Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nấm âm đạo: Nguyên nhân, phương pháp điều trị và phòng ngừa bệnh

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Âm đạo phụ nữ bình thường đều chứa lợi khuẩn và vi nấm Candida với lượng cân bằng. Khi gặp điều kiện thuận lợi, nấm Candida tăng sinh quá mức, phá vỡ sự cân bằng đó và gây kích ứng, tăng tiết dịch, viêm ngứa và đau rát vùng âm đạo. Đây là một bệnh lý khá phổ biến ở phụ nữ nhưng thường bị nhầm lẫn hoặc bỏ qua do chủ quan và có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Nấm âm đạo là gì? 

Bệnh nấm âm đạo hay còn gọi là viêm âm hộ - âm đạo do nấm men Candida (Vulvovaginal Candidiasis) là một bệnh nhiễm trùng âm đạo nội sinh rất thường gặp ở phụ nữ, do chủng nấm Candida gây ra mà chủ yếu (khoảng 90%) là loài Candida albicans.

Nấm âm đạo không lây qua quan hệ tình dục mà do sự phát triển quá mức của nấm Candida ký sinh tự nhiên trong âm đạo khi gặp những điều kiện thuận lợi như bệnh nhân đang sử dụng các thuốc làm suy giảm miễn dịch hoặc dùng kháng sinh phổ rộng kéo dài, đang mang thai, mắc bệnh đái tháo đường...

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của nấm âm đạo

Khi bị nấm âm đạo, bệnh nhân thường ngứa nhiều, cảm giác bỏng rát, dẫn đến gãi làm xây xước và phù nề niêm mạc âm hộ đồng thời khiến nấm lan rộng đến phần bẹn và tầng sinh môn. 

Khí hư nhiều hơn bình thường, màu trắng đục như váng sữa, dính chặt vào thành âm đạo nhưng không có mùi hôi. 

Có thể kèm theo đau khi giao hợp và tiểu khó.

Nam thường hiếm khi bị nhiễm nấm và cũng ít biểu hiện triệu chứng nếu bị nhiễm. Biểu hiện thường gặp là cảm giác ngứa và bỏng rát quy đầu; bao da và quy đầu đỏ, xuất hiện nhiều vết nứt rạn và nhiều chất nhầy màu trắng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến Nấm âm đạo

Bệnh nấm âm đạo do chủng nấm Candida gây ra. Trong đó, khoảng 90% trường hợp là do loài Candida albicans.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải nấm âm đạo?

Bệnh nấm âm đạo thường gặp ở đối tượng phụ nữ trong độ tuổi hoạt động tình dục (độ tuổi sinh sản). Nam giới cũng có nguy cơ mắc phải nhưng thường rất ít và hiếm khi biểu hiện triệu chứng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nấm âm đạo

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc Nấm âm đạo, bao gồm:

  • Bệnh đái tháo đường;

  • Sử dụng kháng sinh phổ rộng hoặc corticosteroid kéo dài;

  • Đang mang thai;

  • Thường xuyên mặc quần áo lót bó chặt, không thông thoáng;

  • Suy giảm miễn dịch;

  • Sử dụng dụng cụ đặt trong tử cung.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán nấm âm đạo

Lâm sàng

Dịch tiết điển hình: Thể chất đặc, màu trắng đục, giống như váng sữa.

Đo độ pH của âm đạo < 4,5.

Xét nghiệm

Lấy tế bào thành âm đạo, âm hộ làm tiêu bản soi tươi hoặc nhuộm gram rồi soi dưới kính hiển vi thấy bào tử nấm C.albicans đã nảy chồi hoặc giả sợi nấm.

Trong trường hợp không thể phân biệt rõ, có thể nuôi cấy trên môi trường thạch bột ngô hoặc thạch khoai tây rồi đem soi.

Phương pháp điều trị Nấm âm đạo hiệu quả

Vì nấm âm đạo không lây lan qua quan hệ tình dục nên không cần điều trị cho cả bạn tình của bệnh nhân, trừ trường hợp họ có triệu chứng bệnh. 

Viên đặt âm đạo 

  • Clotrimazole 100mg hoặc Miconazole 100mg, mỗi đêm đặt 1 viên và dùng liên tục trong 7 ngày, hoặc;

  • Clotrimazole 500mg, đặt 1 viên duy nhất, hoặc;

  • Econazole 150mg, đặt 1 viên mỗi đêm trong 3 ngày.

Thuốc uống

  • Fluconazol 150mg dùng liều duy nhất, hoặc;

  • Itraconazol 100mg uống 2 viên/ngày, dùng liên tục trong 3 - 5 ngày, hoặc;

  • Ketoconazol 100mg x 1 lần/ngày trong 6 tháng.

Lưu ý: Thận trọng khi chỉ định các thuốc kháng nấm đường uống cho bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan và định kỳ đánh giá chức năng gan, nhất là đối với thuốc Ketoconazol.

Dùng tại chỗ

  • Bôi thuốc tím Gentian 0,5%; 

  • Rửa bằng dung dịch betadin;

  • Thụt âm đạo bằng dung dịch Natri bicarbonate 1 - 2% hoặc bơm dung dịch Glyceryl borat 30%.

Chú ý: Không được uống rượu và không quan hệ tình dục trong khi uống thuốc điều trị nấm âm đạo. Không chỉ định thuốc cho phụ nữ có thai 3 tháng đầu.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của nấm âm đạo

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Nếu đang mắc bệnh đái tháo đường, cần thường xuyên theo dõi và dùng thuốc điều trị để giữ lượng đường trong máu ở mức ổn định.

  • Không mặc quần áo quá chật và không thông thoáng.

  • Hạn chế quan hệ tình dục trong thời gian điều trị bệnh. Nếu có, cần phải sử dụng bao cao su.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung tỏi, rau xanh và trái cây tươi chứa nhiều chất chống oxy hoá, vitamin A, B, C, E... và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

  • Sử dụng sữa chua đều đặn góp phần tạo môi trường thuận lợi cho lợi khuẩn phát triển và hạn chế sự tăng sinh của nấm.

  • Tránh tiêu thụ quá nhiều thức ăn chứa chất béo bão hoà.

  • Đối với bệnh nhân đái tháo đường, cần hạn chế dùng thức ăn chứa nhiều tinh bột và đường tinh luyện để ổn định lượng đường trong máu.

Phương pháp phòng ngừa Nấm âm đạo hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Tránh lạm dụng thuốc kháng sinh, corticosteroid và các thuốc có khả năng ức chế miễn dịch khác. 
  • Giữ vệ sinh vùng kín, tránh mặc đồ ẩm ướt và không thông thoáng.
  • Thường xuyên giặt quần áo lót.
  • Không thụt rửa âm đạo thường xuyên vì có thể tiêu diệt vi khuẩn âm đạo có vai trò kiểm soát sự phát triển của nấm.
Nguồn tham khảo

1. https://vncdc.gov.vn/

2. https://www.cdc.gov/

3. https://my.clevelandclinic.org/

4. https://kcb.vn/wp-content/

5. https://www.msdmanuals.com/

Các bệnh liên quan

  1. Suy buồng trứng sớm

  2. Vô sinh

  3. Sa tử cung sau sinh

  4. Ung thư cổ tử cung giai đoạn I

  5. Thai ngoài tử cung

  6. Bế sản dịch

  7. Liệt dương

  8. Mãn dục nam

  9. U bì buồng trứng

  10. Nhiễm khuẩn sau sinh