Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư tuyến tiền liệt là gì? Nguyên nhân do đâu?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư hay gặp ở các nước phương Tây, đứng thứ hai sau ung thư phổi. Bệnh hay gặp ở độ tuổi trên 65 tuổi. Hơn 90% ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư biểu mô tuyến, chủ yếu là loại biệt hóa tốt. U nguyên phát có thể gồm một hoặc nhiều ổ. Khoảng ½ số bệnh nhân khi chẩn đoán đã có di căn xa mà hay gặp là di căn xương. Nguyên nhân: Cho đến nay, người ta còn chưa biết. Một số yếu tố như nội tiết, lối sống tình dục, dinh dưỡng,… có liên quan đến bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư tuyến tiền liệt là gì? 

Ung thư tuyến tiền liệt là bệnh đứng hàng thứ 4 trong các loại ung thư trên thế giới, tuy nhiên tần suất mắc bệnh khác nhau giữa các quốc gia và dân tộc. Tần suất ung thư tiền liệt tuyến ở người da đen cao hơn người da trắng và tương đối ít gặp ở người da vàng. Tần suất mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt thấp nhất ở châu Á (1,9/100.000 - Trung Quốc) và cao nhất ở Bắc Mỹ và vùng Scandinavi, đặc biệt là ở người Mỹ da đen (272/100.000). Ở Mỹ, ung thư tuyến tiền liệt là ung thư hay gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 2 ở nam giới; nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tử vong trong đời ở người da trắng và da đen lần lượt là 17,6% và 2,8% so với 20,6% và 4,7%.

Tỷ lệ tử vong cũng thay đổi nhiều giữa các quốc gia, cao nhất là Thụy Điển (23 ca/100.000/năm), thấp nhất là châu Á với < 5 ca/100.000/năm (Nhật, Singapore, Trung Quốc).

Tại Việt Nam, ung thư tuyến tiền liệt là một trong mười ung thư có xuất độ cao nhất. Tuy xuất độ ung thư tuyến tiền liệt ở nước ta thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, nhưng cùng theo đà phát triển kinh tế - xã hội như hiện nay thì tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt ở Việt Nam cũng có chiều hướng gia tăng. Tỷ lệ chung cả nước giai đoạn 1995 - 1996 là 1,3 - 1,5/100.000 nhưng đến giai đoạn 2002 tỷ lệ này là 2,3 - 2,5/100.000.

Tuổi mắc bệnh: Bệnh hiếm khi được chẩn đoán dưới 50 tuổi (chỉ chiếm 0,1% tổng số bệnh nhân), cao nhất ở tuổi 70 – 74.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt

Chủ yếu là các triệu chứng tiết niệu: Đái dắt, đái khó tăng dần, đôi khi gặp bí đái cấp tính.

Các triệu chứng toàn thân: Sụt cân, thiếu máu do xâm lấn tủy xương lan rộng.

Trên 10% ung thư tuyến tiền liệt âm thầm không có triệu chứng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư tuyến tiền liệt

Cho đến nay vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính gây bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) ung thư tuyến tiền liệt?

Nam giới tuổi trung bình từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ cao bị ung thư tuyến tiền liệt. 

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) ung thư tuyến tiền liệt

Yếu tố gia đình và di truyền: Nhiều chứng cứ về dịch tễ học cho thấy rằng ung thư tuyến tiền liệt có sự kết hợp yếu tố gia đình và di truyền, tỷ lệ mắc bệnh tăng theo số lượng thành viên bị tác động, mức độ thân thuộc và độ tuổi khi bị bệnh. Đến nay có ít nhất 8 gen nhạy cảm với ung thư tuyến tiền liệt đã được báo cáo: Rnase L/HPC1, ELAC2/HPC2, SR-A/MSR1, CHEK2, BRCA2, PON1, OGG1, MIC1.

Yếu tố nội tiết: Gần như tất cả các tế bào tuyến tiền liệt đều biểu hiện phụ thuộc androgen ở mức độ nào đó, quan sát thấy rằng ung thư tuyến tiền liệt không xảy ra trên người bị hoạn.

Yếu tố hóa học: Công nhân trong công nghiệp cao su, phân bón, dệt có tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt cao. Béo phì, chế độ ăn nhiều mỡ và hút thuốc lá cũng được ghi nhận có liên quan với ung thư tuyến tiền liệt.

Các yếu tố khác: So sánh có kiểm chứng, bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt được ghi nhận có đời sống tình dục mạnh hơn, nhiều bạn tình hơn và dường như đã từng bị bệnh lây truyền tình dục, mặc dù không có mối quan hệ nhân quả nào được chứng minh. Những nhận xét cho rằng cắt ống dẫn tinh dễ gây ung thư tuyến tiền liệt chưa đủ sức thuyết phục (Gieovannucci 1993, Dennis 2002).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt

Cho tới hiện nay, các biện pháp để tầm soát ung thư tuyến tiền liệt chủ yếu cũng dựa vào thăm khám trực tràng, đo nồng độ PSA và siêu âm qua ngả trực tràng.

Thăm khám trực tràng: Có giá trị khi khối u ở vùng ngoại vi và có thể tích lớn hơn 0,2 ml. Do giá trị tiên đoán thấp, chỉ khoảng 21 - 50% nên thăm khám trực tràng không thể sử dụng đơn độc trong tầm soát ung thư tuyến tiền liệt.

Chất chỉ điểm ung thư

  • Đo nồng độ PSA là một xét nghiệm có giá trị trong tầm soát và chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. PSA còn dùng để đánh giá kết quả điều trị và theo dõi sau điều trị.

  • Định lượng phosphatase acid và phosphatase kiềm. Hiện nay xét nghiệm này ít dùng vì ít đặc hiệu hơn so với PSA.

Chẩn đoán hình ảnh

  • Siêu âm tuyến tiền liệt qua ngả trực tràng và sinh thiết.

  • Chụp CT Scan hoặc cộng hưởng từ (IRM) có thể đánh giá được mức xâm lấn ung thư, tình trạng hạch tiểu khung.

  • Chụp xương: Tìm ổ di căn với tổn thương đặc xương.

  • Chụp UIV: Đánh giá thận, bàng quang, niệu quản.

Phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt hiệu quả

Ung thư tuyến tiền liệt còn khu trú, có thể phẫu thuật hoặc tia xạ triệt căn cho kết quả gần ngang nhau. Khi ung thư ở giai đoạn muộn, chủ yếu là điều trị nội tiết nhằm kéo dài thời gian sống và giảm triệu chứng.

Điều trị phẫu thuật

Cắt tuyến tiền liệt tận gốc và vét hạch là phẫu thuật triệt căn. Xu hướng mới là tăng cường bảo tồn dây thần kinh nhằm giảm tỷ lệ biến chứng liệt dương.

Các phương pháp phẫu thuật:

  • Mổ mở (open surgery): Qua đường sau xương mu (RRP) hoặc qua ngả hội âm (PRP).

  • Mổ nội soi (laparoscopy): Nội soi ổ bụng (LRP) hoặc ROBOT (RoRP).

Điều trị nội tiết

80% các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt phụ thuộc nội tiết. Tuy vậy, điều trị nội tiết vẫn mang tính chất tạm thời, hy vọng kéo dài thêm thời gian sống cho bệnh nhân. Điều trị nội tiết nhằm giảm nội tiết nam trong máu bao gồm:

  • Cắt tinh hoàn;

  • Thuốc nội tiết tố nữ;

  • Thuốc giống LHRH;

  • Thuốc kháng nội tiết tố nam mức thụ cảm nội tiết.

Điều trị xạ trị

Điều trị tia xạ chủ yếu là tia từ ngoài vào được áp dụng cho u còn khu trú, nhất là những khối u to hoặc đã có tổn thương hạch vùng. Những biến chứng chủ yếu là gây tổn thương ruột, bàng quang, trực tràng.

Tia xạ còn chỉ định vào những ổ di căn để chống đau.

Điều trị với hóa chất

Điều trị hóa chất trong ung thư tuyến tiền liệt không bao giờ là biện pháp điều trị bước đầu được lựa chọn vì loại ung thư này thường rất nhạy với nội tiết. Cyclophosphamide, Doxorubicine cho tỉ lệ đáp ứng dưới 10%. Loại thuốc Phosphate d’Estramustine gồm Oestradiol và mù tạc nitơ cho kết quả ở những bệnh nhân đã kháng nội tiết.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư tuyến tiền liệt

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa ung thư tuyến tiền liệt hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá.

  • Thực hiện khám sàng lọc bệnh hàng năm ở nam giới trên 40 tuổi và không được bỏ sót xét nghiệm PSA.

  • Tập thể dục 30 – 60 phút mỗi ngày.

  • Lựa chọn thực phẩm lành mạnh, hạn chế ăn nhiều chất béo.

Nguồn tham khảo
  1. Quyết định số 1514/QĐ-BYT ngày 01/04/2020 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu

  2. Bài giảng Ung thư học, Trường Đại học Y Hà Nội

  3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị năm 2017, Bệnh viện Bình Dân

  4. https://www.msdmanuals.com/

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư hạch

  2. Ung thư vòm hầu

  3. Ung thư vú

  4. Ung thư vòm mũi

  5. Rối loạn chức năng não sau hóa trị

  6. Ung thư ống hậu môn

  7. Ung thư buồng trứng giai đoạn IV

  8. Ung thư tim

  9. Ung thư bàng quang

  10. U sợi thần kinh