Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cơn gò chuyển dạ giả: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cơn gò chuyển dạ giả được cảm nhận khi mang thai và có thể bị nhầm lẫn với các cơn gò chuyển dạ thực sự. Không giống như chuyển dạ thực sự, cơn gò chuyển dạ giả có tần suất không đều, ít dữ dội hơn, chúng thường được cảm nhận vào tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba của thai kỳ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Cơn gò chuyển dạ giả là gì?

Trước khi bắt đầu chuyển dạ, bạn có thể có các cơn co thắt chuyển dạ giả, còn được gọi là cơn gò Braxton Hicks. Những cơn gò tử cung bất thường này là hoàn toàn bình thường và có thể bắt đầu trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba của thai kỳ, vào cuối thai kỳ, tần suất xuất hiện sẽ ngày càng nhiều hơn.

Các cơn gò chuyển dạ giả đều xuất hiện ở tất cả các trường hợp mang thai. Các cơn co gò chuyển dạ giả là một phần bình thường của thai kỳ. Tuy nhiên, trải nghiệm của mỗi người phụ nữ là khác nhau. Chúng có thể gây cảm giác khó chịu, nhưng chúng không gây đau đớn. Sản phụ mô tả các cơn gò chuyển dạ giả giống như cảm giác như bị đau bụng kinh nhẹ hoặc co thắt ở một vùng của bụng, cơn gò đến rồi đi nhanh. Chúng thường xuất hiện khi thay đổi tư thế và giảm khi nghỉ ngơi. Bạn có thể nói chuyện, đi lại và thực hiện các hoạt động bình thường trong các cơn gò chuyển dạ giả.

Các cơn gò chuyển dạ giả không đều về thời gian và cường độ, xảy ra không thường xuyên đồng thời gây cảm giác khó chịu hơn là đau đớn. Các cơn gò chuyển dạ giả không tăng về tần suất, thời gian hoặc cường độ. Ngược lại, trong các cơn gò chuyển dạ thực sự, có thể khó nói chuyện hoặc khó đi lại, đau đớn hơn, tăng dần về tần suất, thời gian, cường độ và lên đến đỉnh điểm khi sinh con. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của cơn gò chuyển dạ giả

Có một số khác biệt giữa các cơn gò chuyển dạ giả và các cơn gò chuyển dạ thực sự. Bác sĩ hoặc nữ hộ sinh sẽ đánh giá tình trạng của bạn để chẩn đoán xem bạn có chuyển dạ thực sự hay không. Nếu chuyển giả thực sự, bác sĩ sẽ chuẩn bị các bước cần thiết tiếp theo để chuẩn bị cho quá trình sinh con của bạn.

Cơn gò chuyển dạ giả:

  • Không mở nhưng làm giãn cổ tử cung của bạn;
  • Thường kéo dài khoảng 30 giây;
  • Có thể gây cảm giác khó chịu, nhưng thường không gây đau;
  • Thường xảy ra không quá một hoặc hai lần một giờ, vài lần một ngày cho đến cuối thai kỳ của bạn;
  • Thường giảm khi bạn nghỉ ngơi hoặc tắm với nước ấm.

Các cơn gò chuyển dạ thực sự:

  • Mở hoặc làm giãn cổ tử cung của bạn;
  • Kéo dài 30 đến 70 giây;
  • Đau và mức độ đau tăng dần;
  • Các cơn gò dày đặc hơn khi càng gần đến lúc chuyển dạ;
  • Xuất hiện thường xuyên hơn khi bạn đi bộ.

Ngoài cơn gò chuyển dạ, còn có những nguyên nhân khác gây đau bụng khi mang thai. Một số lý do thông thường gây đau bụng khi mang thai, ngoài các cơn gò chuyển dạ giả và các cơn gò chuyển dạ thực sự, bao gồm:

  • Đau dây chằng tròn hoặc cảm giác đau nhói ở vùng bụng dưới hoặc vùng háng ở một hoặc cả hai bên.
  • Táo bón cũng có thể là nguyên nhân gây đau bụng.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản.

Các trường hợp đau bụng là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế ngay lập tức bao gồm:

  • Có thai ngoài tử cung.
  • Nhau bong non: Triệu chứng chính của nhau bong non là cơn đau dữ dội và liên tục khiến tử cung trở nên cứng trong thời gian dài mà không thuyên giảm.
  • Các triệu chứng nhiễm trùng tiết niệu bao gồm đau và khó chịu ở vùng bụng dưới cũng như cảm giác nóng rát khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên.
  • Tiền sản giật là tình trạng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ và đặc trưng bởi huyết áp cao và protein trong nước tiểu, đau bụng trên, thường là dưới xương sườn bên phải.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu thai phụ không chắc chắn liệu mình có đang gặp phải cơn gò chuyển dạ giả hay một tình trạng nào khác hay không, cần phải liên hệ ngay với bác sĩ. Bác sĩ sẽ tư vấn và khám lâm sàng để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng mà bạn đang mắc phải.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến cơn gò chuyển dạ giả

Nguyên nhân chính xác của các cơn gò chuyển dạ giả vẫn chưa được biết rõ. Các cơn gò chuyển dạ giả được cho là có vai trò làm săn chắc cơ tử cung để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Đôi khi các cơn gò chuyển dạ giả được gọi là "thực hành chuyển dạ". Các gò này không làm cổ tử cung giãn ra nhưng có thể có vai trò làm mềm cổ tử cung.

Sự co bóp không liên tục của cơ tử cung cũng có thể đóng vai trò thúc đẩy lưu lượng máu đến nhau thai. Sự hiện diện của các cơn gò chuyển dạ giả khiến máu chảy lên màng đệm ở phía thai nhi. Từ đó máu giàu oxy đi vào tuần hoàn của thai nhi.

Nguy cơ

Những ai có thể mắc phải cơn gò chuyển dạ giả?

Thai phụ bị mất nước (có thể do uống quá ít nước hoặc ốm nghén nặng gây mát nước) là đối tượng có khả năng gặp phải cơn gò chuyển dạ giả.

Cơn gò chuyển dạ giả: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa 4
Ốm nghén nặng có thể gây mất nước dẫn đến xuất hiện các cơn gò chuyển dạ giả

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải cơn gò chuyển dạ giả

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc cơn gò chuyển dạ giả bao gồm:

  • Sau lao động nặng;
  • Sau quan hệ tình dục;
  • Bàng quang đầy nước tiểu.

Điểm chung giữa tất cả các yếu tố này là gây căng thẳng cho thai nhi và cơ thể sản phụ sẽ đáp ứng lại bằng cách xuất hiện các cơn gò chuyển dạ giả để tăng lưu lượng máu đến nhau thai và cung cấp oxy cho thai nhi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán cơn gò chuyển dạ giả

Chẩn đoán các cơn gò chuyển dạ giả không cần thực hiện các xét nghiệm. Bác sĩ sẽ thăm khám tử cung, khám bụng và hỏi triệu chứng của cơn gò đã có thể chẩn đoán được đây là cơn gò chuyển dạ giả hay con gò chuyển dạ thực sự. Đánh giá sự hiện diện của các cơn gò chuyển dạ giả dựa trên việc đánh giá vùng bụng của bà bầu, đặc biệt là sờ nắn các cơn gò ở vùng bụng và khám cổ tử cung.

Cơn gò chuyển dạ giả: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa 5
Bác sĩ chẩn đoán cơn gò chuyển dạ giả thông qua hỏi bệnh và khám lâm sàng

Phương pháp điều trị cơn gò chuyển dạ giả

Vào giữa thai kỳ, bác sĩ nên tư vấn về những gì sản phụ có thể trải qua trong thời gian còn lại của thai kỳ. Các cơn gò chuyển dạ giả là một trong những hiện tượng bình thường mà phụ nữ có thể gặp phải. Nói với thai phụ về các cơn gò chuyển dạ giả sẽ giúp cô ấy được hiểu rõ và giảm bớt lo lắng nếu chúng xảy ra.

Không có phương pháp điều trị y tế nào cho các cơn co gò chuyển dạ giả. Tuy nhiên, việc thực hiện các phương pháp để hạn chế gây ra các cơn gò chuyển dạ giả là điều cần thiết để giảm bớt khó chịu cho thai phụ. Một số phương pháp để giảm bớt các cơn gò chuyển dạ giả bao gồm:

  • Giảm mức độ hoạt động của thai phụ: Nếu thai phụ hoạt động nhiều, hãy dành thời gian nằm xuống nghỉ ngơi; Nếu đã ngồi lâu, có thể đứng lên đi dạo từ 5-10 phút.
  • Thư giãn: Tắm nước ấm, mát-xa, đọc sách, nghe nhạc hoặc thiền.
  • Uống nhiều nước: Ngăn ngừa mất nước.

Nếu những hành động này không làm giảm các cơn gò chuyển dạ giả hoặc nếu các cơn gò tiếp tục và trở nên thường xuyên hơn hoặc dữ dội hơn thì nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám.

Ngoài ra, hãy liên hệ ngay lập tức với bác sĩ nếu có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Chảy máu âm đạo;
  • Rò rỉ dịch từ âm đạo;
  • Các cơn gò mạnh lặp lại liên tục mỗi 5 phút;
  • Những cơn gò khiến thai phụ không thể đi lại hoặc nói chuyện được.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của cơn gò chuyển dạ giả

Chế độ sinh hoạt:

  • Đi dạo hoặc di chuyển khoảng 5-10 phút nếu bạn đã ngồi trong một thời gian dài.
  • Nằm xuống và nghỉ ngơi nếu bạn xuất hiện cơn gò chuyển dạ.
  • Uống nước ít nhất 2 lít/ngày.
  • Không nên nhịn tiểu.
  • Làm điều gì đó thư giãn như tập thiền, tập yoga, nói chuyện tâm sự với gia đình.
Cơn gò chuyển dạ giả: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa 6
Uống đủ nước trong ngày giúp sản phụ hạn chế xuất hiện các cơn gò chuyển dạ giả

Chế độ dinh dưỡng:

Đối với bất kì thai phụ nào, việc bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng là rất quan trọng. Bên cạnh đó, hãy liên hệ với chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn tốt nhất cho bạn và thai nhi.

Phương pháp phòng ngừa cơn gò chuyển dạ giả hiệu quả

Để phòng ngừa cơn gò chuyển dạ giả hiệu quả bạn cần phải:

  • Uống đủ nước;
  • Quản lý căng thẳng;
  • Thực hiện bài tập thư giãn, tập hít thở chậm và sâu;
  • Làm việc và nghỉ ngơi hợp lý;
  • Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu có bất kỳ lo lắng nào về tình trạng của bản thân;
  • Tham gia các lớp học tiền sản để có đủ kiến thức trong quá trình mang thai.
Cơn gò chuyển dạ giả: Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa 7
Sản phụ nên tham gia các lớp học tiền sản để có đủ kiến thức trong quá trình mang thai
Nguồn tham khảo
  1. Braxton Hicks Contractions: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470546/
  2. Braxton Hicks contractions: https://www.pregnancybirthbaby.org.au/braxton-hicks-contractions
  3. Braxton Hicks contractions: https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/22965-braxton-hicks
  4. Braxton Hicks Contractions – Causes, Symptoms & Pain Relief: https://americanpregnancy.org/healthy-pregnancy/labor-and-birth/braxton-hicks/
  5. Braxton Hicks Contractions: https://www.babycenter.com/pregnancy/your-body/braxton-hicks-contractions_156

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư buồng trứng

  2. Băng huyết sau sinh

  3. Bướu sợi tuyến Birads 4

  4. Nhau cài răng lược

  5. suy thai

  6. Lãnh cảm

  7. Đau bụng kinh

  8. Hội chứng HELLP

  9. Rong kinh

  10. Nhau bong non