sử dụng chung vật dụng cá nhân với người mắc bệnh.

  • Không quan hệ tình dục bừa bãi, tốt nhất khi quan hệ nên sử dụng các biện pháp bảo vệ.

  • Khi phát hiện các triệu chứng nên đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị, đồng thời thông báo cho bạn tình kịp thời điều trị.

  • Thường xuyên kiểm tra sức khỏe để chẩn đoán sớm người mắc bệnh lây truyền qua quan hệ tình dục và có biện pháp dự phòng phù hợp.

Khi có các triệu chứng nghi mắc trùng roi âm đạo, không nên quá lo lắng và cũng không nên tự ý điều trị ở nhà mà cần đến khám và tư vấn bác sĩ chuyên khoa để được điều trị hiệu quả nhất.

Nguồn tham khảo
  1. Bộ Y Tế, 2013, Số: 4568/QĐ-BYT, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục

  2. https://www.msdmanuals.com/

  3. https://www.mayoclinic.org/

  4. https://my.clevelandclinic.org/

Các bệnh liên quan

  1. Bệnh rubeon

  2. Lao ruột

  3. Bệnh bò điên

  4. Bệnh tay, chân, miệng

  5. Sốt rét

  6. Sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh

  7. Ký sinh trùng

  8. Nhiễm khuẩn Chlamydia

  9. Bệnh do Cryptosporidium

  10. Viêm màng não do vi khuẩn