Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

U tinh hoàn là gì? Có phải tất cả u tinh hoàn đều ác tính hay không?

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

U tinh hoàn (Lump testicle) là một khối bất thường hình thành trong tinh hoàn ở nam giới. Đây là một tình trạng khá phổ biến, và không phải tất cả các khối u hiện diện ở tinh hoàn đều là ung thư. Hầu hết các khối u là lành tính hoặc không phải ung thư.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

U tinh hoàn là gì?

Tinh hoàn là một cơ quan sinh sản của nam giới, hình trứng, vị trí treo bên dưới dương vật và nằm trong một túi được gọi là túi bìu. Chức năng chính của tinh hoàn là sản xuất tinh trùng và hormone testosterone.

U tinh hoàn, hay khối u tinh hoàn, là một khối bất thường có thể hình thành trong tinh hoàn. Khối u ở tinh hoàn tình tình trạng khá phổ biến và có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Khối u có thể xảy ra ở nam giới người lớn, thiếu niên hoặc trẻ nhỏ, có thể ở một hoặc cả hai tinh hoàn.

U tinh hoàn có thể là dấu hiệu của vấn đề về tinh hoàn, có thể do một chấn thương gây ra, hoặc cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề y tế tiềm ẩn nghiêm trọng. Tuy nhiên, không phải tất cả các khối u tinh hoàn đều chỉ ra sự hiện diện của ung thư tinh hoàn. Phần lớn trường hợp u tinh hoàn là lành tính và thường không cần điều trị.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của u tinh hoàn

Triệu chứng chung của khối u tinh hoàn là gây sưng tấy và thay đổi kết cấu của tinh hoàn. Các triệu chứng sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản gây ra u tinh hoàn:

  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Hiếm khi gây ra triệu chứng. Nếu có, tinh hoàn bị ảnh hưởng có cảm giác nặng hơn tinh hoàn còn lại, hoặc khối u có thể cảm giác giống như một túi giun nhỏ.
  • Tràn dịch màng tinh hoàn: Thường không gây đau ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên có thể gây cảm giác áp lực ở bụng đối với trẻ lớn hơn.
  • U nang mào tinh hoàn: Thường không đau, ở một số nam giới có thể thấy tinh hoàn nặng hơn bình thường.
  • Nhiễm trùng: Có thể gây đau, sưng ở cả một hoặc hai tinh hoàn, có thể kèm sốt, buồn nôn, nôn.

Một tình trạng khác là xoắn tinh hoàn, có thể xảy ra tự nhiên hoặc do chấn thương bìu. Đây là một tình huống cấp cứu y tế, các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Sốt;
  • Đi tiểu thường xuyên;
  • Đau bụng;
  • Buồn nôn;
  • Nôn;
  • Sưng ở bìu;
  • Vị trí tinh hoàn bất thường (có thể cao hơn bình thường hoặc có góc cạnh kỳ lạ).

Ung thư tinh hoàn là một nguyên nhân gây u tinh hoàn không phổ biến, triệu chứng có thể gồm:

  • Đau âm ỉ ở bụng hoặc háng;
  • Sưng hoặc đau ở ngực;
  • Cảm giác nặng ở bìu;
  • Tràn dịch đột ngột ở bìu (sưng lên đột ngột);
  • Đau.

Biến chứng có thể gặp khi mắc u tinh hoàn

Hầu hết các trường hợp u tinh hoàn là lành tính và không gây nguy hiểm cho bạn. Tuy nhiên, một số trường hợp u tinh hoàn có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như:

  • Chết tinh hoàn hoặc vô sinh nếu nguyên nhân là do xoắn tinh hoàn.
  • Các biến chứng liên quan đến nhiễm trùng như áp xe tinh hoàn, tăng nguy cơ vô sinh hoặc nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết (đối với nguyên nhân do viêm mào tinh hoàn).
  • Giảm khả năng sinh sản, di căn đến các bộ phận khác (nếu nguyên nhân là ung thư tinh hoàn).
U tinh hoàn là gì? Có phải tất cả u tinh hoàn đều ác tính hay không? 4
Trong một số trường hợp u tinh hoàn, nếu không được điều trị có thể gây giảm khả năng sinh sản hay vô sinh

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác các nguyên nhân gây ra khối u tinh hoàn, nên hãy đến gặp bác sĩ khi bạn tự kiểm tra thấy có u ở tinh hoàn hoặc gặp các triệu chứng ở trên.

Nếu bạn gặp các triệu chứng của xoắn tinh hoàn sau chấn thương, hãy đến phòng cấp cứu ngay lập tức. Vì nếu không được điều trị, xoắn tinh hoàn có thể gây chết tinh hoàn và vô sinh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến u tinh hoàn

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến u tinh hoàn, có thể bao gồm:

  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh;
  • Tràn dịch màng tinh hoàn;
  • U nang mào tinh hoàn;
  • Viêm mào tinh hoàn và viêm tinh hoàn;
  • Xoắn tinh hoàn;
  • Ung thư tinh hoàn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc u tinh hoàn?

Các đối tượng nguy cơ sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân:

  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể xảy ra ở nam giới bất kể tuổi tác, chủng tộc, dân tộc hoặc nơi sinh.
  • Tràn dịch màng tinh hoàn thường xảy ra đối với trẻ sơ sinh có cân nặng thấp ngôi mông.
  • Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trên thực tế, tỷ lệ xoắn tinh hoàn ở nam dưới 25 tuổi là 1/4000.
  • Viêm mào tinh hoàn liên quan đến các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
  • Ung thư tinh hoàn có thể ảnh hưởng nam giới mọi lứa tuổi nhưng khoảng hơn một nửa số ca nằm trong độ tuổi từ 20 đến 34 tuổi.
U tinh hoàn là gì? Có phải tất cả u tinh hoàn đều ác tính hay không? 5
Vi khuẩn lây bệnh qua đường tình dục có thể gây u tinh hoàn

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc u tinh hoàn

Yếu tố nguy cơ mắc u tinh hoàn cũng sẽ khác nhau ở các nguyên nhân gây u tinh hoàn khác nhau:

  • U nang mào tinh hoàn: Không xác định được yếu tố nguy cơ.
  • Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Không có yếu tố nguy cơ rõ ràng, có thể liên quan đến béo phì.
  • Tràn dịch màng tinh hoàn: Yếu tố nguy cơ ở trẻ sơ sinh có thể liên quan đến cân nặng nhẹ và sinh ngôi mông.
  • Xoắn tinh hoàn: Các yếu tố nguy cơ có thể gồm chấn thương, tinh hoàn ẩn, tiền sử chấn thương tinh hoàn trước đó hoặc có “bất thường quả lắc chuông” (một dị dạng bẩm sinh).
  • Viêm mào tinh hoàn: Yếu tố nguy cơ gồm không cắt bao quy đầu, quan hệ tình dục không an toàn, phì đại tiền liệt tuyến và các bất thường cấu trúc. Phẫu thuật gần đây ở đường niệu, tuyến tiền liệt hoặc tiền căn nhiễm trùng đường niệu cũng là yếu tố tăng nguy cơ viêm mào tinh hoàn.
  • Ung thư tinh hoàn: Các yếu tố nguy cơ có thể liên quan đến tuổi tác, chủng tộc, tiền sử gia đình và tinh hoàn ẩn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán u tinh hoàn

Bác sĩ sẽ kiểm tra tinh hoàn của bạn và có thể cần các xét nghiệm để chẩn đoán xác định nguyên nhân dẫn đến u tinh hoàn.

Việc thăm khám có thể bao gồm nhìn, sờ tinh hoàn. Bác sĩ cũng có thể chiếu sáng qua da để xem có sự tích tụ dịch bất thường ở tinh hoàn hay không.

Các xét nghiệm có thể được thực hiện bao gồm các hình ảnh học, ví dụ như siêu âm để kiểm tra các khối u. Xét nghiệm máu và sinh thiết có thể được thực hiện để đánh giá các nguyên nhân khác như viêm tinh hoàn hay ung thư tinh hoàn.

Phương pháp điều trị u tinh hoàn

Kế hoạch điều trị u tinh hoàn sẽ khác nhau, tùy thuộc vào nguyên nhân gây u tinh hoàn.

Giãn tĩnh mạch thừng tinh (Varicocele)

Cơn đau do giãn tĩnh mạch thừng tinh thường tự giảm bớt mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê đơn các thuốc giảm đau hoặc khuyên bạn sử dụng một vài loại thuốc giảm đau không cần kê đơn.

Trong trường hợp cảm giác đau tái phát, gây khó chịu, bạn có thể cần phẫu thuật để giảm sự tắc nghẽn. Phẫu thuật có thể bao gồm việc buộc các tĩnh mạch bị ảnh hưởng hoặc chuyển hướng dòng máu đến tĩnh mạch thông qua phương pháp khác.

Tràn dịch màng tinh hoàn (Hydrocele)

Điều trị u tinh hoàn do tràn dịch màng tinh thông thường tự khỏi khi trẻ được 2 tuổi. Tuy nhiên, việc điều trị cũng có thể liên quan đến phẫu thuật, bao gồm việc rạch ở bìu để dẫn lưu chất lỏng dư thừa.

U nang mào tinh hoàn (Epididymal cyst)

U nang mào tinh hoàn không cần điều trị trừ khi nó gây đau hoặc khó chịu. Việc điều trị có thể bằng phẫu thuật loại bỏ u nang và bịt kín bìu.

Xoắn tinh hoàn (Testicular torsion)

Xoắn tinh hoàn cần được phẫu thuật ngay lập tức để tháo xoắn và phục hồi lưu lượng máu. Tinh hoàn có thể hỏng nếu bạn không được điều trị tháo xoắn trong vòng 6 giờ, nếu tinh hoàn hỏng, bác sĩ sẽ phẫu thuật để loại bỏ tinh hoàn.

U tinh hoàn là gì? Có phải tất cả u tinh hoàn đều ác tính hay không? 6
Xoắn tinh hoàn là một tình huống cấp cứu y khoa, cần được điều trị ngay lập tức

Viêm mào tinh hoàn và viêm tinh hoàn (Epididymitis and orchitis)

Bác sĩ có thể điều trị nhiễm trùng ở mào tinh hoặc tinh hoàn bằng kháng sinh nếu nguyên nhân viêm là do vi khuẩn.

Thoát vị (Hernia)

Thoát vị thường được điều trị bằng phẫu thuật.

Ung thư tinh hoàn (Testicular cancer)

Ung thư tinh hoàn được điều trị bằng phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và các phương pháp khác. Quá trình điều trị cụ thể sẽ phụ thuộc vào việc phát hiện ung thư sớm hay muộn và các yếu tố khác. Phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn có thể giúp ngăn chặn ung thư lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của u tinh hoàn

Chế độ sinh hoạt:

Để hạn chế diễn tiến của u tinh hoàn, bạn nên thực hiện các việc sau:

  • Nên đến khám sớm ngay khi phát hiện các dấu hiệu của khối u tinh hoàn.
  • Tuân thủ theo chẩn đoán và điều trị của bác sĩ để giảm đau và hạn chế diễn tiến bệnh.

Bạn cũng có thể tự kiểm tra tinh hoàn của bản thân để có thể phát hiện và điều trị sớm u tinh hoàn, các biện pháp tự kiểm tra như:

  • Đứng trước gương;
  • Nhìn xem tinh hoàn có vết sưng tấy nào ở da không;
  • Đặt hai ngón tay (ngón cái và ngón trỏ) của mỗi bàn tay ở tinh hoàn, ngón cái đặt ở trên;
  • Di chuyển từng tinh hoàn giữa các ngón tay và ngón cái một cách nhẹ nhàng để kiểm tra xem có cục u không.

Chế độ dinh dưỡng:

Không có chế độ ăn nào đặc biệt cho tình trạng u tinh hoàn. Bạn hãy duy trì một chế độ ăn lành mạnh, hoặc tuân thủ theo chế độ ăn liên quan đến các bệnh lý nền (nếu có) mà bạn mắc phải.

Phương pháp phòng ngừa u tinh hoàn hiệu quả

Không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa được u tinh hoàn bởi nhiều nguyên nhân khác nhau không thể ngăn ngừa. Tuy nhiên, hãy thường xuyên kiểm tra tinh hoàn như đã hướng dẫn ở trên để có thể phát hiện sớm u tinh hoàn. Một số cách có thể thực hiện để ngăn ngừa nguyên nhân do vi khuẩn hoặc virus như:

  • Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để giúp ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tinh dục.
  • Tiêm vaccine phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn có thể gây ra viêm mào tinh hoàn.
U tinh hoàn là gì? Có phải tất cả u tinh hoàn đều ác tính hay không? 7
Sử dụng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lý lây qua đường tình dục
Nguồn tham khảo
  1. Non-cancerous tumours and conditions of the testicle: https://cancer.ca/en/cancer-information/cancer-types/testicular/what-is-testicular-cancer/non-cancerous-tumours
  2. Testicular Adenomatoid Tumor Pathology: https://emedicine.medscape.com/article/1743592-overview#a2
  3. Lump on Testicle (Scrotal Masses): https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/21026-scrotal-masses
  4. What You Should Know About Testicle Lumps: https://www.healthline.com/health/testicle-lump
  5. What can cause a testicle lump? https://www.medicalnewstoday.com/articles/321980

Các bệnh liên quan

  1. Mất kinh

  2. Không có âm đạo

  3. Đau bụng kinh

  4. Tinh hoàn lạc chỗ

  5. Xuất tinh muộn

  6. Hội chứng Kallmann

  7. Ứ dịch vòi trứng

  8. Rong kinh

  9. Hội chứng nam hóa

  10. Đau tinh hoàn