Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Thành phần khác/
  3. Calci nano

Calci nano là gì? Sự cần thiết của calci đối với cơ thể

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Calci là một chất dinh dưỡng quan trọng không thể thiếu mà cơ thể cần cho nhiều chức năng cơ bản. Đặc biệt, cơ thể cần calci để xây dựng và duy trì hệ xương chắc khỏe. Đồng thời cơ thể sẽ không thể tự sản xuất được calci, vì vậy, bạn phải dựa vào chế độ ăn để có được lượng calci cần thiết cho cơ thể.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Calci nano là gì?

Calci là một khoáng chất mà cơ thể bạn cần để xây dựng và duy trì hệ xương chắc khỏe cũng như thực hiện nhiều chức năng quan trọng. Hầu như toàn bộ calci trong cơ thể được lưu trữ ở xương và răng, chiếm khoảng 99%, tạo nên cấu trúc và độ cứng cho xương. Cơ thể cũng cần calci cho hoạt động của cơ bắp, các dây thần kinh, mạch máu và giúp giải phóng các hormone ảnh hưởng đến nhiều chức năng trong cơ thể.

Công nghệ nano được biết đến với việc sử dụng vật chất ở mức độ nguyên tử để tạo ra các vật liệu, thiết bị mới. Công nghệ nano là một hứa hẹn tiến bộ khoa học trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả lĩnh vực y khoa.

Calci nano1
Calci nano là calci được sản xuất bởi công nghệ nano

Calci bổ sung thông thường có kích thước lớn và không thể hấp thu một cách dễ dàng, cơ thể thường chỉ hấp thu được một phần và lượng calci dư thừa sẽ lắng đọng lại, đây là nguyên nhân gây các tác dụng không mong muốn như sỏi thận hay táo bón.

Calci nano là dạng calci sản xuất bởi công nghệ nano, calci nano ra đời như một biện pháp để khắc phục các nhược điểm của calci thông thường. Calci nano với kích thước siêu nhỏ, tăng hấp thu hơn calci thường đến 200 lần và không gây các tác dụng phụ như táo bón hay sỏi thận.

Điều chế sản xuất calci nano

Calci nano được điều chế sản xuất bởi công nghệ nano. Đây là một công nghệ tiến tiến giúp tạo ra các vật liệu ở mức độ nguyên tử. Từ đó, có thể tạo ra calci với kích thước siêu nhỏ, giúp calci dễ hấp thu hơn và không bị lắng đọng lại, giúp hạn chế các tác dụng không mong muốn mà calci thông thường mang lại.

Cơ chế hoạt động

Calci đóng vai trò then chốt trong giải phẫu, sinh lý, hóa sinh của cơ thể. Hơn 99% lượng calci trong cơ thể được lưu trữ trong xương dưới dạng hydroxyapatite. Calci ở dạng này cung cấp sức mạnh cho xương và cũng là nguồn dự trữ calci chính để giải phóng vào huyết thanh (vào máu). Trong huyết thanh, calci tồn tại với 3 dạng chính đó là calci tự do, ion hóa hoặc gắn với protein.

Cân bằng nội môi calci được duy trì nhờ hoạt động của các hormone điều hòa vận chuyển calci ở ruột, thận và xương. Ba loại hormone chính liên quan đến cơ chế hoạt động của calci là hormone PTH, vitamin D3 và calcitonin.

Tuyến cận giáp sẽ tiết hormone tuyến cận giáp là PTH để đáp ứng với tình trạng giảm calci huyết thanh. PTH sẽ tác động lên thận để giúp tăng tái hấp thu calci ở nhánh lên quai Henle, ống lượn xa và ống góp. Thận cũng phản ứng với PTH bằng cách tăng tiết vitamin D3, từ đó giúp tăng tái hấp thu calci qua ruột. PTH còn tác động lên xương để góp phần kích thích giải phóng calci tự do vào huyết thanh. Các quá trình này góp phần làm tăng calci huyết thanh.

Calcitonin được giải phóng bởi các tế bào cận nang tuyến giáp (tế bào C) để đáp ứng với tình trạng tăng calci huyết thanh. Calcitonin sẽ tác động lên xương để kích thích các nguyên bào xương đưa calci vào xương. Calcitonin còn ức chế quá trình tái hấp thu calci ở thận, làm tăng bài tiết calci qua nước tiểu. Và cuối cùng, calcitonin còn ức chế quá trình hấp thu calci ở ruột. Tất cả quá trình này sẽ dẫn đến giúp giảm calci huyết thanh.

Công dụng

Calci nano giúp bổ sung calci, một khoáng chất rất cần thiết cho cơ thể. Calci đóng vai trò trong nhiều chức năng khác nhau có thể kể đến như:

Với hệ xương

Hơn 99% lượng calci của cơ thể được lưu trữ ở xương và đây cũng là nguồn calci dự trữ để giải phóng vào máu. Calci là một yếu tố thiết yếu trong khoáng hóa xương, cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển, sức mạnh và cấu trúc bộ xương. Việc không bổ sung đủ lượng calci có thể khiến trẻ em còi xương, chậm lớn, thiếu chiều cao. Đồng thời không đủ calci có thể dẫn đến loãng xương (đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh), gãy xương khó hồi phục, dẫn đến tàn tật hay thậm chí là tử vong sớm.

Calci nano2
Loãng xương là tình trạng xương trở nên yếu, xốp và dễ gãy hơn

Với hệ cơ

Calci ion hóa đóng vai trò quan trọng trong sự co cơ. Calci sẽ kích hoạt sự co cơ bằng việc liên kết với tropomyosin, cho phép sự tương tác giữa myosin và actin dẫn đến co cơ, giúp cho sự hoạt động của cơ bắp. Đồng thời, calci còn liên quan đến hoạt động co cơ của cơ trơn ví dụ như hoạt động co bóp của tim.

Với hệ thần kinh

Calci cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền thần kinh. Liên quan đến quá trình truyền thông điệp của não với mọi bộ phận của cơ thể.

Với hệ miễn dịch

Calci hoạt động như một chất truyền tin thứ hai của nhiều tế bào trong đó có tế bào lympho. Calci dường như đóng một vai trò trung tâm trong việc kích hoạt các tế bào của hệ thống miễn dịch.

Liều dùng & cách dùng

Có hai dạng calci chính trong thực phẩm bổ sung là calci carbonat và calci citrate. Calci carbonat được hấp thu tốt nhất khi dùng với thức ăn. Trong khi đó, calci citrate được hấp thu tốt cả khi bụng đói hoặc no.

Calci quan trọng đến mức nếu bạn không nạp đủ lượng calci bằng chế độ ăn uống, cơ thể sẽ lấy calci từ xương và răng để sử dụng, từ đó khiến xương của bạn trở nên yếu đi. Việc sử dụng calci nano sẽ tùy thuộc vào nhu cầu calci của cơ thể. Những khuyến nghị về lượng calci còn tùy thuộc vào độ tuổi của bạn:

  • Trẻ sơ sinh đến 6 tháng tuổi: Lượng calci khuyến nghị là 200 mg/ngày;
  • Trẻ từ 7 - 12 tháng tuổi: 260 mg/ngày;
  • Trẻ từ 1 - 3 tuổi: 700 mg/ngày;
  • Trẻ từ 4 - 8 tuổi: 1.000 mg/ngày;
  • Trẻ từ 9 - 13 tuổi: 1.300 mg/ngày;
  • Thiếu niên từ 14 - 18 tuổi: 1.300 mg/ngày;
  • Người lớn từ 19 - 50 tuổi: 1.000 mg/ngày;
  • Nam giới từ 51 - 70 tuổi: 1.000 mg/ngày;
  • Nữ giới từ 51 - 70 tuổi: 1.200 mg/ngày;
  • Người lớn từ 71 tuổi: 1.200 mg/ngày.

Ứng dụng

Calci nano được ứng dụng chủ yếu trong nền y học để giúp cho cơ thể bổ sung calci mà giảm các tác dụng phụ của calci thông thường. Thực tế, bạn có thể bổ sung calci trong chế độ ăn uống thông qua các thực phẩm giàu calci như hải sản, các sản phẩm từ sữa hay một vài loại rau và đậu. Tuy nhiên, đối với các đối tượng đặc biệt như ăn chay, không dung nạp lactose thì việc bổ sung calci là có thể được khuyên dùng vì cơ thể sẽ không thể tự sản xuất calci.

Calci nano3
Một số thực phẩm giàu calci

Lưu ý

Mặc dù bổ sung calci thông qua chế độ ăn uống hay thực phẩm bổ sung là cần thiết cho cơ thể. Việc lựa chọn calci nano đã khắc phục được các nhược điểm của calci thông thường như táo bón, sỏi thận. Tuy nhiên, nếu bổ sung calci ở mức độ quá cao có thể dẫn đến các tác dụng không mong muốn. Do đó, các lưu ý khi bổ sung calci là:

Với liều dùng

Đối với người lớn từ 19 đến 50, giới hạn trên của việc bổ sung calci là mức 2.500 mg/ngày. Các đối tượng trên 50 tuổi không nên dùng quá 2.000 mg mỗi ngày vì điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như ung thư tuyến tiền liệt, sỏi thận hay calci tích tụ ở mạch máu với liều cao có thể gây các vấn đề về tim mạch.

Chất bổ sung kèm theo

Calci nano cho bé có thể giúp bé điều trị còi xương; giúp răng, xương phát triển hoặc có thể bổ sung từ chế độ ăn uống đầy đủ canxi và vitamin D.

Để bổ sung calci một cách hiệu quả, trước hết cần có vitamin D3 để giúp calci được hấp thu tại ruột vào máu, và vitamin K2 để giúp calci vận chuyển từ máu vào xương. Bên cạnh đó, việc bổ sung calci cũng nên cần chú ý đến các dưỡng chất cần thiết khác cho sự khỏe mạnh của xương như đồng, kẽm, magie, DHA…

Triệu chứng của tăng calci máu

Cuối cùng, nên chú ý đến các triệu chứng nguy hiểm của tình trạng tăng calci máu như buồn nôn, nôn, đau ngực, tim đập nhanh, nhịp tim không đều, suy nhược cơ thể, mệt mỏi… Để kịp thời, hãy nhanh chóng tìm sự giúp đỡ từ hệ thống y tế.

Nguồn tham khảo