Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược chất/
  3. Aminobenzoic acid

Aminobenzoic acid: Tác nhân chống nắng dùng để bảo vệ da

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Para-aminobenzoic acid (PABA) hay Acid para-aminobenzoic

Loại thuốc

Thuốc chống nắng

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch 5% trong ethanol (bôi ngoài da)

Viên nén 500mg

Viên nang 60mg; 500mg

Thuốc bột 2g

Chỉ định

Dạng dùng ngoài:

Ngăn ngừa cháy nắng.

Dạng uống:

Bệnh Peyronie: PABA được FDA chấp thuận.

Xơ cứng da: Mặc dù PABA được FDA chấp nhận cho trường hợp xơ cứng da, nhưng chỉ có một số bằng chứng cho thấy nó có hiệu quả. Không phải tất cả các nghiên cứu đều cho thấy lợi ích.

Khi được sử dụng một cách thích hợp, các sản phẩm có chứa PABA có thể làm giảm tỷ lệ mắc một số loại ung thư da.

Dược lực học

Acid para-aminobenzoic dùng dưới dạng bôi ngoài da làm thuốc chống nắng. Khi bôi ngoài da thuốc hấp thụ tốt các bức xạ suốt dải cực tím UVB (280 - 310 nm) nhưng không hấp thụ hoặc hấp thụ rất ít bức xạ cực tím UVA (310 - 400 nm).

Các bức xạ bước sóng trung bình UVB gây cháy nắng và góp phần vào những biến đổi lâu dài gây ung thư và lão hóa da. Các bức xạ bước sóng dài UVA gây rám nắng trực tiếp và ít ban đỏ nhưng lại gây tác hại lâu dài như lão hóa da hoặc ung thư da.

Như vậy các thuốc chống nắng chứa aminobenzoat có thể dùng để ngăn ngừa cháy nắng nhưng có lẽ không ngăn ngừa được các phản ứng ở da do thuốc hay mẫn cảm với bức xạ UVA; tuy nhiên nếu phối hợp với một benzophenon cũng có thể phần nào bảo vệ chống những phản ứng cảm quang này.

Chống nắng:

PABA có thể hấp thụ tia cực tím (UV) - đặc biệt là tia UVB , có liên quan đến cháy nắng và tổn thương ADN.

Do đó, nó là một thành phần quan trọng trong kem chống nắng bắt đầu từ những năm 1940 nhưng sau đó có liên quan đến các phản ứng dị ứng trên da ở một số người.

Kể từ năm 2019, PABA không còn được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) công nhận là an toàn và hiệu quả để sử dụng trong kem chống nắng.

Rối loạn về da:

Bên cạnh việc bảo vệ chống lại tia UV, PABA còn được cho là có thể giúp giải quyết các vấn đề về da liên quan đến da cứng, tích tụ mô và đổi màu - mặc dù cơ chế vẫn chưa rõ ràng.

Chăm sóc tóc:

Một trong những công dụng sớm nhất của chất bổ sung PABA là giúp đẩy lùi chứng tóc bạc sớm. Nó vẫn được sử dụng cho mục đích này ngày nay và nhiều cá nhân cho thấy nó có hiệu quả mặc dù thiếu nghiên cứu.

Các nghiên cứu trong những năm 1940 và 50 đã phát hiện ra rằng dùng PABA với liều lượng hàng ngày từ 200 mg đến 24 gam có tác dụng đen tóc và giúp tóc bạc trở lại màu ban đầu.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là một số nghiên cứu cho thấy tóc bạc trở lại sau khi những người tham gia ngừng bổ sung.

Bệnh Peyronie:

Kali para-aminobenzoate là một chất chống xơ hóa đã được sử dụng trong nhiều tình trạng bệnh. Nó được cho là làm tăng mức monoamine oxidase trong mô, do đó làm giảm mức serotonin, chất được cho là góp phần hình thành sẹo.

Một thử nghiệm cho thấy lợi ích so với giả dược trong việc giảm kích thước mảng bám và / hoặc độ cong dương vật. Tuy nhiên, trong số 51 bệnh nhân được điều trị ngẫu nhiên, 28 bệnh nhân chấm dứt điều trị do tác dụng phụ hoặc không tuân thủ.

Trao đổi chất

Acid para-aminobenzoic được hấp thu qua da và khuếch tán vào lớp sừng, dự trữ ở đó và phát huy tác dụng chống nắng. Thuốc rất ít hấp thu toàn thân.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Dạng dùng ngoài: Dùng phối hợp với benzophenon có thể làm tăng tác dụng bảo vệ của thuốc đối với các phản ứng cảm quang.

PABA làm giảm hiệu quả của kháng sinh sulfamid, bao gồm: sulfamethoxazole (Gantanol), sulfasalazine (Azulfidine), sulfisoxazole (Gantrisin) và trimethoprim/sulfamethoxazole (Bactrim, Septra), mức độ nặng, tránh phối hợp.

PABA có thể làm giảm hiệu quả của dapsone (Avlosulfon) trong điều trị nhiễm trùng, mức độ nặng, tránh phối hợp.

PABA có thể làm giảm tốc độ phân hủy cortisone của cơ thể. Dùng PABA bằng đường uống và cortisone đường tiêm có thể làm tăng tác dụng và tác dụng phụ của cortisone: mức độ trung bình, cẩn trọng khi phối hợp.

Tương kỵ thuốc

Tác dụng của acid para-aminobenzoic trong dung dịch ethanol mạnh hơn so với tác dụng của nhiều thuốc chống nắng khác, và có tác dụng bảo vệ ngay cả khi có mồ hôi; nhưng nếu ngâm nước thì tác dụng bảo vệ bị giảm đi rất nhiều.

Acid para-aminobenzoic tan trong ethanol theo tỷ lệ 1 : 8.

Chống chỉ định

Người bệnh quá mẫn với acid para-aminobenzoic.

Người bệnh đã từng mẫn cảm với ánh sáng.

Người bệnh có tiền sử mẫn cảm với các thuốc tương tự về mặt hóa học như: Sulphonamid, các thuốc lợi niệu thiazid, một số thuốc gây tê nhất là benzocain, các chất bảo quản và các thuốc nhuộm.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Dạng bôi:

Chống nắng bằng PABA nồng độ từ 1% đến 15%. Bôi ngoài, trên vùng da cần ngăn ngừa cháy nắng. Để phát huy tối đa hiệu quả, nên bôi thuốc trước khi ra nắng khoảng 1 - 2 giờ.

Đường uống:

Điều trị bệnh Peyronie: 12 gam mỗi ngày chia làm bốn lần, uống cùng với các bữa ăn, thời gian điều trị từ 8 đến 24 tháng.

Trẻ em

Dạng bôi:

Chống nắng bằng PABA nồng độ từ 1% đến 15% bôi ngoài da.

Tác dụng phụ

Hiếm gặp

Đã có báo cáo rằng PABA làm tăng nguy cơ cháy nắng ở một số người.

Không xác định tần suất

Bôi thuốc tại chỗ có thể gây viêm da do tiếp xúc hay viêm da do ánh sáng. Đôi khi có thể xảy ra buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, chán ăn, sốt, nhiễm độc gan, phát ban.

Lưu ý

Lưu ý chung

Acid para-aminobenzoic không có tác dụng phòng ngừa các phản ứng liên quan đến thuốc hoặc các phản ứng cảm quang khác do ánh sáng UVA gây ra.

Acid para-aminobenzoic có thể gây vết ố trên vải.

Ngừng điều trị nếu tình trạng chán ăn xảy ra và bắt đầu ddieuf trị lại khi cảm giác thèm ăn được cải thiện

Ngừng điều trị nếu buồn nôn xảy ra và bắt đầu điều trị lại khi tình trạng được cải thiện

Thận trọng khi sử dụng cho người bệnh có đái tháo đường, tình trạng hạ đường huyết hoặc bệnh thận.

Lưu ý với phụ nữ có thai

PABA an toàn khi thoa lên da, không khuyên dùng PABA đường uống cho đối tượng này vì sự an toàn chưa rõ.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

PABA an toàn khi thoa lên da, không khuyên dùng PABA đường uống cho đối tượng này vì sự an toàn chưa rõ.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Chưa có báo cáo.

Quá liều

Quá liều và độc tính

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng với PABA hoặc quá liều PABA bao gồm:

  • Bệnh tiêu chảy
  • Chóng mặt
  • Kích ứng mắt nếu nó chạm vào mắt
  • Sốt
  • Suy gan
  • Buồn nôn ói mửa
  • Phát ban (trong các phản ứng dị ứng)
  • Khó thở
  • Thở chậm lại
  • Choáng váng (thay đổi tư duy và giảm mức độ ý thức)
  • Hôn mê (không phản ứng)

Lưu ý: Hầu hết các phản ứng PABA là do phản ứng dị ứng, không phải dùng quá liều.

Cách xử lý khi nghi ngờ dị ứng

Tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức. Không gây nôn trừ khi kiểm soát chất độc hoặc một nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe yêu cầu bạn. Nếu hóa chất dính trên da hoặc vào mắt, hãy rửa với nhiều nước trong ít nhất 15 phút.

Nếu nuốt phải hóa chất, hãy cho người đó uống nước hoặc sữa ngay lập tức, trừ khi nhà cung cấp dịch vụ nói với bạn là không nên. Không cho uống bất cứ thứ gì nếu người bệnh có triệu chứng khó nuốt hay nôn mửa, co giật hoặc giảm mức độ tỉnh táo.

Nguồn tham khảo