Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cảo bản: Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cảo bản là tên vị thuốc có nguồn gốc từ 2 loài Ligusticum sinensis Oliv. và L. jeholense L. thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Cả 2 loài này vốn mọc tự nhiên, sau được trồng ở Trung Quốc. Công dụng chữa cảm phong hàn, đau đầu; Kinh nguyệt không đều; Bán thân bất toại.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cảo bản.

Tên khác: Cảo bổn; Thổ khung; Quỷ thần; Quy tân.

Tên khoa học: Ligusticum sinensis Oliv. L. jeholense L. 

Họ: Hoa tán (Apiaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cây thảo, sống lâu năm, cao 1 – 1,5 m. Thân rễ ngắn. Thân mọc thẳng, phía gốc màu tím tía. Lá mọc so le, kép hai lần lông chim, mép có răng cưa nhọn, hai mặt nhẵn; cuống lá dài, phần gốc phát triển thành bẹ to ôm thân. Cụm hoa mọc ở ngọn thân và kẽ lá thành tán kép gồm 6 – 19 tán đơn dài ngắn không đều, mỗi tán đơn có 15 – 20 hoa nhỏ màu trắng. Quả gồm hai phần quả dính nhau, hình thoi, mỗi phân quả dài khoảng 5 mm, có sống dọc, đầu bằng có vòi nhụy tồn tại.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cảo bản là tên vị thuốc có nguồn gốc từ 2 loài Ligusticum sinensis Oliv.L. jeholense L. thuộc họ Hoa tán (Apiaceae). Cả 2 loài này vốn mọc tự nhiên, sau được trồng ở Trung Quốc.

Ở Việt Nam, hiện còn phải nhập dược liệu Cảo bản của Trung Quốc. Cây được trồng ở các tỉnh như Hà Bắc, Nội Mông, Cát Lâm, Sơn Tây.

Cảo bản
Cảo bản

Từ tháng 4 - 10 đào lấy rễ và thân rễ, cắt bỏ đầu, rửa sạch, thái lát, phơi khô. Thân rễ gần như hình cầu, đường kính 1 - 3 cm, mặt ngoài màu nâu sần sùi, mặt trong màu trắng ngà.

Bộ phận sử dụng

Thân, rễ.

Thành phần hoá học

Rễ và thân chứa tinh dầu, levistolid A, xiongterpen, acid linoleic, sucrose, daucosterol, acid ferulic và B sitosterol.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Rễ và thân rễ Cảo bản vị cay, tính ấm, không độc, quy kinh bàng quang, có công năng tán phong hàn, khu phong, táo thấp, chỉ thống. Tài liệu Trung Quốc cũng ghi: Cảo bản vị cay hơi ngọt, tính ôn có công năng tán phong, khư hàn, chỉ thống. Theo y học cổ truyền, Cảo bản có tác dụng:

  • Chữa cảm phong hàn, đau đầu.

  • Chữa kinh nguyệt không đều.

  • Chữa Bán thân bất toại (liệt nửa người), chân tay co quắp.

Theo y học hiện đại

Tác dụng hạ huyết áp và giãn mạch

Tác dụng kháng khuẩn

Nước sắc của thân rễ và rễ Cảo bản khi thêm vào môi trường nuôi cấy, có tác dụng ức chế một số chủng vi khuẩn kiểm định.

Tác dụng hạ sốt, chống viêm, giảm đau

Cảo bản có tác dụng hạ sốt, làm ra mồ hôi, nên thường được dùng để điều trị cảm sốt, nhức đầu. Tinh dầu được cất từ toàn cây Cảo bản tươi, cho chuột nhắt trắng uống với liều 7 - 14 g/kg có tác dụng giảm đau, làm giảm số lần đau quặn bụng chuột khi tiêm vào phúc dung dịch acid acetic.

Dược liệu Cảo bản
Dược liệu Cảo bản

 

Liều dùng & cách dùng

Thân rễ và rễ Cảo bản được dùng chữa cảm mạo, thấp khớp, đau nhức đầu, đau nửa đầu, kinh nguyệt không đều. Ngày dùng 3 – 6 g sắc nước uống.

Thân rễ hoặc cây Cảo bản tươi nấu nước, gội đầu cho sạch gầu, hoặc sắc lấy nước để tắm và giặt quần áo khi trẻ em bị ghẻ lở, chốc đầu, mụn nhọt.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa đau đầu (chủ yếu chứng đau đầu ở đỉnh, do ngoại cảm phong hàn sợ lạnh, không có mồ hôi, hoặc do viêm mũi, viêm xoang gây đau đầu)

Chuẩn bị: Khương hoạt 8 g, độc hoạt 12 g, phòng phong 12 g, Cảo bản 12 g, mạn kinh tử 12 g, xuyên khung 6 g, cam thảo 6 g.

Thực hiện: Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần.

Chữa đầu có nhiều gàu

Chuẩn bị: Cảo bản, bạch chỉ, hai vị lượng bằng nhau, tán thành bột mịn.

Thực hiện: Tối hôm trước sát hỗn hợp bột vào đầu, sáng hôm sau gội đầu, có thể sắc, lấy nước gội đầu.

Chữa đau bụng do lạnh khi đang hành kinh

Chuẩn bị: Can khương, mộc hương, cam thảo, Cảo bản, phục linh, phòng phong và tế tân mỗi vị 4 g, đan bì, thương truật, ô dược, mạch môn, quy đầu, bán hạ và ngô thù du mỗi vị 8 g.

Thực hiện: Các vị sắc lấy nước và chia thành 2 lần uống. Ngày dùng 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.

Chữa chứng đau nửa đầu

Chuẩn bị: Cảo bản 6 g, xuyên khung 3 g, phòng phong 5 g, bạch chỉ 3 g, tế tân 2 g, cam thảo 3 g.

Thực hiện: Đổ 3 bát nước sắc còn khoảng 1 bát (200 ml) chia 2 lần uống nóng, sau bữa ăn trong ngày.

Cảo bản chữa đau bụng
Cảo bản chữa đau bụng

 

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Cảo bản:

  • Không dùng khi nhức đầu do thiếu máu.

  • Không dùng cho người bị đau đầu do huyết hư.

  • Không có thực tà phong hàn và âm hư hỏa vượng không nên dùng Cảo bản.

Cảo bản là loài cây dược liệu phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Cảo bản có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo

1. https://thuocdongduoc.vn/cao-ban-Ligusticum-jeholense.

2. https://tracuuduoclieu.vn/cao-ban.html.