Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau nửa đầu: Bệnh phổ biến dễ tái phát cần có biện pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau nửa đầu thường là cơn đau vừa phải hoặc dữ dội với cảm giác đau nhói ở một bên đầu. Đau nửa đầu là tình trạng bệnh khá phổ biến với tỷ lệ hiện mắc hàng năm là 18% phụ nữ và 6% nam giới, hay gặp nhất ở độ tuổi 25 – 55.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau nửa đầu là gì?

Đau nửa đầu (Migraine) là hội chứng đau thần kinh mạch máu với sự thay đổi quá trình xử lý thông tin của các neuron thần kinh trung ương (kích hoạt các nhân của thân não, tăng khả năng kích thích của vỏ não và ức chế vỏ não lan tỏa) và sự tham gia của hệ thống thần kinh mạch máu (kích hoạt sự giải phóng neuropeptide, gây viêm đau trong các mạch nội sọ và màng cứng).

Đau nửa đầu đặc trưng bởi các cơn đau đầu một bên có tính chất mạch đập, tăng lên khi hoạt động thể chất và thường đi kèm với triệu chứng sợ ánh sáng, sợ tiếng động, buồn nôn, nôn và thường xuyên có triệu chứng dị cảm vùng da đầu.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau nửa đầu

Một số triệu chứng đau nửa đầu có thể bao gồm:

Triệu chứng tiền triệu (cảm giác thấy chứng đau nửa đầu chuẩn bị bắt đầu) bao gồm thay đổi khí sắc, mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn.

Triệu chứng vùng hào quang (aura) có thể xuất hiện ở một số đối tượng trước các cơn đau. Aura là những bệnh lý thần kinh tạm thời có thể ảnh hưởng đến cảm giác, thăng bằng, sự phối hợp cơ, nói hoặc thị lực; kéo dài phút cho tới một giờ. Aura liên quan tới các triệu chứng thị giác (rối loạn thị giác - ví dụ: Ánh sáng lấp lóe hai mắt, các quầng sáng hồ quang, các đường zigzags sáng, ám điểm trung tâm). Di cảm và tê bì (thường bắt đầu ở một tay và lan đến mặt và cánh tay cùng bên), rối loạn ngôn ngữ và rối loạn chức năng thân não thoáng qua (gây ra chứng mất ngủ, nhầm lẫn, thậm chí là lú lẫn) ít gặp hơn so với aura thị giác. Một số bệnh nhân có aura kèm theo đau đầu ít hoặc không đau đầu.

Đau đầu thay đổi từ trung bình đến nặng, và các cơn kéo dài từ 4 giờ đến vài ngày, thường đỡ đau khi ngủ. Đau thường một bên nhưng có thể hai bên, thường gặp nhất ở vùng trán thái dương và thường được mô tả đau kiểu mạch đập hoặc đau nhói.

Các triệu chứng khác như buồn nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng động và sợ mùi khó chịu. Bệnh nhân kể khó tập trung trong các cơn đau.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh đau nửa đầu

Chứng đau nửa đầu có thể sẽ gặp các biến chứng sau đây: 

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ đột ngột xuất hiện khi nguồn cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn bởi cục bộ máu đông hoặc chất béo trong mạch. Các nghiên cứu chỉ ra rằng những người trải qua nửa đầu đau đớn có nguy cơ bị mất máu cục bộ ở một điểm nào đó cao gấp đôi so với những người khác người không bị đau nửa đầu. 

Chứng đau nửa đầu có nguy cơ gia tăng các vấn đề sức khỏe tâm thần như: Phiền muộn, rối loạn lưỡng cực, rối loạn lo âu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đến gặp bác sĩ đa khoa nếu bạn có các chứng đau nửa đầu thường xuyên (hơn 5 ngày một tháng) hoặc nghiêm trọng. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau nửa đầu

Nhiều nguyên nhân dẫn đến đau nửa đầu bao gồm:

Hện tượng ức chế lan tỏa trên vỏ não khiến hoạt động thần kinh bị ức chế trên vùng vỏ não. Hiện tượng này làm giải phóng các yếu tố gây viêm dẫn đến việc kích thích gốc các dây thần kinh sọ, nhất là dây thần kinh sinh ba, là dây thần kinh truyền đạt các thông tin về cảm giác ở mặt và phần lớn đầu.

Cơn đau bắt đầu khi mạch máu trong não co và dãn không thích hợp. Điều này có thể bắt đầu từ thùy chẩm, nằm phía đằng sau ở não, khi các động mạch co thắt. Dòng máu chảy bị thiếu hụt ở thùy chẩm gây ra tiền triệu ở một số bệnh nhân bởi vì vùng thị giác nằm ở thùy chẩm.

Serotonin là một chất truyền đạt thần kinh, giúp kiểm soát tính khí, cảm nhận đau, hành vi tình dục, giấc ngủ, cũng như sự co giãn mạch máu. Nồng độ serotonin thấp trong não có thể dẫn đến quá trình co giãn mạch máu và kích hoạt cơn đau nửa đầu.

Khi một số dây thần kinh nhất định hoặc một vùng trên thân não bị kích thích, cơn đau bắt đầu. Đáp ứng lại sự kích thích, cơ thể giải phóng các hóa chất gây viêm mạch máu. Các hóa chất đó tiếp tục gây kích thích thêm các dây thần kinh và mạch máu và gây ra đau. Hoạt chất P là một trong những hoạt chất được giải phóng khi bị kích thích lúc đầu. Cảm giác đau tăng lên khi hoạt chất P giúp chuyển dấu hiệu đau lên não.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị đau nửa đầu?

Các đối tượng sau đây có nguy cơ bị đau nửa đầu cao hơn người bình thường:

  • Người có tiền sử gia đình mắc phải bệnh đau nửa đầu. 
  • Độ tuổi 30 thường khả năng bị đau nửa đầu cao nhất và mức độ nghiêm trọng của cơn đau giảm dần sau mỗi 10 năm.
  • Phụ nữ có nguy cơ gặp phải tình trạng này cao gấp 3 lần đàn ông. Đặc biệt là phụ nữ khi có kinh nguyệt, khi mang thai hay mãn kinh.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải đau nửa đầu

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đau nửa đầu, bao gồm các nội tố chính, cảm xúc, thể chất, chế độ ăn uống, môi trường và thuốc:

Sự thay đổi hormon của phụ nữ: Một số phụ nữ bị đau nửa đầu vào khoảng thời gian có kinh, có thể làm thay đổi nồng độ của các hormon như estrogen trong khoảng thời gian này. Nhiều phụ nữ có chứng đau nửa đầu họ được cải thiện sau khi mãn kinh nhưng một số phụ nữ khác lại thấy bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn vào thời kỳ mãn kinh.

Các yếu tố cảm xúc như: Căng thẳng, lo âu, phiền muộn, mệt mỏi, mất ngủ kém.

Chế độ ăn uống thiếu lành mạnh như: Sử dụng nhiều rượu bia, sản phẩm chứa caffeine như trà và cà phê, thực phẩm có chứa chất tyramine, bao gồm thịt đông lạnh, chất chiết xuất từ ​​nấm men, cá trích muối, cá hun khói (như cá hồi hun khói) và một số loại pho mát.

Chế độ sinh hoạt thiếu lành mạnh như: Thức khuya, sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều, hút thuốc lá.

Một số yếu tố từ môi trường được kích hoạt như: Âm thanh ồn ào, thay đổi khí hậu (thay đổi độ ẩm, áp suất không khí hoặc nhiệt độ quá lạnh), mùi quá mạnh.

Sử dụng các loại thuốc như thuốc tránh thai, liệu pháp thay thế hormone (HRT), thuốc giãn mạch có chứa nitroglycerin.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau nửa đầu

Thăm khám lâm sàng

Bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán cho tình trạng này nhờ vào việc kiểm tra sức khỏe thể chất lẫn thần kinh, nghe mô tả về các triệu chứng gặp phải của bệnh nhân. Sau đó dựa vào bảng tiêu chuẩn quốc tế để chẩn đoán tình trạng của bệnh nhân. Tiêu chuẩn chẩn đoán đau nửa đầu theo phiên bản thứ 3 của bảng phân loại quốc tế về đau đầu (ICHD-3):

  • (A): Ít nhất 5 cơn đau đầu có đủ tiêu chuẩn B - D.
  • (B): Các cơn đau đầu kéo dài 4 - 72 giờ (khi không được điều trị hoặc điều trị thất bại).
  • (C): Đau đầu kèm theo ít nhất hai trong các triệu chứng sau:
    • Đau đầu 1 bên;
    • Có tính chất mạch đập;
    • Cường độ đau từ trung bình đến nặng;
    • Đau đầu tăng lên bởi các hoạt động thể chất hàng ngày (ví dụ như đi bộ hoặc bước lên cầu thang) hoặc không thể làm các việc này do đau đầu.
  • (D): Đau đầu có kèm theo ít nhất một trong các triệu chứng sau:
    • Buồn nôn hoặc nôn;
    • Sợ ánh sáng và sợ tiếng động.
  • (E): Đau đầu không giải thích được bởi các chẩn đoán khác.

Kỹ thuật xét nghiệm

Bác sĩ thường yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các nguyên nhân khác, có thể bao gồm:

Chụp MRI: Kỹ thuật này sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của não và các mạch máu. Từ đó, bác sĩ có thể chẩn đoán được các tình trạng khác có thể gây đau nửa đầu bên trái hoặc bên phải như có khối u, đột quỵ, xuất huyết trong não, nhiễm trùng và các vấn đề khác liên quan đến não và hệ thần kinh.

Chụp CT: Kỹ thuật này sử dụng tia X để tạo ra được hình ảnh cắt ngang chi tiết của não bộ. Dựa trên hình ảnh thu được, bác sĩ có thể xem có khối u, nhiễm trùng, tổn thương não, chảy máu trong não hay vấn đề khác gây đau nửa đầu hay không.

Phương pháp điều trị đau nửa đầu hiệu quả

Một số phương pháp điều trị đau nửa đầu hiệu quả bao gồm:

Yoga hoặc các phương pháp can thiệp hành vi có thể làm giảm tần suất và cường độ đau đầu; nó làm tăng trương lực phế vị và giảm sự giao cảm, do đó cải thiện sự cân bằng thần kinh.

Sử dụng thuốc đối với các cơn đau từ nhẹ đến trung bình: NSAIDs hoặc acetaminophen được sử dụng để điều trị cơn đau nhẹ và trung bình. Thuốc chống nôn đơn thuần có thể được sử dụng để giảm các cơn đau nhẹ hoặc trung bình.

Sử dụng thuốc đối với các cơn đau nặng: Triptan có hiệu quả nhất khi dùng lúc khởi phát các cơn migrain. Khi buồn nôn là triệu chứng nổi bật, kết hợp triptan với thuốc chống nôn khi khởi phát các cơn sẽ có hiệu quả. Dihydroergotamine đường tĩnh mạch cùng với thuốc chống nôn đối kháng dopamin giúp loại bỏ các cơn đau rất nghiêm trọng, kéo dài. Opioids nên được sử dụng như là công cụ cuối cùng (thuốc cứu hộ) cho đau đầu mức độ nặng khi các biện pháp khác không có hiệu quả.

Điều trị thần kinh: Các phương pháp điều trị thần kinh có thể không xâm lấn, sử dụng các thiết bị có sẵn, hoặc xâm lấn. Kích thích từ xuyên sọ không xâm lấn, sử dụng một thiết bị cầm tay áp vào phía sau đầu có thể làm giảm chứng đau nửa đầu cấp tính với aura. Kích thích dây thần kinh sinh ba, với một thiết bị áp vào trán nhằm làm giảm tần số các cơn đau ở bệnh nhân.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau nửa đầu

Chế độ sinh hoạt:

Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Nghỉ ngơi, nhắm mắt và nằm thư giãn trong một căn phòng yên tĩnh, không có quá nhiều ánh sáng.

Thay quần áo rộng rãi, thoáng mát hay chườm mát vùng trán.

Chế độ dinh dưỡng:

Uống nhiều nước, bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Hạn chế sử dụng rượu bia, trà và cà phê.

Hạn chế sử dụng thực phẩm có chứa chất tyramine, bao gồm thịt đông lạnh, chất chiết xuất từ ​​nấm men, cá trích muối, cá hun khói và một số loại pho mát.

Phương pháp phòng ngừa đau nửa đầu hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Tìm cách quản lý những căng thẳng trong công việc, cuộc sống như tập luyện thể dục, tập thiền, thực hiện liệu pháp phản hồi sinh học theo hướng dẫn của bác sĩ. 

Ghi chú lại những thứ bạn nghĩ đã kích thích cơn đau nửa đầu xảy ra, từ đó thay đổi lối sống phù hợp.

Nên thiết lập thói quen ngủ khoa học, không ngủ quá ít hoặc quá nhiều; đồng thời cố gắng ăn các bữa vào cùng một thời điểm trong ngày.

Tập thể dục đều đặn với các bài tập như đi bộ, đạp xe, bơi lội, aerobic… Hãy khởi động từ từ, tránh tập ngay với cường độ cao đột ngột có thể kích hoạt cơn đau đầu.

Nguồn tham khảo
  1. Msdmanuals.com: https://www.msdmanuals.com/vi/
  2. Ailani J., Burch R.C., Robbins M.S. et al (2021), “The American Headache Society Consensus Statement: Update on integrating new migraine treatments into clinical practice“, Headache: The Journal of Head and Face Pain, 61(7), pp. 1021-1039.
  3. Nhs.uk: https://www.nhs.uk/conditions/migraine/

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn chức năng não sau hóa trị

  2. Sứt môi và hở hàm ếch

  3. Ái kỷ

  4. Đau đầu vận mạch

  5. Viêm màng não vô khuẩn

  6. Liệt mặt

  7. U nang giáp móng

  8. U hốc mũi

  9. Nhức đầu chóng mặt

  10. Hội chứng mắt mèo