Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vỡ tử cung: Tai biến sản khoa có thể gây tử vong cho mẹ và thai nhi

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Năm tai biến sản khoa nguy hiểm gồm: Vỡ tử cung, rau bong non, băng huyết sau sinh, uốn ván rốn sơ sinh và nhiễm trùng hậu sản. Nhờ vào tiến bộ y học hiện đại cùng với sự chăm sóc thai kỳ được mở rộng nên hiện nay đã hạn chế các thủ thuật thô bạo, chỉ định mổ lấy thai kịp thời nên tỷ lệ vỡ tử cung đã giảm đi nhiều.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Vỡ tử cung là gì? 

Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa nguy hiểm có thể gây tử vong mẹ và thai nhi. Vỡ tử cung có triệu chứng điển hình do sự vỡ tất cả các lớp của tử cung mà không phải do phẫu thuật, thường kèm chảy máu, có thể tống xuất một phần hoặc tất cả các phần thai vào ổ bụng.

Vỡ tử cung có thể gặp trong 2 thời kỳ: Thời kỳ thai nghén (thường ít gặp) hoặc trong thời kỳ chuyển dạ.

Các hình thái lâm sàng trong vỡ tử cung:

  • Vỡ tử cung hoàn toàn: Tử cung bị tổn thương toàn bộ các lớp từ niêm mạc, đến cơ tử cung và phúc mạc. Thường thai và rau bị đẩy vào trong ổ bụng.

  • Vỡ tử cung dưới phúc mạc: Tử cung bị tổn thương lớp niêm mạc và cơ, lớp phúc mạc còn nguyên vẹn. Thai và rau vẫn nằm trong tử cung.

  • Vỡ tử cung phức tạp: Giống với vỡ tử cung hoàn toàn nhưng kèm theo các tổn thương tạng xung quanh như bàng quang, niệu quản, mạch máu, đại - trực tràng,…

  • Vỡ tử cung ở người có sẹo mổ cũ: Thường vết mổ bị nứt một phần, ít chảy máu. Nhiều khi chỉ chẩn đoán được khi mổ lấy thai hoặc khi kiểm soát tử cung.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của vỡ tử cung

Vỡ tử cung trong thời kỳ thai nghén

  • Vỡ tử cung có thể xảy ra ở bất kỳ tuổi thai nào. Sản phụ cảm thấy đau chói vùng hạ vị đột ngột (tự nhiên hoặc sau chấn thương vùng bụng), nhất là chỗ mổ cũ, có thể ra huyết âm đạo.
  • Sản phụ choáng nhẹ hay nặng tùy theo mức độ mất máu.
  • Tử cung: Có điểm đau chói vùng vết mổ cũ hoặc sờ thấy mất ranh giới tử cung bình thường. Có thể thai nằm trong ổ bụng. Không còn hoạt động tim thai.
  • Xuất huyết âm đạo, ngôi thai thay đổi.
  • Nước ối có màu đỏ.
  • Ấn đau vùng vết mổ.

Vỡ tử cung trong thời kỳ chuyển dạ

Dọa vỡ tử cung trong thời kỳ chuyển dạ: 

  • Chỉ xảy ra trên tử cung không có sẹo mổ cũ. 

  • Sản phụ đau nhiều do cơn co tử cung mau và mạnh.

  • Tử cung co thắt hình quả bầu nậm.

  • Xuất hiện vòng Bandl (chỗ thắt thành vòng giữa đoạn dưới và thân tử cung) lên cao. 

  • Thai suy: Tim đập nhanh, hoặc chậm, hoặc không đều.

Vỡ tử cung:

  • Sản phụ có dấu dọa vỡ, đau nhói đột ngột sau đó bớt đau nhưng tổng trạng xấu dần.

  • Choáng: Da xanh, niêm nhạt, mạch nhanh nhẹ khó bắt, tụt huyết áp, tay chân lạnh.

  • Xuất huyết âm đạo.

  • Nước tiểu có thể có màu đỏ.

  • Tim thai không còn hoạt động.

  • Mất cơn co tử cung.

  • Sờ thấy phần thai dưới da bụng.

  • Tử cung không còn dấu hiệu vòng Bandl.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh vỡ tử cung

Tử vong mẹ và thai: Nếu không được xử trí kịp thời, nhất là vỡ tử cung xảy ra ở các tuyến không có khả năng phẫu thuật.

Cắt tử cung: Tỷ lệ cắt tử cung cao ở những trường hợp vỡ tử cung.

Tổn thương tạng: Có thể tổn thương bàng quang, niệu quản, mạch hạ vị, đại – trực tràng khi vỡ tử cung và trong khi phẫu thuật xử trí vỡ tử cung.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến vỡ tử cung

Nguyên nhân chủ yếu gây vỡ tử cung là do vết mổ cũ trên tử cung bị nứt ra. Nứt vết mổ cũ có thể xảy ra từ rất sớm hay lúc gần chuyển dạ, chuyển dạ vì sẹo mổ là chủ yếu của tử cung. Rất nhiều trường hợp kể cả lúc đã mổ bụng không nhìn thấy sẹo mổ cũ. Nó chỉ được phát hiện bằng cách nhuộm đặc biệt (gieson) và qua kính hiển vi mới thấy vết sẹo co dúm lại, ở đó có sự tăng sinh tổ chức liên kết (connective tissue) thay các thớ cơ tử cung nên mất độ chun dãn.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) vỡ tử cung?

  • Người đã mổ lấy thai ở thân tử cung.

  • Mổ lấy thai từ hai lần trở lên (sẹo mổ ngang đoạn dưới tử cung trước đó, số lần mổ càng nhiều càng làm tăng nguy cơ vỡ tử cung).

  • Mổ cắt góc tử cung trong phẫu thuật điều trị mang thai ngoài tử cung ở sừng.

  • Mổ lấy thai bị nhiễm khuẩn tại vết mổ hoặc tử cung.

  • Phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung (nếu u xơ tử cung ăn vào nội mạc tử cung).

  • Khâu lỗ thủng tử cung sau nạo phá thai.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) vỡ tử cung

Thai nhi:

  • Thai to;
  • Thai bị dị dạng, dính nhau hay não úng thủy;
  • Do các ngôi bất thường của thai (ngôi ngược, ngôi ngang), kiểu thế bất thường hoặc cúi không tốt.

Sản phụ:

  • Có khung chậu bất thường;
  • Tử cung bị dị dạng;
  • Cơn co tử cung cường tính;
  • Do can thiệp thủ thuật không đúng chỉ định, không đúng kỹ thuật;
  • Làm thủ thuật quá thô bạo.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán vỡ tử cung

Bác sĩ chẩn đoán vỡ tử cung bằng cách khám thực thể lâm sàng, khai thác tiền sử và làm các xét nghiệm để chuẩn đoán. Các triệu chứng cận lâm sàng có thể giúp chẩn đoán vỡ tử cung: Siêu âm, công thức máu. 

Phương pháp điều trị vỡ tử cung hiệu quả

Dọa vỡ tử cung

  • Lập đường truyền tĩnh mạch với NaCl 0,9% hoặc Ringer Lactat;
  • Thông tiểu;
  • Mổ lấy thai cấp cứu.

Vỡ tử cung

Hồi sức nội khoa:

  • Đánh giá và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: Mạch, huyết áp, nhịp thở.

  • Cho sản phụ nằm đầu thấp, ủ ấm, thở oxy.

  • Lập đường truyền tĩnh mạch, bù khối lượng tuần hoàn bằng truyền dịch đẳng trương Ringer lactat, Natrichlorua 0,9%; dung dịch cao phân tử như Gelafuldin, Heasteril; truyền máu và các chế phẩm của máu.

  • Kháng sinh liều cao.

  • Thông tiểu và theo dõi lượng nước tiểu.

Phẫu thuật:

  • Mổ lấy thai nếu không đủ điều kiện lấy thai đường âm đạo.

  • Tùy tổn thương tử cung và nguyện vọng sinh đẻ của sản phụ mà quyết định cắt tử cung hay bảo tồn tử cung.

  • Chỉ bảo tồn tử cung khi điều kiện cho phép: Người bệnh trẻ tuổi muốn còn sinh đẻ, vết rách mới, gọn không nham nhở.

  • Phẫu thuật cắt tử cung bán phần hoặc hoàn toàn. Nếu có tổn thương cổ tử cung thì nên cắt tử cung hoàn toàn.

  • Kiểm tra kỹ các tạng liên quan để xử trí các tổn thương kịp thời tránh bỏ sót, nhất là niệu quản và bàng quang.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của vỡ tử cung

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa vỡ tử cung hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Quản lý thai kỳ, đối với các thai kỳ có nguy cơ cao như có vết mổ ở tử cung, bất tương xứng thai khung chậu,… cần khám thai ở các cơ sở y tế và tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

  • Sử dụng thuốc tăng co tử cung đúng chỉ định và liều lượng.

  • Đối với phụ nữ có vết mổ trên cơ tử cung nên biện pháp tránh thai ít nhất 1 năm.

  • Đối với các thai kỳ có chỉ định mổ lấy thai nên được mổ chủ động hoặc ngay khi bắt đầu có chuyển dạ.
Nguồn tham khảo

Quyết định số 315/QĐ-BYT ngày 29/01/2015 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh sản phụ khoa.

Các bệnh liên quan