Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Boron (Bo) - Khoáng chất tốt cho cơ thể

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Boron

Loại thuốc

Vitamin và khoáng chất.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 1,5 mg, 2,6 mg, 5 mg, 6 mg.

Viên nang: 2 mg, 3 mg, 5 mg, 6 mg.

Chỉ định

Bổ sung Boron ở người thiếu hụt.

Giảm đau bụng kinh.

Giúp xương chắc khỏe, giảm viêm xương khớp.

Dạng acid boric được dùng điều trị nhiễm nấm âm đạo hoặc bôi lên da ngăn ngừa nhiễm trùng.

Acid boric dùng sát khuẩn nhẹ trong trường hợp viêm mi mắt.

Dược lực học

Boron có nhiều trong đậu phộng, bơ đậu phộng, hạnh nhân, quả phỉ, rong biển, đậu nành, mùi tây, ca cao, rượu vang, nho khô, mận khô, táo, đào… Chỉ bổ sung thêm Boron trong trường hợp chế độ ăn uống không đủ chất. Sự thiếu hụt Boron đã được chứng minh là làm suy giảm chức năng não, suy giảm nhận thức và trí nhớ, ảnh hưởng nồng độ khoáng chất và chất điện giải, ảnh hưởng sự tạo hồng cầu và tạo máu, ảnh hưởng đến tính toàn vẹn và chức năng của màng, suy giảm các thụ thể hormone (bao gồm giảm độ nhạy insulin) và chức năng truyền tín hiệu, điều chỉnh viêm và phản ứng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Ngoài ra, các hợp chất Boron cũng được sử dụng để nâng cao tính chọn lọc tế bào của xạ trị. Theo một số nghiên cứu, Boron còn có tác dụng trung gian làm tăng nồng độ hormone steroid, dẫn đến tăng nồng độ estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh và nồng độ testosterone ở nam giới.

In vivo, Boron có liên quan đến sự hình thành, biệt hóa, hoạt động của nguyên bào xương và tế bào hủy xương. Ở người, Boron tương tác với các chất dinh dưỡng khác và đóng vai trò điều tiết trong quá trình chuyển hóa các khoáng chất (calci, magne, phospho…), sau đó là chuyển hóa xương.

Bên cạnh đó, acid boric (1 dạng của Boron) có thể được dùng như thuốc bôi da nhẹ, chống nhiễm trùng, dùng trong nhãn khoa và điều trị bệnh nấm Candida âm đạo tái phát và kháng thuốc.

Động lực học

Hấp thu

Các hợp chất chứa Boron có thể được hấp thu từ cả đường tiêu hóa và đường hô hấp. Ở người, sau khi uống 1 liều Boron, thuốc hấp thu dễ dàng và gần như hoàn toàn (95%). 

Phân bố

Sau khi uống, thuốc nhanh chóng phân bố vào máu và các mô cơ thể, tập trung nhiều ở xương, móng tay, răng.

Chuyển hóa

Chưa có báo cáo.

Thải trừ

Boron đào thải chủ yếu qua nước tiểu và một phần nhỏ qua mật, mồ hôi và hơi thở. Không có bằng chứng về sự tích lũy Boron theo thời gian.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Tránh bổ sung Boron ở những bệnh nhân đang ở tình trạng nhạy cảm với estrogen (ung thư vú, ung thư tử cung, ung thư buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung) và nên thận trọng khi sử dụng đồng thời với các sản phẩm chứa estrogen vì có thể làm tăng nồng độ hoặc tăng cường hoạt động của estrogen.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với Boron hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Phụ nữ có thai 4 tháng đầu thai kỳ không được dùng acid boric.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn (≥ 19 tuổi)

Bổ sung Boron: 20 mg/ngày.

Điều trị nấm Candida âm đạo: 600 mg acid boric x 1 – 2 lần/ngày trong 2 tuần.

Ngăn ngừa tái phát Candida âm đạo: 600 mg acid boric x 2 lần/tuần.

Trẻ em 

1 – 3 tuổi: 3 mg/ngày.

4 – 8 tuổi: 6 mg/ngày.

9 – 13 tuổi: 11 mg/ngày.

14 – 18 tuổi: 17 mg/ngày.

Hiệu quả và an toàn của thuốc chưa được xác định ở trẻ dưới 1 tuổi.

Đối tượng khác 

Phụ nữ có thai và cho con bú: 17 mg/ngày.

Tác dụng phụ

Hiếm gặp

Suy giảm chức năng thận (dùng liều cao); bỏng rát khi dùng dạng bôi âm đạo.

Không xác định tần suất 

Phân đổi màu xanh, tiêu chảy, đau bụng trên, buồn nôn, nôn mửa; viêm da.

Lưu ý

Lưu ý chung

Việc bổ sung Boron có thể làm thay đổi nồng độ phospho và magie huyết tương.

Sử dụng lâu dài acid boric bằng đường uống 1 g/ngày hoặc boric tartrate 15 g/ngày có thể dẫn đến sự hấp thu toàn thân gây viêm da, rụng tóc, chán ăn, ngủ lịm, khó tiêu. 

Đã có báo cáo bỏng âm hộ/âm đạo khi dùng acid boric kéo dài. Chỉ nên dùng acid boric dạng bôi âm đạo trong tối đa 6 tháng. Có thể xảy ra khó thở ở nam giới nếu giao hợp ngay sau khi điều trị qua đường âm đạo.

Boron thải trừ chủ yếu qua thận, cần đặc biệt chú ý khi sử dụng ở bệnh nhân suy giảm chức năng thận.

Không dùng acid boric lên vết thương hở hoặc trầy xước.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Chưa đủ dữ liệu về hiệu quả và an toàn của thuốc khi dùng cho phụ nữ có thai, nhưng có thể an toàn khi dùng Boron liều khuyến cáo đường uống. Không sử dụng acid boric đường âm đạo khi đang mang thai vì có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi trong 4 tháng đầu thai kỳ.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Chưa đủ dữ liệu về hiệu quả và an toàn của thuốc khi dùng cho phụ nữ cho con bú, nhưng có thể an toàn khi dùng Boron liều khuyến cáo đường uống. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Chưa có báo cáo.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng: Nhức đầu, kích ứng và bong tróc da, khó chịu đường tiêu hóa (tiêu chảy và nôn mửa, bồn chồn và khó chịu), buồn ngủ, suy nhược, run, tổn thương thận và gan, co giật, hôn mê hoặc tử vong.

Liều chết người tối thiểu của acid boric là 640 mg/kg/ngày.

Cách xử lý khi quá liều

Không có thuốc giải độc đặc hiệu cho ngộ độc Boron và chỉ có thể điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo

1. Drugs.com:

https://www.drugs.com/npp/boron.html

https://www.drugs.com/npc/boron.html

2. Drugbank online: https://go.drugbank.com/drugs/DB11203

3. WebMD: https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-894/boron

4. https://www.rxlist.com/consumer_boron/drugs-condition.htm

5. https://www.sciencedirect.com/topics/chemistry/boron-atom